Tài liệu tuyên truyền tiến tới Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI

279

 TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI


Thực hiện Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 22/12/2010 của Ban bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và Thông báo số 42 – TB/TW ngày 15/7/2011 của Ban Chấp hành TW Đảng thông báo kết luận của Ban bí thư về một số vấn đề liên quan đến Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI; Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ được tổ chức từ ngày 11 – 14/3/2012.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong việc phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và tổ chức Hội.

Để Đại hội được tuyên truyền rộng khắp và có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân cả nước, đạt được mục đích, yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn Tài liệu tuyên truyền tiến tới Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI. Nội dung Tài liệu tuyên truyền đề cập những nét chủ yếu của 10 nhiệm kỳ Đại hội, tập trung vào những thành tựu nổi bật của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2007- 2012 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017, cụ thể như sau:

I. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thành công X kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc và đang tích cực tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012 -2017.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có nhu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, đông đảo phụ nữ đã tham gia vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

Những năm 1927 – 1930, các tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ: Phụ nữ phản đế, Đồng minh phụ nữ hiệp hội, Hội phụ nữ giải phóng… và hình thành nên nhiều nhóm phụ nữ…

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Qua các thời kỳ cách mạng, các tổ chức phụ nữ đã được thành lập: Hội phụ nữ giải phóng (1930 – 1931), Hội phụ nữ dân chủ (1936 – 1939), Hội phụ nữ phản đế (1939 – 1941), Đoàn phụ nữ cứu quốc (16 – 6 – 1941), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20 – 10 – 1946). Dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức thành công X kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc và đang tích cực tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012 -2017.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ I (nhiệm kỳ 1950 – 1956)

Đại hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 4 năm 1950 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Dự Đại hội có 168 đại biểu chính thức, đại diện cho 5 triệu hội viên và 10 triệu phụ nữ Việt Nam ( có Việt kiều ở Pháp, Thái Lan tham dự).Đại hội vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Lê Đình Thám – chủ tịch Mặt trận Liên Việt đến dự.

Đại hội đã thông quađược những vấn đề lớn của tổ chức Hội như:các Quyết nghị về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội Phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ và bảo vệ hòa bình dân chủ; Chương trình, Điều lệ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tuyên ngôn, Hiệu triệu gửi toàn thể phụ nữ Việt Nam.

Đại hội đã đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể thực hiện trong nhiệm kỳ là: tham gia ủng hộ chiến đấu; vận động chị em thi đua tăng gia sản xuất; vận động phụ nữ trong vùng địch tạm chiếm; tăng cường sự hoạt động quốc tế; cải thiện đời sống phụ nữ và bảo vệ nhi đồng; cứu tế xã hội; vận động phụ nữ tham chính; củng cố và phát triển Hội; góp phần xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; tiến hành hợp nhất Đoàn Phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hai Chương trình lớn được đề ra trong nhiệm kỳ này là: Chương trình bảo vệ độc lập quốc gia và kiến thiết chế độ dân chủ mới nhân dân và Chương trình bảo vệ quyền lợi phụ nữ nhi đồng.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 32 Ủy viên, Ban thường trực Trung ương Hội gồm 9 ủy viên. Đồng chí Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đã hợp nhất Đoàn phụ nữ Cứu quốcHội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức duy nhất của phụ nữ, lấy tên là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là thành viên của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ lần thứ II (nhiệm kỳ 1956- 1961)

Đại hội diễn ra từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 5 năm 1956 tại thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 425 đại biểu chính thức đại diện cho mọi tầng lớp phụ nữ ở các khu, tỉnh, thành của miền Bắc. Dự Đại hội còn có các đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế, như: Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế, Hội phụ nữ Liên xô, Trung Quốc, Lào, Hội phụ nữ Cộng hòa Dân chủ Đức. Đại hội vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng và Chính phủ đến chúc mừng và chỉ đạo.

