Tết Việt Nam ở miền tuyết lạnh

212

Ở Nga một thời, bánh chưng được coi như là đặc sản. Ai có người từ trong nước mang biếu một chiếc là cả nhà ngây ra nhìn ngắm, sau đó đặt lên bàn thờ, đến khi bóc phải điểm mặt đầy đủ các thành viên mới dám cầm dao ướm chia phần. (Nguyễn Huy Hoàng, Nga)

Cúng ông Công, ông Táo ở Nga. Ảnh tác giả cung cấp.
Cúng ông Công, ông Táo ở Nga. Ảnh tác giả cung cấp.

Tròn một phần ba thế kỷ qua, kể từ năm 1981, hợp tác lao động Việt- Xô được ký kết, dân Nga đã quen với sự có mặt và những nghi lễ đặc sắc của người phương Đông, đặc biệt là cái Tết Việt Nam.

Có một nhà dân tộc học đã ví von rằng, nếu như người Chămpa vì một lý do nào đó rời đất đai của mình mà đi, thì dù ở phương trời nào, cứ đến ngày Tết lại cố tìm về thờ cúng tại nơi chôn rau cắt rốn; còn người Việt thì trên đôi gánh đi mở đất của mình luôn mang theo bàn thờ tiên tổ. Cứ cắm đất chỗ nào, thì việc đầu tiên của người Việt là lập ngay bàn thờ với hai bát hương, một thờ gia tộc, một thờ thần linh thổ địa. Chiểu vào cuộc sống của hàng chục ngàn người Việt ở Nga thì thiết nghĩ, ý kiến này hoàn toàn xác đáng.

Dù là ở ký túc xá, dù cư ngụ ở nhà riêng, hay tạm trú tại nhà thuê, có thể nói bất cứ gia đình người Việt Nam nào ở Nga cũng đặt bàn thờ. Ngày đầu tiên chuyển đến nơi ở mới, việc đầu tiên là bày lễ vật, hoa quả, cắm mấy nén hương cúng bái. Ngay cả sinh viên Việt ở chung phòng với sinh viên Tây cũng có một bát hương mua ở trong nước mang sang, có lúc khiêm tốn chỉ dùng một cốc thuỷ tinh đổ đầy gạo đặt trên nóc tủ, cắm ba nén hương bày hoa quả cúng ngày rằm, mồng một. Không ai bảo ai, không ai dạy ai, điều này đã trở thành tiềm thức sâu xa trong cõi tâm linh của người Việt.

Trong số xấp xỉ gần ba triệu người Việt đang sống rải rác trên hàng chục nước khắp đia cầu, những người Việt ở Nga do điều kiện riêng của nơi mình sinh sống, có những phương thức sinh hoạt và đặc điểm rất riêng.

Nói đến người Việt ở Nga là nói đến Ốp. Ốp Xaliút 2, Xaliut 5, Xokol, Sông Hồng, Đôm 14, An Đông, Rưbăc, Sài Gòn, Mekong…là những địa danh như tên làng, tên xóm ở Việt Nam. Ốp là chữ viết tắt đầu tiên bằng tiếng Nga trong từ ký túc xá, nơi người Việt ở thời còn là công nhân theo diện hợp tác lao động. Hình thức rút gọn ngôn ngữ châu Âu này, chắc chắn về sau nhiều nhà ngữ văn sẽ khai thác và tìm ra những quy luật thú vị. Ví dụ: Leningrad thì gọi là Len, Matxcơva thì gọi là Mat, Ulianôv thì gọi là Uli, Ekaterinburg thì gọi là Eka…, thế mà cả Tây, cả ta hầu hết đều hiểu, đều chấp nhận. Còn cái từ Ốp thì ngay cả những trí thức khó tính cũng coi đây là một danh từ, là một sản phẩm tuyệt hảo trong ngữ ngôn người Việt.

