2020- Năm đặc biệt của Việt Nam

134

Sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân đã làm nên một năm 2020 đặc biệt với nhiều thành công của Việt Nam, tạo tiền để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và những tiếp theo.

Việt Nam đã biến “nguy”thành “cơ”: bằng sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, bằng sự lãnh đạo đạo thống nhất, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết toàn dân. Đại diện của Ngân hàng thế giới nhận xét về cuộc chiến chống COVID19 “Mây đen phủ toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam”. Với khẩu hiệu chống dịch như chống giặc, với chân lý được đục kết từ xưa ‘còn người là còn của, chủ trương phòng hơn chống, biện pháp cách ly, cô lập nguồn bệnh một cách triệt để và nghiêm ngặt; nguyên tắc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” để tiến hành “kháng chiến toàn dân, toàn diện” đã làm nên chiến thắng đánh bại đại dịch COVID 19. Mặc dù đến nay đã có 35 người chết vì COVID 19 nhưng là tỷ lệ rất thấp so với dân số, cũng chưa có ca bệnh nước ngoài nào tử vong tại Việt Nam, kể cả những ca cực nặng như BN91 người Anh. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, công tác tuyên truyền cũng như sự vào cuộc của cán bộ y tế, thâm chí các chiến sỹ biên phòng, công an và từng người dân đã góp phần làm nên thành công phòng chống đại dịch. Với nguồn lực và phương tiện hạn chế, đội ngỹ y bác sỹ và các nhà khoa học đã không chỉ cứu chữa hơn 1.200 bệnh nhân khỏi nhiễm COVID 19 mà còn chuẩn bị có thành công hơn nữa với vaccine Nano Covax “Made in Vietnam”.

Việt Nam vững vàng trước thiên tai bão lũ: Những cơn bão 5,6,7,8, 9 dữ dội, khốc liệt kéo vào các tỉnh miền Bắc và Trung bộ gây nên tình trạng bão chồng bão, nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng như thủy điện Rào Trăng… gây ra những thiệt hại vật chất lớn nhất trong 10 năm trở lại đây như có trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái, thiệt hại ước tính 17.000 tỷ đồng.  Hướng về miền Trung với tất cả tấm lòng tương thân tương ái, với lực lượng con người và vật chất được huy động ở mức cao nhât, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ, các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội đã huy động tối đa lực lượng cho nhiệm vụ này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời đứng ra vận động nhân dân và các tổ chức, cơ quan đơn vị huy động mọi nguồn lực để kịp thời cứu trợ cho bà con vùng bị bão lũ tàn phá. Đã có trên 300 đoàn cứu trợ, có hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu gói mỳ tôm, cháo khô, hàng chục vạn quần áo, hàng chục nghìn bình nước lọc và nhu yếu phẩm khác đã được người dân cả nước đưa đến miền Trung.

Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng: Đây cũng là năm 67 Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương và tất cả đại hội Đảng bộ cơ sở, trên cơ sở đều thành công tốt đẹp. Các đại hội đã tổng kết công tác của nhiệm kỳ 2016 – 2020, chỉ ra những thành tựu đã đạt được cũng như những nguyên nhân, khuyết điểm và các bài học kinh nghiệm xác đáng. Các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tích cực. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, loại bỏ những thành phấn thoái hóa, biến chất, làm trong sạch nội bộ Đảng, tạo tiền đề cho sự thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội các cấp nhiệm kỳ 2010-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng”.

Năm thành công của ngoại giao: Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trên các lĩnh vực như: Thứ nhất, Việt Nam thống nhất các quốc gia ASEAN trong trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID19 và phục hồi. Thứ hai, Việt Nam đã tạo dựng sự đồng thuận về lập trường trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cạnh tranh giưa các siêu cường. Nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Thứ ba, Việt Nam đã điều hành thành công việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEF. Thứ tư, Việt Nam củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Năm 2020 Việt Nam cũng có những thành công lớn trên cương vị ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên các lĩnh vực như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, hoạt động chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Đối với Liên hợp quốc, Việt Nam nêu chủ trương trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, còn đối với ASEAN, Việt Nam nêu chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Việt Nam đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh cũng là ngày sinh của nhà bác học người Pháp Louis Pasteur.

