CÙNG ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

2430

Mạng xã hội (MXH) hiện đang là phương tiện vô cùng phổ biến, hầu hết mọi người đều sử dụng nó đặc biệt là các bạn trẻ. Mạng xã hội có rất nhiều dạng thức và có nhiều tính năng khác nhau, giúp người dùng kết nối, chia sẻ quan điểm cá nhân, hay những câu chuyện cuộc sống…và hiện nay con người sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích hơn thế. Đến nay chỉ cần sở hữu một điện thoại thông minh là con người có thể đọc báo, xem phim, dùng các nền tảng MXH như Facebook, Zalo, Intasgram, You Tube, Viber … để kết nối.

Ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các trang mạng xã hội trở nên phổ biến và rộng khắp ở nhiều độ tuổi và vùng miền khác nhau, theo thống kê thì mạng xã hội Facebook được người dân chúng ta sử dụng nhiều nhất, tính đến 06 tháng đầu năm 2020 đã có 69.280.000 người dùng, chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Như vậy, so với năm 2019 là 45,3 triệu người thì hiện nay năm 2020 người dùng Facebook tại Việt Nam đã tăng 24 triệu người tương đương tăng 53,3%. Theo đó thì nước ta hiện đứng thứ 7 Thế giới về số lượng người dùng Facebook. Còn riêng với các trang mạng xã hội khác tuy có ít hơn nhưng cũng là một chỉ số khá lớn, cụ thể như: Messenger tại Việt Nam có 63.230.000 người dùng, Instagram tại Việt Nam 7.149.000 người dùng. Cũng theo thống kê thì độ tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất ở nước ta là từ 18 đến 34 tuổi – độ tuổi của giới trẻ, của thanh thiếu niên Việt Nam và thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới.

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội thì đối tượng sử dụng MXH chiếm số đông chủ yếu chủ yếu là thanh, thiếu niên – những người ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin và kết nối vô cùng rộng lớn, cùng lúc có thể tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau. Không thể phủ nhận những tác động tích cực của MXH đối với giới trẻ nếu họ biết cách sử dụng chúng một cách hớp lý như: kết nối và xây dựng các mối quan hệ, thể hiện bản thân (tính cách, sở thích, quan điểm, năng lực…) và trong nhiều trường hợp nó có thể giúp họ tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân; cơ hội kinh doanh khi MXH chính là môi trường kinh doanh khá lý tưởng; MXH cũng là nơi để học tập, tích lũy, nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng sống vì vậy nó cũng mang đến lợi ích nhất định…

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn mang tính hai mặt, bên cạnh những điều tích cực thì MXH cũng có không ít những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến lối sống của giới trẻ như: việc sử dụng thái quá dẫn đến chứng “nghiện MXH” gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống trực tiếp tác động đến thể chất và tinh thần của con người, làm tăng nguy cơ trầm cảm; thu thập thông tin từ MXH có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng, nhiễu loạn thông tin, không có khả năng chọn lọc và xử lý thông tin dẫn đến gây rối trong dư luận và thậm chí mang tính chất kích động, phản động; học theo và làm theo các trào lưu, những nội dung có trên các trang MXH để rồi phải chịu những hậu quả hết sức nghiêm trọng; nhiều người vẫn cho rằng mạng xã hội là thế giới ảo, có thể ẩn danh, muốn tìm ra cũng khó nên đã rất vô tư ngụy tạo thông tin, bịa đặt câu chuyện và thoải mái bình phẩm người khác, xây dựng nhiều tài khoản và đăng tải nội dung bạo lực, có tác động đến tâm lý đối tượng sẽ tiếp cận và mặc nhiên cho rằng không phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật; MXH đã tạo ra những mối quan hệ vượt qua không gian và cả thời gian nhưng đồng thời con người cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ: bị lừa gạt, bị bắt nạt trên mạng, và thậm chí cả việc sử dụng những thông tin riêng tư cho những mục đích sai trái hay xâm hại và bóc lột; hơn nữa nghiện MXH cũng sẽ dần làm mất đi văn hóa đọc sách và thói quen đọc sách, lĩnh hội tri thức từ sách trong giới trẻ…Tất cả những hiện tượng tiêu cực ấy đang trở thành mối nguy hại ảnh hưởng tới lối sống, tư tưởng, tinh thần, trách nhiệm và thái độ của thanh, thiếu niên nước ta hiện nay.

