Những đợt không khí lạnh tăng cường trong mùa đông có thể kéo nhiệt độ các tỉnh Nam Bộ xuống tới 14 độ. Trong khi đó, mưa lũ ở miền Trung vẫn chưa chấm dứt.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mùa đông năm nay nền nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Theo đó, mùa đông có 4-5 đợt rét đậm, rét hại. Các đợt rét này đến sớm hơn và chủ yếu diễn ra trong khoảng tháng 12/2010 đến tháng 2/2011.
“Rét đậm và rét hại thường chỉ đến vào 10 ngày cuối của tháng 12 nhưng năm nay dự kiến đến vào khoảng giữa tháng 12. Nhiều khả năng sẽ có rét đậm, rét hại kéo dài nhưng khó có thể lặp lại kỷ lục kéo dài 38 ngày như đã diễn ra trong năm 2008”, ông Hải cho biết.
Người Sài Gòn xúng xính áo ấm trong cái lạnh đột ngột vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua. Ảnh: Cao Lâm. |
Với nhiều đợt rét kéo dài, cường độ mạnh, gió mùa đông bắc sẽ xâm nhập sâu xuống phía Nam khiến Nam Bộ trở lạnh. Nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông ở khu vực này có thể xuống tới 14 độ C.
Cùng lúc, tại các vùng núi cao ở miền núi phía Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu)… nhiều khả năng sẽ xuất hiện băng giá và sương muối.
Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng cũng lưu ý, mùa mưa lũ ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa kết thúc. Những cơn mưa có khả năng gây lũ ở mức trung bình ở khu vực này còn có thể kéo dài tới tháng 1/2011.
Lý giải về nguyên nhân gây ra mưa lũ lịch sử khắp dải đất miền Trung suốt mấy tháng vừa qua, ông Lê Thanh Hải cho rằng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu bởi có nơi lượng mưa một ngày bằng cả năm cộng lại. Thứ hai là Việt Nam đang trong ảnh hưởng của La Nina, gây ra đới ẩm nhiều mưa ở miền Trung, Nam Bộ.
Ngoài ra, một lý do quan trọng là năm nay có nhiều đợt không khí lạnh (tập trung vào tháng 10, 11 vừa qua) gây ra mưa kỷ lục ở Trung và Nam Bộ. “Năm nào không khí lạnh hoạt động mạnh thì mưa miền Trung đặc biệt là các khu vực ven biển mưa cũng nhiều hơn”, ông Hải cho biết.
Theo Vnexpress