Nền kinh tế tăng độ mở và hội nhập: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chính thức được ký kết ngày 30/6/2019 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của tổ chức thương mại thế giới WTO. Ngày 15/11/2020, tại hội nghị cấp cao ASEAN 37 ở Hà Nội, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. RCEP là hiệp định giao thương tự do lớn nhất thế giới bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand với GDP của 15 nước hơn 26 nghìn tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, chưa kể bao phủ 1/3 dân số toàn cầu. Ngày 11/12/2020, Việt Nam cũng đã ký vào bản kết thúc đàm phán với Anh quốc, bước cần thiết để tiến tới hiệp định thương mại tự do – UKFTA sắp tới. Với EVFTA, Việt Nam có thể đa dạng hóa các thị trường bên ngoài thay vì chỉ tập trung vào Mỹ. Với RECP, Việt Nam gần như đã có tất cả các cam kết song phương và đa phương với các đối tác trong đó, kể cả ASEAN. Tính đến 2020, Việt Nam đã ký rất nhiều thỏa thuận thương mai song phương và đa phương, trong đó có 13 hiệp định FTA đang có hiệu lực và là quốc gia nằm trong nhóm các nền kinh tế có nhiều FTA nhất trong khu vực và trên thế giới.

Dư luận quốc tế cho rằng năm 2020, Việt Nam trở thành “Thỏi nam châm” hút vốn mới của thế giới. Trong bối cảnh đại dịch COVID19 và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam trong năm qua đã có một sức đẩy tốt, xuất khẩu tăng cũng như những điều kiện cơ sở hạ tầng được Chính phủ lưu tâm đẩy mạnh.  Nhiều doanh nghiệp lớn như Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Apple hay Sony đã xác nhận kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, gần Hải Phòng. Apple đã chính thức chuyển một phần dây chuyển sản xuất Ipad và Macbook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Foxcon, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan đã thông báo một khoản đầu tư mới 270 triệu USD nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất Ipad và Macbook tại Việt Nam và sẽ đi vào hoạt động năm 2021… Về phương diện kinh tế, Việt Nam đang trở thành một phần của khu vực Châu Á trỗi dậy đầy năng động. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng trở nên cởi mở, đa dạng và có những đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu phát triển, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Việt Nam được đánh giá là một đối tác  quan trọng trên mọi lĩnh vực, một nền kinh tế năng động với môi trường đầu tư thân thiện và hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác đối ngoại và là mắt xích quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Việt Nam cũng được cho là một sức mạnh đang trỗi dậy: Viện Lowy, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Australia xếp Việt Nam thứ 12 trong bảng Chỉ số quyền lực ở Châu Á năm 2020 (Asia Power Index, công bố ngày 19/10/2020, tăng một hạng so với năm 2019 và đứng sau 4 nước Đông Nam Á, trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội thảo ngày 22/10/2020 của Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Québec Canada “Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec” đã chỉ ra những thành tựu của Việt Nam như GDP tăng nhanh đáng kể, gấp 3 lần trong vòng 15 năm gần đây; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cũng rất cao, dao động 7% trong khoảng 30 năm trở lại đây; khối lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm; khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng gấp 10 lần trong vòng 15 năm gần đây. Việt Nam cũng được ghi nhận đang trở thành một “trung tâm chế tạo” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc  UNIDO cho rằng chỉ số CIP của Việt Nam đến nay gần vượt lên trên mức trung bình của thế giới, trong đó có 2 chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh, đặc biệt là hàng hóa sản xuất của Việt Nam chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, vượt trên mức trung bình của toàn cầu là 60%. Việt Nam cũng đang tiến hành những bước đầu tiên của cuộc “cách mạng kỹ thuật số”.

Năm 2020, với tổng sản phẩm trong nước GDP đạt 2,91%, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh đại dịch COVID 19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây được coi là thành công lớn. Việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nên kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động tương đương 5.081 USD, tăng 290 USD (tương đương tăng 5,4%) so với năm 2019. Điều này cũng cho thấy năng suất lao động của người Việt đang được cải thiện theo hướng tích cực, tay nghề lao động được nâng lên. Xuất siêu của Việt Nam trong năm 2019 cũng đạt 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

 

TS. Nguyễn Phúc Trường

Ban Tuyên giáo Trung ương