Nha Trang ngập nước, Phú Yên nỗ lực “cứu” đường sắt

186

TTO – Những cơn mưa kéo dài từ tối ngày 29-10 cho đến sáng ngày 31-10 đã khiến cho nhiều khi vực dân cư ở Nha Trang bị ngập úng do bị chia cắt. Trong ngày 30-10, 8 chuyến bay đi và đến sân bay Cam Ranh bị hủy bỏ.

 

Đường Nguyễn Đức Cảnh ngập nặng – Ảnh: Khuê Việt Trường

Khánh Hòa: Mưa lớn, ách tắc giao thông và hủy nhiều chuyến bay

Có 8/15 con đường ở vực Bình Tân, phường Phước Long ngập sâu, có nơi gần 1 m, khiến cho các phương tiện giao thông không đi lại được. Đó là các đường Phùng Hưng, Bữu Đóa, Nguyễn Đức Cảnh, Bế Văn Đàn, Nguyễn Thị Định… Đường Nguyễn Đức Cảnh ngập nặng dài hơn 100 m, khiến nhiều xe máy đi ngang qua bị chết máy. Các điểm lau chùi… bugi đã mở kịp thời để phục vụ các sự cố trên.

 

Nhiều xe chết máy phải vào sửa tại một điểm sửa xe máy ở Nha Trang – Ảnh: Khuê Việt Trường

Chợ Đầm ở khu vực hàng rau, hàng cá, nước ngập vượt qua đầu gối khiến  việc buôn bán gặp khó khăn. Khu vực Đồng Muối nước đang lên dần.

Quốc lộ 1A từ Diên Khánh Về Nha Trang đã có nhiều đoạn nước tràn qua đường khiến cho các loại xe phải đi đường vòng qua Cải Lộ Tuyến để vào Nha Trang.

 

Tranh thủ lượm rác trên bãi biển – Ảnh: Khuê Việt Trường

Bãi biển Nha Trang đã bắt đầu ngập rác do lũ từ thượng nguồn sông Cái kéo rác ra biển. Rác phủ dài cả 5 cây số bãi biển, trong đó có nhiều cây khô.

Sáng 31-10, Ga xe lửa Nha Trang thông báo tạm ngừng bán vé đi cả 2 hướng Bắc, Nam. Nhiều đoàn tàu khách đang bị kẹt nhiều giờ tại các ga Phước Nhơn, Tháp Chàm, Hòa Trinh (Ninh Thuận), La Hai, Chí Thạnh, Tuy Hòa (Phú Yên).

Tại Nha Trang, lượng mưa trên 300mm, gây ngập sâu nhiều tuyến phố chính. Đã có 25 ngôi nhà bị sập do mưa lũ.

Một số hình ảnh nước ngập trên các tuyến đường huyết mạch ở Nha Trang

 

Dịch vụ chở xe gắn máy xuất hiện – Ảnh: Võ Văn Tạo

 

Mưa gây gập lớn – Ảnh: Võ Văn Tạo

 

Nước ngập vào nhà –  Võ Văn Tạo

 

Do ảnh hưởng mưa dầm, nước dâng, rau xanh trong buổi sáng ngày 31-10 tăng gấp hai lần và rất khan hiếm. Dưa leo lên giá 15.000 đồng/ký, rau sống 40.000 đồng/ký, cà chua 40.000 đồng/ ký, rau muống 5.000 đồng / bó…Tuy nhiên, lượng rau về chợ rất ít.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG – VÕ VĂN TẠO

Nỗ lực “giải cứu” đường sắt

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, lúc 16g chiều 30-10, mưa lớn đã gây sạt lở, làm một lượng lớn đất đá đổ chắn ngang đường sắt Bắc – Nam tại km1230+470 thuộc khu gian Hảo Sơn -Đại Lãnh làm hàng chục đoàn tàu khách “đứng bánh” ở hai đầu Phú Yên và Khánh Hòa.

 

Các lực lượng đang nỗ lực để đưa đất đá khỏi điểm sạt lở chôn lấp đường sắt – Ảnh: DUY THANH

 

Đục đá thủ công để giải phóng đường ray bị lấp – Ảnh: DUY THANH

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ online, ông Nguyễn Văn Định, đội phó Đội quản lý đường sắt đèo Cả thuộc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, cho biết có khoảng 80m3 đất đá, trong đó có những khối đá tảng khổng lồ với tổng khối lượng ước khoảng 60m3, đã đổ xuống chắn ngang một đoạn dài trên đường sắt Bắc – Nam gây ách tắc hoàn toàn giao thông.

Sáng nay, tại hiện trường thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, dù trời mưa rất to, song rất đông cán bộ, công nhân và bộ đội vẫn nỗ lực để giải phóng lượng đất đá chôn lấp đường ray.

