TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10/2021

85

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 -15/10/2020)

  1. Khái quát về Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và các hoạt động xây dựng và phát triển
  2. Khái quát

* Giới thiệu chung

– Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam.

– Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

– Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.

– Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

* Tôn chỉ, mục đích của Hội

Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

* Chức năng của Hội LHTN Việt Nam

– Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.

* Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam

– Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.

– Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.

– Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.

– Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.

– Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

* Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam

Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:

– Hội LHTN Việt Nam được thành lập:

+ Cấp Trung ương.

+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương

+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.

Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội

Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:

– Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

– Hội Sinh viên Việt Nam

– Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

– Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

– Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam

– Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam

– Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam

– Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam

– Ban vận động thành lập Hội Kiến trúc và Xây dựng trẻ Việt Nam

– Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam

Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:

– Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên

– Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình

– Trung tâm Giáo dục vị thành niên

– Trung tâm Dạy nghề thanh niên

– Trung tâm Thông tin nguồn lực Tình nguyện Việt Nam – Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp

– Báo Thanh niên

– Hãng phim Thanh niên

– Cổng tri thức Thánh Gióng (thanhgiong.vn)

  1. Các mốc son lịch sử

Công tác vận động thanh niên đã được những người Cộng sản Việt Nam chú trọng ngay từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính với tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, những người Cộng sản Việt Nam có một nguồn bổ sung cán bộ trẻ, năng động, là nòng cốt để hình thành nên Đảng Cộng sản.

Ngày 26 tháng 3 năm 1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 2 tại Rạch Giá, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng để bàn về công tác thanh niên và đi đến quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách các vấn đề liên quan tới thanh niên (sau gọi là công tác Đoàn) trong các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức Đoàn nhanh chóng phát triển làm nòng cốt cho Đảng, thậm chí, trong một số giai đoạn đã thay mặt Đảng hoạt động công khai tập hợp quần chúng.

Nếu như lực lượng Đoàn Thanh niên Cứu quốc là một thành phần của Việt Minh tham gia Tổng khởi nghĩa ở miền Bắc, thì tại miền Trung và miền Nam, do điều kiện tổ chức Đảng bị tan vỡ và bất đồng, các cán bộ Cộng sản miền Nam đã tận dụng cơ hội, cài cán bộ lãnh đạo để nắm tổ chức Thanh niên Tiền phong, từ đó phát triển nhanh chóng lực lượng để tham gia Tổng khởi nghĩa.

– Các kỳ Đại hội và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong các nhiệm kỳ

* Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.

Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

* Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ – Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.

* Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch.

* Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội và quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.

* Từ ngày 13-15/1/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.

* Tháng 2/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.

* Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.

* Tháng 2/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.

* Đại hội VI diễn ra trong 2 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. Anh Nguyễn Phước Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương làm chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI.

* Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 7, khóa VI, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Nguyễn Phước Lộc được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.

* Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 10, khóa VI, anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI thay anh Phan Văn Mãi được điều động, phân công nhận nhiệm vụ mới.

* Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội. Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VI được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019.

* Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ chín, khóa VII ngày 19/7/2018 tại tỉnh Kiên Giang đã hiệp thương chọn cử anh Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII thay anh Nguyễn Phi Long được điều động, phân công nhiệm vụ mới.

* Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

  1. Các hoạt động xây dựng và phát triển
  2. a) Hoạt động của Hội LHTN Việt Nam hiện nay

* Mục tiêu:

Xây dựng lớp thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là những công dân tốt; có ý thức kỷ luật, sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái; chủ động học tập, có khát vọng vươn lên, lập thân, khởi nghiệp, lập nghiệp; hiểu biết về lịch sử, văn hoá, truyền thống đất nước; có đạo đức, lối sống văn minh, sức khỏe, kỹ năng, năng lực làm việc, tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, biết làm; chủ động hội nhập quốc tế.

Xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực sự vững mạnh, có năng lực tập hợp, đoàn kết rộng rãi các đối tượng thanh niên, thực hiện tốt vai trò đồng hành với thanh niên, phát huy năng lực, trí tuệ, sức trẻ của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. b) Nhiệm vụ và Giải pháp

Giai đoạn 2019 – 2024, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tiếp tục thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và chương trình “Xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vững mạnh”.

* Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”

– Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh

+ Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền, giới thiệu các nội dung cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành làm theo lời Bác bằng các giải pháp, việc làm cụ thể.

+ Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2030”.

+ Chủ động, kiên trì đổi mới phương thức tuyên truyền để thanh niên nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cổ vũ tinh thần thượng tôn pháp luật. Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội và định hướng dư luận trong thanh niên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp và định hướng thông tin cho thanh niên. Vận động thanh niên tham gia tích cực cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.

+ Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giúp thanh niên tìm hiểu, tự hào về truyền thống của dân tộc; phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Tập trung tổ chức các chương trình, hoạt động có tính giáo dục đồng loạt, rộng khắp nhân dịp các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Đoàn, Hội. Thường xuyên tổ chức để thanh niên đến với địa danh lịch sử, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa; tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

+ Vận động hội viên, thanh niên nâng cao nhận thức về chủ quyền an ninh tổ quốc, cổ vũ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong hội viên, thanh niên bằng những việc làm thiết thực gắn với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân, tập thể. Tổ chức Hội các cấp tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Nghĩa tình Biên cương Tổ quốc”, phong trào “Vì người bạn tòng quân”, “Vì các chiến sĩ nơi biên giới, biển đảo”. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các vùng biên giới, biển đảo. Thực hiện công trình thanh niên toàn quốc về biển đảo.

– Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích

+ Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Tập trung giáo dục lòng nhân ái, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, yêu lao động. Phát huy vai trò, ảnh hưởng xã hội tích cực của những tấm gương “Thanh niên sống đẹp”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu”, người nổi tiếng, người của công chúng đối với thanh niên. Tuyên truyền về những tấm gương, hành động đẹp của thanh niên trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội.

+ Tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh niên; thành lập các đội hình, CLB thanh niên tuyên truyền pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực. Tổ chức diễn đàn “Thanh niên với pháp luật”, “Pháp luật và cuộc sống thanh niên”, thực hiện tốt cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”. Tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại rượu bia.

+ Vận động hội viên, thanh niên tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tích cực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tổ chức liên hoan, tuyên dương “Gia đình trẻ văn hóa, hạnh phúc”.

+ Triển khai chương trình “Mỗi thanh niên một quyển sách làm bạn”, vận động xây dựng tủ sách cho thanh niên vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, biển đảo.

+ Tổ chức các cuộc vận động sáng tác tác phẩm nghệ thuật cho thanh niên, bình chọn các văn nghệ sĩ trẻ có nhiều tác phẩm mang tính giáo dục, tác động tích cực đến nhận thức, lối sống của thanh niên.

+ Tiếp tục triển khai và đổi mới nội dung, hình thức tổ chức giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” để tuyên dương và nhân rộng điển hình thanh niên tiên tiến trên mọi lĩnh vực.

+ Tiếp tục thực hiện chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” tôn vinh những tấm gương chân thực về những con người nghị lực, khơi dậy những giá trị sống tốt đẹp, đồng thời lan tỏa nghị lực vượt qua khó khăn, bệnh tật để vươn lên trong thanh niên.

– Tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục, cảm hóa và xây dựng các mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện ma túy; tiếp tục triển khai chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, duy trì, thành lập các câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”.

– Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp

+ Tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động, công tác, phát huy sáng kiến để nâng cao hiệu quả làm việc, cải cách hành chính. Tổ chức cuộc vận động “Thanh niên sáng tạo vì đất nước phát triển”, trao giải thưởng “Thanh niên sáng tạo” hàng năm. Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên học tập, đổi mới phương pháp dạy và học. Khuyến khích thanh niên nghiên cứu khoa học, triển khai các công trình, sản phẩm sáng tạo phục vụ học tập; cải tiến khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, đảo; đổi mới quy trình, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu, phục vụ; trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm chủ công nghệ, vũ khí, khí tài hiện đại; tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng.

+ Triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên tự học tập, trang bị kiến thức về khởi nghiệp. Tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, các tọa đàm về các giải pháp khởi nghiệp từ việc phát huy thế mạnh địa phương cho thanh niên, tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khả thi để tư vấn hỗ trợ, huy động nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Giới thiệu công nghệ mới, mô hình quản trị, các mô hình phân phối sản phẩm mới.

+ Tổ chức các chương trình kết nối doanh nhân các khu vực; phát huy vai trò của các chuyên gia trên các lĩnh vực, các doanh nhân trẻ thành đạt, các nhà khoa học, các công chức trẻ trong cơ quan quản lý nhà nước tham gia tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại để vận động doanh nhân trẻ tiêu dùng sản phẩm của nhau. Phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp.

– Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng

+ Tiếp tục tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng ba biên giới”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh”, kịp thời hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với nhân dân và thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

+ Triển khai các hoạt động tình nguyện theo chuyên đề, như: xây dựng Nhà Nhân ái, Nhà thích ứng với lũ lụt, Nhà Bán trú cho em, Trường đẹp cho em, đường giao thông nông thôn, Cổng trường an toàn giao thông, Bến đò ngang an toàn, điểm giao cắt đường bộ – đường sắt an toàn; điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi, con đường em đến trường.

+ Đẩy mạnh các hoạt động hiến máu tình nguyện trong thanh niên. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, các Trung tâm truyền máu xây dựng các đội thanh niên ứng trực tình nguyện hiến máu, ngân hàng dự trữ máu, ngân hàng máu sống, máu hiếm…; tổ chức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các đội hình và cá nhân xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.

+ Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tổ chức các chương trình khám chữa bệnh tình nguyện theo chuyên đề cho người nghèo như: hành trình “Nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”; chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, “Cùng sống khỏe”,“Tiếp sức người bệnh”, hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, mổ thay thủy tinh thể cho người già, mổ điều trị hở van tim cho trẻ em, tập huấn sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, tặng tủ thuốc cho ngư dân…

+ Vận động những cá nhân có uy tín trong nhiều lĩnh vực tham gia các chương trình tình nguyện của Hội. Tổ chức các chương trình tình nguyện, chương trình nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương Tổ quốc, vùng biển đảo để phục vụ đồng bào và cán bộ, chiến sỹ. Tổ chức các chương trình biểu diễn gây quỹ ủng hộ người nghèo, hỗ trợ công tác an sinh xã hội.

+ Triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp xây dựng và triển khai các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện tốt chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam chống rác thải nhựa”; phát hiện, đấu tranh chống các hành vi hủy hoại tài nguyên, môi trường. Xây dựng và thực hiện các đề án, các mô hình cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Tập hợp, đoàn kết, điều phối và hỗ trợ hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm thanh niên; nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đúng đối tượng, địa chỉ cần giúp đỡ. Định kỳ phối hợp tổ chức “Ngày hội tình nguyện quốc gia”, “Giải thưởng tình nguyện quốc gia”. – Thanh niên Việt Nam khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế

+ Tuyên truyền rộng rãi trong thanh niên về ý thức rèn luyện thể dục, thể thao, vận động thanh niên tự giác tập luyện thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe hằng ngày tùy theo điều kiện của mỗi cá nhân. Tổ chức Hội các cấp duy trì tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu thể thao tối thiểu 01 năm/lần dành cho cán bộ Hội, hội viên, thanh niên. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, uy tín các giải thể thao trong thanh niên. Phát động phong trào “10.000 bước mỗi ngày”.

+ Tổ chức Hội các cấp triển khai các loại hình tư vấn tâm lý cho thanh niên. Xây dựng bộ công cụ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho thanh niên. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.

+ Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, khuyến khích thanh niên tham gia các tổ chức câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo sở thích và nhu cầu, nghề nghiệp của thanh niên.

+ Xây dựng các hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên. Chú trọng các kỹ năng giúp thanh niên chủ động, tự tin trong thể hiện năng lực bản thân, giao tiếp xã hội.

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về hội nhập quốc tế; thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chủ động học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế.

+ Vận động hội viên, thanh niên tích cực học tập tiếng Anh, tích cực tham gia triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam do Đại hội Đoàn lần thứ XI thông qua, khuyến khích thanh niên tham gia các diễn đàn thanh niên khu vực, thế giới.

+ Tổ chức “Ngày văn hóa” ASEAN và các nước trên thế giới. Phối hợp, tham gia tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao giữa thanh niên các nước trong khu vực, các tỉnh giáp biên, các tổ chức Hội ở nước ngoài.

* Chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”

 – Chương trình tạo môi trường thực tiễn để thanh niên học tập, lập thân, lập nghiệp, nâng cao sức khỏe, kỹ năng, đời sống văn hóa tinh thần, khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Tham gia xây dựng, thúc đẩy và phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách cho thanh niên. Tổ chức Hội các cấp kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, nêu ý kiến trước công luận về sự vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, thanh niên. Phối hợp tổ chức Đoàn và Bộ ngành liên quan đề xuất các chính sách cụ thể để chăm lo, hỗ trợ thanh niên. Thành lập Hội đồng tư vấn, đồng hành với thanh niên Việt Nam gồm các cá nhân có uy tín trong xã hội.

– Tăng cường phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy thanh niên tài năng. Khuyến khích, tạo điều kiện để thanh niên có tài năng phát huy năng lực, cống hiến cho đất nước. Tích cực, chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng, uy tín của các giải thưởng, các cuộc thi để tôn vinh thanh niên tài năng trong các lĩnh vực và hỗ trợ thanh niên tài năng có hoàn cảnh khó khăn.

– Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là thanh niên thuộc nhóm dân tộc thiểu số dưới 10.000 người. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan và các tập tục không còn phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và quy định của pháp luật. Tuyên truyền phòng chống hôn nhân cận huyết, tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, bình đẳng giới. Đẩy mạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo việc làm ổn định cho thanh niên dân tộc thiểu số. Tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động văn hóa; xây dựng sân chơi, tặng trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao cho thanh niên dân tộc thiểu số. Triển khai các dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, tổ chức các chương trình động viên, khuyến khích thanh niên khuyết tật nỗ lực, chủ động, tự tin hòa nhập xã hội. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan triển khai các dự án xây dựng học liệu, học cụ cho thanh niên khuyết tật. Triển khai mô hình thanh niên Nhà sinh hoạt cộng đồng dành cho 16 dân tộc thiểu số rất ít người.

– Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm thanh niên yếu thế cơ hội phát triển trên địa bàn dân cư. Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên. Xây dựng các mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Nắm bắt kịp thời và chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hỗ trợ thanh niên có dấu hiệu dẫn đến vi phạm pháp luật, thanh niên chậm tiến. Tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm cho thanh niên thất nghiệp, chưa có việc làm ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị hóa. Tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật nâng cao đời sống tinh thần, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa của thanh niên các vùng trong cả nước.

– Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn sức khỏe, pháp luật, kỹ năng quản lý thu nhập, chi tiêu, kiến thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình và sức khỏe sinh sản cho thanh niên công nhân. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thường xuyên tổ chức các sân chơi, các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong thanh niên công nhân, các chương trình bán hàng bình ổn giá cho thanh niên công nhân

* Chương trình “Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh”

Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh về tổ chức và hành động, trong đó chất lượng cán bộ Hội là trọng tâm, chất lượng cơ sở Hội là đột phá.