Trước năm 2005, khi những Ốp lớn có khoảng dăm, bảy trăm đến một ngàn rưỡi dân cư ngụ vẫn còn tồn tại thì Tết trong các Ốp tại Nga cứ như là Tết ở làng quê Việt Nam vậy.

Mặc dù đã năm năm nay, các Ốp của người Việt tại Nga đã kết thúc hợp đồng, đóng cửa hầu hết; những Ốp danh tiếng đã thành kỷ niệm, nhưng không khí Tết vẫn giống như hồi còn làm ăn thịnh vượng. Hiện tại ở Matxcơva ngoài hai Ốp mới mở, hai Ốp cũ còn tồn tại, còn có thêm chừng năm điểm Khu Ngoại giao đoàn thuê lại, tập trung tới hàng ngàn người Việt, nên không khí Tết cũng chẳng khác gì lắm với thời xa vắng ấy. Sống co cụm là một nét văn hoá của người Việt, đặc biệt rõ đậm nhất là ở Nga.

Cũng như người Việt ở các nước châu Âu khác, nguời Việt ở Nga hàng năm được đón hai cái Tết, Tết Tây và Tết ta. Ở Matxcơva, mỗi năm, cứ cuối tháng 11 dương lịch, không khí năm mới đã rộn rã lắm rồi. Trên hàng chục kênh truyền hình trực tiếp và truyền hình cáp, la liệt các chương trình quảng cáo hàng hoá, mỹ phẩm và những hình thức giải trí, đủ các lời chúc mừng hoa mỹ chuẩn bị đón xuân sang.

Vài năm nay, đa phần người Nga có thu nhập cao chót vót, người ta đã hình thành một mốt mới rất thời thượng là đi đón xuân ở các nước khác, nhất là các nước ấm áp như Ai Cập, Arập, Thái Lan… và trong danh sách quảng cáo có cả Việt Nam. Khắp thành phố Matxcơva mênh mông từ đầu tháng mười hai khai trương hàng trăm điểm bán cây thông tươi. Mỗi cây thông cao cỡ ba mét trở lên, dáng đẹp, có giá từ khoảng sáu chục đô đến tám chục đô; thấp hơn một chút chừng ba, bốn chục đô. Các cây thông giả, loại cao cấp tự quay được, có đủ đèn và quả trang trí made in Trung Hoa, thường phải đến ba trăm đô, có lúc lên tới bốn trăm đô. Những cây thông này được bày từ cuối năm cũ cho đến hết Giáng sinh.

Đa phần người Nga theo đạo Chính thống, nên ngày Giáng sinh của họ không phải là 25/12 mà là ngày 7/1 theo lịch cũ được lập từ thời Piốt Đệ nhất đầu thế kỷ XVIII.

Giống như ở ta chơi đào, quất, gia đình người Nga nào cũng phải có cây thông. Tùy theo độ rộng từng căn hộ, người Nga chọn mua cây thông về, đặt vào chỗ trang trọng nhất giữa nhà, trang trí đèn, hoa, quả, dây trang kim rực rỡ. Giao thừa đến, cả nhà tụ hội quanh bàn tiệc bên cây thông, mở sămpanh, ăn uống và mở nhạc, chúc nhau những lời đẹp nhất.

Khác với Việt Nam, đã lâu lắm rồi, ta hoàn toàn bỏ pháo, thì ở Nga, pháo Tàu không chỉ bày bán la liệt, công khai tại các chợ đã đành, mà trong các siêu thị, muốn mua loại nào cũng sẵn. Tối 30 Tết, nhiều điểm ở Matxcơva, nhất là trên đồi Chim sẻ (đồi Lê nin trước đây), ở Công viên Chiến thắng và hàng loạt công viên khác, pháo nổ rực trời. Quanh các khu nhà dân, hai, ba giờ sáng, tiếng pháo đùng vẫn đì đoàng không dứt. Năm nay do vấn đề an ninh, chính quyền Matxcơva chỉ quy định trên 200 điểm được đốt pháo.

