Mưa lũ hoành hành Nam Trung bộ

145

Lượng mưa trung bình khoảng 200 mm liên tiếp đổ xuống khu vực từ Trung Trung bộ vào Nam suốt hai ngày nay, gây ngập nhà dân, sạt lở đường, đèo, giao thông đình trệ, nhiều tàu cá gặp nạn trên biển.

Tại Bình Định, do ảnh hưởng của gió đông bắc mạnh kết hợp với nhiễu động đới gió đông trên cao gây ra gió mạnh khiến nhiều tàu thuyền trên biển gặp nạn.

Chiều 30/10, tàu đánh cá có 10 ngư dân do ông Nguyễn Hữu Quang (ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, đang hành nghề lưới rút tại vùng biển Trường Sa bị sóng đánh hỏng máy, trôi dạt. Sau khi phát tín hiệu cứu hộ, tàu mất liên lạc. Bộ đội biên phòng Bình Định khấn cấp đề nghị Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, Trung tâm Tìm kiếm – cứu nạn quốc gia và các phương tiện đánh bắt gần đó tổ chức tìm kiếm, cứu hộ. Tuy nhiên, đến chiều nay vẫn chưa tìm thấy.

Đèo cả
Nhiều đoạn đường khu vực Đèo Cả (Phú Yên) bị đá tảng lăn xuống bít lối lưu thông.

Cùng lúc đó, tàu đánh cá với 8 ngư dân do ông Văn Công Trãi (ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn), làm thuyền trưởng, đang hành nghề câu mực cũng bị sóng đánh gãy bánh lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và chìm. 8 người trên tàu quyết định bơi vào bờ. Nhưng khi 7 thành viên trên bơi được vào bờ an
toàn thì phát hiện ông Trãi mất tích. Các ngư dân dùng điện thoại liên lạc với gia
đình và bộ đội biên phòng đề nghị được giúp đỡ, nhưng vẫn chưa tìm thấy tung tích viên thuyền trưởng.

Mưa to đã làm sạt lở đèo Cả ở Phú Yên, khiến nhiều đoạn đường bị đá núi tảng to lăn xuống bít lối lưu thông. Các phương tiện đậu dài trên nhiều km đường để chờ ở cả hai đầu đèo Cả là Phú Yên và Bình Định. Mưa cũng gây ngập nhiều nơi. Một người mất tích.

Nhiều nhà dân ở Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ về. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, tối 30/10 đến chiều 31/10, trên địa
bàn liên tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 190 đến 234 mm, riêng tại thành phố Nha Trang, lượng mưa lên đến 479 mm, thị xã Cam Ranh đạt 334 mm.

Nhà bị cuốn trôi
Nhà dân bị lũ cuốn trôi.

Tại thành phố Nha Trang, lũ về làm sập 32 căn nhà tạm của người dân ở phường Vĩnh Phước và phường Vĩnh Nguyên. Những căn nhà này chủ yếu nằm gần sông Cái, nước sông dâng lên gây sập nhà. Nhiều khu vực và tuyến đường khác ở nội thành Nha Trang bị ngập nặng từ 0,5 đến 1 m, giao thông tê liệt cục bộ. Các hộ dân bị thiệt hại ở đây đã được UBND phường sở tại bố trí di dời lên trường học, nhà dân an toàn.

Ông Phan Ngọc Phú, ở tổ 6, phường Vĩnh Phước cho biết: “Năm nay sập nhiều nhà, cuộc sống người dân rất mong manh, không biết sống chết thế nào. Tui mong chính quyền quan tâm giúp đỡ để nhân dân bớt cảnh nớp nớp lo âu”.

Hai chiếc tàu của ngư dân bị trôi ra biển, trong đó có một chiếc bị chìm. Lực lượng bộ đội Biên phòng Đồn 372 đã tổ chức ứng cứu thành công tàu KH-93159- TS, công suất máy 150CV của ông Phan Tấn Thành.

Hiện nay, một số hồ chứa nước như: Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu… đã phải mở cửa tháo lũ. Các sông ở Khánh Hòa đang ở mức trên dưới báo động III. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã kiểm đếm và liên lạc được với 216 tàu với 1174 thuyền viên đang hoạt động xa bờ. Ở xã Cam Tân, huyện Cam Lâm cũng đã tổ chức cứu hộ được 2 hộ dân ở hạ du tràn suối Võ Gỗ về nơi an toàn.

