Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là di sản tinh thần vô giá, là nền tảng sức mạnh và là chìa khóa để triển khai thắng lợi, hiệu quả đường lối, chiến lược và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta qua các giai đoạn cách mạng. Hiện nay, đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế khi tình hình trong nước và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết để mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và là người sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, nền ngoại giao hiện đại Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với những bước đường cách mạng của cả dân tộc, đóng góp xứng đáng vào những thành quả cách mạng của đất nước1. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với những nguyên lý và nội dung cơ bản, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao, là bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay cũng như mai sau tiếp tục xuất phát từ nền tảng tư tưởng đó và theo hướng kim chỉ nam ấy. Vì thế, việc không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt và thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh sẽ góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng và triển khai thành công đường lối đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Có như vậy, ngoại giao Việt Nam mới có thể vươn lên ngang tầm với thời đại, trở thành nền ngoại giao cách mạng, chính quy và hiện đại, có đủ khả năng để xử lý linh hoạt, kịp thời và hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò của ngoại giao trong lịch sử dân tộc và trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một dân tộc anh hùng, bền bỉ và kiên cường chinh phục thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để tồn tại và phát triển. Hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước. Từ buổi đầu dựng nước cho đến nay, các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau thường xuyên phải cầm vũ khí chống trả các thế lực xâm lược, bảo vệ non sông, nòi giống và bản sắc văn hóa dân tộc. Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà sự nghiệp giữ nước lại thường xuyên gặp phải tình thế cam go như dân tộc Việt Nam: Kẻ thù xâm lược luôn mạnh hơn rất nhiều lần. Do có vị trí địa – chính trị, địa – quân sự, địa – kinh tế quan trọng trong khu vực, nên từ khi dựng nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam luôn bị các thế lực đế quốc thực dân hùng mạnh nhất nhòm ngó, xâm lược. Nhưng cuối cùng, chiến thắng luôn thuộc về Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn luôn trường tồn và phát triển. Có thể nói, trong lịch sử, Việt Nam là dân tộc luôn có khả năng vượt qua những trở ngại lớn vì có sức sống mạnh mẽ. Đó là một dân tộc anh hùng, không chịu khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào.
Lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam đã khẳng định: Mặc dù kẻ xâm lược thường lớn hơn và mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần, nhưng do đoàn kết được các tầng lớp xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nên dân tộc Việt Nam thường lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, và cuối cùng đã đánh bại được mọi kẻ thù. Trong tất cả các thời kỳ lịch sử, bảo vệ độc lập luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam. Để bảo vệ được độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam thường phải đấu tranh trên nhiều mặt trận, trong đó mặt trận quân sự có tầm quan trọng hàng đầu. Nhưng để làm cho cuộc đấu tranh quân sự có được nhiều thuận lợi, dân tộc Việt Nam còn đấu tranh tài giỏi trên mặt trận ngoại giao.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã biết đến vai trò quan trọng của ngoại giao như là một công cụ đấu tranh hòa bình với các quốc gia khác nhằm đạt mục đích “quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”. Bậc minh quân và hiền tài các triều đại phong kiến đều thể hiện quan điểm: Đấu tranh ngoại giao luôn luôn hỗ trợ cho đấu tranh quân sự chống ngoại xâm. Đấu tranh ngoại giao có thể diễn ra sau hoặc đi trước đấu tranh quân sự. Có nhiều trường hợp, đấu tranh ngoại giao đi trước và diễn ra song song với đấu tranh quân sự, nhằm kết thúc đấu tranh quân sự với những điều kiện có lợi cho dân tộc, đất nước.
Lịch sử ngoại giao của Việt Nam được biết đến từ thời đại Hùng Vương. Từ thời kỳ Ngô, Đinh, Lê trở về sau, các hoạt động ngoại giao của ông cha ta ngày càng trở nên tài tình, khôn khéo, lúc cương, lúc nhu, luôn luôn thích hợp với tình hình cụ thể. Thế kỷ XV, những cuộc vận động ngoại giao do Lê Lợi và Nguyễn Trãi tiến hành với quân Minh đã tạo điều kiện cho nghĩa quân Lam Sơn đi từ thắng lợi quân sự này đến thắng lợi quân sự khác. Những thắng lợi này là tiền đề buộc Vương Thông ở Đông Quan phải chấp nhận các điều kiện đầu hàng do nghĩa quân Lê Lợi đề ra.
