Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền trong dòng chảy cách mạng Việt Nam suốt 90 năm qua chính là ở sự vận dụng sáng tạo, sự hoàn thiện, bổ sung và phát triển không ngừng về lý luận.
Công tác tư tưởng là cầu nối giữa nhận thức và hành động vì sự tồn tại xã hội và phát triển lịch sử, nếu không có tư tưởng đúng thì con người sẽ theo đuổi những lợi ích nhỏ lẻ có tính xung đột với nhau, phá vỡ mọi quy tắc ứng xử xã hội, gây rối loạn, bất ổn, bất an, thậm chí tan rã chính quyền, mất chế độ.
Sự xung đột đáng sợ nhất chính là sự xung đột về hệ tư tưởng; mỗi người, mỗi cộng đồng xã hội và từng quốc gia đều lựa chọn một hệ tư tưởng cụ thể, nếu mất phương hướng vì thiếu niềm tin vào hệ tư tưởng chính thống thì tất yếu sẽ loạn lạc.
Từ khi loài người xuất hiện đến nay, có 3 điều trở thành quy luật tồn tại và phát triển xã hội: 1) Con người là chủ thể của sự cải biến, thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội, nếu không có cải biến thì con người không thể tồn tại. Các nền văn minh nhân loại đã trải qua và đang hướng tới chính là sự tích tụ hàng triệu năm tiến hóa và hàng ngàn năm sáng tạo. 2) Vì sự sinh tồn, con người buộc phải tìm ra những phương thức tác động tới tâm lý, tư tưởng, cố kết cộng đồng, hợp lực đấu tranh với thiên tai, địch họa. Sức mạnh của con người không nằm trong sức mạnh của số đông, cơ bắp hay sức mạnh vũ khí hiện đại, mà được tiềm ẩn và khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần. Trước mỗi việc đại sự của cộng đồng, thường người ta phải làm thông tư tưởng cho mọi người, đó chính là vũ khí đặc biệt của con người, thiếu nó mọi sự bất thành. 3) Thủ lĩnh của một bộ tộc, bộ lạc, quốc gia trước hết phải là người biết thu phục nhân tâm. Một chính đảng có khả năng cầm quyền và tồn tại trước hết phải dựa vào nền tảng tư tưởng tiến bộ, biết phụng sự vì lợi ích tối cao của nhân dân, của đất nước, bảo đảm quyền dân chủ thực sự cho nhân dân, giữ được niềm tin của nhân dân; dựa vào luật pháp là tối thượng để quản lý xã hội. Khi những người cầm quyền bị lợi ích cục bộ thao túng, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân thì chế độ tất yếu sụp đổ.
Bài học xương máu từ sự thất bại của Công xã Paris, sự sụp đổ của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là minh chứng điển hình về sự thiếu hụt hoặc đánh mất nền tảng tư tưởng.
Sự hình thành, tồn tại của nhà nước và chế độ dân chủ ở Hy Lạp, La Mã trước hết là dựa vào ý nguyện của dân được tham gia, được thể hiện quyền công dân của mình đối với việc điều hành xã hội. Những bộ luật sơ khai được khắc trên đá của thành Athens cổ đại (Hy Lạp) đã công khai, minh bạch quyền công dân, người dân thấy mình được tôn trọng, được hiện diện trong quá trình kiến tạo và duy trì nhà nước. Tuy nhiên, đến khi chế động phong kiến, rồi chế độ tư sản thì quyền công dân của con người đã bị tước bỏ; phân chia lợi ích và phân tầng xã hội dần trở thành mâu thuẫn đối kháng. Cách mạng xã hội vì thế mà bùng nổ.
Công xã Paris, Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là kết quả của sự vùng lên chống áp bức cường quyền. Trong các sự kiện đó, con người đã được giác ngộ hướng tới một xã hội, một chế độ tốt đẹp, bình đẳng, dân chủ hơn. Công tác tư tưởng chính là tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục con người biết phản kháng, đấu tranh với những loại hình áp bức, bất công, xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, người biết tôn trọng người; nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội đều phải hướng vào hiện thực hóa những giá trị nhân văn, nhân bản được nêu trong hiến pháp, được khẳng định trong chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền.