Trong hàng loạt văn bản của thành phố Matxcơva vào dịp cuối năm, bao giờ cũng có một công văn chỉ thị cho các công sở, trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại… phải tổ chức chu đáo việc vệ sinh và trang trí để đón năm mới.

Dĩ nhiên là các Ốp Việt nam “nhập gia tùy tục”, cũng đều chuẩn bị cây thông, đèn màu treo quanh các logo và bảng hiệu. Tuy nhiên khó mà sánh được với sự trang trí bài bản tại các công sở của Nga. Trên các đường phố, quảng trường, công viên, bến bãi, các tụ điểm văn hoá ở Matxcơva quang cảnh cực kỳ lộng lẫy.

Các cây thông trước Nhà Trắng, trước Toà Thị chính, Quảng trường Puskin, phố Tverxkaia, trước tượng Maiakôvxki, trước Khải hoàn môn đại lộ Kutuzôp, trước trường MGU … đều được trang hoàng bằng hệ thống chiếu sáng huyền ảo và đèn muôn màu sắc. Mỗi cây thông đặt ở những vị trí này đều có chiều cao xấp xỉ với chiều cao của một ngôi nhà 5 tầng.

Hoành tráng nhất là cây thông trước Điện Kremli vừa được chở về bằng xe chuyên dụng hôm 19/12 cao tới 31 mét, nếu mỗi tầng nhà cao chừng 3 mét, thì cây thông này cao xấp xỉ một ngôi nhà 10 tầng! Trong những đêm cuối năm, dưới làn mưa tuyết lất phất, từ trên đồi trước Trường đại học Tổng hợp MGU nhìn xuống, thành phố trông giống như một kinh đô ánh sáng, lung linh tưởng như trong thần thoại.

Các gia đình người Việt ai có căn hộ rộng, có điều kiện thì cũng thửa lấy một cây thông cho có không khí Tết Tây. Mặc dù không phải là người ngoài cuộc, mặc dù sống ở đất Nga không ít năm đi chăng nữa, nhưng hình như Tết Tây đối với những người Việt chỉ như là một nghi thức, chứ chưa thành tiềm thức, và đương nhiên là chưa trở thành một lễ hội thiêng liêng, chí ít là ở thời điểm bây giờ.

Chỉ sau Tết Tây vài tuần, dường như tự thẳm sâu trong lòng người Việt, mạch ngầm của truyền thống dân tộc đã âm thầm chảy trong huyết quản. Các chuyến bay từ Matxcơva – Hà Nội từ cuối tháng mười một âm lịch đã chật ních người, mua được vé về nước lúc này là cả một vấn đề. Từ năm 2004, mỗi tuần có hai chuyến bay của hãng Aeroflot và hai chuyến của Vietnam Airlines, nhưng trước sự đột biến số lượng khách hàng là thừa đủ lý do để khiến tình trạng thị trường vé trở nên sôi động.

Đã có tới hàng chục bài viết trên các báo ở Hà nội phản ánh việc đầu cơ vé, nâng giá vé vô tội vạ, đến mức lãnh đạo của Tổng cục Hàng không phải cho tăng lập tức thêm hai chuyến bay sang Nga vào dịp giáp Tết; đồng thời hãng Cathay Pacific vào cuộc khai thác tuyến bay này một tuần ba chuyến; thành phố Ekaterinburg cách Matxcơva gần hai ngàn cây số cũng đã mở chuyến bay về Hà Nội trực tiếp, thế nhưng cơn sốt vé vẫn chưa chịu hạ nhiệt.