Trong tất cả các thời kỳ lịch sử, mục tiêu của ngoại giao Việt Nam bao giờ cũng là độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Vì mục tiêu đó, nhân dân Việt Nam phải hy sinh cả xương máu để đấu tranh chống ngoại xâm. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, cụ thể là khi đã giành được những thắng lợi quyết định trên chiến trường bằng sức mạnh quân sự thì Việt Nam chủ động tiến hành các biện pháp ngoại giao để chấm dứt chiến tranh, kể cả mở cơ hội cho kẻ địch rút quân khỏi nước ta trong danh dự.
Đầu năm 1077, Lý Thường Kiệt đã làm cho quân Tống của Quách Quỳ khổ sở, mỏi mệt ở bờ bắc sông Cầu (Như Nguyệt). Ông biết nếu cứ để chiến tranh tiếp tục thì quân Tống có thể bị tiêu diệt. Nhưng chờ đến ngày đó, quân và dân Việt Nam phải mất nhiều xương máu, đất nước Việt Nam còn bị tàn phá. Lý Thường Kiệt thấy rằng mở một lối thoát cho Quách Quỳ để kéo quân về nước, trả đất Việt Nam cho người Việt Nam, thì có lợi hơn là để cho chiến tranh tiếp tục. Do đó, ông đã cho biện sĩ sang doanh trại Quách Quỳ mở mặt trận đấu tranh ngoại giao. Chấp nhận các điều kiện của Lý Thường Kiệt, Quách Quỳ đã mang tàn quân về nước. Chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại trong những điều kiện có lợi cho Việt Nam.
Trong trường hợp quân thù quá mạnh mà quân và dân chưa sẵn sàng chiến đấu hoặc nếu chiến đấu ngay khó có thể giành thắng lợi thì ông cha ta đã dùng biện pháp ngoại giao nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn để có cơ hội tăng cường và củng cố lực lượng. Khi lực lượng ta đã lớn mạnh, nếu quân thù vẫn cứ cố tình gây chiến tranh để thực hiện âm mưu xâm lược, thì dân tộc Việt Nam quyết đem lực lượng ra đánh trả để tiêu diệt chúng. Những năm 1258, 1285, 1288, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn đã làm như thế,…
Có thể nói, lịch sử ngoại giao của Việt Nam là một kho tàng về kinh nghiệm xử thế vô cùng quý báu cho những người làm công tác ngoại giao cũng như làm công tác quân sự. Trong kho tàng kinh nghiệm này, ông cha ta tỏ ra mưu trí, “biết mình”, “biết người” đến cao độ, biết dồn đối phương đến chỗ phải chấp nhận các điều kiện của mình và trong mọi thời kỳ đã luôn luôn bám sát mục tiêu chủ yếu là: Độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về ngoại giao chiếm một vị trí quan trọng. Tư tưởng về ngoại giao của Người được hình thành trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, từ sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, thông qua quá trình khảo sát thực tiễn trong nước và thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Ngoại giao là cuộc đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích dân tộc, là một lĩnh vực hoạt động rất quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn đánh giá cao vai trò của ngoại giao: “… dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh”2 và “Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”3. Đánh giá cao vai trò của ngoại giao, Nghị quyết của Hội nghị Tân Trào diễn ra trước Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 đã đặt “Vấn đề ngoại giao” thành mục riêng, ngang với mục “Chủ trương của Đảng” và mục “Nhiệm vụ quân sự”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”4; từ đó, kiên quyết đấu tranh giữ vững chủ quyền ngoại giao và coi đó là biểu hiện quan trọng của nền độc lập. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cụm từ “mặt trận ngoại giao” chính thức ra đời trong Văn kiện của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 khóa III năm 1967: Đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam là nhân tố quyết định sự thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Đến tháng 4-1969, Nghị quyết Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: Ngoại giao trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Việc thay đổi các cụm từ khi nói về ngoại giao, như từ “cuộc đấu tranh ngoại giao”, “vấn đề ngoại giao” thành “mặt trận ngoại giao”, “ngoại giao trở thành mặt trận quan trọng”… đã thể hiện sự đánh giá ngày càng cao của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác ngoại giao trong sự nghiệp cách mạng.
