Đảng ta lại thêm một tuổi mới. Lịch sử sang trang mới. Trong kỷ nguyên này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số sẽ phát triển với tốc độ thần kỳ. Thời cơ đến cùng với nhiều thách thức lớn đối với dân tộc ta, cũng như bè bạn năm châu.
Giống như một người chinh phục đỉnh núi cao, mục tiêu luôn trước mặt, tưởng sắp đến nơi rồi, nhưng càng lên càng dốc đứng, càng lắm gian nguy, càng nhiều trắc trở. Chỉ nói riêng “con dốc” năm 2020 – một năm với bao gian khó, nhọc nhằn, chúng ta vừa đi qua – không thể không nói tới những tác động to lớn từ bên ngoài: các cuộc cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chiến tranh thương mại, nhưng nặng nề nhất là phải chống chọi “cơn bão” dịch COVID-19, cùng với thiên tai kéo dài ở các tỉnh miền trung nước ta.
Qua sóng cả thêm vững tay chèo. Người chèo lái đã đứng vững, đã đi đầu trong gian khó. Kết quả tăng trưởng kinh tế 2,91% đạt được năm 2020 là con số mà thế giới đánh giá rất cao, trong khi nền kinh tế của nhiều nước có cùng hoàn cảnh tương tự đã “rơi tự do” ở mức tăng trưởng âm. Nhìn tổng thể trong 5 năm qua, chúng ta thấy, cả nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ. Không phải người trong nhà tự khen nhau, mà nhiều cơ quan nghiên cứu, thông tấn báo chí nước ngoài đã nói về “hiện tượng thần kỳ” Việt Nam, vừa đẩy mạnh sản xuất vừa chống đại dịch thành công. Theo một thông tin đáng tin cậy của Hãng tư vấn McKinsey – một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ – Việt Nam là một trong 11 nước đạt được hiệu suất tăng trưởng vượt trội toàn cầu suốt hai thập niên vừa qua. Hàng triệu người thoát nghèo và gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để duy trì hiệu suất ấn tượng ấy, như thu nhập khả dụng đang không ngừng gia tăng, bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh được đánh giá rất hấp dẫn…
Đứng vững, đi đầu là cách nói mộc mạc, là tiếng nói tại diễn đàn Đại hội Đảng. Đó chính là thể hiện vai trò tiên phong của một Đảng cầm quyền – tiên phong về lý luận, tiên phong về hành động. Nhiều lần, trong các bài nói, bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường lưu ý: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng.
Tiên phong về lý luận không phải là những điều có sẵn. Nếu coi lý luận đã “đầy đủ” cả rồi thì dễ dẫn tới giáo điều, kinh viện và dẫn tới những mâu thuẫn trong Đảng. Tiên phong về lý luận được thể hiện rõ trong Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII. Trong đó, nổi bật là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, kiên định và sáng tạo trên con đường đổi mới đất nước. Dự báo kịp thời và chính xác diễn biến của tình hình, từ đó chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không chỉ tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đại hội XIII đã bổ sung hai nhiệm vụ lớn: tập trung xây dựng Đảng về đạo đức và tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ. Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”. Tư tưởng chỉ đạo này vừa là lý luận cũng vừa là thực tiễn.
Nhìn lại suốt quá trình lịch sử hơn 90 năm qua của Đảng cũng như công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua, chúng ta thấy rõ một điều, dân tin, hay mất niềm tin vào Đảng đều bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói giản dị rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Cuối năm vừa rồi, 2.020 đại biểu đã về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, trong đó, có rất nhiều, rất nhiều những tấm gương đi đầu nơi gian khó, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng. Câu chuyện cảm động về những cán bộ, chiến sĩ đi cứu hộ, cứu nạn ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 trước lúc gặp nạn khiến mọi người không cầm được nước mắt: “Nhân dân đang trông đợi, đang cần chúng ta, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”!
