‘Chọn quốc phục nam là áo dài, khăn xếp sẽ đi vào ngõ cụt’

215

Ông Trần Khánh Chương. Ảnh: Đoàn Loan.

“Nếu nam giới mặc áo dài, đội khăn xếp sẽ phong kiến, cổ lỗ. Quốc phục không phải là khôi phục lại những cái cũ”, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam trao đổi với VnExpress.net về việc lựa chọn quốc phục

– Từng ở trong Hội đồng bình chọn quốc phục cách đây 10 năm, ông đề xuất như thế nào cho bộ quốc phục hiện nay?

– Trước hết phải định hướng quốc phục, trước đây vẫn hướng là áo dài. Áo của nữ thì đẹp song áo dài của nam thì cổ lỗ, không còn phù hợp. Theo tôi, quốc phục phải làm kiểu Âu phục song được Việt hóa, như áo comple của nam đi với áo dài của nữ rất đẹp. Song ve viền như thế nào, màu gì, vải nào, cavat như thế nào thì cần phải nghiên cứu.

Tôi từng trong hội đồng chọn quốc phục cách đây 10 năm. Khi đó, chúng ta đã đi vào ngõ cụt là tìm hướng theo áo dài, mặc dù đã tổ chức thi mấy lần song đều thất bại. Nếu nam giới mặc áo dài, đội khăn xếp sẽ trông phong kiến, cổ lỗ, theo tôi phải đi theo hướng thế giới. Quốc phục không phải là khôi phục lại những cái cũ. Quốc phục dạng comple thì có thể đi ngoài đường được, chứ nam giới mặc áo dài không thể đi ngoài đường.

Theo ông, có nên lấy ý kiến người dân hay tổ chức cuộc thi thiết kế quốc phục?

– Không cần lấy ý kiến người dân về quốc phục, như quân phục do Bộ Quốc phòng tự đưa ra, người dân phải công nhận. Chúng ta cần quyết đoán, không nên lấy ý kiến người dân.

Riêng về thiết kế, có thể tổ chức cuộc thi, cần những người có chuyên môn và lãnh đạo mặc thử, bởi họ là những người hay mặc quốc phục nên họ phải thích. Rồi nhân rộng, nếu người dân cảm thấy hợp.

Áo dài của nữ cũng phải quy định rõ, cổ, màu, hoa văn như thế nào. Không cần thiết phải có riêng một bộ mùa đông mà có thể thiết kế thêm một áo nữa thích hợp cho mùa lạnh.

quocphuc
Lãnh đạo Nhà nước tham dự lễ hội đền Hùng 2010. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông đề cử loài hoa nào là quốc hoa?

– Theo tôi, sen là loại hoa văn minh lúa nước, từ xưa đến nay, ở đâu cũng có hoa sen, làng xã nào cũng có đầm sen. Hoa sen rất gần với người dân Việt Nam, gần gũi nhất là hoa sen hồng.

Có người đề xuất hoa dâm bụt, hoa mào gà hay hoa nhài thì có thể liên tưởng những gì không hay. Còn hoa sen thì luôn gắn với những gì thanh khiết, có hình khối đẹp từ khi nụ tới hoa. Nhìn thẳng xuống thì có thể gợi cho ta màu quốc kỳ Việt Nam, hay đài sen cũng rất đẹp, giống hoa văn trống đồng, nhị như hạt cườm. Hoa sen là một trong năm loại hoa được sử dụng nhiều trong cung đình, đền chùa và dân gian.

Nhiều người đề xuất các loài hoa rau muống, hoa tre biểu tượng cho tính dân tộc, ý kiến của ông thế nào?

– Có hoa tre song mấy ai biết hoa tre là gì, không có hình, hương thơm. Hoa rau muống không ai dùng để cắm và cũng có rất ít. Đây là loại hoa không tồn tại cho sự tiếp nối.

– Nếu hoa sen được lựa chọn làm quốc hoa, theo ông cần bảo tồn loài hoa này thế nào?

– Theo tôi phải làm cuốn sách giới thiệu hoa sen mỗi thời kỳ một khác, có những cuốn ảnh giới thiệu loại hoa này ra nước ngoài. Ngoài ra, phải quy hoạch khu vực trồng sen, yêu cầu mỗi địa phương ít nhất phải có một hồ sen.

Với quốc tửu, ông có đề xuất gì?

– Quốc tửu cũng là văn hóa, phải coi là những biểu tượng văn hóa, phải chọn được loại rượu nổi tiếng nhất và giữ được hương vị, chất lượng tốt nhất. Bây giờ chúng ta có nhiều loại rượu, song nhiều loại nổi tiếng không còn giữ được chất lượng. Quốc tửu phải sang trọng, như Trung Quốc có rượu Mao Đài có đặc trưng riêng, không phải nơi nào cũng nấu được.

Trước hết, các cơ sở sản xuất rượu phải trở lại cách làm truyền thống, các vùng rượu khác nhau cùng ứng cử, chuyên gia sẽ chấm loại nào tốt nhất. Tôi không lựa chọn được quốc tửu vì tôi không thích rượu.

Theo Vnexpress