Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

137

“Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) vừa là yêu cầu đặt ra, vừa là mục tiêu phấn đấu đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, ý nghĩa sống còn trước mắt và lâu dài đối với lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có tác động nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội.

 

Báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII

KẾ THỪA, PHÁT TRIỂN CÁC QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ MỤC TIÊU, YÊU CẦU HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ

Mục tiêu và yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” của Đại hội XIII là sự tiếp nối, nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Theo đó, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.

Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kĩ thuật và công nghệ.

Để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, cần coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí… Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lí báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lí dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

CÁC MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, NHÂN VĂN, HIỆN ĐẠI

Nền báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới phải đáp ứng yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, thể hiện rõ qua những nội dung cơ bản sau:

Tính chuyên nghiệp đòi hỏi nhà báo và cơ quan báo chí hành nghề trên cơ sở có tri thức văn hóa rộng, có kiến thức chuyên ngành sâu, có kĩ năng nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới và có đạo đức nghề nghiệp. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia(2), một nền báo chí chuyên nghiệp, cần giải quyết một số vấn đề cơ bản: Lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí chuyên nghiệp; Tổ chức hoạt động cơ quan báo chí chuyên nghiệp; Xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp và, đào tạo báo chí một cách chuyên nghiệp.

Về lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí một cách chuyên nghiệp, Đảng lãnh đạo báo chí bằng định hướng, nghị quyết, chỉ thị, bằng công tác cán bộ… phải kịp thời, sát thực tiễn. Nhà nước phải quản lý tốt hệ thống báo chí bằng văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống luật pháp về báo chí là để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo hoạt động chuyên nghiệp cao. Cần quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và xu hướng báo chí thế giới. Hiện nay, các cơ quan báo chí nước ta đang thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Để tổ chức hoạt động cơ quan báo chí chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí cần xác định rõ những tiêu chí đánh giá tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí để làm cơ sở cho việc tổ chức tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp. Ở nước ta, trong những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng quy chế hoạt động, sắp xếp cơ cấu tòa soạn và quy trình xuất bản báo phù hợp với xu hướng và công nghệ làm báo hiện đại, đồng thời xác định rõ các chức danh làm báo, để đảm bảo quản lý hoạt động của cơ quan báo chí một cách chuyên nghiệp. Một nhà báo được coi là chuyên nghiệp phải là nhà báo phải được đào tạo chuyên nghiệp; hành nghề chuyên nghiệp và đội ngũ nhà báo phải được hưởng chế độ đãi ngộ theo tính chất chuyên nghiệp, chuyên ngành.

Tính nhân văn của báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện qua việc “đề cao, quý trọng, ca ngợi và bảo vệ những giá trị văn hóa chung của cộng đồng, vì con người, vì cộng đồng, xét trên mọi cấp độ, là tôn trọng, bảo vệ và truyền bá những giá trị văn hóa chung nhất của nhân loại, không phân biệt dân tộc, tôn giáo… vì hòa bình, ổn định, sự tiến bộ và phát triển bền vững của cộng  đồng quốc tế. Trong báo chí, truyền thông, tính nhân văn là thái độ tiếp cận, đánh giá các sự kiện và vấn đề trong cuộc sống hàng ngày liên quan đến cộng đồng cũng như số phận con người; là quan điểm, thái độ và những nỗ lực đấu tranh vì quyền con người, dân chủ, dân sinh, vì sự tiến bộ xã hội và những giá trị nhân văn chân chính”(3).

Tính nhân văn trong báo chí được thể hiện qua nhiều cấp độ như khuynh hướng thông tin, lĩnh vực đề tài và quan điểm, góc độ và thái độ tiếp cận, khuynh hướng thông tin, lĩnh vực đề tài và quan điểm, góc độ và thái độ tiếp cận (ngôn ngữ, giọng điệu với nhân vật). Tính nhân văn yêu cầu nhà báo có đủ tri thức, quan điểm, thái độ, bản lĩnh và kĩ năng thể hiện. Mặt khác, thể hiện tính nhân văn từ thái độ, kĩ năng, thao tác hằng ngày trong cuộc sống và trong tác nghiệp, như thái độ và hành vi đối với những người bình dị, những con người bất hạnh, thậm chí người đang vướng vòng lao lí, mà không a dua, “đục nước béo cò”… Thông tin xâm phạm đời tư hoặc lợi dụng sự bất hạnh của con người để giật gân, câu khách, đã vi phạm tính nhân văn. Có những thông tin về đời tư, luật pháp không cấm, nhưng đạo đức, lương tâm người làm báo lại không cho phép, vì tính nhân văn cần được đề cao. Và như vậy, văn hóa truyền thông trên báo chí (4) được tôn trọng. Tính nhân văn cũng thể hiện “đẳng cấp” của ấn phẩm báo chí, truyền thông, của cơ quan báo chí và nhà báo. Xét cho cùng, tính nhân văn là mục đích cao cả của hoạt động báo chí, truyền thông.

Tính nhân văn của báo chí cách mạng Việt Nam phải được xây dựng trên cơ sở nền tảng đạo đức và pháp luật. Do vậy, để bảo đảm tính nhân văn trong hoạt động báo chí, nhà báo nhất thiết phải trang bị tốt kiến thức và trau dồi tốt ý thức về luật pháp nói chung, pháp luật về hoạt động báo chí nói riêng, phải nắm vững và tự giác thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Tính hiện đại của báo chí đòi hỏi trên các mặt: công nghệ – kĩ thuật làm báo và phong cách nhà báo, phong cách người quản lý báo chí. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí hiện đại phải cập nhật, bắt kịp và làm chủ được các thiết bị, công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, phương pháp tổ chức, quy trình tác nghiệp,… trong kỉ nguyên số. Phong cách tác nghiệp và quản lý báo chí hiện đại đòi hỏi cả tri thức hiện đại về nghề, các kĩ năng thao tác, sử dụng và làm chủ công nghệ, các phương thức quản lý tòa soạn theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí – truyền thông đa phương tiện.

Song song với đó, phải phát triển báo chí cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hoá, thông tin lành mạnh”(5). Theo đó, cần nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin…

Phóng viên, báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nền báo chí cách  mạng Việt Nam cần tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội; phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 96 năm phát triển và trưởng thành, luôn là “vũ khí sắc bén” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, đóng góp to lớn vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng của đất nước. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và từ thực tiễn sinh động, xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại là mục tiêu cao cả, là định hướng đúng đắn. Với truyền thống vẻ vang, được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng, tin yêu và ủng hộ, nhất định đội ngũ báo chí cách mạng nước ta sẽ xây dựng thành công một nền báo chí cách mạng theo những mục tiêu trên.

 

TS. Trần Bá Dung
Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

_____________________________________________

(1) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.146, 142.

(2) Xem Hà Huy Phượng: Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp”, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, H, 2011.

(3) Xem Nguyễn Văn Dững: Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp”, Sđd.

(4) Xem Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 3/2008.