Đại hội thông qua Điều lệ mới của Hội gồm 10 điều, trong đó điều 1 và điều 2 của Điều lệ đã nêu tôn chỉ mục đích của Hội. Đại hội đề ra 5 Chương trình hoạt động trong thời kỳ 1956 – 1960 là: Đoàn kết phụ nữ cả nước để cùng toàn dân phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; Thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng hoàn toàn phụ nữ; Nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho phụ nữ; Mở rộng các hoạt động xã hội để nâng cao đời sống của phụ nữ và nhi đồng; Đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 50 Ủy viên, Ban Thường trực Trung ương Hội gồm 13 Ủy viên. Bà Nguyễn Thị Thập – Ủy viên BCH TW Đảng được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 1961 -1974) và Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam

Sau năm 1954, theo ký kết và thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, nước Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng và thúc đẩy hoạt động của phong trào phụ nữ tại miền Nam, ngày 8/3/1961 Hội LHPNGPMN Việt Nam được thành lập. Trong 15 năm (1961 – 1975), cùng thực hiện nhiệm vụ vận động phụ nữ nhưng Hội LHPN Việt Nam có tổ chức ở cả hai miền.

Ở miền Bắc, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ III được diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 3 năm 1961 tại Thủ đô Hà Nội. Ở miền Nam, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 năm 1965 tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh).

* Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 1961 -1974)

Đại hội diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 3 năm 1961 tại thủ đô Hà Nội. Dự Đaị hội có 450 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 4,5 triệu hội viên trong cả nước và 19 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự Đại hội.

Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ lớn cho phong trào phụ nữ Việt Nam là: Tăng cường đoàn kết tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở miền Bắc lên trình độ cao hơn, sâu sắc và triệt để hơn; Kiên quyết cùng toàn dân đấu tranh giành hòa bình thống nhất nước nhà; Tăng cường đoàn kết hữu nghị với phụ nữ thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt: Đoàn kết sản xuất tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị,văn hóa, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt.

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 76 Ủy viên, Ban thường trực Trung ương Hội gồm 16 ủy viên. Bà Nguyễn Thị Thập – Ủy viên BCH TW Đảng tiếp tục được bầu làm Hội trưởng. Trong lịch sử của Hội, nhiệm kỳ thứ 3 là nhiệm kỳ dài nhất (1961 – 1974), gắn liền với lịch sử chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc.

* Đại hội Đại biểu lần thứ I Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam

Ngày 8-3-1965, Đại hội đại biểu lần thứ I Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được triệu tập tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). Tham dự Đại hội có gần 500 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu hội viên các địa phương, tiêu biểu cho phụ nữ trong các phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận…

Chương trình và Điều lệ năm 1965 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng nhấn mạnh các nhiệm vụ: Kiên quyết đấu tranh chống mọi hoạt động áp bức, bóc lột, khủng bố giết chóc, chà đạp nhân phẩm đạo đức của đế quốc Mỹ và tay sai, triệt để bênh vực mọi quyền lợi thiết thân cho mọi tầng lớp phụ nữ; cùng với toàn dân kiên quyết đấu tranh đánh đổ đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ mọi chế độ bù nhìn phản dân hại nước, ôm chân đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ ở miền Nam, giành độc lập dân chủ và hòa bình, tiến tới thống nhất Tổ quốc, thực hiện nam nữ bình đẳng, từng bước giải phóng phụ nữ.

Ban Chấp hành Trung ương Hội phát động phong trào thi đua “Năm tốt”: Đấu tranh chống địch tốt; đoàn kết lao động sản xuất tốt; phục vụ tiền tuyến, đảm đang công tác hậu phương tốt; quản lý gia đình và nuôi dạy con tốt; rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Hơn nửa triệu hội viên được tập hợp, đóng vai trò nòng cốt, xung kích của đội quân tóc dài trong phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, góp phần làm thất bại âm mưu chiến lược của Mỹ và tay sai.

Nguyễn Thị ĐịnhPhó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam được bầu làm Hội trưởng.