Một tuần trước Tết, tại sân bay Domodedovo xảy ra một vụ khủng bố kinh hoàng tại ngay lối ra của khách nước ngoài. Nơi đây, cứ mỗi chuyến máy bay sang, luôn có hàng chục người Việt ra đón thân nhân, bè bạn. May sao, vụ nổ xảy ra trước khi có chuyến bay từ TP HCM sang, nên người Việt không ai bị thương vong. Do nhiều năm ở Nga, do những vụ khủng bố luôn xảy ra, nên người Việt không hề hoang mang như một số báo ngộ nhận, mà bình tĩnh lạ lùng. Người ta vẫn tất bật người chuẩn bị ra về, người ở lại lo sắm Tết, chỉ có điều mọi người cảnh giác hơn.

Người Việt trước đây từ Nga về nước ăn Tết lỉnh kỉnh với đủ thứ thượng vàng, hạ cám như làm nghề hàng xén; còn bây giờ, bà con ra về thì va li, cặp số sang trọng như dân ngoại giao.Chỉ cần về đến Hà Nội, đổi vài ba trăm đô ra Việt Nam đồng, sà vào một siêu thị bất kỳ thì sắm quà mệt nghỉ, khỏi cần chi chở củi về rừng.

Song chỉ một phần người Việt có điều kiện về nước ăn Tết, còn đại đa số thì vẫn đón Tết tại Nga. Để chuẩn bị Tết, ngay từ cuối tháng 10, các trung tâm thương mại, các công ty đã cho in lịch riêng của mình để phát cho bà con và đi đối ngoại. Lịch in tại Nga thì rất đẹp, nhưng mà khí đắt, thường mỗi công ty in chừng 300 bản, sáu mặt, công xá từ khâu tìm mua ảnh, làm maket, đến thành phẩm giá chừng 20 USD một tờ lịch. Còn in ở Hà Nội thì tuy rẻ hơn nhiều, nhưng cước vận chuyển mỗi kg gần chục đô, tính ra thì rốt cuộc mèo vẫn hoàn mèo, giá cả vẫn ngang ngửa nhau.

Cành đào chờ nảy mầm. Ảnh tác giả cung cấp.
Cành đào chờ nảy mầm. Ảnh tác giả cung cấp.

Bà con làm ăn ở các chợ dịp cuối năm, thường nhận được một túi quà Tết có bánh chưng, quyển lịch, hộp mứt, quyển tạp chí tiếng Việt. Còn ở các công ty thường hay sử dụng phong bì, trao tặng nhân viên, quy ra thóc cho gọn nhẹ.

Lại nói tới bánh chưng. Ở Nga một thời, bánh chưng được coi như là đặc sản của người Việt. Ai có người từ trong nước sang, mang biếu một chiếc bánh chưng, là cả nhà ngây ra nhìn ngắm, sau đó đặt lên bàn thờ thắp hương, đến khi bóc ra phải điểm mặt đầy đủ các thành viên mới dám cầm dao ướm chia phần. Nhưng mười năm nay, ở chợ Đồng Xuân ra sao, thì chợ hàng khô người Việt tại Nga giống vậy. Bánh chưng to, nhỏ, mặn nhạt, thịt, chay… có hết, giá trung bình một cặp bánh chưng to khoảng 7 đô, loại nhỏ 4 đô.

Công đầu tiên để chiếc bánh chưng xuất hiện ở Nga phải kể đến Công ty Thành Trí. Công ty này sớm nhận ra cái nhu cầu ẩm thực truyền đời sâu xa của người Việt, đã tìm cách đánh sang thủ đô Nga lá dong, gạo nếp, đậu xanh, dây buộc và các thứ gia giảm, vinh danh chiếc bánh chưng xanh Việt Nam trên xứ tuyết . Chính vì thế mà ngay sau đó, đã có những vần thơ dân gian hồn nhiên truyền tụng:

Tết này có vẻ khá hơn
Bánh chưng Trí Béo ăn nhờn cả môi!

Cũng chẳng ai ác khẩu, ác thiệt gì với doanh nhân nổi tiếng Phạm Thành Trí, mà đó chỉ là kiểu ngợi khen một cách hài hước của các nhà văn nghệ dân gian!