Đứng trên quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử – cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của công tác ngoại giao và mối liên hệ biện chứng giữa ngoại giao với các lĩnh vực khác của cách mạng. Ngoại giao là một trong ba mặt trận đấu tranh cơ bản, các hoạt động ngoại giao, chính trị, quân sự luôn bổ trợ mạnh mẽ cho nhau; thắng lợi về quân sự là điều kiện quan trọng quyết định thắng lợi về ngoại giao, vì người ta chỉ nhận được những gì trên bàn đàm phán tương đương với những gì đạt được trên chiến trường. Nói về tác động của quân sự, chính trị tới đàm phán ngoại giao, Người chỉ rõ: “Những thắng lợi của ta làm cho nhân dân ta và nhân dân thế giới phấn khởi, làm cho địa vị ngoại giao của ta ở Giơ-ne-vơ vững chắc, những thắng lợi của ta buộc địch phải nói chuyện với ta”5. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người nói: “Bây giờ nội trong nước ta cứ đánh cho thắng, thì ngoại giao dễ làm ăn”6. Sự liên kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao dẫn đến yêu cầu phải phối hợp nhịp nhàng các hoạt động đó trong một cuộc đấu tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng, ngoại giao chỉ phát huy vai trò và công dụng trên cơ sở thực lực dân tộc, trên nền tảng sức mạnh tổng hợp của đất nước từ mọi phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự… Người viết: “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”7. Người còn ví dụ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”8. Có nghĩa là, thắng lợi ngoại giao lớn hay nhỏ, hoạt động ngoại giao thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc vào thực lực của dân tộc, đất nước. Thực tế đã chứng minh quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. Rõ ràng, nếu không có những chiến thắng to lớn của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì không thể có Hội nghị và Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, năm 1954. Nếu không có thắng lợi của quân và dân hai miền Nam – Bắc, nhất là thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972, thì không có thắng lợi của Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ đánh thắng lớn. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lợi thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”9. Mặt khác, thắng lợi trên mặt trận ngoại giao sẽ tạo tiền đề để tăng cường thực lực cách mạng, tạo “thế” cho đất nước trong quan hệ chính trị quốc tế.
Một số nội dung cơ bản trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là hòa bình và chống chiến tranh xâm lược, là hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, là xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước lớn, là xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cách mạng Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với các trào lưu và lực lượng tiến bộ của thế giới, việc tăng cường các mối liên hệ và hợp tác quốc tế là một trong những điều giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Tuy vậy, Người cũng chỉ rõ, muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã; và tự lực cánh sinh là một truyền thống quý báu của cách mạng nước ta. Sức mạnh của Việt Nam là ở sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, là ở việc phát huy mọi nguồn lực của đất nước, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế. Đó cũng chính là cơ sở để phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại.
Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tính chất thời đại và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chính nghĩa, đạo lý và nhân nghĩa trong quan hệ quốc tế. Người nêu rõ: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”10. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở phải làm sao cho trong Đảng và trong nhân dân ta giữ được lòng yêu mến, biết ơn các nước bạn anh em, phấn đấu tăng cường đoàn kết quốc tế. Người rất chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa – “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”11.
Cùng với những nội dung cơ bản về ngoại giao, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nổi bật ở nghệ thuật, phong cách ngoại giao xuất chúng. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua việc vận dụng những phương pháp, phong cách ứng xử nhạy bén, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật đó còn thể hiện trong việc thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (ngũ tri) của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch…, nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể12.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là lấy cái không thể thay đổi (bất biến) để ứng phó với muôn sự thay đổi (vạn biến). Theo đó, cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc, mà độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,… là cốt lõi. Cái “vạn biến” là cách ứng phó tài tình, khéo léo, linh hoạt; kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong những tình huống cụ thể, mà dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững nguyên tắc để đạt cho được cái “bất biến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”13. Để thực hiện được “ứng vạn biến”, điều quan trọng là phải đánh giá đúng tình hình quốc tế và sự tác động đối với nước ta, cả mặt thuận lợi và mặt bất lợi. Đặc biệt, về sách lược, phải xác định được giới hạn của sự nhân nhượng để đề ra chính sách, phương pháp, cách thức tiến hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giữ vững nguyên tắc chiến lược: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc đã chỉ ra rằng, chỉ có thể đạt được thắng lợi trên bàn đàm phán khi giành thắng lợi trên chiến trường. Bởi vậy, về lâu dài, ta phải mạnh lên cả về mặt chính trị và kinh tế, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế thì tiếng nói trong ngoại giao mới có trọng lượng.