Có mặt tại hiện trường để chỉ huy các lực lượng giải phóng lượng đất đá chắn ngang đường sắt, ông Bùi Minh Chính, phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, cho biết: “Từ chiều 30-10, ngành đường sắt đã huy động 120 cán bộ, công nhân để giải phóng điểm sạt lở. Do có quá nhiều khối đá quá lớn mà lực lượng cơ giới của ngành không thể giải phóng được nên sáng nay phải nhờ đến lực lượng công binh nổ mìn phá đá. Công nhân ngành đường sắt vừa đẽo đá thủ công, vừa hốt hàng chục mét khối đất để giải phóng đường sắt. Nếu thời tiết thuận lợi thì chúng tôi phấn đấu đến 15g chiều nay sẽ thông tuyến đường sắt Bắc – Nam”.

Đại tá Lê Minh Soạn, phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa chỉ huy lực lượng công binh nổ mìn phá đá tại điểm sạt lở, cho biết có 15 cán bộ, chiến sĩ của đại đội 9 công binh Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa tham gia công tác giải phóng điểm sạt lở đất đá này.

 

Lực lượng của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đang giải phóng lượng đất đá đổ chắn ngang quốc lộ 1A qua đèo Cả – Ảnh: DUY THANH

 

Công nhân đường sắt đẩy một tảng đá khỏi vị trí chôn lấp đường ray – Ảnh: DUY THANH

Lúc 11g trưa nay, ông Nguyễn Đình Tân, giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh, cho biết có rất nhiều đoàn tàu khách Bắc – Nam và tàu địa phương phải nằm dọc các ga của Phú Yên và Khánh Hòa từ chiều tối qua do sự cố sạt lở trên.

“Trưa nay, chúng tôi phải “tăng-bo” khách từ Tuy Hòa và Đại Lãnh và ngược lại bằng xe khách. Một số đoạn đường sắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị ngập nước nhưng tàu vẫn có thể chạy được. Chúng tôi cố gắng giải quyết lượng khách dồn ứ ở hai đầu ga Tuy Hòa và Đại Lãnh cho đến khi nào đường sắt thông tuyến mới thôi” – ông Tân nói.

Trong khi đó, từ sáng đến trưa nay, lực lượng của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên cũng được huy động để giải tỏa lượng đất đá sạt lở chiều tối 30-10 và sáng nay trên quốc lộ 1A qua đèo Cả qua Phú Yên. Do vậy, lưu thông qua đèo hết sức khó khăn.

Hàng dãy dài ô tô ở hai đầu đường phải dừng lại chờ sự điều tiết của cảnh sát giao thông. Đến 11g trưa 31-10, việc giải tỏa điểm sạt lở trên quốc lộ vẫn chưa hoàn tất.

DUY THANH

Thông báo lũ khẩn cấp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lũ trên các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận đang lên và ở mức cao, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông.

Dự báo, sáng và trưa nay (31-10), lũ trên các sông ở 2 tỉnh trên có khả năng đạt đỉnh, sau đó còn dao động ở mức cao. Đỉnh lũ trên các sông như sau: sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,8m, trên mức BĐ3: 0,3m; sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 11,0m, ở mức BĐ3; sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ ở mức: 39,7m, trên BĐ3: 1,7m; tại Phan Rang ở mức 4,8m, trên BĐ3: 0,3m.

Các tỉnh miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa có cường ổn định, suy yếu chậm. Các tỉnh trung và nam Trung bộ chịu ảnh hưởng của đới gió đông bắc mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông cao gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Nam bộ và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của rìa phía nam hệ thống thời tiết trên kết hợp với rìa phía bắc rãnh thấp xích đạo nối với một vùng áp thấp có vị trí khoảng 5-7 độ bắc, 107-109 độ kinh đông đang có xu hướng dịch chuyển chậm về phía tây nên thời tiết có mưa rào và dông rải rác.

Sa Pa trời nắng nhưng rét buốt

Sáng nay 31-10, nhiệt độ tại Sa Pa giảm xuống mức 7 độ C, trời rét buốt, mặc dù đã tạnh mưa phùn, quang mây, nắng rực rỡ. Tại Bắc Hà, nhiệt độ ở mức 7,8 độ C, giảm 4,2 độ C so với ngày hôm trước.

Trước đó, từ ngày 25-10, nhiệt độ tại Sa Pa liên tục giảm, từ 16 độ C xuống mức hiện tại, giảm hơn một nửa trong một thời gian ngắn, gây tác hại về sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và đời sống của người dân.

Đây là đợt rét hại, nhiệt độ xuống thấp nhất so với cùng kỳ, trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Năm 1996, rét hại cũng đến sớm với cường độ cao tương tự như năm nay.

Ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, cho biết đây là dạng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây nên. Đêm nay và rạng sáng ngày mai, nhiệt độ xuống thấp chút ít, sau đó trời ấm dần, kết thúc đợt rét đầu tiên trong mùa đông năm nay.

HỒNG THẢO

Tuoi Tre Online