– Công tác cán bộ Hội

+ Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có chất lượng, trưởng thành từ phong trào thanh niên. Định kỳ tập huấn về kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ cho cán bộ Hội theo chức danh. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng huấn luyện Trung ương. Tổ chức Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh cấp Trung ương theo khu vực định kỳ 2 năm/lần, liên hoan Huấn luyện viên cấp I Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc. Phối hợp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bổ sung, biên soạn mới tài liệu tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp. Phối hợp Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tập huấn cán bộ Hội ở nước ngoài 02 năm/ lần.

+ Tập hợp những cá nhân tiêu biểu có uy tín, có trình độ, có năng lực, trưởng thành từ phong trào thanh niên để bồi dưỡng trở thành thủ lĩnh thanh niên, cán bộ Hội chủ chốt các cấp và lực lượng nòng cốt trong thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo, thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.

+ Tổ chức xét, trao “Giải thưởng 15/10” tôn vinh các thủ lĩnh thanh niên, cán bộ Hội tiêu biểu hàng năm. – Công tác hội viên + Tập trung phát triển hội viên mới, chú trọng đến chất lượng hội viên, không chạy theo số lượng; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn trong việc thực hiện chủ trương “1+1” (mỗi đoàn viên, hội viên giới thiệu được ít nhất một thanh niên tham gia Đoàn, Hội). Thực hiện đúng quy định, nguyên tắc, quy trình và thủ tục công nhận thanh niên vào Hội, tổ chức lễ công nhận hội viên mới, hội viên danh dự theo nghi thức Hội.

+ Tổ chức cơ sở Hội các cấp thường xuyên rà soát số liệu thanh niên, số liệu hội viên có mặt tại địa phương để chủ động trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, phát triển hội viên mới. Đổi mới công tác quản lý hội viên phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác của từng địa phương, đơn vị.

+ Tập trung cho công tác tập hợp thanh niên khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, thanh niên trên địa bàn dân cư. Thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên theo sở thích để đa dạng hóa các loại hình tập hợp thanh niên đặc biệt trong các vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc.

+ Tuyên truyền, giới thiệu về Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho hội viên; phát hiện, bồi dưỡng hội viên ưu tú phấn đấu trở thành đoàn viên. – Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Hội

+ Có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế hoạt động Hội trên địa bàn dân cư.

+ Thành lập tổ chức Hội ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; ở nước ngoài; khu vực thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo, các khu đô thị mới, khu chung cư. Triển khai các hoạt động hướng dẫn về nghiệp vụ công tác Hội; tư vấn, hỗ trợ phương pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội trong các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức Hội Thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, các Câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên.

+ Kiên trì mục tiêu “Đoàn mạnh, Hội rộng” với phương châm ở đâu có thanh niên ở đó có tổ chức Hội hoặc các hoạt động của Hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội, nhất là chi hội trên địa bàn dân cư, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; xác định nhiệm vụ của chi hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động gắn với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, thanh niên, coi trọng tính làm chủ của hội viên trong hoạt động.

+ Đẩy mạnh các hình thức tập hợp thanh niên trên mạng Internet và các diễn đàn, mạng xã hội… Tiếp tục mở rộng các hình thức chi hội, câu lạc bộ trực thuộc Uỷ ban Hội cấp tỉnh, huyện.

– Củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức thành viên tập thể của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

+ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: đảm bảo vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn đối với tổ chức Hội trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của Hội; tăng cường tính định hướng chính trị và tạo điều kiện thuận lợi để Hội chủ động hoạt động. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn tham gia công tác Hội; chủ động phát hiện, lựa chọn những nhân tố tích cực trong hoạt động Hội làm nguồn cán bộ Đoàn các cấp.

+ Hội Sinh viên Việt Nam: tiếp tục nâng cao chất lượng, vai trò, vị thế của Hội trong sinh viên, nhà trường và xã hội. Tổ chức tốt các phong trào, chương trình của Hội. Tăng cường phát hiện các nhân tố tích cực qua phong trào giới thiệu tham gia đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại các trường.

+ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: xác định doanh nhân là một trong những lực lượng chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, Hội tiếp tục tăng cường tập hợp, xây dựng lực lượng doanh nhân trẻ, gắn kết hoạt động doanh nhân trẻ với xây dựng phong trào của Hội, đồng thời đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả đối với yêu cầu phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đảm bảo tính định hướng, hỗ trợ kịp thời của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp với hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ cùng cấp.

+ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: phát huy vai trò của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong công tác tập hợp đoàn kết lực lượng thầy thuốc trẻ, chăm lo, hỗ trợ và phát huy lực lượng thầy thuốc trẻ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tập trung vào các hoạt động bao phủ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín trong nước và trên thế giới, phát huy vai trò phản biện của tổ chức Hội, tích cực phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa các điển hình tiên tiến.

+ Hội Trí thức, Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam: củng cố hoạt động Hội ở cấp Trung ương, thành lập mới Hội tại địa phương. Tăng cường các hoạt động kết nối tri thức trẻ Việt Nam trong nước và ở nước ngoài qua các dự án, đề án, chương trình khoa học phục vụ cộng đồng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, đất nước.

+ Câu lạc bộ Nghệ sỹ trẻ Việt Nam: củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ; đẩy mạnh tập hợp văn nghệ sỹ trẻ, chăm lo nhu cầu, nguyện vọng và quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thanh niên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; cổ vũ văn nghệ sĩ trẻ khẳng định bản thân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến vì cộng đồng; vận động các văn nghệ sĩ trẻ có nhiều ảnh hưởng đến thanh niên tuyên truyền, cổ vũ lối sống đẹp trong thanh niên.

+ Câu lạc bộ Thanh niên Khuyết tật Việt Nam: tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thanh niên khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật có cơ hội khẳng định bản thân, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Duy trì các hoạt động hiện có, tổ chức thêm các hoạt động mới để hỗ trợ, tập hợp thanh niên khuyết tật.

– Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên Việt Nam ở nước ngoài và công tác quốc tế thanh niên

+ Tiếp tục chủ động tiếp cận, tập hợp lực lượng đông đảo thanh niên Việt Nam ở nước ngoài bằng các nội dung, phương thức phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động và tạo tính thống nhất của các tổ chức Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

+ Hỗ trợ các Hội thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động nghiên cứu, học tập, rèn luyện, giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam; phát huy tinh thần yêu nước hướng về Tổ quốc, cống hiến cho đất nước. Tăng cường thành lập, công nhận các tổ chức Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, phấn đấu trong nhiệm kỳ, công nhận ít nhất 03 tổ chức Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.

+ Triển khai các phương thức nắm tình hình và hỗ trợ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Định kỳ tổ chức giao ban trực tuyến với Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình trong nước cho hội viên, thanh niên ở nước ngoài.

+ Chủ động tìm hiểu mô hình hoạt động, xu thế của thanh niên khu vực và thế giới, nghiên cứu vận dụng phù hợp điều kiện Việt Nam để tăng tính đa dạng, đổi mới hoạt động. Tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế đối với các tổ chức thanh niên chung đường biên giới, các nước trong khu vực và trên thế giới. Phối hợp với các tổ chức thanh niên quốc tế hợp pháp, phù hợp để tăng cường cơ hội giao lưu, hội nhập của thanh niên Việt Nam. Chủ động phối hợp với các tổ chức thanh niên của các nước láng giềng, trong khối ASEAN triển khai các chương trình phát triển, giao lưu thanh niên.

Nguồn: thanhgiong.vn

THEO DÒNG LỊCH SỬ

– 01/10/1991: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi.

– 04/10/1920: Kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu.

– 10/10/1954: Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ Đô.

– 13/10/1945: Kỷ niệm Ngày thành lập doanh nhân Việt Nam.

– 14/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam.

– 15/10/1956: Kỷ niệm Ngày thành lập hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

– 15/10/1930: Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

– 20/10/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

BAN XÂY DỰNG ĐOÀN