Là nhà hoạt động cách mạng đấu tranh vì quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Người thực hiện chính sách ngoại giao “tâm công” (đánh vào lòng người), phân biệt rất rõ đâu là thù, đâu là bạn để có những ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Người từng nói: Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa. Với hiểu biết sâu rộng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cử chỉ ngoại giao tinh tế, mẫu mực, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Đó là khi Người cởi khăn của mình quàng vào cổ một bạn người Đức bị ho khi thăm Việt Nam. Có khi là hành động nghĩa tình cởi áo khoác cho một tù binh Pháp đang lạnh run giữa thời tiết mùa đông Việt Nam. Khi sang thăm Ấn Độ vào năm 1958, Người đã gửi vòng hoa và một cây đào để kỷ niệm cụ thân sinh ra đương kim Thủ tướng Ấn Độ G.Nê-ru (Người đã gặp ông cụ ở Thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân, một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và đã lâu năm), điều đó đã khiến Thủ tướng Ấn Độ xúc động: “Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Nhiều nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng những lời thuyết phục có lý, có tình của Người, thông qua báo chí, những thiện chí của nhân dân Việt Nam đã đến được với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, qua đó, họ hiểu và đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tấm lòng chân thành cùng sự mẫn cảm chính trị đề cao chính nghĩa, đạo lý và khả năng xử thế tinh tế trong giao tiếp đối ngoại đã tạo ra sự cảm hóa và trở thành nét đặc trưng của ngoại giao “tâm công” Hồ Chí Minh.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay
Đổi mới đường lối đối ngoại của Đảng được đánh dấu từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (năm 1986) và Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20-5-1988, của Bộ Chính trị khóa VI, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Kể từ đó, quá trình đổi mới tư duy và thực hành ngoại giao diễn ra liên tục và từng bước dần hoàn thiện. Trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đánh giá tình hình thế giới một cách khách quan, khoa học, từ đó xây dựng chính sách đối ngoại ngày càng có hiệu quả. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”14 được hình thành và phát triển từ trong lý luận và thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới. Đó là nền ngoại giao sử dụng sức mạnh tổng hợp, phối hợp hiệu quả hoạt động của mọi lực lượng đối ngoại, được triển khai trên nhiều lĩnh vực và hướng đến nhiều đối tượng, tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hội nhập và phát triển.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn có sự điều chỉnh về chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sự vận động của quan hệ quốc tế trong tiến trình tác động của toàn cầu hóa làm thay đổi tương quan lực lượng, dẫn đến những đổi thay về địa – chính trị trên thế giới. Lôi cuốn vào sự thay đổi có tính toàn cầu đó với sự đấu tranh giữa các nước lớn hiện nay là sự tập hợp của các liên minh, lợi ích đã buộc các nước phải lựa chọn chiến lược cho phù hợp với những biến đổi, thế giới đang đối mặt với nguy cơ của một cuộc chiến tranh lạnh mới trong tương lai, theo đó, tính chất của cuộc chiến tranh này phụ thuộc vào thực lực của cuộc đấu cân sức giữa các nước lớn. Bởi vậy, Việt Nam phải có sự lựa chọn và xây dựng đường lối ngoại giao phù hợp, để bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc trong sự vận động của tình hình quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, vận dụng tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lựa chọn chiến lược hàng đầu của Việt Nam là: Không ngừng tăng cường nội lực về kinh tế, quốc phòng; xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong và ngoài nước; chủ động ứng phó các diễn biến địa – chính trị quốc tế để nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; chăm lo bảo vệ các quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước15; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ16. Trong khi vẫn duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Việt Nam tiếp tục thắt chặt quan hệ chiến lược an ninh với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực một cách linh hoạt, hiệu quả để nâng cao vị thế chiến lược của mình. Đó chính là sự vận dụng đúng đắn quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tăng cường thế và lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chiến lược của đất nước. Tư tưởng đó bao gồm cả việc liên kết và ràng buộc, cộng đồng lợi ích với những quốc gia ủng hộ lợi ích dân tộc chính đáng của Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực do cạnh tranh giữa các nước lớn. Để làm được điều này, với chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam phải chủ động tham gia và góp phần định hình các diễn biến địa – chính trị khu vực, để không bị động, trở thành kẻ ngoài lề và là nạn nhân bị đem ra mặc cả trong ván cờ giữa các nước lớn