Ngoài bánh chưng, giò chả thì phải gọi là ê hề. Loại chuyển từ trong nước sang cũng sẵn, lá chuối gói xanh, mang thương hiệu Hà Bắc, Ước Lễ; loại giò tự giã thịt lợn tươi nuôi được ở ngoại ô, tự gói lấy mang vào giao ở hàng khô cũng có, chỉ tội loại giò này chỉ có được một lần lá chuối, còn bọc ngoài là giấy ni lông, nhưng người ta bảo ít hàn the hơn giò mang từ trong nước sang. Giá giò thì nhìn chung chấp nhận được. Nhưng do nhu cầu năng lượng, ăn uống quá bão hoà, thậm chí là thừa ứ, nên dân ta có vẻ rất sao nhãng với thứ đã từng được coi là cao lương, mỹ vị này, mà lại hay hướng tới những gì quê mùa như rau lang, cần ta, mồng tơi, mắm tép.

Những gia đình chu đáo muốn một cành cây xuân có lộc thì ngay từ rằm tháng Chạp đã đánh xe vào rừng chặt về một cành tôpôn hoặc bạch dương trụi lá về ngâm ủ vào xô chậu đặt trong phòng, nhiệt độ ấm áp, để khi Tết đến thì vừa nẩy nụ . Khi đó, chỉ cần làm hoa giấy, hoặc ra chợ mua một túi búp đào giả của Tàu gắn vào là có một cành đào nên thơ, đẹp mắt như thật.

Riêng các đại gia thì năm nào cũng vậy, mỗi nhà đều có những cành đào, bồn quất đặt tận Nhật Tân, Nghi Tàm thứ thiệt, được bọc kín, đóng hộp giấy, gửi theo máy bay sang, kèm theo cả chậu hoa Bát Tràng to như trống đại. Mỗi cành đào, cây quất loại này muốn có mật ở Nga đúng vào dịp Tết đều phải chi không dưới ngàn đô!

Việc sắm mâm ngũ quả thì quá dễ dàng, theo ngữ ngôn dân gian là, chỉ cần phút mốt. Cam, chuối, táo, hồng, ki vi, bưởi, lê … hàng ngoại nhập, bán đầy khắp các quầy rau quả, tươi rói và chất lượng. Nhìn lên bàn thờ có hương trầm, có bánh chưng, mâm ngũ quả; kim ngân, bia, rượu; trong phòng có hoa tươi, câu đối, lịch treo … là đã thấy Tết rất gần rồi.

Ngày sôi động đầu tiên của mùa Tết là sáng 23 âm lịch. Nhà nhà đều phải ra chợ hoạc đến hàng khô ở các Ốp để cố mua lấy một đôi cá chép tươi, hoặc chí ít ra cũng mua lấy một đôi cá chép giấy trang kim, ba bộ hia, mũ mão, quần áo để về cúng ông Công, ông Táo. Mọi người bày lễ ra bàn thờ, mở hé cửa sổ, mặc cho cái lạnh âm hàng chục độ và gió ù ù thổi, để khấn vái, bẩm báo với sứ giả bếp núc công việc và sự nghiệp kinh doanh ở xứ người.

Vào ngày giáp Tết, Hội hữu nghị Nga -Việt đều đứng ra tổ chức một buổi đón năm mới Việt nam. Thường thường buổi gặp mặt được tổ chức tại Câu lạc bộ Đường sắt gần ga Leningrad hoặc ở Cung hữu nghị các dân tộc. Khách mời là đại diện phía sứ quán, các hiệp hội, các trung tâm thương mại, các doanh nhân, trí thức Việt Nam. Trong buổi gặp mặt, ngoài các lễ nghi chúc tụng, bao giờ cũng có liên hoan ẩm thực và văn nghệ. Rượu Lúa mới, nem rán, giò chả, bánh chưng thuần tuý Việt Nam do các nhà hàng Việt mang đến, làm cho các cựu chiến binh Nga đã từng được nếm món ăn của ta tại Hà Nội đặc biệt thích thú.

