Trang chủ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Bản tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh...

Bản tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái: Việt Nam phản bác thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền

222
Nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu sắc hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tổ chức bản tin hằng tuần về nội dung này.

Bản tin sẽ phản ánh về các quan điểm, chủ trương, kết quả hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giới thiệu một số thông tin đấu tranh nổi bật trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội hằng tuần. Báo Quân đội nhân dân Điện tử rất mong nhận được sự quan tâm cộng tác, góp ý rộng rãi của cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn đọc.

Thông tin xin gửi về: Phòng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Điện tử, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, email: dientubqd@gmail.com; Điện thoại: 069551452, trang Fanpage: Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

Dưới đây là một số thông tin đáng chú ý trong tuần qua, từ 8-3 đến 13-3-2021

Đẩy mạnh học tập nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Ngày 9-3, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ thị nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nhằm góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Sáng 9-3, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2021.

Năm 2021, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Bắc Giang xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Kết luận số 53-KL/TW, ngày 4-6-2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội; chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ xây dựng Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn 2021-2025”. Tập huấn viết tin, bài, thực hiện các giải pháp kỹ thuật; duy trì hoạt động các tổ đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Chỉ đạo cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục, thực hiện nhiều bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường nắm bắt dư luận xã hội…
Dẫn chứng sinh động bác bỏ quan điểm sai trái Việt Nam không có tự do kinh tế và nền kinh tế thị trường
Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) đưa ra, Việt Nam lần đầu tiên lọt nhóm các nền kinh tế có chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình (Moderately Free) với 61,7 điểm. Như vậy, Việt Nam tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với thứ hạng năm 2020. Nếu xét trong nhóm 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về chỉ số này, Việt Nam cũng đứng thứ 17 với tổng điểm cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN

Với điểm số này, Việt Nam cũng đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tự do. Đây là thành tựu quan trọng, là dẫn chứng sinh động bác bỏ quan điểm sai trái Việt Nam không có tự do kinh tế và nền kinh tế thị trường.
Bác bỏ thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền của Việt Nam
Ngày 11-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức Freedom House cho rằng Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia “không có quyền tự do”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2019, các nước quan tâm đã tham gia đông đảo tại phiên họp. Đại đa số ý kiến các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam, cũng như là đưa ra các kiến nghị có tính chất xây dựng.
Vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm: không có chuyện oan sai
Ngày 8-3, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi với 6 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức đã bị tuyên án tử hình; các bị cáo Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù đều về tội “Giết người”.

Bị cáo Lê Đình Doanh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hà Nội Mới
Bị cáo Lê Đình Doanh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hà Nội Mới

Tại phiên phúc thẩm, sau những câu hỏi của chủ tọa và đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân, bị cáo Lê Đình Chức cuối cùng thừa nhận các hành vi, nhưng cho rằng bản án sơ thẩm quy kết là quá nặng, nên muốn xin giảm hình phạt. Bên cạnh đó, bị cáo thừa nhận hành vi dùng tuýp sắt có gắn dao nhọn để ngăn cản lực lượng chức năng trèo sang mái nhà; thừa nhận mình có ném lựu đạn (nhưng không nổ), ném 3-4 chai bom xăng… khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Bị cáo Lê Đình Doanh thừa nhận là người mang chậu xăng lên theo chỉ đạo của Lê Đình Chức, là người châm lửa chậu xăng. Nhưng Lê Đình Chức là người đẩy chậu xăng xuống hố, nơi 3 chiến sĩ công an ngã phía dưới. Bị cáo Lê Đình Doanh đã nhận sai, rất ân hận nhưng xin được giảm án vì hành vi của mình không trực tiếp gây ra cái chết của các cán bộ, chiến sĩ công an.
Riêng bị cáo Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Bị cáo Nối đã nhận án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Một số bài viết nổi bật về phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên báo chí
Tuần qua, Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-3-2021 đã có bài: “Những cái nhìn thiển cận về bình đẳng giới ở Việt Nam”, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam, khi cho rằng nhiệm kỳ này chỉ có một phụ nữ, trong khi nhiệm kỳ XII có 3 là “bước thụt lùi về bình đẳng giới”.

May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. Ảnh: TTXVN
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. Ảnh: TTXVN