Hoàn thiện và thực thi đường lối ngoại giao đề cao hòa bình, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc là mục tiêu, đồng thời chính là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin của toàn dân, tạo ra một hiệu ứng tích cực, phát huy lòng tự tôn dân tộc, làm gia tăng tối đa sức mạnh dân tộc để vượt qua mọi khó khăn khi phải đối diện trước bất kỳ thử thách cam go nào trong xây dựng, bảo vệ đất nước và chấn hưng dân tộc. Khẳng định Nhà nước Việt Nam phấn đấu vì quyền của dân tộc và quyền con người – những giá trị mà toàn thể loài người đã, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh để hoàn thiện, bởi vậy, “hòa bình – độc lập – tự do – hạnh phúc” thể hiện văn minh chính trị của dân tộc Việt Nam trước sự tiến hóa chung của nhân loại, đồng thời cũng là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại. “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân”17. Như vậy, mẫu số chung đó không chỉ phản ánh giá trị chung của nhân loại, mà còn là cơ sở cho Việt Nam hội nhập quốc tế, tạo ra lợi thế cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa. Đó cũng chính là cơ sở cho sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và quốc tế trong hoạt động ngoại giao của nước ta.
Ngoại giao Việt Nam cần xác định một cách rõ ràng mục tiêu vì lợi ích của dân tộc, trên cơ sở thực tiễn của sự vận động địa – chính trị hiện nay, giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc – giai cấp là cơ sở khoa học vững chắc cho nhận thức để xây dựng chính sách ngoại giao đúng đắn, nhất quán và lâu dài cho đất nước. Đồng thời, đặt cơ sở lý luận cho ngoại giao có thể uyển chuyển trong xác định và thực hiện sách lược với những phương pháp đa dạng, không bị trói buộc hoặc chi phối bởi những yếu tố chủ quan, cứng nhắc tạo ra trước sự vận động phức tạp và rất nhanh chóng trong quan hệ quốc tế hiện nay và trong tương lai. Hơn nữa, trên thế giới ngày nay, dưới mọi danh nghĩa, các nước lớn, nhỏ đều đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc. Bảo vệ lợi ích dân tộc Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế, thuận theo quy luật tiến hóa và xu hướng phát triển chung vì sự tiến bộ của nhân loại phải là định hướng của ngoại giao nước ta. Khi Việt Nam tuyên bố “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, thì đó cũng là thông điệp của Việt Nam về sự hợp tác quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế. Lấy mục tiêu xây dựng đất nước là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và tiến hành chính sách đối ngoại trên cơ sở luật pháp quốc tế để hội nhập và phát triển, đó là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, dân tộc và thời đại. Quan điểm đó vừa là cơ sở để thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong ngoại giao, vừa là điều kiện để thực hiện chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tạo ra sự cân bằng để giữ vững hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ, xã hội chủ nghĩa trên thế giới”18; “Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta”19; đứng trước yêu cầu mới của tình hình trong nước và quốc tế, Việt Nam tiếp tục xây dựng chiến lược ngoại giao toàn diện, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nguyên tắc cao nhất của hoạt động ngoại giao là: “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”20. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau; trong đó, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là cơ sở để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; và xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là điều kiện cần để đạt được các lợi ích đó. Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại và chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của công tác đối ngoại là “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”21. Đó là chủ trương đúng đắn, kịp thời và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới./.
PGS, TS. Vũ Trọng Lâm
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử