Hồ Chí Minh với khát vọng Việt Nam

133

Khát vọng Việt Nam trong đổi mới, hội nhập quốc tế là khát vọng của Đất nước – Dân tộc và Con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Khát vọng ấy hòa hợp Ý Đảng – Lòng Dân, trở thành phép nước, thống nhất lý tưởng, mục tiêu, đồng tâm nhất trí trong hành động để thực hiện.

NHỮNG HÀM NGHĨA CỦA KHÁT VỌNG VIỆT NAM TRONG DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII

Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng kết 35 năm đổi mới, trong đó có 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991. Đại hội cũng sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đặc biệt là đánh giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta đã xác định là nhiệm vụ then chốt. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII sẽ xác định những nhiệm vụ, những khâu đột phá, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tầm nhìn tới giữa thế kỷ XXI (2045), đưa nước ta trở thành một nước phát triển, thực hiện khát vọng Việt Nam – một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, dân tộc Việt Nam cường thịnh, sánh vai cùng các nước năm châu như Hồ Chí Minh hằng mong muốn từ những ngày đầu xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ ở nước ta, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Để thực hiện khát vọng đó, mấu chốt là vấn đề con người, bởi nhân tố con người là quyết định. Mắt khâu xung yếu trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là phải có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, thực đức, thực tài, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Họ phải đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt và thúc đẩy cả cộng đồng dân tộc tiếp tục đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức trên con đường phát triển, thực sự tiêu biểu cho tinh hoa của Đảng, của dân tộc để thực hiện khát vọng Việt Nam.

Văn kiện chính trị của Đảng đóng vai trò vô cùng quan trọng, xác định đường lối chiến lược và những định hướng phát triển của nước ta. Song xây dựng lực lượng cán bộ, lựa chọn được những con người ưu tú, xứng đáng nhất về năng lực trí tuệ, về phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng tham gia vào cơ quan lãnh đạo đầu não lại càng quan trọng, để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, biến quyết tâm thành hành động, biến khả năng thành hiện thực.

Đại hội XIII đánh dấu sự chuyển tiếp các thế hệ lãnh đạo của Đảng, do đó, cùng với việc chuẩn bị công phu về Báo cáo chính trị, sao cho kết tinh được trí tuệ của Đảng và dân tộc, Đảng ta dành nhiều công sức, trí lực, nêu cao trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.

Làm tốt cả hai vấn đề đó cũng chính là chuẩn bị trực tiếp cho việc thực hiện khát vọng Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thừa hưởng di sản vĩ đại mà Hồ Chí Minh để lại, trao truyền cho mọi thế hệ muôn đời sau. Đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Di sản Hồ Chí Minh, kết tinh ở Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách và phương pháp của Người, thể hiện khát vọng mãnh liệt của Người về một tương lai tươi sáng, triển vọng tốt đẹp của dân tộc ta hướng tới hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân ta.

Cốt lõi của khát vọng Việt Nam là khát vọng đồng tâm nhất trí trong hành động để thực hiện; là khát vọng phát triển, làm cho dân tộc cường thịnh, văn minh và nhân dân hạnh phúc. Khát vọng thiêng liêng, lớn lao đó được thực hiện với sự cố kết, đồng tâm, nhất trí của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đại hội XIII nhấn mạnh tới khát vọng phát triển, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân ta để thực hiện những hành động sáng tạo và những đột phá của phát triển… cho thấy rõ, Đảng ngày càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, vận dụng và phát triển sáng tạo về tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện tốt nhất khát vọng và tâm nguyện của Người.

Vậy khát vọng Việt Nam có những hàm nghĩa nào mà chúng ta cần thống nhất nhận thức và đồng tâm nhất trí trong hành động?

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, nhất là trong Báo cáo Chính trị đề cập tới khát vọng Việt Nam trên nhiều bình diện với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, phản ánh những nhận thức mới, có kế thừa và phát triển, từ phát huy truyền thống dân tộc đến tinh hoa của thời đại.

Trước hết, khát vọng Việt Nam được thể hiện ngay trong chủ đề Đại hội XIII. Tinh thần và lời văn diễn đạt trong chủ đề Đại hội có ý nghĩa như một tuyên bố chính trị về quan điểm, đường lối của Đảng. “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1).

Trong các quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển, Đảng ta nhấn mạnh: “Bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”(2). “Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tự hào dân tộc, niềm tin khát vọng phát triển, tài năng trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” (3).

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cũng nêu rõ một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của đất nước là: “Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”, “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”… “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ” (4).

Trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển đó, Đảng ta xác định sáu nhiệm vụ và ba đột phá, trong đó, ở nhiệm vụ thứ tư nêu rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam”. Đảng ta tin tưởng rằng, với khát vọng vươn lên mãnh liệt, quyết tâm chính trị cao, nhất định đất nước ta sẽ lập nên những kỳ tích mới vì một nước Việt Nam cường thịnh, cùng tiến bước, cùng sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đây thực sự là những điểm mới thể hiện quan điểm đổi mới sáng tạo, tầm nhìn của Đảng trong xác định và thực hiện khát vọng Việt Nam.

