‘Chạy đua đốt vàng mã, sắm lễ kiểu cạnh tranh’

160

Ảnh: N.H.
GS.TSKH Nguyễn Hải Kế. Ảnh: N.H.

“Nhiều gia đình bày mâm cúng ê hề, đốt cả nhà lầu, xe hơi to, thả cá chép khắp các ao hồ, thậm chí thay cá chép bằng rùa tai đỏ, thả xuống hồ Gươm”, GS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Sử (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ nhân ngày ông Táo về trời.

Tôi biết đến ngày ông Công ông Táo khi bắt đầu đi học, qua các câu chuyện cổ tích, lời thầy cô. Bố tôi cũng kể cho anh em trong nhà rất kỹ về ngày lễ này. Hồi đó (những năm 1960, 1970), đất nước vẫn còn nghèo, lại bị chia cắt do chiến tranh nên các nghi thức cúng được giản tiện đến mức tối đa. Nhà tôi ở nông thôn, những gia đình khá giả cũng chỉ có thêm quả trứng thắp hương, ít vàng mã. Gần như không nhà nào thực hiện nghi thức phóng ngư vì làm gì có cá mà thả.

Sau này đi học, nghiên cứu tôi được biết, đây là ngày lễ quan trọng, có từ xa xưa trong tín ngưỡng người Việt. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đất nước phồn thịnh, không có chiến tranh, người Việt xưa nói chung cũng chỉ thực hiện các nghi thức đốt vàng mã, đốt cá chép giấy một cách đơn giản, nhà giàu có mới làm lễ phóng ngư thật. Các nghi thức cúng gọn gàng và mang tính tượng trưng chứ không tiêu tốn thời gian, công sức.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân đón Tết ông Táo ngày một rầm rộ. Nhiều gia đình bày mâm cúng ê hề, đốt cả những thứ hàng mã như nhà lầu, xe hơi to như thật rất tốn kém, thả cá chép khắp các ao hồ, thậm chí thay cá chép bằng rùa tai đỏ, thả xuống hồ Gươm… Nhiều biểu hiện lãng phí, không phù hợp với truyền thống của người Việt diễn ra không chỉ trong ngày ông Công ông Táo mà khắp các lễ hội dân gian, ngày lễ truyền thống. Người dân đua nhau, nhà này nhìn nhà kia sắm lễ cạnh tranh kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Ảnh: Hoàng Hà.
Ngồi cả dưới đường hóa vàng tiễn ông Táo chầu trời. Ảnh: Hoàng Hà.

Tất nhiên, pháp luật không cấm người dân làm những việc này, vì đó là tự do tín ngưỡng. Song, có lẽ nhiều người hiểu sai ý nghĩa của các ngày lễ cũng như các nghi thức.

Ngoài việc tìm hiểu và có kiến thức văn hóa dân gian nhất định, mỗi gia đình, mỗi người cần có cách ứng xử hài hòa trong điều kiện kinh tế của gia đình mình. Không phải cứ đốt nhiều vàng mã mới là thành tâm, không phải thả cá chép to ông Công ông Táo mới mau về trời. Quan trọng nhất là thành tâm. Nếu bằng việc đốt nhiều vàng mã để cầu xin nhiều tiền của thì có khác gì đang có ý “hối lộ thần thánh”. Tất nhiên, lúc khấn vái thần thánh, tổ tiên để cầu mong bản thân, gia đình những điều như mạnh khỏe, sống lâu, ăn nên làm ra là đương nhiên. Nhưng đừng quá tham lam, quá chú trọng vào những yếu tố tiền tài, vật chất.

Riêng nghi thức thả cá chép (phóng ngư), hiện tôi thấy hầu hết mọi người hiểu sai. Điều quan trọng của nghi thức này là phải tìm được tới các nguồn nước trong như sông suối, hồ lớn. Lúc thả cá phải tới gần mặt nước, thả nhẹ nhàng. Có như vậy cá mới sống được, tâm thành của người thả mới được biểu hiện. Còn ra bất cứ ao hồ nào, không kể sạch bẩn, nông sâu ném thẳng xuống hỏi liệu được mấy con cá sống nổi để mà chở ông Táo lên trời?

Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều người Hà Nội phóng sinh trong ngày ông Táo bằng cách ném cả túi cá chép xuống sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Hay như ở Hà Nội, người dân còn phóng sinh cả rùa tai đỏ vào hồ Gươm để bây giờ chúng đe dọa cụ Rùa; phóng sinh cá chép bằng cách ném từ độ cao cả chục mét trên cầu Long Biên xuống sông Hồng. Chưa kể hàng chục nghìn túi nylon vứt vương vãi khắp nơi mà sau mỗi ngày ông Táo mọi người đều nhìn thấy… Trong ngày ông Táo việc thả cá chép không phải bắt buộc. Phóng sinh cá cũng không quyết định gia chủ sang năm sẽ làm ăn phát đạt.

Ở gia đình, nhiều năm nay tôi đều là người thắp hương và thực hiện các nghi thức trong ngày lễ. Những việc này tôi làm rất đơn giản vì cúng bái quan trọng là phải thành tâm. Mâm cúng có ít hương, hoa quả bày giữa sân, rắc gạo muối hóa tiền vàng kèm những điều mình mong muốn đã viết sẵn trong tờ giấy để gửi Táo quân. Lâu rồi tôi cũng không làm lễ phóng ngư vì không có điều kiện và thời gian để thực hiện đúng nghi thức.

Theo Vnexpress