Trang chủ Tuyên truyền - Giáo dục Sự nguy hại không thể xem thường của tình trạng số đông...

Sự nguy hại không thể xem thường của tình trạng số đông im lặng

180

Người Việt Nam có đặc trưng tâm lý duy tình, trọng nghĩa. Tính cách dĩ hòa vi quý có ưu điểm là góp phần xây dựng môi trường giao tiếp ứng xử thân thiện. Tuy nhiên, mặt trái của tâm lý này cũng làm cho con người dễ rơi vào trạng thái tự chấp nhận hoàn cảnh, bằng lòng với số phận, từ đó thiếu ý thức phản tỉnh, dũng khí phê phán những biểu hiện, hành vi sai trái, tiêu cực.

Khi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) có thái độ sống như vậy vô hình trung thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, không tạo động lực tích cực thúc đẩy cá nhân và tập thể cơ quan, đơn vị, phát triển theo chiều hướng tiến bộ.

Khi im lặng biến thành bạc hoen, đồng gỉ…

Những biểu hiện nổi cộm của tâm lý dĩ hòa vi quý trong một bộ phận CB, ĐV đã được nhận diện trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là: “Ngại va chạm, đoàn kết xuôi chiều, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Khi ai đó có thái độ sống mũ ni che tai, thực hiện phương châm ứng xử “im lặng là vàng” cứ nghĩ rằng mình thể hiện sự nhã nhặn, khiêm nhường, không thích tranh đua với người khác, nhưng đó là suy nghĩ phiến diện. Bởi trên thực tế, im lặng có khi không hẳn là vàng ròng, mà có thể biến thành bạc hoen, đồng gỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của tập thể. Khi đó, sự im lặng trở thành đáng sợ.

Thái độ im lặng đáng sợ trong một bộ phận CB, ĐV cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thêm trầm trọng. Bởi bản chất của sự im lặng đáng sợ là không dám đối mặt với hiện thực, không tự vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình, không đủ bản lĩnh, dũng khí để đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực ngay trong nội bộ mình. Chỉ vì thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm của CB, ĐV, công chức, viên chức mà không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị tuy được khoác tấm áo “đoàn kết, thống nhất” hào nhoáng bên ngoài, còn thực tế bên trong thì rối ren, vì bao lợi ích, phe nhóm xâu xé nhau một cách tinh vi. Chỉ đến khi cấp trên có thẩm quyền và cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, thanh tra, làm rõ vấn đề thì mới bộc lộ tính chất nguy hại của sự im lặng nội bộ, im lặng tập thể.

Theo quy định Khoản 2, Điều 32 Điều lệ Đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp có nhiệm vụ “kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm”, nhưng thực tế ở nhiều nơi, cơ quan kiểm tra cấp dưới gần như không phát huy được vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, UBKT Trung ương đã vào cuộc tiến hành kiểm tra cách cấp đối với hơn 20 cấp ủy đảng có dấu hiệu vi phạm, trong đó có: Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị); Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội); Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh); Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng; Ban Thường vụ Công an tỉnh Đồng Nai…

Theo nhận định của UBKT Trung ương, những tổ chức đảng nêu trên bị kiểm tra cách cấp và phát hiện ra nhiều sai trái bởi nội bộ các tổ chức đảng không thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình và tự phê bình, đội ngũ CB, ĐV thiếu tinh thần đấu tranh với những hành vi vi phạm của đồng chí, đồng đội. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị để tồn đọng khuyết điểm, yếu kém kéo dài nhiều năm không những không được giải quyết thấu đáo, xử lý dứt điểm mà còn có biểu hiện bao che, dung túng bởi nội bộ tập thể gần như bị tê liệt do thái độ im lặng đáng sợ của số đông CB, ĐV ở nơi đó!

Phê phán tình trạng im lặng đáng sợ là đấu tranh với cái sai, cái ác

Vì sao lại xảy ra tình trạng im lặng đáng sợ của một bộ phận CB, ĐV? Một mặt, do tâm lý văn hóa ứng xử cả nể, duy tình của người Việt còn ăn sâu vào nhận thức, tư tưởng nên không ít CB, ĐV đã duy trì trạng thái an phận thủ thường, mũ ni che tai, ngại va chạm, dễ người dễ ta; mặt khác cũng do nhiều nơi cán bộ lãnh đạo có tư tưởng độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng dân chủ, luôn tìm mọi cách để vừa gây áp lực, vừa chống chế mọi ý kiến phê bình, đấu tranh thẳng thắn, trung thực của CB, ĐV, nhân viên cấp dưới. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là thái độ sống thờ ơ, bàng quan, bạc nhược, được chăng hay chớ, thiếu bản lĩnh, dũng khí của một bộ phận CB, ĐV.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy và UBKT các cấp trong toàn Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó có hơn 110 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là số lượng đảng viên bị thi hành kỷ luật nhiều nhất trong một nhiệm kỳ đại hội của Đảng. Theo phân tích của một chuyên gia chính trị học, trong số đảng viên bị kỷ luật nêu trên, nếu như những đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của họ thật sự phát huy tinh thần thật thà phê bình, có tình thương yêu đồng chí và không có thái độ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thì đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế được phần nào số lượng đảng viên vi phạm kỷ luật. Đối với hơn 1.000 tổ chức đảng bị kỷ luật cũng có một nguyên nhân không nhỏ là do nội bộ hoặc là thiếu đoàn kết, thống nhất, hoặc là đoàn kết xuôi chiều, hình thức, ai biết người nấy nên khi có sai mà không phát hiện, đấu tranh kịp thời; hoặc cũng có thể đồng lõa, dung túng cho nhau, cùng nhau ngậm miệng vì lợi ích cục bộ nên hệ quả là cùng lãnh án kỷ luật cả tập thể!

Im lặng là một thái độ ứng xử, một kỹ năng sống của con người. Sự im lặng có lúc cũng cần thiết đối với CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, vì im lặng để lắng nghe người khác thảo luận, phát biểu, góp ý, phê bình, bày tỏ tâm tư, băn khoăn, thắc mắc; im lặng để chia sẻ, đồng cảm với người khác trong những hoàn cảnh, tình huống phù hợp với đạo đức cộng đồng. Và sự im lặng lúc này được coi là thái độ ứng xử văn minh.

Nhưng chúng ta không thể không suy ngẫm về câu danh ngôn đại ý: Một vài kẻ lắm mồm không đáng sợ bằng số đông những người im lặng. Cái số đông những người im lặng này rất đáng sợ, bởi lẽ nó thể hiện một thái độ buông xuôi, bàng quan, né tránh, không chịu trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội. Không ngẫu nhiên mà cách đây hơn 5 thế kỷ, nhà triết học nổi tiếng của nước Đức là Martin Luther (1483-1546) đã đưa ra triết lý: “Người ta không chỉ phải có trách nhiệm với những gì mình nói ra, mà phải có trách nhiệm những gì mình im lặng, không chịu nói ra”. Còn nhà dân chủ người Mỹ Martin Luther King (1929-1968) cũng từng nhận định: “Thế giới chịu nhiều đau khổ không chỉ do sự tàn bạo của những kẻ xấu mà còn do sự im lặng của những người tốt”.

Từ các câu mang tính triết lý đó, các chuyên gia tâm lý học cho rằng, xét về mặt đạo đức, sự im lặng không đúng lúc, đúng chỗ và làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại là trái lương tâm của con người; còn nhìn trên phương diện pháp lý, sự im lặng đến mức không lên án tội lỗi, không đấu tranh chống lại cái ác cũng là một biểu hiện vi phạm pháp luật.

Đối với CB, ĐV, nếu thể hiện sự im lặng đến mức thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh thì lâu ngày sẽ tích tụ thành trơ lỳ cảm xúc, trơ lỳ thái độ và từ đó sẽ vô hình trung trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, dung túng cho cái sai và tiếp tay cho cái ác lộng hành. Khi CB, ĐV không bày tỏ thái độ, hành động gì trước một sự việc đáng lẽ phải có thái độ phản ứng kịp thời, vì lợi ích chung, thì đó là biểu hiện của sự vô trách nhiệm với tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị và hơn thế, vô trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Do đó, kiên quyết vạch trần, đấu tranh phòng, chống tình trạng số đông im lặng là một trong những việc làm cần thiết để góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Muốn phòng ngừa căn cơ được tình trạng này, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công vụ cho CB, ĐV; phát huy dân chủ trong đảng và trong xã hội; coi trọng văn hóa phản biện lành mạnh; thực thi chặt chẽ các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực cá nhân người đứng đầu; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm dân chủ, độc đoán, chuyên quyền…

PHÚC NỘI – Báo Quân đội Nhân dân Online