Căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á, WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật, Châu Âu lao đao vì khủng hoảng nợ, chấn động vì bom thư… là những sự kiện tiêu biểu thế giới năm 2010.
1. Căng thẳng gia tăng ở Đông Bắc Á
Đảo Yeonpyeong tan hoang sau trận đấu pháo. |
Ngày 23.11, đạn pháo của Triều Tiên bất ngờ nã xuống đảo Yeonpyeong (Hàn Quốc), khiến 4 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Ngay sau đó, quân đội Hàn Quốc đáp trả bằng pháo K-9 155mm. Cuộc đấu pháo đã làm dậy sóng mối quan hệ vốn đã hết sức căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên trong năm 2010, sau vụ chìm tàu Cheonan ngày 26.3.2010 mà Seoul cáo buộc do tàu ngầm Bình Nhưỡng gây ra. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi cuộc pháo kích của Triều Tiên là “một trong những sự cố trầm trọng nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953”.
2. WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật
Julian Assange – sáng lập viên WikiLeaks. |
Vào tháng 6, website WikiLeaks gây chấn động thế giới khi công bố đoạn video quay cảnh một trực thăng Apache giết hại hàng chục người vô tội ở ngoại ô Baghdad năm 2007, khiến dư luận phẫn nộ. 3 tháng sau đó, WikiLeaks đã tung ra hơn 90.000 báo cáo mật về cuộc chiến tại Afghanistan được tung ra bất chấp sức ép từ Chính phủ Mỹ. Song, làn sóng khuynh đảo thế giới của WikiLeaks thực sự bắt đầu vào cuối tháng 11, khi công bố hàng loạt điện tín ngoại giao mật, được ví như vụ “tấn công 11.9” vào nền ngoại giao Mỹ. Ngay sau đó, nhà sáng lập WikiLeaks – ông Julian Assange – bị truy nã trên toàn thế giới và bị bắt hôm 7.12 do cáo buộc có hành vi cưỡng bức và xâm hại tình dục 2 phụ nữ Thụy Điển.
3. Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan
Đốt phá tại thủ đô Bangkok. |
Trong suốt tháng 4-5, sắc đỏ đã chìm ngập tại thủ đô Bangkok trong làn sóng biểu tình bạo lực của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, đòi giải tán chính phủ và tổ chức bầu cử sớm. Cuộc biểu tình đã dẫn đến ít nhất 2 cuộc đụng độ đẫm máu giữa phe áo đỏ với quân đội, khiến 91 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Cho đến cuối năm 2010, Bangkok và 3 tỉnh lân cận của Thái Lan vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
4. Châu Âu lao đao vì khủng hoảng nợ
Biểu tình tại Hy Lạp. |
“Cơn bão” khủng hoảng nợ bắt đầu từ Hy Lạp, đã đe dọa làm lung lay nền kinh tế tại khu vực đồng euro trong năm 2010. Vào tháng 7, Liên minh Châu Âu (EU) và IMF đã phải thông qua gói cứu trợ 110 tỉ euro cho Hy Lạp trong 3 năm. Đến tháng 10, khủng hoảng nợ Ireland lại nổ ra, khiến EU và IMF lại phải nhảy vào ứng cứu, với gói cứu trợ 85 tỉ euro. Không dừng lại ở đó, hai quốc gia EU khác là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang nằm trong “vùng đỏ” cần cứu trợ. Ngay cả Đức, Pháp cũng phải lên kế hoạch cắt giảm ngân sách lên tới hàng tỉ euro để tránh tình trạng vỡ nợ.
5. Giải cứu thành công 33 thợ mỏ Chile
Thợ mỏ Chile được cứu sống. |
Ngày 13.10, cả thế giới vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi 33 thợ mỏ Chile được giải cứu thành công sau 69 ngày bị kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất tại một mỏ vàng ở San Jose. Kinh phí cho chiến dịch giải cứu ước tính lên đến gần 30 triệu USD. Hơn 1.500 phóng viên trong và ngoài nước đã tới tại khu vực mỏ San Jose để đưa tin về vụ giải cứu.
6. Bạo loạn ở Kyrgyzstan
Bạo loạn ở Kyrgyzstan. |
Ngày 11.6, bạo loạn bùng nổ ở thành phố Osh, sau khi nhiều thanh niên Kyrgyzstan phóng hỏa, đốt nhà và nơi kinh doanh của người Uzbekistan. Làn sóng bạo lực sau đó nhanh chóng lan tới thành phố Jalal-Abad lân cận. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 400.000 người, phần lớn là người dân tộc Uzbek, đã bỏ chạy khỏi miền nam Kyrgyzstan. Thống kê chính thức của Kyrgyzstan cho biết, cuộc đụng độ sắc tộc đã làm 2.000 người chết.
7. Châu Âu chấn động vì bom thư
Châu Âu chấn động vì bom thư. |
Hồi tháng 11, Châu Âu đối mặt với làn sóng đánh bom khủng bố bằng bưu kiện chưa từng có. Các lực lượng an ninh Hy Lạp đã phát hiện ít nhất 11 bưu kiện chứa chất nổ ở thủ đô Athens, bao gồm một gói đề tên người nhận là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Italia Berlusconi, Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngoài ra, 8 bưu kiện có địa chỉ nơi nhận là các đại sứ quán nước ngoài tại Hy Lạp, gồm: Nga, Đức, Thuỵ Điển, Mexico, Chile, Hà Lan và Bỉ vào tối 2.11. Hai bưu kiện bom khác được tháo ngòi an toàn tại sân bay quốc tế Athens ghi địa chỉ nơi nhận là Toà án Pháp lý của Liên minh Châu Âu ở Luxembourg và Cơ quan Thi hành án của cảnh sát Châu Âu (Europol) đặt trụ sở ở Hà Lan.
Mỹ cũng siết chặt an ninh hàng không sau khi phát hiện một bưu kiện bom thư gửi theo đường hàng không từ Yemen tới nước này. Giới truyền thông đưa tin, Cục An toàn vận tải Mỹ (TSA) đã chi hàng tỉ USD để trang bị những thiết bị công nghệ cao nhằm tăng cường công tác an ninh.
8. Quan hệ Nga – NATO được cải thiện
Quan hệ Nga- NATO được cải thiện. |
Trong hai ngày 19-20.11, Hội nghị thượng đỉnh NATO nhóm họp tại Lisbon đã thu được bước tiến lịch sử: Đạt thỏa thuận với Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa. Lãnh đạo khối NATO – ông Anders Fogh Rasmussen – cho hay, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, liên minh NATO và Mátxcơva sẽ hợp tác để tự vệ. Quyết định này đã đánh dấu “bước ngoặt thật sự” trong quan hệ giữa phương Tây và Mátxcơva.
9. Biển Đông được quan tâm đặc biệt
Tình hình biển Đông năm 2010 trở nên phức tạp hơn do các bên tăng cường hoạt động củng cố chủ quyền. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông đã được đề cập một cách thích đáng tại nhiều hội nghị của ASEAN và ASEAN cùng đối tác do Việt Nam chủ trì trong năm qua. Vấn đề biển Đông đã được lồng ghép để trở thành mối quan tâm chung của khu vực, kết hợp được hài hoà lợi ích các bên. Các nước cũng nhất trí rằng hoà bình và ổn định ở khu vực biển Đông có lợi chung cho ASEAN và cho thương mại, an ninh quốc tế.
10. Khủng hoảng Nhật – Trung
Căng thẳng Trung – Nhật gia tăng sau vụ đụng độ tàu cá. |
Quan hệ hai nước láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng từ sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản trong khu vực biển gần hòn đảo tranh chấp giữa hai bên mà Nhật gọi là đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng bị Nhật Bản bắt giữ. Quan hệ trở nên căng thẳng tới mức lãnh đạo hai nước không gặp nhau tại các diễn đàn quốc tế, hai bên trả đũa nhau với việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm cần thiết cho ngành công nghệ cao của Nhật. Ngay cả sau khi Nhật Bản trả tự do cho thuyền trưởng Chiêm, tình hình vẫn chưa bình thường trở lại với nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân hai bên.
Theo Báo Lao Động