Tháng 4-1976, ông Thạnh xung phong tham gia lực lượng TNXP đi xây dựng các khu kinh tế mới của tỉnh. “Khi ấy, khí thế rất náo nức. Thanh niên, đoàn viên, cả những người đã có gia đình đều xung phong tham gia lực lượng TNXP đi khai hoang, phục hóa, mở rộng các khu kinh tế mới với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất” , ông Thạnh kể. Ngày 27-4-1976, gần 2.000 đội viên TNXP được huy động từ Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh… tập hợp trước Nhà Thông tin (số 5 đường 2-4, TP. Nha Trang) làm lễ xuất quân đi xây dựng kinh tế mới ở Đất Sét (Diên Xuân, Diên Khánh), Đồng Trăng (Diên Đồng, Diên Khánh), Bến Khế (Khánh Bình, Khánh Vĩnh), Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa). Nhiều thanh niên lớn lên ở thành thị đã tự nguyện bỏ lại những chiếc quần ống loe, những chiếc áo sắc màu để khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện.
Ở Bến Khế, lực lượng TNXP chủ yếu đến từ Vạn Ninh, Ninh Hòa và Nha Trang cũng rất hăng hái. Ông Trịnh Công Ấn – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân số – Gia đình và trẻ em tỉnh) và bà Trần Thị Thanh Mai – nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn nhớ như in những ngày đầu đi TNXP ở Bến Khế. Vừa lên Bến Khế, các đơn vị đã bắt tay ngay vào dựng lán trại, cắm mốc để phát rừng mở rộng đất sản xuất. Sống xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, lại thêm các cơn sốt rét rừng hành hạ… nhưng lực lượng TNXP lúc nào cũng vui vẻ, hăng say lao động. “Lúc ấy, thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão lớn là nhanh chóng xây dựng lại đất nước sau đổ nát của chiến tranh nên sẵn sàng quên đi những mệt nhọc, mất mát, hy sinh. Nhiều người đã trưởng thành trong môi trường TNXP, được vinh dự kết nạp đoàn. Tôi cũng vinh dự được kết nạp đoàn trong đợt đầu tiên của TNXP ở Bến Khế”, bà Mai chia sẻ.
Theo Hội TNXP tỉnh, kết thúc đợt 1, lực lượng TNXP cùng lực lượng cơ giới đã khai hoang gần 2.000ha đất, tạo điều kiện cho 2 vạn dân đi kinh tế mới làm ăn sinh sống. Phần lớn TNXP tiếp tục đi đến các vùng đất mới, có người ở lại ngay trên mảnh đất mà mình vừa khai hoang.
Hoàn thành việc khai hoang ở Đất Sét, Bến Khế…, đầu năm 1978, Tỉnh đoàn Phú Khánh tiếp tục kêu gọi TNXP lên đường đi Phú Yên. Sau khi từ Đất Sét trở về, bà Bùi Thị Nở – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc người có công tỉnh), ông Trịnh Vũ Giang (phường Phước Hải, Nha Trang) đang học Trường Đoàn của tỉnh Phú Khánh (đóng ở Vạn Giã, Vạn Ninh) đã xung phong vào Đại đội tiên phong (còn gọi là Đại đội “Thép”) đi xây dựng cơ sở vật chất mở công trường Thanh niên 26-3 ở huyện Sông Hinh.
Ngày 21-3-1978, hơn 1.000 TNXP xuất quân từ Nha Trang lên đường tiến quân vào vùng đông Sông Hinh thành lập công trường khai hoang Thanh niên 26-3. Với diện tích lên đến 5.100ha, trong đó có 800ha rừng rậm, 380ha rừng thưa, 3.720ha đồi tranh, công trường Thanh niên 26-3 đúng nghĩa là đại công trường. Lực lượng huy động cho công trường có lúc lên đến 2.000 TNXP. Ngoài nhiệm vụ khai hoang, sản xuất lương thực thực phẩm, công trường còn nuôi 500 con bò thương phẩm và bò sinh sản. Bằng sức lực của tuổi trẻ, mặc dù chỉ lao động bằng công cụ thô sơ, lực lượng TNXP của tỉnh Phú Khánh đã tiến hành khai hoang hàng ngàn héc – ta đồi núi, cải tạo đất để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và lúa nước…
Làm nghĩa vụ quốc tế
Hiện nay, Hội cựu TNXP tỉnh có gần 3.500 hội viên, trong đó phần lớn là thế hệ TNXP sau năm 1975. Trên địa bàn tỉnh, có 6 huyện, thị, thành phố đã thành lập hội cựu TNXP cấp huyện, gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Cam Lâm.
Ngày 27-4 trở thành ngày truyền thống của TNXP tỉnh Khánh Hòa.
|
Tháng 12-1978, Tiểu đoàn Lê Đình Chinh làm lễ xuất quân phục vụ chiến đấu tại sân vận động 19-8. Đồng chí Nguyễn Phụng Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh khi ấy trực tiếp huấn thị và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh. Tiểu đoàn đóng quân tại tỉnh Ratanakiri, Campuchia, được giao nhiệm vụ xây dựng kho hậu cần của Quân khu V; phối hợp với Trung đoàn Công binh 270 làm đường giao thông, đường dây thông tin liên lạc, vận chuyển đạn dược, lương khô lên tuyến trước và chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Theo bà Nở, những ngày tình nguyện ở Campuchia đói khổ, vất vả hơn nhiều so với ở công trường Thanh niên 26-3. Quân Khmer Đỏ đã tiến hành “diệt chủng” nên ở vùng đóng quân gần như không có bóng người dân. Nhiều lần đi công tác, bà cùng đồng đội phải uống nước từ các vũng nước đọng ở trong rừng… Tháng 3-1979, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, Tiểu đoàn Lê Đình Chinh về nước, trở về các công trường. Đến đầu năm 1980, nhiệm vụ khai hoang, phục hóa hoàn thành.
https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202103/nho-mot-thoi-tuoi-tre-8211456/