Bây giờ, phương châm hành động nhiều người đã thuộc, đã nói rất rành rẽ. Rằng, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, phải gần dân, sâu sát dân, nghe dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải thấy rằng “dân là gốc”, dân không chỉ biết, bàn, làm, kiểm tra, mà dân còn là người giám sát, thụ hưởng. Nắm được vấn đề như thế là tốt rồi. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chính người nói bắt tay ngay vào việc để người dân làm theo. Tại sao có những cán bộ miệng nói không đam mê quyền lực, hô hào phải kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ, nhưng chính họ lại là người chạy chức, chạy quyền, lại sa vào “lợi ích nhóm” trong việc sắp xếp, bố trí, đề bạt cán bộ? Tại sao có anh thuyết giảng về đạo đức, về chống tham nhũng rất trơn tru, nhưng chính họ đã gục ngã vì không cưỡng nổi tham, sân, si? Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác trong Đảng và toàn xã hội trong mấy năm qua thật sự là một cuộc chiến đấu dũng cảm, đòi hỏi sự công tâm, khách quan, sự kiên quyết và lòng can đảm của các cấp ủy đảng, cơ quan kiểm tra, nhất là người đứng đầu.
Có người đặt câu hỏi, tại sao lò lửa chống tham nhũng cháy rừng rực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mà từ tham nhũng to đến tham nhũng vặt vẫn chưa tiệt nọc? Tại sao nạn tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, hách dịch… còn nghiêm trọng? Hỏi như thế cũng là một cách tự trả lời. Là bởi, có những việc trong tầm tay người có trách nhiệm không phải họ không làm được mà là không muốn làm. Không muốn, vì nó đụng chạm đến lợi ích và đem lại sự “an toàn”. Chúng ta không thể làm ngơ, vơi đi sự thẳng thắn, trung thực, bởi sẽ làm đầy thêm nghi ngờ và trì trệ. Phải tiếp tục đấu tranh, làm trong sạch bộ máy, chống đi đôi với xây và xây đi đôi với chống. Rồi còn phải rà soát, có chính sách, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phù hợp, để giảm đến mức thấp nhất đặc quyền đặc lợi, để người có chức quyền không dễ, không thể, không dám tham nhũng.
Thế giới đang đứng trước những biến động to lớn và những đảo lộn không ngờ. Đứng vững, đi đầu sẽ không dừng lại ở những hô hào mang tính khích lệ mà nó cần được hiển hiện trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn thì phương pháp cách mạng cũng phải thay đổi, trên cơ sở một lý luận khoa học bám sát thực tiễn, được tổng kết từ thực tiễn. Vì vậy, sự nghiệp đổi mới của chúng ta được ví như một công trình tập thể chưa có tiền lệ, được thiết kế và xây dựng từ sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đứng vững thì sẽ chống được sự dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị. Đứng vững thì sẽ có thêm sức mạnh để sáng tạo, để phát huy sức mạnh từ mỗi con người, đến cả cộng đồng. Đứng vững để không bị tác động bởi những cơn gió độc thổi tới, như Đảng ta, đất nước ta đã từng đứng vững và lập chiến công vang dội trước những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Đứng vững để kiên định con đường đi tới, để tìm thấy “cơ” trong “nguy”. Bởi nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, trong khi phải cùng lúc đáp ứng các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Cố nhiên, tạo động lực ngay ở lằn vôi xuất phát là rất cần thiết, nhưng để đến đích nhanh chóng và để đi được xa, điều quyết định là phải giữ được độ bền, giữ được sự tỉnh táo trong suốt hành trình. Đảng vững mạnh, dân tộc trường tồn. Lịch sử dân tộc đã khắc ghi, đã ngời sáng chân lý ấy. Có những khi vận nước lâm nguy nếu không đứng vững và vượt lên, thì hoặc sẽ vươn vai thành thần Phù Đổng, hoặc mãi mãi là cậu bé làng Gióng.
Mùa xuân đang vẫy gọi chúng ta! Những bước chân tiên phong với tâm thế của người nắm chắc thời cơ và vận hội mới. Vận hội mới đến từ khát vọng cháy bỏng và niềm tin son sắt, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
theo Tạp chí Tuyên giáo