Náo nhiệt nhất là những cuộc họp mặt của các hội đồng hương. Các hội đặt thuê nhà hàng từ trước, đăng tin trên báo mời bà con cùng huyện , thậm chí cùng tỉnh đến dự, để chúc Tết nhau trước, đề phòng mồng một, mồng hai bận rộn không đến thăm nhà được. Có những hội tổ chức mấy trăm người, chật kín cả nhà hàng.

Cực kỳ sang trọng là tiệc các công ty lớn, làm ăn thịnh đạt của người Việt ở thủ đô Nga. Những bữa tiệc của họ được diễn ra tại nhà hàng các khách sạn 5 sao, khách mời là những danh nhân, quan chức, các đối tác làm ăn, các nghệ sĩ Nga có hạng. Có người là chủ một quầy hàng ít người biết tới, năm qua trúng mấy quả áo da, được nằm trong danh sách mời, gặp ai cũng khoe, như là tư cách được thêm chân kính; có người là chủ xưởng may đang kỳ cực thịnh; cũng có người là dân dịch vụ vào cầu… được ghé chân vào làng phú hộ.

Và hầu như năm nào cũng vậy, vào tuần cuối cùng của năm cũ, đêm văn nghệ của cộng đồng được khai mạc dưới hình thức biểu diễn hoặc hội diễn. Xây dựng được một chương trình văn nghệ đón xuân có chất lượng phải nói là cực kỳ vất vả và tốn kém, vì ngoài việc diễn tập ra còn phải thuê rạp, lo trang phục, phương tiện đi lại, thuê công an bảo vệ trật tự…. Mấy năm gần đây, các đêm biểu diễn thường tổ chức tại rạp Tuổi trẻ cạnh Phrunzenxkaia hoặc Cung Văn hoá Trường đại học Giao thông, thu hút nhiều đơn vị tham gia và có tới hàng trăm bà con tới dự.

Sân chơi của giới trẻ và sinh viên ngày Tết là nhà hàng Bích câu, nằm trong lãnh địa của Trung tâm thương mại Liông, phố Vôikopxkaia .Với vé vào cửa năm đô, anh chị nào cũng có quyền nhảy nhót, giao lưu âm nhạc, làm quen và ẩm thực.

Còn nhà hàng Sennằm trong khu nhà Đom 5 cũ thì chương trình rôm rả hơn, có ăn uống, có xổ số vui, nhưng giá cũng tỉ lệ thuận với điều kiện được hưởng.

Còn các Ốp có đông người Việt sinh sống như An Đông, Rưbac, Mekong, năm nào cũng như năm nào, sinh hoạt văn nghệ “cây nhà , lá vườn” là điều không thể thiếu. Những buổi liên hoan này được tổ chức ngay sau Giao thừa hai tiếng, tức là khoảng mười giờ tối, bởi vì giờ mùa Đông ở Nga chênh với Hà Nội bốn giờ. Đầu tiên là màn chúc Tết của ban quản trị, tiếp theo là những trò vui, tặng quà cho trẻ con trong Ốp.

Tuy ở Tây mà người Việt vẫn lấy múi giờ ta đón giao thừa, ngay điểm này cũng đã đủ nói lên sự thừa nhận vô điều kiện, bất chấp quy luật không gian và thời gian vũ trụ của người Việt ở nước ngoài, hướng tới cái thiêng liêng bất di, bất dịch của cha ông sâu sắc đến nhường nào!

