MỘT KỸ SƯ 9X BỎ VIỆC THÀNH PHỐ, VỀ QUÊ TRỒNG DƯA LƯỚI LẬP NGHIỆP

1655

Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Nguyễn Hoàng Hiệp- TDP Nghĩa Quý phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã tìm được cho mình công việc phù hợp với mức lương ổn định. Thế nhưng, bỗng một ngày, Hiệp quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng mô hình dưa lưới, mô hình đã mang lại cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm..

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hoàng Hiệp, sinh năm 1990, ở TDP Nghĩa Quý, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh ( Khánh Hòa) đã tìm cho được cho mình công việc phù hợp với mức lương ổn định- lập trình viên tại công ty phát triển phần mềm TMA tại thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, năm 2018 với niềm đam về nông nghiệp, Hiệp đã quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng mô hình dưa lưới trong nhà kính, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh cho biết:  “Trước đây tôi là một kỹ sư, vì trăn trở về ngành nông nghiệp, nên sau đó tôi tìm hiểu về dưa lưới, tôi thấy điều kiện để phát triển dưa lưới ở tỉnh nhà rất phù hợp, cho nên tôi đã quyết tâm về tại quê nhà để đem mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao này về áp dụng, và vừa giải quyết kinh tế, vừa có thể giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở đây, dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao, lại có nhiều giá trị dinh dưỡng…”

Những ngày đầu lập nghiệp là chuỗi ngày khó khăn với chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hoàng Hiệp, nhưng với quyết tâm làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Hiệp đã không quản vất vả, ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ cách thức trồng và chăm sóc giống dưa lưới, anh nhận thấy trồng đơn thuần sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khả năng rủi ro, sâu bệnh cũng rất cao.  Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đang phát triển mạnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định phát triển mô hình này.

Anh Hoàng Hiệp bên vườn dưa lưới do mình tự tay gây dựng

Năm 2018, với số vốn trên 400 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng nhà kính trên diện tích hơn 1.000m2 của gia đình. Mô hình của anh áp dụng phương thức tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Công nghệ tưới này giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Thực hiện việc trồng dưa lưới trong nhà kính có nhiều ưu điểm nổi bật như: Giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng…

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ thêm: Ưu điểm của trồng dưa trồng nhà kính đó là hạn chế được sâu bệnh hại, đảm bảo được đầy đủ lượng phân đi vào từng gốc và không gây dư thừa phân đối với cây, hạn chế được sự tác động của thời tiết như là mưa, nắng, giúp sản lượng cây trồng được nâng cao hơn, tại vì mình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nên hàm lượng phân đi vào từng cây sẽ đồng đều hết tất cả các cây, sẽ nâng sản lượng thu hoạch lên mức cao nhất. Vì làm trong nhà lưới nên hạn chế được sâu bệnh bên ngoài tác động vào, không bị ruồi vàng, không bị các loại sâu đục phá cây, ít phun thuốc bảo vệ thực vật nên đảm được sức khỏe người tiêu dùng…”

Tuy nhiên, anh Hiệp cũng cho biết, người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăm sóc mới cho hiệu quả cao. Sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón cho phù hợp nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng cho cây.

Ở vườn, anh đang lựa chọn trồng giống dưa lưới Tione, trước đó, anh đã từng trồng thử nghiệm rất nhiều loại dưa như: One, TiOne, TL 3, giống M1, M2, M3 của Nhật Bản…, nhưng đều không chất lượng bằng giống dưa Ti One của Thái Lan. Theo anh Hiệp, giống dưa lưới này có khả năng kháng bệnh tốt, độ đường cao, thịt trái giòn, phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người Việt nam. Mô hình trồng được áp dụng theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, một năm anh trồng được 3 vụ, năng suất từ 3 đến 3,4 tấn/vụ, không tính thời gian phun khử trùng và đóng cửa vườn để cách ly 15 ngày trước khi trồng, thời gian cho thu hoạch của một vụ dưa lưới từ 65- 75 ngày. Khi xuất bán dưa có trọng lượng từ 1,5- 2 kg/quả, giá bán sỉ tại vườn dao động từ 32.000 – 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng mang lại thu nhập cho anh từ 45- 50 triệu đồng/vụ. Sản phẩm dưa lưới của anh luôn được các thương lái săn đón, thu mua, anh cũng đang tạo việc làm cho 2- 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, niềm vui như được nhân lên với anh khi mô hình dưa lưới của anh là mô hình duy nhất đã được Thành đoàn Cam Ranh lựa chọn tham dự cuộc thi “ Cuộc đua khởi nghiệp” do Đài PT&TH Khánh Hòa phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức, đầu năm 2021, mô hình của anh đã lọt vào vòng chung kết và được đánh giá cao.

Anh Cao Nho Trí- Bí Thư Thành đoàn Cam Ranh cho biết:Tại cuộc thi “Cuộc đua khởi nghiêp” tỉnh Khánh Hòa năm 2020, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Hoàng Hiệp đã được đánh giá cao và đạt được giải Nhì chung cuộc. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một trong những thanh niên điển hình có mô hình khởi nghiệp hay, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm. Dù đã có tấm bằng Đại học trong tay và đã từng rất ổn định với công việc của một kỹ sư, nhưng với niểm đam mê về nông nghiệp của mình, anh Hiệp đã không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ dám làm, có thể nói mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Hiệp đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân ở địa phương trong việc tạo ra nông sản có giá trị kinh tế cao, đây là cách sản xuất mới phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp hiện đại….

Mô hình dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Hoàng Hiệp đã giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc nhân rộng những mô hình như thế này là rất cần thiết, bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất, tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất…/.

 

Lê Ngân, Phóng viên Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao