TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 7/2021

934

KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG
THANH NIÊN XUNG PHONG (15/7/1950 – 15/7/2021)

  1. Sự ra đời và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 – 1954)

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng – ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”

Ngày 20-3-1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

4 câu thơ của Bác là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNXP công tác Trung ương, Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng Cục cung cấp tăng cường phát triển các Đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương,

Đội TNXP công tác Trung ương gồm 20 Liên phân đội với gần 3.000 cán bộ, đội viên (đến tháng 2/1953) đã phối hợp với các đơn vị TNXP địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch: Biên giới (Thu Đông 1950); Trần Hưng Đạo – Trung du (Đông Xuân 1950 – 1951), Hoàng Hoa Thám – Đông Bắc (Mùa Xuân 1951), Quang Trung – Hà Nam Ninh (Xuân Hè 1951) Hòa Bình (tháng 10 – 12/1951), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (1 – 6/1953).

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26-3-1953, Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập để cùng Đội TNXP công tác Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cuối tháng 12-1953, hai Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất, thành lập Đoàn TNXP Trung ương (Đoàn XP), do đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác làm Đoàn trưởng. Đoàn XP được biên chế thành 04 Đội 34, 36, 38 và 40 với trên 10.000 cán bộ, đội viên. Đến 3/1954 Đoàn XP bổ sung thêm lực lượng, biên chế thành 05 Đội: 34, 36, 38, 40, 42 với trên 18.000 cán bộ, đội viên. Ở Liên khu V hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập gồm hơn 4.000 cán bộ đội viên đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.

Ngày 6 -12 – 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ Chiến dịch: Đội 36 (2.500 cán bộ, hội viên) làm nhiệm vụ phục vụ và tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc (ATK); Đội 38 và 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; Đội 34 và 40, với trên 16.000 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6, 41; trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài,… Lực lượng TNXP đã mở hàng chục km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, rà phá trên 1.000 quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường; khi chiến dịch diễn ra quyết liệt đã có 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội; tại mặt trận Điện Biên Phủ đã có trên 100 cán bộ, chiến sĩ TNXP anh dũng hy sinh. Vượt qua nhiều gian lao, thử thách, Đoàn XP và các đơn vị TNXP địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn ATK, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Lực lượng TNXP đã được Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công suất sắc”; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, hàng nghìn cán bộ đội viên được tặng bằng khen và giấy khen của các ngành các cấp. Năm 2009, Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ và năm 2014, có 4 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổng đội TNXP 204 Liên khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên; đã có 2 chi đội, 23 chiến sĩ lập công xuất sắc được Bộ tư lệnh mặt trận phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có gần 5 vạn cán bô, đội viên TNXP hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị Lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ, … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đã có trên 200 cán bộ, đội viên anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân TNXP đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó có: 320 chiến sĩ thi đua cấp đơn vị, 25 chiến sĩ thi đua và 4 đơn vị khá nhất toàn Đoàn TNXP, được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 Bằng khen và 6 cờ thi đua khá nhất của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông công chính tặng cờ “Thi đua khá nhất”. Có 01 tập thể và 04 cá nhân Được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

  1. Thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN miền Bắc 1955 – 1964.
  2. Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975)
  3. Thanh niên xung phong tham gia chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (1975 – 1988)
  4. Thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế – xã hội (từ 1976 đến nay)

Đường link nội dung chi tiết: https://cuutnxpvietnam.org.vn/14211-2/

LỊCH SỬ, Ý NGHĨA CỦA NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ
(27/7/1947 – 27/7/2021)

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sỹ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

Lịch sử của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta.

Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xú tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.

Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “ mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ – Thái Nguyên.

Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ.

Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh – Liệt sỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội
(ngày 11-2-1956). Ảnh tư liệu

Ý nghĩa của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

– Ý nghĩa chính trị:

Ngày 27/2 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ Quốc.

Qua đó, nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo.

Cũng thông qua đó nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước.

Công tác Thương binh Liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta.

Tạo điều kiện củng cố niềm tin vào nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước.

Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.

– Ý nghĩa nhân văn:

Tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc.

Phát huy tinh thần “gia đình cách mạng gương mẫu” góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.

THEO DÒNG LỊCH SỬ

  • 2-7-1976: Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • 11-7: Ngày Dân số thế giới.
  • 15-7-1950: Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
  • 17-7-1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
  • 20-7-1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
  • 24-7-1968: Ngày Chiến thắng Đồng Lộc.
  • 27-7-1947: Ngày thương binh, liệt sĩ Việt Nam.
  • 28-7-1929: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI TRONG THÁNG 7

        1. Thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới đối với người tách hộ

Thông thường, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ sẽ được cơ quan đăng ký cư trú cấp mới Sổ hộ khẩu. Nhưng kể từ ngày 01/7/2021, người thực hiện thủ tục tách hộ sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới theo Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Theo đó, khoản 2 Điều 26 Thông tư 55 quy định như sau:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Theo quy định này, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu thì sẽ bị thu hồi sổ và không được cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu.

Ngoài ra, từ 01/7/2021, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

– Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

– Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định.

 * Hồ sơ tách hộ bao gồm:

 – Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó (đối với trường hợp tách hộ sau ly hôn).

 * Thủ tục tách hộ

– Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú.

– Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin (trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ). Trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nguồn: https://thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/tu-01-7-2021-thu-hoi-so-ho-khau-va-khong-cap-moi-doi-voi-nguoi-tach-ho-93076.html?ui=I=pFME1EQTTW&pi=09pBeU1TMHdOeTB3TVMweE1DMHdNUTTW

* Luật cư trú 2020

Luật Cư trú 2020 thay thế Luật Cư trú 2006 và Luật Cư trú sửa đổi 2013, với một số điểm mới như:

– Từ ngày 1/7, không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi công dân thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú.

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú.

– Thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú mà hiện hành chưa quy định:

+ Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong CSDL về cư trú;

+ Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác;

+ Không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định pháp luật.

– Việc tách hộ sau khi ly hôn sẽ không cần sự đồng ý bằng văn bản của vợ/chồng.

(Hiện hành, quy định muốn tách hộ khẩu phải được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản).

* Luật Thỏa thuận quốc tế 2020

– Bên ký kết nước ngoài trong thỏa thuận quốc tế (TTQT) theo quy định của Luật này bao gồm cả đối tượng là cá nhân nước ngoài, (Hiện hành, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 không có quy định).

– TTQT được ký kết với tên gọi là:

+ Thỏa thuận;

+ Thông cáo, tuyên bố, ý định thư; (là các tên gọi mới)

+ Bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

– UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết TTQT với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

* Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

– Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đơn cử như:

+ Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách gồm: Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý (quy định mới) và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.

+ Nguồn nhân lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai:

Bổ sung thêm đối tượng là người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

– Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, đơn cử:

+ Bổ sung thêm khái niệm: Bờ sông là ranh giới giữa mái dốc của lòng sông với mặt đất tự nhiên của bãi sông.

+ Thay thế cụm từ “Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão” bằng cụm từ “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” tại một số điều, khoản.

* Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020

– Người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho:

+ Vợ, chồng, người dự định kết hôn;

+ Người chung sống như vợ chồng với mình (đối tượng được bổ sung thêm).

– Thêm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đơn cử như:

+ Người chuyển đổi giới tính;

+ Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo , học viên cơ sở cai nghiện ma túy;

+ Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó thăn;

+ Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.

Nguồn: Thư viện pháp luật

 

BAN XÂY DỰNG ĐOÀN