Như vậy, chúng ta nhận thấy giá trị của MXH tác động tích cực đến thanh niên là không thể phủ nhận, nhưng tác động từ mặt trái của MXH cũng lắm điều đáng lo. Để giúp đoàn viên thanh niên sử dụng tốt mạng xã hội và có trách nhiệm khi sử dụng nó, thiết nghĩ chúng ta cần phải cùng đồng hành, định hướng và đưa ra một số giải pháp cùng thực hiện cụ thể như:

Cái gốc rễ vẫn là yếu tố định hướng, giáo dục từ gia đình, bởi xã hội ngày nay hầu như từ những em bé đã được sử dụng Smartphone. Vì thế gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cần thay đổi phương thức tiếp cận theo hướng chủ động khi sử dụng điện thoại thông minh, định hướng con cái sử dụng điện thoại, MXH đúng mục đích, phù hợp; hiểu biết về MXH cũng là phương cách kiểm soát việc sử dụng MXH của con cái linh hoạt, khoa học và đảm bảo tính chặt chẽ. Gia đình cần tạo ra nhiều hoạt động gắn kết giữa cha mẹ với con cái như đọc sách, chơi các trò chơi, luyện tập thể thao, các trải nghiệm qua hoạt động ngoại khóa…để hạn chế tối đa nhất có thể thời gian sử dụng điện thoại và MXH.

Tại các trường học cần có sự đổi mới trong các hoạt động ngoài giờ, ngoài nâng cao giáo dục kỹ năng sống thì nên lồng ghép các buổi tọa đàm, nói chuyện giữa học sinh với lực lượng chức năng như công an, cán bộ đoàn cấp trên, những người truyền cảm hứng… để tuyên truyền pháp luật về Luật an ninh mạng, những việc nên hay không nên làm khi lên MXH, dẫn chứng cụ thể bằng những câu chuyện đã xẩy ra để thấy được những mối nguy hại trên MXH và các cách thức tự bảo vệ là điều cấp thiết. Bên cạnh việc phổ biến những chế tài cụ thể trong chính sách pháp luật, cũng cần lưu ý rằng với đối tượng là học sinh, đoàn viên thanh niên thì thực hiện việc giáo dục này thông qua những chương trình tập huấn và truyền thông cũng cần tích hợp trên nền tảng công nghệ mới để tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và dễ tiếp nhận.

Tổ chức Đoàn và các tổ chức xã hội cần thể hiện vai trò thủ lĩnh, tập hợp thanh niên trên MXH để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ; qua các trang Fanpage đăng tải nội dung lành mạnh, thiết thực phù hợp với lứa tuổi để tạo ra sân chơi và góp phần định hướng tư tưởng. Qua đó cái tốt, cái thiện đồng hành với thanh niên trên MXH.

Thực hiện tuyên truyền theo từng chuyên đề sâu cho từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; chú trọng các vấn đề được xã hội nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng hiện đang quan tâm như: Hướng nghiệp, các xu hướng tốt thịnh hành, hay cả những vấn đề khác như bạo lực học đường, buôn bán người, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, an toàn giao thông…

Các tổ chức trong xã hội cùng có trách nhiệm trong việc không ngừng nâng cao nhận thức, nói rõ về trách nhiệm cho đoàn viên thanh niên khi tham gia mạng xã hội; thường xuyên làm công tác tuyên truyền và thực hành để đoàn viên thanh niên tự trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên MXH một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết nhưng tỉnh táo với những luồng thông tin sai trái, tin xấu; tổ chức các buổi diễn đàn, trao đổi về những dấu hiệu nhận biết, phân biệt nội dung tiêu cực trên không gian mạng, đồng thời định hướng cách thức đấu tranh phù hợp để phản bác những thông tin sai, xuyên tạc sự thật.

Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên khi tham gia mạng xã hội để hướng tới xây dựng văn hóa mạng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh góp phần tạo nên những con người mới của thế hệ 4.0 hiểu rộng biết sâu, văn minh sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hội nhập tích cực nhưng không mất đi giá trị cốt lõi hòa nhập mà không hòa tan.

Thu Hiền – Hồng Quyên

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa