TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

165

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng.

Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện vấn đề cốt lõi: Dân là gốc; bản chất dân chủ là quyền làm người; coi dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ quần chúng đề ra sáng kiến”. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Quan điểm của Người trong công tác dân vận, đối với cán bộ dân vận là phải lắng nghe và coi trọng ý kiến và kinh nghiệm của Nhân dân. Ý Đảng, lòng dân là nguyên nhân của mọi thành công. Khi xây dựng kế hoạch cần dân chủ rộng rãi, bàn bạc với dân để dân cung cấp thực tiễn của địa phương, dân hiến kế, dân tham gia. Nếu như không biết lắng nghe từ Nhân dân, chỉ biết áp đặt, buộc họ phải làm theo một cách máy móc chắc chắn hiệu quả công việc sẽ không cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề đại đoàn kết dân tộc là vấn đề sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng. Người chỉ rõ: “mục đích của Đảng có thể gồm trong 8 chữ là đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Người khẳng định, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.

Quan điểm của Người trong công tác vận động quần chúng là “không để sót một người dân nào”, vì mỗi người dân, mỗi tầng lớp xã hội đều giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc cách mạng, người làm dân vận khéo là phải biết vận động tất cả quần chúng Nhân dân cùng tham gia các phong trào cách mạng.

Người cũng chỉ rõ: Đại đoàn kết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải được xây dựng xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Đảng của giai cấp nhưng Đảng cũng là của dân tộc. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng thuyết phục và nêu gương. Đảng phải tiêu biểu cho mọi sự đoàn kết nhất trí, bảo đảm dân chủ nội bộ, thống nhất tư tưởng, tự phê bình và phê bình.

Về phong cách làm việc của cán bộ dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cách nói khác nhau, ở những ngữ cảnh khác nhau, nhưng tập trung nhất được Người đúc kết thành 12 từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Bác Hồ đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, là khẳng định công tác dân vận là một khoa học về con người, một nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình Nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động Nhân dân có hiệu quả.

“Mắt trông, tai nghe, chân đi” chính là yêu cầu người làm công tác dân vận phải sâu, sát cơ sở, am hiểu thực tiễn, đến với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách. Người dạy: Muốn thực sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng thế nào… mới biết nguyện vọng của quần chúng thế nào.

“Miệng nói, tay làm” là “phải thật thà nhúng tay vào việc”, làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng lăn vào cuộc sống hàng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Cán bộ đảng viên phải tự mình làm gương cho quần chúng, nói đi đôi với làm. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, công tác dân vận và toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đổi mới, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tiến tới thực hiện quy chế “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thi đua thực hiện thật hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.