Thực hiện chủ trương của Đảng về hoàn thành thống nhất đất nước,ngày 12-6-1976, tại Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1974 – 1982)

Đại hội diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 3 năm 1974 tại thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội có 596 đại biểu chính thức đại diện cho trên 5 triệu hội viên trên cả nước.Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam, Chủ tịch Hội dẫn đầu. Dự Đại hội còn có 26 đoàn đại biểu phụ nữ thế giới. Đại hội vinh dự đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại hội đã đánh giá những thành tích, đóng góp của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong 13 năm (1961 – 1974) và đề ra phương hướng xây dựng, hoạt động và những nhiệm vụ cụ thể của Hội trong nhiệm kỳ mới; Thông qua điều lệ mới của Hội.

Nhiệm kỳ này đặt ra nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ xã hội chủ nghĩa làm tốt nghĩa vụ với Tổ quốc, xã hội và gia đình, vận động phụ nữ tham gia phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm, cùng các cơ quan, đoàn thể chăm lo quyền lợi, đời sống, sức khỏe phụ nữ, trẻ em, hướng dẫn tổ chức tốt gia đình, làm tròn nghĩa vụ với cách mạng miền Nam, tăng cường đoàn kết hữu nghị với phụ nữ trên thế giới, củng cố tổ chức Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cải tiến chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp Hành Trung ương Hội gồm 114 ủy viên, Ban thường vụ Trung ương Hội gồm 30 ủy viên. Đồng chí Hà Thị Quế – Ủy viên BCH TW Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội.

Từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 6 năm 1976, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam họp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ V (nhiệm kỳ 1982- 1987)

Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 5 năm1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 800 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 9 triệu hội viên và 25 triệu phụ nữ trong cả nước). Dự Đại hội có 9 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Đại hội vinh dự đón đồng chí Phạm Văn Đồng, ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ: Đoàn kết, giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy vai trò làm chủ tập thể và ý chí phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng; Tiếp tục phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được phát động tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại Hội IV năm 1978; Chăm lo những vấn đề phúc lợi và đời sống của phụ nữ, tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới; Củng cố tổ chức Hội, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ; Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội.

Ban chấp hành TW Hội gồm 109 ủy viên, đoàn chủ tịch có 17 ủy viên. Bà Nguyễn Thị Định – Ủy viên BCH TW Đảng được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ lần thứ VI (Nhiệm kỳ 1987- 1992)

Đại hội diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 5 năm 1987 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên và 28 triệu phụ nữ trong cả nước. Đại hội vinh dự đón đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến dự.

Đại hội đánh giá các tầng lớp phụ nữ đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nhấn mạnh 8 nội dung phụ nữ cần thực hiện trong công cuộc đổi mới, đó là: Giáo dục xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa; Động viên phụ nữ tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6, trọng tâm là ba chương trình kinh tế lớn; Tham gia xây dựng, kiểm tra giám sát việc thực hiện những chính sách, chế độ và điều kiện lao động và sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em; Làm tốt công tác hậu phương; Vận động, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ phát huy vai trò người mẹ, góp phần xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt; Tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương thức hoạt động; xây dựng củng cố cơ sở hội.

Trong nhiệm kỳ Đại hội này, vào ngày 08/3/1989 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương khóa VI gồm 98 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội bầu Đoàn chủ tịch gồm 15 ủy viên. Bà Nguyễn Thị Định – Ủy viên BCH TW Đảng tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII (Nhiệm kỳ 1992 – 1997)

Đại hội diễn ra từ ngày 18 đến 20-5-1992 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 760 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên và 33 triệu phụ nữ cả nước. Đại hội vinh dự đón các đồng chí: Đỗ Mười, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội đến dự.