Vào 8 giờ tối, mọi gia đình ở ngoài phố, hay ở trong Ốp đều bày mâm, thắp huơng đón Giao thừa. Mỗi Ốp thường có tới cả dăm trăm đến một ngàn con người cư ngụ, nhưng ngoài hành lang im phăng phắc, chỉ có khói hương trầm lan toả. Vào thời khắc này, lòng mọi người đều hướng về nơi chôn rau, cắt rốn; hướng về mảnh đất thân yêu cách xa gần chục ngàn cây số, nơi đó có những người ruột thịt, có làng nước, bà con. Ở bên này có đủ tất cả lễ nghi, vật chất, nhưng làm sao có được cảnh quay quần, ấm cúng của không khí gia đình:

Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết
Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà
Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút
Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa

Lòng man mác, gửi về nơi xóm vắng
Bóng cha già lau hương án gia tiên
Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa
Nghe bước chân, thấp thỏm ngó qua thềm…

… Có tất cả, nhưng làm sao có Tết
Xung quanh con xa lạ nước non người
Sau cửa sổ, mịt mờ đêm xứ tuyết
Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi!

Thời điểm này, trăm nhà như trăm nhà, ai cũng quay điện thoại gọi về trong nước, dồn đến nghẽn mạch .Từ lâu lắm rồi, dân ta không gọi đường dây trực tiếp nữa mà dùng thẻ. Khi mà truyền thông phát triển, cạnh tranh quyết liệt, thì việc liên lạc bằng điện thoại quá ư thuận tiện, giá rẻ, gọi vô tư. Gọi bằng thẻ một đô có thể chuyện trò được chừng tám phút, chẳng bù với năm năm trước, nói chuyện mỗi phút là mất đứt hai đô.

Sau giao thừa, hầu như gia đình nào cũng đặt sẵn người xông đất hợp với tuổi tác, tính cách chủ nhà để mong sang năm gia chủ làm ăn gặp may mắn. Nó phổ biến và được thừa nhận mặc nhiên, chẳng ai nghĩ là dị đoan, mê tín, mà coi như là một việc không thể bỏ qua, cần thiết phải làm. Những gia đình có xe riêng thì làm một chuyến xuất hành ra trung tâm thành phố tuỳ theo hướng đại lợi, ghé vào một nơi nào đó hái lộc thông, vì tháng giêng hai, ở nước Nga, ngoài cây thông ra, chẳng cây nào còn lá.

Thường thì cứ trước Tết, những người có trách nhiệm đã thông báo cho phía công an Nga rồi, hơn nữa Tết của ta trùng với Tết của Trung hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, nên việc kiểm tra của cảnh sát ít xẩy ra hơn, tuy vậy, anh nào ngồi sau tay lái có lỡ miệng nhấp một chút rượu, giấy tờ lông gà, lông vịt, thì cũng phải dè chừng. Luật giao thông Nga chưa bao giờ tha thứ cho tội uống rượu ngồi sau tay lái.

Sáng mồng một, mồng hai, các nhà rồng rắn, xúng xính đi chúc Tết lẫn nhau, lì xì cho trẻ con tiền mừng tuổi năm mới. Người ở thành phố xa lên, các em sinh viên lần đầu xa nhà cũng tụ hội về các Ốp để tìm hưởng chút không khí của quê hương, của Cộng đồng, xem chương trình Tivi năm mới….Các cháu học sinh hầu hết đều xin nghỉ học một ngày ở nhà vui Tết cùng bố mẹ. Bạn bè Nga đến chơi đều dự tiệc, nếm những món ăn ngày Tết của người Việt.

Tuy vậy, những người nào hợp tuổi mở hàng mồng một, thì vẫn nai nịt áo quần chống rét ra chợ giống như 364 ngày khác, đến tối mịt mới về đón Tết muộn.

Dư âm của ngày Tết còn kéo dài cho đến tận rằm tháng Giêng, thậm chí đến đầu tháng Hai, khi những người về đón Xuân từ trong nước sang, gặp gỡ nhau người ta vẫn còn tặng quà và chúc tụng.

Theo Vnexpress