Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn

196

Ông Trần Văn Tiệp (phải) và ông Tám Hiền tại núi Tàu năm 1999 – Ảnh: CTV
Hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện về “kho vàng 4.000 tấn  do quân đội Nhật chôn giấu ở núi Tàu” (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) được thêu dệt như một huyền thoại. Chính vì thế, cuộc tìm kiếm kéo dài gần 20 năm nay vẫn chưa vào hồi kết.

 

Cả đời người theo đuổi “kho vàng”

Chỉ với vài thông tin mỏng manh, một người đàn ông đã bỏ gần cả đời người theo đuổi cái gọi là “kho vàng núi Tàu”. Đến nay, dù gần đất xa trời, nhưng ông vẫn chưa từ bỏ ý định tìm kiếm.

Niềm tin kho vàng 4.000 tấn

 

Theo những người dân ở xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), sở dĩ gọi là núi Tàu là vì ngọn núi này gần với vùng biển ngày xưa có tàu chiến của quân đội Nhật chìm. Cũng có người gọi là núi Mây Tào và cho rằng từ này xuất phát từ tiếng của người Chăm xưa.

“Ngay từ năm 1957, tôi đã có những thông tin về kho vàng này. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh, tôi phải âm thầm giữ bí mật nguồn thông tin. Sau ngày giải phóng, tôi vẫn chưa chính thức tìm kiếm vì thiếu “đồng minh cùng chí hướng”, cho đến ngày gặp được ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, đã mất năm 2010 – PV) thì kế hoạch đi tìm kho vàng của tôi mới trở thành hiện thực”, trong căn nhà khá khang trang trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM), ông Trần Văn Tiệp mở đầu câu chuyện đi tìm kho vàng ở núi Tàu như thế.

Ông Tiệp nói rằng, trong tay ông có rất nhiều hồ sơ cho biết vào cuối thế chiến thứ II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, vị tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó lực lượng không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân đội Nhật xuống khu vực này. Còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4.000 tấn vàng xuống một hòn núi sát với vùng biển này. Sau này mới biết đây là núi Tàu. Sau thế chiến thứ II, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.

“Sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là do thuận tiện giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, họ chôn gần một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại nơi này”, ông Tiệp nói chắc nịch.

Niềm tin càng tăng thêm khi ông Tiệp tìm kiếm được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; đồng tiền 10.000 yen; một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai phù hiệu Hắc Long bằng kim loại… Những “báu vật” này, theo ông Tiệp được tìm thấy ở núi Tàu là vật chứng thể hiện kho vàng vẫn quanh quẩn đâu đây.

Đến năm 1992, ông Tiệp như “bắt được vàng” khi xuất hiện một người tên Trần Xuân Hà, người ở huyện Tuy Phong xung phong… chỉ điểm “vị trí” của kho vàng ở núi Tàu. Từ đây, ông quyết định phải khai quật kho vàng này.

 

Những “báu vật” của ông Tiệp thu từ núi Tàu – Ảnh: CTV

Nhờ nhà “ngoại cảm” tìm vàng

Ngày 16.10.1993, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó chính thức cấp giấy phép cho ông Trần Văn Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Có được “bảo bối” này trong tay, ông Tiệp thuê kỹ sư địa chất tên là Hoàng Vân Trường kiêm nhà “ngoại cảm” ở Phú Thọ vào núi Tàu để tìm kho vàng.

Công việc tìm kiếm  tiến hành từ đầu năm 1994. Thời kỳ này, ông Tiệp chủ yếu thuê nhân công đào bới, tìm kiếm bằng tay. Sau đó, thấy không hiệu quả, ông Tiệp đã thuê cả xe ủi, xe múc lên sườn phía đông núi Tàu xới bung cả một vệt núi đá.

Sau 3 tháng sử dụng xe cơ giới tìm kiếm, ông Tiệp mừng rỡ khi những người cộng sự báo cáo tiếp cận được cửa hầm nằm dưới một lớp đá sâu 3m với nội dung “Cửa hầm kho vàng có chiều rộng chừng 24 mét, chiều dài chừng 80 mét. Cửa được xếp bằng một lớp đá thạch như hình chiếc ê-ke. Nhiều phiến đá được dán dính vào nhau bằng một lớp vôi rất tinh xảo”. Báo cáo này càng làm cho ông Tiệp thêm nung nấu ý chí tìm kiếm vì nó trùng khớp với thông tin mà ông thu thập được vào năm 1969 từ một người Mỹ đã đến đây tìm kiếm (về kích thước kho vàng này giống y như kết quả mà các cộng sự của ông tìm thấy). Tại cửa hầm vàng, ông Tiệp cho rằng đã tìm thấy vết tích của bàn tay con người còn in lại trên nhiều phiến đá được ghép lại với nhau bằng một lớp vôi hoặc lanh ke dẻo. “Ở giai đoạn những năm 1944-1945, chỉ người Nhật mới có được kỹ thuật tinh xảo như thế này”, ông Tiệp khẳng định. Cũng theo ông Tiệp, sau khi tìm được cửa hầm thì vị trí kho vàng có thể nằm sâu 40 mét dưới lớp đá phía đông núi Tàu.

 

Kho báu 100 tỉ USD!

Ông Trần Văn Tiệp sinh năm 1915, quê gốc ở Hải Phòng, di tản vào Sài Gòn khi mới 10 tuổi. Thời chống Pháp, ông từng tham gia cách mạng. Suốt từ năm 1957 đến nay, ông chỉ chăm chú một việc mà theo ông cho đó là công trình của đời mình: khai thác kho vàng núi Tàu. Theo ông Tiệp, kho vàng núi Tàu có không ít hơn 4.000 tấn, đó là chưa kể kho vàng của người Chăm xưa chôn ở gần đó chừng 1.000 tấn. Cộng với châu báu khác nữa thì kho vàng núi Tàu trị giá không dưới… 100 tỉ USD!

Thời điểm này, công việc khai thác kho vàng ngày càng trở nên khẩn trương và cấp thiết. Để nhanh chóng “tiếp cận” kho vàng, ông đã bỏ ra hàng trăm cây vàng thuê nhân công, xe xúc, xe ủi rầm rộ kéo lên núi Tàu. Ròng rã 10 năm liền (từ 1993 đến 2003), đích thân ông Tiệp cùng với ông Tám Hiền lên tận núi Tàu chỉ huy đào bới hàng nghìn mét khối đất đá, nhưng kho vàng 4.000 tấn vẫn không thấy đâu…

Về những dấu vết của cửa hầm, trao đổi với Thanh Niên, ông Hàn Đắc Thuận, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong nhận định: “Việc ông Tiệp cho rằng có dấu vết lắp ghép các phiến đá bằng một lớp vôi ở “cửa hầm vàng” là có bàn tay của con người, tôi cho đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Vì ở Tuy Phong, có khối các sườn núi có loại đá như thế”.

(Còn tiếp)

 

Theo Thanh Niên Online