Bài báo đã nêu ra một loạt số liệu cụ thể, xác thực về tỷ lệ đại biểu nữ được bầu vào BCH Trung ương khóa XIII và cấp ủy các cấp; số lượng nữ đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Theo đó, tỷ lệ nữ được bầu đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu bật quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; hệ thống văn bản pháp luật liên quan; những thành tựu đạt được trên thực tế về công tác bình đẳng giới ở Việt Nam, qua đó khẳng định quan điểm cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ là hoàn toàn không có cơ sở.
Dẫn đánh giá của ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm”.
Báo Công an nhân dân số ra ngày có bài 8-3-2021 có bài: Lại giở bài “tâm thư”, “thỉnh nguyện” trước phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, vạch trần âm mưu và thủ đoạn chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch nhân việc, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Theo bài báo, trước khi diễn ra phiên tòa, một số đài báo nước ngoài, những kẻ giả danh dân chủ đã hô hào, kích động dư luận với âm mưu lợi dụng vấn đề này để làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp; xuyên tạc bản chất vụ án hòng thay trắng đổi đen, quy kết, đổ lỗi cho chính quyền, tìm cách bảo vệ, bao che cho những kẻ phạm tội. Nguy hiểm hơn, các cá nhân, tổ chức bên ngoài còn tổ chức vận động hành lang các quan chức, chính khách các nước như Mỹ, Úc, Pháp, Anh… ủng hộ, lên tiếng bênh vực cho kẻ vi phạm pháp luật ở Đồng Tâm, trao “tâm thư”, “kiến nghị” và những hình ảnh phản đối bản án sơ thẩm của những kẻ chống đối trong nước.
Âm mưu của chúng nhằm hạ uy tín chính trị Việt Nam trên trường quốc tế, gây trở ngại cho Việt Nam trong ký kết các hiệp định tự do thương mại, đánh thuế cao các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, cản trở Việt Nam trở thành ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2023 – 2025 trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: TTXVN

 

Bài báo là nội dung lược ghi video-clip của ông Minh Giang – người Mỹ gốc Việt phản bác luận điệu công kích, chỉ trích và xuyên tạc, phủ nhận thành tựu nhân quyển của Việt Nam của một số trang mạng nước ngoài và mạng xã hội, nhân việc Việt Nam ứng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

Bài báo khẳng định vai trò chủ động, tích cực khi tham gia các tổ chức quốc tế cùng thành tựu trong lĩnh vực bảo đảm nhân quyền của Việt Nam những năm qua. Ông Minh Giang đặt câu hỏi: Một điều rất lạ là họ vẫn nói tiếng Việt, vẫn tự coi mình là người Việt ở nước ngoài, hễ mở miệng ra là nói đấu tranh cho người trong nước quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, nâng cao mức sống,… nhưng ngược lại, họ muốn “đấu tranh” cho Việt Nam bị tổn thương nhiều hơn, bị cấm vận nhiều hơn, bị đối xử khắc nghiệt hơn. Trút giận dữ lên quê hương, lên chính quyền trong nước, nhưng đối tượng gánh chịu là ai, cuối cùng vẫn là người dân mà thôi. Họ “giương cao ngọn cờ đấu tranh cho 96 triệu đồng bào trong nước” nhưng chúng ta thấy họ chỉ muốn tạo ra một môi trường, viễn cảnh hết sức nặng nề để có cớ tiếp tục chống đối.

Từ những nhận định trên, tác giả đi đến kết luận: chống phá theo kiểu đạp đổ, dựng chuyện lên, cố tình lái câu chuyện theo thuyết âm mưu là điều không thể chấp nhận. Chúng ta cần phải thấy rằng hướng tới tương lai mới là điều quan trọng. Và sự phát triển của Việt Nam là tất yếu, không thể nào khác được.

Vạch trần âm mưu chống phá bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, Tạp chí Tuyên giáo có bài: “Nhận diện và đấu tranh với các hoạt động chống phá bầu cử”.

Bài báo chỉ rõ, bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Trong đó, những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến là: Thứ nhất, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: quochoi.vn
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành, một số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam cũng liên tục tung ra những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung tiêu cực, thiếu chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại nước ta. Các đối tượng xấu đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm như: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v…

Căn cứ những nhận định phiến diện trên, các đối tượng xấu quy kết cho rằng cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, ngăn cản quyền bầu cử của công dân. Từ đây, các đối tượng đưa ra yêu sách đòi Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử; phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ v.v…

Thứ hai, các phần tử chống phá thực hiện chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử.

Chiêu trò mà các đối tượng này áp dụng là lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội v.v…

Thứ ba, ra sức xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ.

Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết“xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Ngoài ra, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề.

Ngoài ra, không loại trừ việc các thế lực thù địch, chống đối cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để cách đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.

Một số thông tin, dư luận đáng chú ý trên mạng xã hội

Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn về công tác xét xử vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), một số trang mạng xã hội cũng đăng tải bài viết, bày tỏ sự bất bình trước việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Trang Đất và người Quân khu 3 với hơn 100.000 thành viên đã có nhiều bài phê phán âm mưu xuyên tạc vụ án Đồng Tâm, tiêu biểu như bài “CẢNH GIÁC TRÁNH MẮC BẪY” của tác giả Tống Trọng viết: Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh Đoàn Luật sư tham gia bao biện cho những tội phạm, những kẻ gây án tại Đồng Tâm có gắn dòng chữ “CÁC NẠN NHÂN ĐỒNG TÂM”. Đây chính là chiêu bài đánh lận, lừa bịp nhận thức mọi người khi chủ quan, không đọc kỹ, rồi cứ thế chia sẻ trên mạng xã hội. Chúng đang muốn đánh tráo vị trí của những tên PHẠM TỘI thành những NẠN NHÂN để các thế lực chống đối chính quyền có thêm cơ hội cản trở việc thực thi kết luận của tòa án.