Đại hội khẳng định: các cấp Hội đã có những bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, do đó phong trào phụ nữ đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội nêu rõ: tiếp tục thực hiện hai cuộc vận động của Hội “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”; đề ra các mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ của phong trào phụ nữ những năm 1992-1997 và 5 chương trình công tác trọng tâm, đó là: Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ; Chương trình hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ; Chương trình chăm sóc sức khoẻ phụ nữ trẻ em, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và giáo dục gia đình; Chương trình đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, tập hợp quần chúng và xây dựng qũy Hội; Chương trình tổ chức nghiên cứu và vận động quần chúng tham gia xây dựng, giám sát, kiểm tra chính sách, luật pháp, cơ chế mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ. Nghiên cứu một số vấn đề về gia đình.

Đại hội quyết định tiếp tục phát động thực hiện hai phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” và tiếp tục thực hiện phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được phát động ngày 20/10/1990.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VII gồm 96 ủy viên. Ban Chấp hành tôn vinh bà Nguyễn Thị Định – Ủy viên BCH TW Đảng làm Chủ tịch danh dự Hội LHPN Việt Nam; bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên. Bà Trương Mỹ Hoa Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 1997- 2002)

Đại hội diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 5 năm 1997 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 900 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên và gần 24 triệu phụ nữ cả nước. Tham dự Đại hội còn có 25 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế của 22 nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Ủy ban vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII là Đại hội “Đoàn kết, Đổi mới vì Bình đẳng, phát triển và hòa bình, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đại hội nhấn mạnh tiếp tục thực hiện 5 chương trình trọng tâm: Chương trình giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ; Chương trình vận động phụ nữ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập; Chương trình chăm sóc sức khỏa phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; Chương trình xây dựng tổ chức hội vững mạnh; Chương trình nghiên cứu và kiểm tra giám sát.

Đại hội phát động phụ nữ cả nước thực hiện hai phong trào thi đua yêu nước: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 126 ủy viên. Ban chấp hành quyết định số lượng Đoàn chủ tịch gồm 21 ủy viên, tại Đại hội bầu 19 ủy viên. Bà Trương Mỹ Hoa Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Tháng 2-1998, bà Trương Mỹ Hoa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Hà Thị Khiết Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2002 – 2007)

Đại hội diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 2 năm 2002. Đại hội có 900 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu hội viên; có 19 đoàn với gần 100 đại biểu phụ nữ quốc tế các nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Ủy ban Vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN…

Đại hội đã khẳng định những thành tích đạt được của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 1997 – 2001; đề ra 6 chương trình trọng tâm: Chương trình Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ; Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; Chương trình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Chương trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; Chương trình tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam – nữ; Chương trình hoạt động đối ngoại nhân dân.

Đại hội phát động các tầng lớp phụ nữ cả nước thực hiện phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”

Đại hội bầu Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa IX gồm 132 ủy viên, Đoàn chủ tịch gồm 23 ủy viên. Bà Hà Thị Khiết – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (Nhiệm kỳ 2007 – 2012)

Đại hội đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2007 – 2012 đã được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10 năm 2007 tại thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có gần 1.193 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 14 triệu hội viên trong cả nước. Đại hội đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX; đề ra mục tiêu, xác định nhiệm vụ, 8 chỉ tiêu cơ bản và 6 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2007 – 2012; Thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam sửa đổi.

Đại hội quyết định tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Các cấp Hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ sôi nổi hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’ gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo”. Với sự trợ giúp thiết thực đã có hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và hàng chục nghìn tỷ đồng vốn để chị em vay phát triển sản xuất, tạo việc làm để cuộc sống thêm no ấm, hạnh phúc.

Ban chấp hành khoá X nhiệm kỳ 2007 – 2012 gồm 154 uỷ viên, 25 uỷ viên Đoàn chủ tịch. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nhìn lại 10 nhiệm kỳ Đại hội và hơn 80 năm thành lập của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy, sự trưởng thành, lớn mạnh của Hội PHPN Việt Nam luôn gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước, gắn liền với sự quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể chính trị – xã hội và sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên phụ nữ trong cả nước. Qua mỗi kỳ Đại hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có bước phát triển về hội viên, về tổ chức bộ máy, đặc biệt không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của phhong trào phụ nữ, góp phần đáng kể cho sự phát triển đất nước.