Có thể thuê máy bay quân sự giải cứu lao động ở Libya

176

Tối 28/2, sau khi 3 đoàn công tác tới Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam có thể thuê tàu hoặc máy bay quân sự để giải cứu lao động đang bị kẹt ở Tripoli (Libya). Tổ chức di dân quốc tế đang tích cực hỗ trợ lao động Việt Nam hồi hương.

Ngày 28/2, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chuyến chuyên cơ của Vietnam Airline xuất phát đêm 28/2 đã mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm để hỗ trợ những người đang bị đói. Hàng cứu trợ tới sân bay Cairo (Ai Cập) sẽ được chở tới khu vực biên giới, nơi hàng nghìn người lao động Việt Nam từ Libya sang chờ quá cảnh.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến chiều 28/2, đã có khoảng 1.000 lao động từ Libya về tới Việt Nam. Các đối tác sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai đưa 8.160 lao động sang các nước láng giềng.

Trong số này có hơn 4.600 người đã được sơ tán sang các nước thứ ba; hơn 1.000 người đang tập trung tại bến cảng Benghazi để sơ tán sang Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp; 300 người ở gần biên giới Libya và Ai Cập; khoảng 700 người đang di chuyển tới biên giới Tunisia, Algeri…; số còn lại tập trung tại sân bay và cảng biển Tripoli.

Hiện tình hình tại thủ đô Tripoli rất phức tạp, nhiều chủ thầu nước ngoài đã về nước, bỏ mặc lao động Việt Nam bơ vơ. Chính vì vậy, tại cuộc họp chiều 28/2, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau khi đoàn công tác qua Ai Cập nắm tình hình, Việt Nam có thể thuê tàu, thậm chí thuê máy bay quân sự đáp xuống Tripoli để đưa lao động sang Tunisia, Ai Cập.

Về tình hình lương thực, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện khoảng 2.000 lao động chưa được chủ sử dụng di tản tập trung tại Benghazi và một số thành phố tại khu vực phía Đông Libya (Al Qubah và Darnah) đã có thể mua được thức ăn. Vì thành phố này hiện nay do phe biểu tình kiểm soát. Tại đây phe biểu tình đã thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời để điều hành hoạt động nên các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm đã mở cửa trở lại.

Trở về từ Libya, nhiều lao động đã rất hạnh phúc vì gặp lại được người thân. Ảnh: Kiên Cường.

Trao đổi với VnExpress sáng 1/3, ông Nguyễn Quốc Nam, phụ trách quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội cho biết, IOM đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ 7 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Hiện nay trừ văn phòng IOM tại Libya dừng hoạt động do bạo loạn, tại tất cả nước láng giềng với Libya, IOM đều có văn phòng.

Những văn phòng này cùng 2 nhóm công tác của IOM đang có mặt ở biên giới Ai Cập, Tunisia giáp với Libya đã kết hợp với chính quyền nước sở tại, Hội chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế để trợ giúp lao động sơ tán. Hình thức trợ giúp gồm: hỗ trợ lương thực, thuốc men, trợ giúp đăng ký với đại sứ quán Việt Nam tại các nước để cấp hộ chiếu, giấy thông hành và đặt vé may bay về nước.

Hiện các trại tị nạn tiếp nhận lao động các nước, trong đó có Việt Nam đã quá đông, IOM đã đề nghị mở rộng lều trại. “Tình hình ở Libya diễn biến quá nhanh, lại có quá nhiều lao động các nước cần sơ tán, vì thế IOM đang kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp kinh phí để hồi hương lao động”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, sau khi 5 đoàn công tác của Việt Nam đến các nước láng giềng của Libya (hiện một đoàn đã đến Thổ Nhĩ Kỳ), văn phòng IOM tại các nước này sẽ có kế hoạch cụ thể để hồi hương lao động Việt Nam.

Trước đó, để sơ tán khoảng 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Libya, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm phó ban.

Ban chỉ đạo đã quyết định thành lập 5 đoàn công tác đến các quốc gia láng giềng của Libya gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp, Algeria để hỗ trợ sơ tán lao động Việt Nam. Đây có thể nói là cuộc giải cứu lao động quy mô lớn thứ hai sau cuộc đưa khoảng 100.000 người từ Iraq về nước khi quốc gia này xảy ra chiến tranh.