Campuchia tổ chức quốc tang và lễ tưởng niệm các nạn nhân

165

Gia đình ngồi bên thi thể anh Nguyễn Văn Chạy, chờ tới giờ liệm – Ảnh: Việt Phương

(TNO) 7 giờ sáng nay (25.11), quốc tang và lễ tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp đêm 22.11 tại Phnôm Pênh, Campuchia đã diễn ra.

 

Đông đảo người dân và các quan chức chính phủ Campuchia đã đem hoa đến khu vực trước cầu đảo Kim Cương để cầu nguyện cho các nạn nhân.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đến thắp hương cho những người xấu số. Không kìm được xúc động, ông Hun Sen đã khóc trong khi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Đoàn người đến tưởng niệm các nạn nhân đều mặc áo trắng quần đen hoặc váy đen và cà vạt đen.

Trường hợp Việt kiều được coi là mất tích sau thảm họa đã trở về nhà, vì vậy tính đến thời điểm hiện tại (8 giờ ngày 25.11) có 9 Việt kiều thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

 


Rất đông người dân đã đem hoa đến khu vực làm lễ để cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trong thảm họa – Ảnh: Việt Phương


Thủ tướng Hun Sen (đứng trên cùng) không kìm nổi xúc động – Ảnh: Việt Phương


Cầu Đảo Kim Cương đã được dọn dẹp sạch sẽ sau thảm họa kinh hoàng hôm 22.11. – Ảnh: Việt Phương


Một số người dân đến gần cổng cây cầu để thắp nhang và cắm hoa tưởng niệm những người xấu số – Ảnh: Việt Phương


Một đoàn cán bộ cấp cao Campuchia đến đặt vòng hoa – Ảnh: Việt Phương


Các quan chức cao cấp của Campuchia tại lễ quốc tang sáng nay – Ảnh: Nghĩa Phạm


Một bà cụ đến lễ quốc tang sáng nay – Ảnh: Nghĩa Phạm


Rất nhiều vòng hoa được gửi đến lễ quốc tang – Ảnh: Nghĩa Phạm


Dàn quân nhạc cử nhạc quốc tang – Ảnh: Nghĩa Phạm


Cảnh sát và quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho buổi lễ ở khu vực trước cầu Đảo Kim Cương – Ảnh: Nghĩa Phạm


Phu nhân Thủ tướng Hun Sen xúc động khi thắp nhang cho các nạn nhân – Ảnh: Nghĩa Phạm


Thủ tướng Hun Sen không nén được cảm xúc khi đến tưởng niệm các nạn nhân – Ảnh: Nghĩa Phạm


Đông đảo người dân đem hoa và nhang đến lễ tưởng niệm để cầu nguyện cho những người thiệt mạng – Ảnh: Nghĩa Phạm


Các đoàn quan chức tiếp tục đến đặt vòng hoa và thắp hương cho các nạn nhân – Ảnh: Nghĩa Phạm

Lễ quốc tang diễn ra đơn giản nhưng đầy xúc động. Những đoàn người lặng lẽ tiến về cầu đảo Kim Cương một cách trật tự. Trên tay họ là hoa và nhang để cầu siêu cho những người thiệt mạng. Cả thành phố Phnôm Pênh trầm lắng đi hẳn. Cờ ở khắp mọi nơi được hạ thấp xuống.


Đoàn người kéo dài vẫn tiếp tục đến trước cầu đảo Kim Cương để thắp nhang cho các nạn nhân – Ảnh: Việt Phương


Bà Sue On, 72 tuổi, ở Phnôm Pênh dù không có người nhà bị thiệt mạng nhưng đến lễ quốc tang để cầu siêu cho tất cả các nạn nhân xấu số. Bà nói bà cầu cho tất cả, dù là người Campuchia hay người Việt Nam – Ảnh: Việt Phương


Trong ngày quốc tang, tất cả mọi lá cờ đều được hạ thấp xuống để tưởng niệm các nạn nhân – Ảnh: Việt Phương

—————————————————————————————————-

Từ Phnom Penh, phóng viên Báo Thanh Niên – anh Việt Phương – tường trình: Cho đến đầu giờ chiều 24.11, đã có tổng cộng 9 Việt kiều thiệt mạng, bao gồm 4 trẻ em, trong vụ giẫm đạp đêm 22.11. Ngoài ra còn có 8 người bị thương và 1 người vẫn còn mất tích.

Theo ông Hà Quang Tuấn, Tham tán phụ trách Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, trong số những Việt kiều thiệt mạng thì có 3 người ở tỉnh Kandal và số còn lại ở Phnom Penh.

Sáng nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã có chuyến đi đến huyện Po Nhia Lue ở tỉnh Kandal để thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho gia đình các Việt kiều có người thân bị thiệt mạng.

Gia đình nào có người chết sẽ được hỗ trợ số tiền 100 USD. Các nạn nhân bị thương thì được hỗ trợ 50 USD.

Tại một ngôi nhà nổi trên mép sông Tonle Sap, tỉnh Kandal, gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ đã dựng bạt, bàn ghế để đón khách đến viếng. Ngôi nhà nổi chênh vênh trên mặt nước như chính số phận của họ vậy.

