Tại sao không có cướp bóc, hỗn loạn ở Nhật Bản

169

Mọi người trên khắp toàn cầu đều nhận thấy một điều lạ thường trong thảm họa đang diễn ra tại Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần – không hề có người hôi của, mà ngược lại họ tỏ ra đoàn kết và rất có trật tự.

Người dân Nhật sống sót sau thảm họa tụ tập quanh đống lửa. Ảnh: AP.

Sự hỗn loạn, trộm cắp luôn tiếp diễn sau các thiên tại như động đất, bão lũ và sóng thần. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn vắng mặt sau trận động đất mạnh 9 độ Richter tại Nhật Bản. Thay vào đó, mọi người xếp hàng dài, trật tự bên ngoài các quầy hàng thực phẩm, trong khi nhân viên cố gắng phân phát đều lượng thức ăn và nước uống có hạn.

“Sự hôi của không xảy ra tại Nhật Bản”, CNN dẫn lời Gregory Pflugfelder – một chuyên gia văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia nói. “Tôi không chắc có từ ngữ đó có xuất hiện trong đầu người Nhật không nữa”.

Trong khi đó, trong những thảm họa gần đây như động đất năm ngoái ở Chile, lũ lụt năm 2007 ở Anh, hay cơn bão Katrina ở Mỹ, tình trạng phạm tội và cướp bóc diễn ra táo tợn.

“Có vẻ như điều ấn tượng hơn cả sức mạnh công nghệ của Nhật Bản là sức mạnh xã hội của quốc gia này, khi các siêu thị giảm giá và chủ cửa hàng mời mọi người nước uống khi tất cả cùng đoàn kết với nhau để sống sót. Và ấn tượng hơn cả, không hề có chuyện hôi của”, Ed West của Daily Telegraph viết.

West cho biết việc sự vắng mặt hành vi xấu xa này là hoàn toàn lạ lẫm trong xã hội loài người. Tình trạng hôi của tại Chile sau trận động đất năm ngoái tồi tệ đến nỗi quân đội phải nhập cuộc. Ở New Orleans, Mỹ, cơn bão Katrina cũng gây nên tình trạng cướp bóc đến mức kinh hoàng.

Vậy đâu là lý do khiến Nhật Bản có được sức mạnh này? Các tờ báo lý giải điều này.

Kỷ luật, kỷ luật, và kỷ luật

“Người Nhật Bản đang thể hiện điều mà họ đã được dạy dỗ và tập huấn ngay từ khi còn bé – trật tự và kiên cường”, Federico D. Pasqual tại The Philippine Star nói. “Tại trường học, các bữa trưa miễn phí, nhưng thường “đạm bạc”, và trẻ con học cách đón nhận và xử lý những thời điểm khó khăn. Thảm họa này là một trong những thời điểm đó, và việc định hình thái độ đó để nó ăn vào trong máu bây giờ đã có hiệu quả”.

Người Nhật không lạ gì trước khó khăn

Câu trả lời đơn giản chính là “sự lịch thiệp muôn đời của người Nhật đang tỏa sáng”, Thomas Lifson viết trên The American Thinker nói. Nhưng đó chỉ là một phần của điều đang diễn ra. Xã hội Nhật Bản đã được rèn giũa qua nhiều thế hệ để mọi thứ đi vào nề nếp – duy trì trật tự và cư xử chuẩn mực. Sức mạnh xã hội to lớn của quốc gia này đã giúp Nhật Bản vượt qua sự tàn phá của Thế chiến II, và so với nó thì những vấn đề đang diễn ra cũng chỉ là tương đối nhỏ.

Người Nhật không cao siêu, chỉ là khác biệt

“Người Nhật được giáo dục rằng sự quy củ và đồng thuận là giá trị cốt lõi”, James Picht, The Washington Times, cho biết. Với người Mỹ, luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì những giá trị đó nghe có vẻ khó chịu. Những lúc bình thường, việc chú ý tới vẻ bề ngoài và các quy tắc có vẻ cứng nhắc, nhưng vào thời điểm khó khăn, những đức tính này sẽ đánh bại nhu cầu “cướp giật”. Nền văn hóa Nhật Bản không cao siêu, nó chỉ đơn giản được cấu tạo để phù hợp với việc duy trì trật tự xã hội ngay sau một thảm họa lớn.

Theo Vnexpress