Dân tộc ta có một giá trị tư tưởng bất biến, trở thành giá trị riêng có để trường tồn chính là sự tự tôn, tự lập, tự cường. Làm cho giá trị cao quý ấy trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong mỗi con người, mỗi cộng đồng và toàn xã hội thì chắc chắn đó sẽ là sức mạnh sáng tạo lớn lao chưa từng có trong thời đại hiện nay. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta sử dụng vũ khí tư tưởng để đánh tiêu tan tâm lý nhược tiểu, buông xuôi số phận lịch sử. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ năm đầu sau Tuyên ngôn Độc lập, rồi 2 cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại đã cho thấy sức mạnh của một dân tộc có Đảng, có Bác Hồ soi đường chỉ lối.
Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là kim chỉ Nam cho sự hoạch định đường lối lãnh đạo của Đảng, là sự giải tỏa mọi bế tắc lịch sử mà những bậc tiền bối trước Nguyễn Tất Thành từng cam chịu (điều này đã được Phan Bội Châu thừa nhận: trăm thất bại không một lần thành công).
Để tiếp tục mài dũa cho thứ vũ khí linh nghiệm của Đảng ngày một sắc bén hơn, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là mối quan tâm của Nhân dân. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, với những nội dung cụ thể như:
Thứ nhất, cần phải tuyên truyền, giáo dục, khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cách nay 100 năm là sự lựa chọn của lịch sử; là sự bắt nhịp xu hướng thời đại; đã được kiểm định bởi lịch sử dân tộc ta qua 90 năm có Đảng lãnh đạo.
Các bậc tiền bối cách mạng đã luôn nghiên cứu, học tập và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sau nhiều thập kỷ đối đầu, thù địch, sử dụng sức mạnh của kinh tế, vũ khí hiện đại hòng thủ tiêu Đảng cộng sản Việt Nam, đến nay các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam đều chấp nhận vị thế cầm quyền của Đảng ta.
Giữa những hỗn mang của các luồng tư tưởng không chính thống dưới các màu sắc tôn giáo, sắc tộc, dân túy, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo… đang được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị ra sức thúc đẩy, thì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là dòng chảy chủ đạo trong đời sống tư tưởng chính trị của Việt Nam.
Bất kỳ ai còn yêu Đảng, yêu Bác Hồ, yêu chế độ, yêu Nhân dân thì không được phép lơ là, mất cảnh giác hoặc dao động trước những “viên đạn bọc đường” mang tên “Chiến lược diễn biến hòa bình”. Chiến lược đó đã thành công ở đâu đó, nhưng chắc chắn không thể thành công tại Việt Nam.
Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền trong dòng chảy cách mạng Việt Nam suốt 90 năm qua chính là ở sự vận dụng sáng tạo, sự hoàn thiện, bổ sung và phát triển không ngừng về lý luận. Vì thế, việc chú trọng nghiên cứu những vấn đề mới, những vấn đề khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, cung cấp cơ sở lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn ở tầm khái quát lý luận là nhiệm vụ phải được đặt ra thường xuyên hơn.
Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) là dịp để Đảng nhìn lại một chặng đường sáng tạo lý luận cho cách mạng Việt Nam; từ đó có những dự cảm chính trị mới, mở rộng, nâng cao tầm tư duy chiến lược cho đất nước hướng tới mục tiêu xây dựng thành công một nước Việt Nam cường thịnh vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm lập nước.
Thứ ba, có được sự trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng của Đảng thì mọi chủ trương, đường lối, chính sách do Đảng, Nhà nước ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu lịch sử, tức là đáp ứng được lòng mong mỏi của Nhân dân.