Hay như trong bài “Con của Lê Đình Kình và những luận điệu ghê tởm trước phiên tòa phúc thẩm”, tác giả có tên Facebook là Bình Bùi viết: hiện đang có chiến dịch truyền thông bẩn hòng thanh minh, chối tội cho nhóm đối tượng chống đối tại Đồng Tâm, nhất là những kẻ cầm đầu.

Tác giả viết, Lê Đình Kình chính là kẻ chủ mưu của tất cả mọi sự việc diễn ra tại Đồng Tâm. Lê Đình Kình với lòng tham của mình đã vẽ ra cái gọi là “miếng bánh đất nông nghiệp xứ Đồng Sênh” để dụ dỗ, lôi kéo bao nhiêu người vào cái gọi là “tổ đồng thuận”. Lê Đình Kình cũng là kẻ cầm đầu gây ra vụ “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” tại Đồng Tâm. Sự thật thì chỉ có một. Và chắc chắn công lý sẽ được thực thi. Những kẻ coi thường pháp luật, có tội chắc chắn phải đền tội.

Trang Hương Sen Việt với gần 54.000 người theo dõi có bài “Nếu có đạo đức và lương tri, sẽ chẳng hướng lái, bẻ ngoặt tính pháp lý của phiên tòa”, phê phán việc các luật sư vì lý do gì chỉ đề cập tới những phát ngôn bất chấp thượng tôn pháp luật của bị cáo Nối mà cố tình quên đi lời phát biểu sau cùng của đại diện người bị hại.

Ông Phạm Công Lâm (bố đẻ liệt sỹ Phạm Công Huy) ngay trước thời điểm kết thúc buổi xét xử ngày 8-3 nói: “Thưa qúy tòa, có những hình ảnh cực kỳ đau đớn, xót thương, mà bản cáo trạng không thể đề cập hết. Chúng tôi, nhân thân gia đình của các liệt sỹ đã anh dũng hi sinh mãi không thể quên thời điểm chúng tôi đón nhận các cháu về với gia đình. Các cháu đều bị than hóa…, để thấy được nỗi đau các cháu phải chịu đựng trước khi mất. Ai sẽ là người trả lại con cho chúng tôi, ai là những người phải chịu trách nhiệm về sự mất mát của gia đình tôi”.

Tác giả nêu quan điểm: nếu vị luật sư nào có đạo đức và lương tri, sẽ chẳng còn tâm trạng để hướng lái, bẻ ngoặt tính pháp lý của phiên tòa này.

Ngoài ra, trang Hương Sen Việt còn có bài: Không có chuyện-Nhân quyền là trở ngại trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

quan he viet nam-hoa ky
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn

Phân tích những phức tạp trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tác giả bài viết cho rằng, cái gọi là vấn đề Nhân quyền trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đó chỉ là một rào cản chính trị do những kẻ cực hữu trong cơ quan lập pháp gần đây dựng lên nhằm cản trở-phá hoại quan hệ bình thường giữa hai quốc gia. Ai cũng biết, nhân quyền luôn luôn có tính phổ quát và có tính đặc thù.

Ở Việt Nam, những ai nhân danh nhân quyền xâm phạm độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là vi phạm pháp luật. Điều này cũng có nghĩa những ai xuyên tạc chế độ xã hội, nói xấu vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam (đã được quy định trong Điều 4 Hiến pháp 2013) là vi phạm pháp luật. Trong quan hệ quốc tế, các nước cần phải tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

“Liên Xô sụp đổ và vai trò của Mikhail Gorbachev” là tiêu đề bài viết của tác giả Quốc Khánh khi sắp tròn 30 năm Liên Xô sụp đổ.

 

Với nguồn tư liệu khá phong phú, mới mẻ, tác giả nêu nhận định, Theo bài viết, sự sụp đổ của Liên Xô có vai trò của Gorbachev với những thủ đoạn tinh vi bằng nhận thức, được che đậy bằng một thuật ngữ rất mĩ miều là “Công khai hóa”.

Theo bài viết, Gorbachev trên cương vị lãnh đạo nhà nước đã cho thấy sự ngây thơ đến kỳ lạ và niềm tin vào âm mưu diễn biến hòa bình của phương Tây. Gorbachev nghĩ rằng, đất nước của ông ta sẽ được để cho yên bình. Ông ta không nghĩ rằng, NATO có thể lừa dối trắng trợn như vậy. Vị cựu lãnh đạo cơ quan tình báo cho biết, dẫn chứng các thỏa thuận miệng không có trong văn bản của Tổng thống Mỹ và Liên Xô về việc không mở rộng liên minh quân sự về phía Đông. Đó là niềm tin của một kẻ ngu ngốc đầy ngây thơ…

CHÍNH NGHĨA

Theo https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/ban-tin-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-chong-cac-quan-diem-sai-trai-viet-nam-phan-bac-thong-tin-sai-lech-ve-tinh-hinh-nhan-quyen-653975