Bà Nguyễn Thị Còn, mẹ chị Nhớ kể: “Đêm hôm đó nó đi cùng với 4 đứa bạn nữa, cũng người Việt. Cuối cùng bạn nó nhảy xuống sông được thì thoát. Nó không biết bơi nên không nhảy”.

Bà Còn còn kể lại lúc nhận xác, phần đầu của chị Nhớ bị móp và vỡ nhiều. Ở dưới quai hàm còn có vết giày đàn ông. Chị Nhớ, vốn làm thuê phục vụ cafe ở Phnom Penh. Chồng chị làm nghề sửa xe, cũng ở thủ đô. Chị mất để lại đứa con thơ mới 3 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Cung, cũng ở Kandal thì may mắn hơn khi chị chỉ bị thương nhẹ. Chị cùng 4 người thân trong gia đình mới bước đến cầu được 2, 3 bước thì có tiếng la hét là đừng tiến vào nữa. Cảnh chen lấn xô đẩy xảy ra. May là chị chỉ bị ép ngực vào thành cầu, bị thương nhẹ.

Còn tại nhà anh Nguyễn Văn Chạy, 18 tuổi, gia đình đang chuẩn bị các thủ tục để liệm xác anh.

Như vẫn chưa hết bàng hoàng, cha anh, Nguyễn Văn Thơm, kể lại: “Bữa đó tui kêu nó ở nhà bán quán cafe, không cho đi. Bữa đó quán ế nên nó năn nỉ muốn đi chơi. Tui không cho thì nó qua vuốt ve năn nỉ má nó, nói là cho con đi chơi lần cuối thôi. Rồi má nó cũng cho đi”. Chạy đi cùng những người bạn Campuchia khác nhưng bạn của anh chỉ bị thương hoặc gãy chân.

Sáng qua, con số người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại cầu Koh Pich vẫn chưa có số liệu cụ thể. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có mặt tại Tòa thị chính Phnôm Pênh nhưng những người đại diện ở đây nói chưa thể công bố con số thương vong được.


Người thân đứng bên cạnh linh cữu hai chị em Việt kiều bị thiệt mạng trong thảm kịch là Nguyễn Văn Sóc và Nguyễn Thị Bình. Gia đình các em có bảy người con và các em là nhỏ nhất. Linh cữu của các em đang được đặt tại một ngôi chùa ở Phnom Penh – Ảnh: Việt Phương


Bà con lối xóm đang tập trung trong một nhà thờ ở một xóm đạo nhỏ thuộc xã Sari Kakeo, huyện Lvia Em, tỉnh Kandal để tham dự tang lễ và cầu nguyện cho em Nguyễn Ngọc Trinh, 12 tuổi, là nạn nhân của vụ giẫm đạp – Ảnh: Việt Phương


Em Trinh ra đi ở độ tuổi còn nhỏ, để lại sự thương tiếc cho không chỉ gia đình mà cả cộng đồng ở đây – Ảnh: Việt Phương


Tấm bia này sẽ được gắn lên mộ em Trinh. Em vừa bước qua tuổi thứ 12 chưa được hai tuần thì phải lìa xa thế gian. Mẹ em thì hiện đang bị thương rất nặng và vẫn phải nằm trong viện – Ảnh: Việt Phương


Đoàn cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia không quản ngại xa xôi, đi xe hay đi thuyền để đến được từng gia đình nạn nhân thăm hỏi, động viên – Ảnh: Việt Phương

 


Bà Nguyễn Thị Còn, mẹ của chị Nguyễn Thị Nhớ bế đứa cháu là con chị Nhớ nghẹn ngào kể lại sự việc đêm định mệnh 22.11 – Ảnh: Việt Phương

 


Di ảnh của chị Nguyễn Thị Nhớ đặt tại nhà – Ảnh: Việt Phương

 


Gia đình chị Nhớ trở nên cô quạnh sau khi mất đi một thành viên – Ảnh: Việt Phương

 


Ông Quách Hữu Dũng, Tham tán phụ trách Cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao tiền trợ giúp cho gia đình chị nhớ – Ảnh: Việt Phương

 


Chị Nguyễn Thị Cung, một trong những người bị thương trong đêm 22.11 – Ảnh: Việt Phương

 


Gia đình ngồi bên thi thể anh Nguyễn Văn Chạy, chờ tới giờ liệm – Ảnh: Việt Phương

 


Mẹ và ba của anh Chạy (thứ 1 và thứ 2 từ trái qua) tiếp chuyện với ông Quách Hữu Dũng. Ba anh Chạy cho hay đêm 22.11 ông đã ngăn cản không cho anh đi chơi nhưng anh Chạy năn nỉ mẹ và được đi. – Ảnh: Việt Phương

** Cũng từ Phnom Penh (Campuchia), phóng viên Tiến Trình tường trình: Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội người VN tại Campuchia, cho biết: “Khi nhận được thông tin về sự cố diễn ra, Hội người VN tại Campuchia đã có chỉ đạo cho các chi hội ở các huyện, tỉnh, thành có người Việt sinh sống giáp ranh Phnom Penh, đồng thời phát đi thông báo bà con Việt kiều nào có người thân bị nạn cố gắng sớm liên lạc với Hội để được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, Hội còn liên hệ với các cơ quan chức năng để tiếp tục tìm kiếm, hỗ trợ những Việt kiều bị nạn”.