Các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh đã bố trí người túc trực ở các vị trí xung yếu và triển khai di dân ở một số vùng ngập lụt. Tại phường Ba Ngòi (thị xã Cam Ranh) mưa đã làm ngập 30 ha đìa nuôi tôm, khi tôm đang ở độ 2 tháng nuôi, thiệt hại lên đến 12 tỷ đồng. Tại xã Cam Thành Nam (thị xã Cam Ranh), tình trạng sạt lở đất canh tác đang diễn ra nghiêm trọng, thiệt hại ban đầu ước tính 4 tỷ đồng.

Giao thông quốc lộ 27A thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) sáng nay tắc nghẽn hoàn toàn do lũ. Đây là tuyến đường huyết mạch từ Phan Rang đi Đà Lạt. Nhiều phương tiện lưu thông bị kẹt ở hai đầu trên đoạn đường bị nước lũ tràn qua dài đến 300 m đã qua một ngày đêm nhưng chưa được thông tuyến.

Lũ Ninh Thuận
Dòng nước lũ ở Ninh Thuận.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Công an huyện Ninh Sơn có mặt tại hiện trường chỉ huy lực lượng cứu hộ cho biết: “Qua 2 ngày mưa lớn nên khoảng 20h đêm 30/10, nước lũ tràn qua mặt đường đoạn này dâng cao từ 1,5 m đến 2 m. Trong dòng nước ngập có một số cống công trường đào dang dở bị sạt lở, do ngập nên chúng tôi cho tạm dừng giao thông ở hai đầu để đảm bảo an toàn”.

Lực lượng cứu hộ được huy động suốt từ đêm qua cho đến sáng nay, mỗi lượt 20 cảnh sát trực tiếp làm việc giúp dân đi xe máy qua đường. Riêng ôtô phải tạm dừng vì mặt đường bị nước ngập và sạt lở nguy hiểm. Đến 12h trưa nay, khu vực này nước vẫn chảy xiết, dâng cao thêm, có chỗ sâu đến 3m vì trời mưa liên tục. Hai bên đoạn đường nước tràn có xe cảnh sát chốt chặn. Ôtô tại hai đầu đoạn đường này vẫn nằm chờ, làm lượng xe kẹt nối đuôi nhau tăng thêm. Nhiều người và xe đứng chờ trong mưa.

Hai bên đường hàng chục nhà dân bị ngập sâu trong nước, có nhà đã phải chạy lũ từ đêm hôm trước. Hoa màu như ngô, đậu, cây thuốc lá… đều bị nước ngập làm hư hại nặng. Hiện thời tiết vẫn tiếp tục mưa lớn nên có khả năng tuyến quốc lộ 27A trên đoạn đường này sẽ tiếp tục bị cắt đứt hoàn toàn giao thông.

Lũ do mưa lớn cũng đã cô lập hoàn toàn các xã Đạ Quin, Tà Hine, Đà Loan, Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Đến trưa nay, nước dâng cao làm ngập chiếc cầu bêtông Bà Chung ở thôn Tà Nhiên (Tà Năng) và 2 chiếc cầu gỗ khác. Hiện nước đã cao 2 m so với mặt cầu nên toàn bộ giao thông qua lại tuyến đường này bị tạm ngưng hoàn toàn. Các xã này chìm trong nước trên diện rộng, bị cô lập với các nơi khác.

Chủ tịch UBND xã Đà Quin Ya Khương cho biết, nước nhấn chìm một khu vực rộng 6 km dọc theo suối Đà Quin, làm ngập nhiều hoa màu và nhà dân. Hiện chưa thống kê được thiệt hại.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh, mưa vẫn đang tiếp tục như trút nước xuống Lâm Đồng, nước còn dâng cao hơn nữa. Do đó các xã bị chia cắt sẽ còn tiếp tục bị cô lập hoàn toàn. Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức làm bè tạm, đò để đưa đón người dân qua các sông, suối.

Nhóm phóng viên

Nguồn VNEXPRESS