THẤM NHUẦN NHỮNG CHỈ DẪN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ KHÁT VỌNG VIỆT NAM

Ngày 5/6/1911, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là bước ngoặt khởi đầu dẫn tới sự thay đổi số phận của nhân dân ta, thai nghén cho sự hình thành tư tưởng lớn, khát vọng mãnh liệt của Người, định hình đường lối cách mạng, thực hành triết lý và chủ thuyết của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau này, dẫn tới thời đại mới, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là thời đại mang tên Người – thời đại Hồ Chí Minh – như Đảng ta khẳng định, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, từ tư tưởng, đạo đức, phong cách đã toát lên hoài bão “nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng được hưởng hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành”.

Cuộc hành trình 30 năm của Người, cả cuộc đời và sự nghiệp của Người với những bước ngoặt lịch sử, đã ngay từ đầu gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân, đã phấn đấu hy sinh, dấn thân và quên mình vì Nước, vì Dân, sau này được khái quát thành lý luận: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường, là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, Hồ Chí Minh xác định Quốc hiệu và hệ giá trị Việt Nam là: “Việt Nam dân chủ cộng hòa. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Đó là bản chất của chính thể, của nhà nước ta, là hệ giá trị phát triển của Việt Nam. Cho đến khi cuối đời, khi viết bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Hồ Chí Minh vẫn nhất quán với những giá trị mục tiêu đó. Tâm nguyện cuối cùng của Người vẫn chỉ là “xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trên cương vị Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh bày tỏ niềm hy vọng, niềm tin tưởng mãnh liệt của mình, ký thác vào thế hệ trẻ nước nhà, thế hệ sẽ làm cho Tổ quốc được vẻ vang, dân tộc được hùng cường, có mặt xứng đáng trong thế giới và nhân dân ta có cuộc sống hạnh phúc.

Khát vọng Việt Nam của Hồ Chí Minh là: Khát vọng giải phóng, giải phóng dân tộc ta ra khỏi tình cảnh bị áp bức, bóc lột, đọa đầy bởi đế quốc thực dân, làm cho Tổ quốc độc lập và thống nhất, có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân ta từ nô lệ tới tự do, ở địa vị người làm chủ và làm chủ, tự quyết định vận mệnh cuộc sống và tương lai phát triển của mình. Khát vọng đó của Người là mãnh liệt, phải “độc lập thực sự”, “tự do thực sự”, do đó, “thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó còn là khát vọng phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, lựa chọn con đường phát triển: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh thể hiện rõ khát vọng phát triển ấy với một tầm mắt nhìn xa trông rộng, thực hiện lý tưởng, mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, hiện đại. Dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng nước ta giàu mạnh, sao cho đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam là một xã hội văn hóa cao. Đó là khát vọng đất nước phồn vinh, dân tộc cường thịnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, con người Việt Nam phát triển toàn diện cả thể lực, tâm lực và trí lực, đủ sức giữ vững nền độc lập, tự do và thụ hưởng hạnh phúc. Đó là khát vọng đổi mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế vì phát triển.

Thực hiện những mục tiêu vĩ đại, cao quý đó, đòi hỏi Đảng lãnh đạo cầm quyền phải thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Nhà nước của dân, do dân, vì dân phải là nhà nước dân chủ – pháp quyền – nhân nghĩa. Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh và nhân tố quyết định cho dân tộc phát triển. Cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, coi đó là trách nhiệm mà cũng là lựa chọn lối sống cao thượng.

Với Hồ Chí Minh, để thực hiện khát vọng Việt Nam phải ra sức thực hiện, thực hành khát vọng về Đảng, về Nhà nước, về Mặt trận, về đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, từ đại đoàn kết toàn dân tộc tới đoàn kết, lấy đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân và tối hệ trọng.

Di chúc của Hồ Chí Minh kết tinh mọi khát vọng đó, nổi bật những lời dạy, những quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội, về đổi mới mà Đảng phải nhận lấy trách nhiệm cao nhất trước sự phát triển của dân tộc và hết lòng chăm lo cho lợi, quyền, hạnh phúc của nhân dân.

ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH, THỰC HIỆN KHÁT VỌNG VIỆT NAM

Để thực hiện được khát vọng Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới có kết quả, có hiệu quả thiết thực, với một chất lượng mới, theo tinh thần đổi mới sáng tạo.

Phải chống bệnh “hình thức”, phù phiếm, khoa trương, bệnh thành tích – những điều xa lạ với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng thực hành phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách giản dị, dân chủ, phong cách gần dân, vì dân và những ứng xử văn hóa tinh tế của Người.

Để thực hiện khát vọng Việt Nam phải ra sức thực hiện, thực hành khát vọng về Đảng, về Nhà nước, về Mặt trận, về đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, từ đại đoàn kết toàn dân tộc tới đoàn kết, lấy đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân và tối hệ trọng.

Là con người hành động, ham chuộng các công việc thực tế và hữu ích để phục vụ dân tốt nhất, Hồ Chí Minh còn chủ trương nói ít, làm nhiều, nhiều khi không cần nói, cứ để việc làm tự toát lên tư tưởng.

Cần nhấn mạnh năm thực hành nổi bật trong cuộc đời của Người: 1) Thực hành lý luận trong thực tiễn, 2) Thực hành dân chủ, 3) Thực hành dân vận, 4) Thực hành đoàn kết – đại đoàn kết và 5) Thực hành đạo đức cách mạng. Đây là cơ sở để đề xuất các chủ đề học tập và làm theo Bác trong nhiệm kỳ khóa XIII./.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo