Tình Cảm Của Bác Với Người Nông Dân

469
Bác Hồ cả cuộc đời vì nước vì dân, bản thân Bác cũng sinh ra từ làng quê nghèo khó của Việt Nam, nên Bác rất thấu hiểu cuộc sống của người nông dân. Bác tìm đường cứu nước cũng mong chấm dứt ách thống trị làm nô lệ bần cùng của nông dân để đem lại cơm ăn, áo mặc cho người dân, trong đó có đại bộ phận người nông dân.
Tình cảm của Bác với người nông dân Việt Nam sâu nặng và cảm động hơn khi chúng ta tìm thấy Bản thảo Luận án Tiến sỹ của Bác ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong bản thảo này, Bác chọn vấn đề ruộng đất ở Đông Dương để viết lên sự bất công và nỗi cực khổ của người nông dân. Tình cảm của Bác với nông dân còn được thể hiện trong Di chúc của Bác, Bác dặn sau khi giải phóng miền Nam, Đảng ta phải miễn thuế cho nhân dân 1 năm để bà còn phấn khởi sản xuất. Khi thống nhất đất nước, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã miễn thuế nhiều năm liền cho nông dân.
Những năm cuối đời của Bác đã để lại một tấm gương điển hình cho chúng ta, đó là hơn 700 lần Bác đến với người nông dân, đi đến đâu Bác cũng gần gũi, thăm hỏi đời sống, sản xuất của người dân, Bác cùng với nông dân lao động, sản xuất và xuống tận bờ ruộng nói chuyện với họ, uống từng bát nước vối mà người dân mời Bác… Một trong những bức thư cảm động, chân thành của Bác viết cho nông dân, Bác khuyên đồng bào vào Tổ đổi công: Bà con hãy nghe tôi, rủ nhau vào Tổ đổi công, vào HTX, làm chung, hưởng chung sẽ có nhiều cái lợi, “giống như hai người tắm chung với nhau mà cùng kỳ lưng cho nhau thì vừa nhanh lại vừa sạch”. Đi cơ sở, Bác luôn muốn lãnh đạo cơ sở báo cáo sự thật, tránh bệnh thành tích ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân. Có lần Bác đến thăm 1 HTX trồng trọt và chăn nuôi, sau khi nghe lãnh đạo HTX báo cáo thành tích hoạt động HTX, Bác đến từng luống hoa nhổ hết hoa lên, vừa nhổ Bác vừa nói: “Các chú mới cắm hoa đón Bác đấy à? Trồng trọt, tăng gia mà hoa không có rễ nó héo thế này?”. Khi đưa Bác vào trang trại chăn nuôi lợn, Bác hỏi các chú nuôi thật hay là mượn lợn của nhà dân cho Bác xem? Cán bộ chưa kịp thanh minh, Bác kết luận ngay “các chú nuôi thật sao lợn lại cắn nhau vậy? Hãy bắt ngay các con lợn giữ vừa nhảy ra khỏi chuồng trả lại cho dân, không dân lại bắt đền cho”. Bác quan sát, vạch ra những khuyết điểm của những cán bộ vì nặng thành tích để trung thực, làm có trách nhiệm hơn với công việc, với người nông dân.
Không chỉ gần gũi, sâu sát, Bác còn biết rõ cách làm ăn, cách sinh sống, cách tổ chức cuộc sống cho đồng bào ở các HTX, đến đâu Bác cũng căn dặn đồng bào phải có giống tốt, có nhiều nước, nhiều phân thì năng suất mới cao. Về tỉnh Hưng Yên, Bác xuống đồng tát nước với bà con chống hạn; cùng với dân làm thủy lợi, khơi nước. Ở tỉnh Hà Tây, Bác thấy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không biết tát nước, Bác nói một câu rất thấm thía với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “Chú làm Bí thư một tỉnh nông nghiệp mà không biết tát nước thì làm sao chú đến với dân và gần dân được?”. Khi Đoàn của tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc với T.Ư, Bác yêu cầu một đồng chí cán bộ ăn mặc diện nhất trong Đoàn phụ trách nông nghiệp của tỉnh, Bác hỏi đồng chí đó, ngày mai Bác cho Đoàn về, còn chú ở lại đi tát nước cùng dân với Bác được không?…
Những năm cuối đời, Bác vẫn về thăm các HTX nông nghiệp. Một lần Bác về thăm HTX nông nghiệp ở Thái Bình, Bác làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, lúc tiễn Bác, Tỉnh ủy Thái Bình có ít gạo đặc sản biếu Bác, sau khi nhận quà, Bác lấy tiền trả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không hiểu ý Bác liền ngăn tay Bác lại – đây là quà của Tỉnh ủy có đáng là bao. Bác trả lời “các chú ở Tỉnh ủy mà cũng làm được gạo à? Bác tưởng suốt đời Bác và các chú chỉ ăn gạo của dân chứ? Các chú không nhận tiền của Bác thì khác gì Bác tham ô?”. Những câu chuyện của Bác với dân nói chung và với nông dân nói riêng thấm thía đến như vậy. Ngay cả trong Di chúc, Bác dặn, khi mất hãy hỏa táng Bác và chôn trên đồi cho đỡ tốn “đất ruộng” của nông dân. Những câu chuyện trên, đủ để chúng ta hiểu Bác tha thiết với nông dân như thế nào, và chúng ta cần ghi nhớ công lao của Bác để xây dựng Nông thôn mới ngày càng sáng hơn, đẹp hơn.
Ngày nay, nông dân không còn lam lũ, nghèo khó và thất học như trước, nhưng để nông dân vận dụng và học tập Bác cho phù hợp, theo Gs, Ts Hoàng Chí Bảo, trước hết dù là nông dân làm nông nghiệp phải có kiến thức để làm ruộng một cách khoa học, kỹ thuật, sáng tạo để tạo nên sản phẩm nông nghiệp có thể xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngoài nước; phải có ý thức, trách nhiệm để gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức và lợi ích tập thể.