Ca dao xưa có câu “Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”. Lòng dân luôn hướng về sự bình an, nên cho dù cuộc sống vật chất được nâng cao mà dân vẫn phải “nơm nớp” lo sợ trăm điều bất ổn, bất an thì khó có sự “tuyệt đối trung thành với Đảng” được. Ngày xưa, Trần Hưng Đạo từng khuyên Vua Trần phải khoan thư sức dân, làm kế rễ sâu, gốc bền, đó là thượng sách giữ nước. Chu Văn An từng dâng “Thất trảm sớ” đòi Vua Trần chém đầu những kẻ bất chính trong triều đình. Nguyễn Trãi từng khuyến nghị với Vua Lê phải lấy tiếng cười hoan hỉ của dân chúng nơi thâm sơn cùng cốc để làm gốc của nhã nhạc.
Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy phải lấy dân làm nền móng vững chắc nền xây lâu đài chế độ. Ngày nay, kinh tế nước ta đã mạnh hơn, đời sống khá giả hơn, nhưng người dân vẫn phải đối mặt với không ít những nguy cơ bất ổn, bất an, từ môi trường thiên nhiên đến môi trường xã hội. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải đi vào phòng, chống, đấu tranh đẩy lùi, làm tiêu tan mọi nguy cơ gây họa cho dân. Trong đó, đấu tranh với nạn tham nhũng là việc làm có ý nghĩa “trị một số người để cứu muôn người” như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó ngành Tuyên giáo đóng vai trò chủ lực mà Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan đầu não của Ngành.
Nhờ có mối quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nên từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển bền vững.
Việc tham mưu với Đảng, Nhà nước về cơ sở khoa học để ban hành chủ trương, chính sách mới đã được nâng cao chất lượng, bảo đảm tính dự báo, phát hiện, hiến kế có cơ sở lý luận và thực tiễn; đồng thời không ngừng đối mới học tập, quán triệt, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết nghị quyết, nên sức sống của nghị quyết được gia tăng rõ nét.
Công tác tuyên truyền, cổ động ngày một kịp thời, sinh động, thiết thực, hiệu quả hơn; góp phần định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, tạo sức lan tỏa xã hội sâu rộng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện kiên trì, sáng tạo, mang đến cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội những suy nghĩ và hành động tốt đẹp, trong sáng.
Báo chí đang tự mình xây dựng và chỉnh đốn cả về bộ máy tổ chức, sắp xếp mạng lưới cho khoa học hơn, tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả hơn, nhất là đấu tranh với những thói hư tật xấu. Báo chí ngày càng thể hiện rõ là một binh chủng thiện chiến trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cổ vũ cho những nhân tố mới, làm bà đỡ cho những phát kiến sáng tạo.
Văn hóa, văn nghệ vẫn tiếp tục trăn trở với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, đấu tranh đẩy lùi những thói hư tật xấu trong ứng xử xã hội, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xác định và định vị các giá trị văn hóa dân tộc ở tầm di sản thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để hình thành tầm văn hóa dân tộc thời đại mới.
Các lĩnh vực khoa giáo có bước chuyển biến tích cực, đã và đang hướng tới tham mưu có tính căn cơ, đi vào chiều sâu, góp phần quyết định vào chất lượng nguồn lực con người, nguồn lực khoa học, công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội để đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập thành công.
Kể từ sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII được ban hành, ngành Tuyên giáo đã chủ động, tích cực vào cuộc, đổi mới phương thức đấu tranh, kết nối lực lượng tạo thành thế trận nhiều tầng, nhiều lớp làm phá sản mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Việc học tập, giáo dục lý luận chính trị có bước đổi mới theo hướng thiết thực, thực chất, hiệu quả, học để trang bị lý luận cách mạng, giữ được bản lĩnh chính trị trước mọi thử thách; vận dụng vào thực tiễn cách mạng, để thực hiện nhiệm vụ của Đảng tốt hơn, có cơ sở khoa học hơn, tránh bệnh duy chí chí. Công tác lịch sử Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, coi trọng giá trị lịch sử trong sự kiện, quan tâm tính giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng. Đối với thế hệ cách mạng cho đời sau, việc giáo dục lý luận chính trị và lịch sử sẽ là cẩm nang cho nhận thức và hành động, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, phụng sự Tổ Quốc, phục vụ Nhân dân, sống có ích cho xã hội, cống hiến cho đất nước.