Dân văn phòng cắt giảm chi tiêu

147

Hạn chế bia bọt; cắt khẩu phần cơm tiệm; chuyển từ quán sang trọng ra cà phê vỉa hè; tụ tập ăn uống chọn món rẻ, bỏ chầu karaoke xa xỉ… là cách mà dân công sở đối phó với vật giá leo thang.

Với những người ngồi bàn giấy, làm công việc văn phòng, thu nhập chỉ dừng lại ở mức 3-4,5 triệu đồng mỗi tháng. Chính vì vậy, gánh nặng từ việc thực phẩm, hàng hóa, nhiên liệu tăng giá trở thành nỗi ám ảnh. Bão giá buộc nhiều người thay đổi thói quen tiêu dùng, cắt giảm chi tiêu triệt để, nhằm tránh thâm hụt ngân sách vốn rất còm cõi.

Làm nhân viên văn thư một công ty dịch vụ quảng cáo tại quận 1, TP HCM, được một năm, lương của Nguyễn Nhật Hạ (24 tuổi, quê Bình Định) 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Ngay khi xăng tăng giá, cô bắt đầu lo vì hàng ngày phải đi hơn 15 km từ ngã tư An Sương, quận 12, vào trung tâm thành phố để làm việc. “Tôi sợ nhất là giá thực phẩm leo thang, kế đến là giá xăng quá đắt. Chỉ tính hai khoản này đã làm tôi mất 15% thu nhập hàng tháng”, Hạ nói.

Người tiêu dùng so sánh, lựa chọn trước khi đưa ra quyết định mua hàng hóa, thực phẩm. Ảnh: Vũ Lê.

Để chữa cháy trong tình thế lương không tăng, vật giá đã đội lên 15-20%, Hạ chọn cách tiết kiệm triệt để và lập ra phương án phòng bị lâu dài để sống chung với lũ. Ngoại trừ bữa trưa đành bóp bụng ăn cơm tiệm, Hạ bắt đầu tập tành chuyện bếp núc dù chỉ sống một mình. Thay vì dùng bữa ăn sáng và chiều tối ở hàng quán, cô đi chợ, mua thực phẩm về nhà tự nấu ăn. Ngay cả trong khâu đi chợ, cô cũng giảm khẩu phần thịt cá, chọn đồ rẻ hơn để tiết kiệm. “Cứ nghĩ mình đang trong thời kỳ giảm cân. Không có tiền ở nhà ăn cơm với muối với chao cũng chẳng sao. Túi lép kẹp mà ăn tiệm thì cũng bằng tự sát”, cô giãi bày.

Cô văn thư cũng dè dặt tiết lộ đang nỗ lực tìm một công việc mới có thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống, dù biết rằng tìm việc lúc này cũng rất khó khăn.

Tương tự, với lương cơ bản 4 triệu đồng mỗi tháng, chị Ngô Mỹ Liên (25 tuổi, quê Khánh Hòa) nhân viên sale cho một công ty xuất nhập khẩu cho biết: “Bây giờ ngày nào tôi cũng phải căng túi ra đánh vật với giá cả. Đầu tiên, tôi cắt giảm chi tiêu từ 50 nghìn xuống còn 40 nghìn đồng mỗi ngày”.

Chị Liên vạch ra chiến lược tiết kiệm đã áp dụng được một tuần nay. Bữa ăn sáng 10 nghìn đồng với món hủ tiếu hay bún riêu được thay bằng bánh mì thịt chỉ mất 7 nghìn. Bữa trưa phải chọn thực đơn nhẹ, không dám gọi món bừa. Bữa tối tranh thủ tự nấu ăn. Số lần đi cà phê, hội họp bạn bè mỗi tháng cũng bị cắt giảm và gạch tên tiết mục karaoke ra khỏi danh sách điểm đến của nhóm. “Giá cả hàng hóa đang đè nặng, tôi chẳng còn tâm trí để mua sắm, tiêu xài. Huống chi khoản tiền để dành của tôi cũng bị bốc hơi 70% theo trận bão này”, chị Liên giải thích.

Cân nhắc rất lâu trước những món hàng xa xỉ. Ảnh: Vũ Lê.

Không chỉ người các tỉnh lên thành phố lập nghiệp mới cảm thấy khó khăn khi đánh vật với tình hình vật giá leo thang. Anh Phạm Đình Lân, ngụ quận 7, là nhân viên một công ty truyền thông tại TP HCM cũng bắt đầu thấm thía sức càn quét của cơn bão giá. Anh Lân cho biết: “Trước đây tôi đi nhậu gọi thức ăn thoải mái, uống Heineken một lần 10 chai không cần đắn đo. Bây giờ thì khác rồi, tôi chỉ uống Sài Gòn Đỏ và dừng lại ở 4 chai là hết quota, thức ăn chỉ gọi 2 món”.

Không chỉ có vậy, anh Lân cho hay, số lần lai rai với bạn bè cũng phải cắt giảm. Ngày trước anh thường đi bù khú với đồng nghiệp 3 lần một tuần thì bây giờ chỉ một lần vào cuối tuần, thậm chí hai tuần một lần. Quán nhậu giá cũng phải bình dân một chút anh mới can đảm ghé vào. Lân kể thêm, để cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ, anh chuyển hẳn chầu cà phê quán sang cà phê cóc cho đỡ tốn.

“Bây giờ tôi hoảng nhất là việc người yêu hối thúc làm đám cưới. Tiền ăn còn phải dè xẻn thì lấy tiền đâu để tổ chức tiệc. Chẳng lẽ lại vay nợ với lãi suất trên trời để cưới vợ?”, anh Lân chia sẻ.

Nhiều công chức văn phòng cho hay, ngay cả khi họ được công ty trợ giá, tăng lương thì tình hình cũng không được cải thiện là mấy. Bởi lẽ, câu chuyện tăng giá không dừng lại ở việc giá điện, xăng, gas nhích lên theo khung cố định được thông báo. Điều khiến mọi người cảm thấy lo chính là khó lường được điểm dừng của cơn bão giá hàng hóa và thực phẩm. “Giá cả đang đi theo quy luật té nước theo mưa, chỉ biết lúc bắt đầu mà không biết bao giờ mới kết thúc”, một công chức trẻ nhận xét.

Theo Vnexpress