Tuổi trẻ Khánh Hòa góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

67
Sáng 21/5, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Khánh Hoà tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; thực hiện giám sát và phản biện xã hội năm 2020 theo Quy định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; góp ý xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đồng chí Nguyễn Văn Quyết – Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Bùi Hoài Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh; Trương Tấn Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp” gồm  2 phần. Trong đó, phần 1 đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 – 2020, phân tích cụ thể kết quả thực hiện, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, đánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm; phần thứ 2 là phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 22 tiêu chí về kinh tế, văn hoá – xã hội, tài nguyên môi trường phát triển bền vững, xây dựng Đảng và 9 nhóm giải pháp chủ yếu.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý về bố cục, kết cấu, nội dung của Dự thảo báo cáo chính trị. Hầu hết đại biểu đều nhất trí với bố cục, kết cấu của Dự thảo báo cáo chính trị. Về nội dung phương hướng nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ trẻ từ nguồn cán bộ Đoàn, phát huy vai trò Đoàn tham gia xây dựng Đảng; phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững văn hóa địa phương; quan tâm thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp cổ phần (kể cả doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước) bằng các cơ chế, chính sách phù hợp về vốn, về thuế và về điều kiện phục vụ tổ chức sản xuất; tăng cường chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập; nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng; xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp thắt chặt việc triển khai an ninh mạng; bổ sung chiến lược cụ thể về khai thác và bảo vệ tài nguyên nước; xây dựng các phương án cụ thể về ứng phó với các loại hình thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nguồn quỹ dự phòng để kịp thời chi cho các tình huống khẩn cấp…

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị cùng với đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương; đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý.

Tại Hội nghị góp ý xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua đó, việc nhận diện rõ và có giải pháp ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt đối với vai trò của Đoàn viên thanh niên càng được thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt, từ đó mỗi cá nhân được tôi luyện nâng cao khả năng “tự bảo vệ” trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao “sức đề kháng” của mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập, tích cực chủ động nhất để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên. Công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ chung của cả hệ thống Đoàn.