Hiện tại, Hội đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ hỗ trợ cho những gia đình bị nạn. Trước mắt, Hội đã trích quỹ hỗ trợ 100.000 riel/người bị nạn (tương đương 480.000 đồng).

Sáng nay 24.11, Đại sứ quán VN tại Phnom Penh kết hợp với Hội người VN tại Campuchia đã tổ chức thăm hỏi các gia đình có người bị nạn.

 

{flvremote}http://download.thanhnien.com.vn/download/video/thoisu/Giamdap-logo.flv{/flvremote}

 

Danh sách mới nhất những Việt kiều bị thiệt mạng do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cung cấp:

1. Nguyễn Văn Sóc, 13 tuổi
2. Hout Văn Thi, 10 tuổi
3. Nguyễn Ngọc Trinh, 12 tuổi (tỉnh Kandal)
4. Nguyễn Thị Nhớ, 22 tuổi (tỉnh Kandal)
5. Nguyễn Văn Chạy, 18 tuổi (tỉnh Kandal)
6. Nguyễn Thị Bình, 21 tuổi (chị của Nguyễn Văn Sóc)
7. Nguyễn Thị Bé, 54 tuổi
8. Dương Thị Loan, 35 tuổi (mẹ của Hout Văn Thi)
9. Ton Pi Sit, 6 tuổi

 

Người dân Campuchia oằn mình gánh tang thương

Đến hôm nay 24.11, nhiều gia đình nạn nhân trong thảm họa giẫm đạp trên cây cầu Koh Pich vẫn không ngừng lao như con thoi giữa các bệnh viện lớn tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) để tìm kiếm người thân.

BBC cho hay, các đội cứu hộ cũng đã được huy động khẩn trương rà soát lòng sông Mê Kông để trục vớt thi thể nạn nhân khi nhiều người trong cơn hoảng loạn nổi sóng đã nhảy ào xuống dòng nước lạnh lẽo mà không một chút đắn đo.

Trong khi đó, tại các lều được dựng tạm tại một số bệnh viện ở Phnom Penh vẫn còn hàng hàng lớp lớp thi thể nạn nhân chưa được người thân tìm thấy.

Sau đây là một số hình ảnh về hậu thảm kịch giẫm đạp:

 


Đau đớn vì người thân đã mất – Ảnh: AFP


Các nhân viên y tế tiếp tục nhận diện nạn nhân – Ảnh: AFP


Sự tang thương của thảm họa hằn rõ trên gương mặt người thân – Ảnh: AFP


Những nạn nhân được nhận diện đã được gia đình tổ chức lễ tang chu đáo – Ảnh: Reuters


Từng đoàn nhà sư được mời đến cầu Koh Pich để cầu siêu cho nạn nhân – Ảnh: AFP


Vẫn còn nhiều thi thể nằm lạnh lẽo khi người thân chưa tìm thấy – Ảnh: Reuters

Huỳnh Thiềm

 

Chủ cây cầu hỗ trợ nạn nhân vụ giẫm đạp

Nạn nhân của vụ giẫm đạp kinh hoàng tại Campuchia đã nhận được quà tặng từ chủ cây cầu Koh Pik (Đảo Kim Cương) vào hôm 23.11.

“Không ai có thể ngờ rằng thảm kịch như vậy lại có thể xảy ra và việc kiểm soát dòng khách bộ hành sẽ là biện pháp ngăn chặn chính mà chúng tôi sẽ tiến hành trong tương lai”, ông Pung Kheau Se – Chủ tịch Ngân hàng Canadia và cũng là người sở hữu Đảo Kim Cương lẫn cây cầu Koh Pik – cho biết khi ông đến Bệnh viện Calmette thăm các nạn nhân vụ giẫm đạp.

 

Cố tìm kiếm người thân trên bảng ảnh nạn nhân thiệt mạng trước Bệnh viện Calmette – Ảnh: AFP

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, mỗi hộ gia đình có người thân thiệt mạng đã được nhận 1.000 USD trong khi những ai bị thương thì được hỗ trợ 200 USD/người.

Ông Pung còn cho hay chính phủ đã có những biện pháp cứu hộ kịp thời và được tổ chức tốt.

Ông này cũng đã thể hiện lòng biết ơn đến các tổ chức từ thiện cũng như những tình nguyện viên đã đến các bệnh viện giúp đỡ nạn nhân của vụ giẫm đạp.

Được biết, vụ giẫm đạp kinh hoàng vào hôm 22.11 tại thủ đô Phnom Penh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 378 người và làm bị thương khoảng 755 người khác.

Huỳnh Thiềm

Theo Thanh Niên Online