Chiều 4/4, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ ba Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Phiên họp thứ ba cho ý kiến về Báo cáo hoạt động của Hội đồng bầu cử và các Tiểu ban từ sau phiên họp Hội đồng bầu cử lần thứ hai đến nay và Báo cáo kết quả Hiệp thương lần thứ hai bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Báo cáo về kết quả quá trình Hiệp thương lần thứ 2 bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.086 người, gồm 183 người ở Trung ương và 903 người ở địa phương; trong số này có 83 người tự ứng cử.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng người ứng cử so với số đại biểu được bầu đạt tỉ lệ cao (gấp 3 lần) như Lào Cai, Vĩnh Long nhưng cũng có một số tỉnh có số lượng người ứng cử so với số đại biểu được bầu thấp (chỉ đạt 1,67 lần) như Lai Châu, Tây Ninh, Yên Bái.
Trong số 1.086 người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước, về cơ cấu: phụ nữ có 338 người, đạt tỷ lệ 31,12%; dân tộc thiểu số là 172 người, tỷ lệ 12,62%; tôn giáo với 14 người, tỷ lệ 1,28%; ngoài đảng 213 người, tỷ lệ 19,61%.
Về trình độ học vấn: trên đại học có 386 người, đạt tỷ lệ 35,54%; đại học là 648 người, tỷ lệ 59,66%; dưới đại học (từ Cao đẳng trở xuống) với 52 người, tỷ lệ 4,78%.
Về độ tuổi: người có tuổi cao nhất là 77 tuổi ở thành phố Hà Nội; người ít tuổi nhất là 21 tuổi ở tỉnh Điện Biên; trẻ tuổi có 282 người, đạt tỷ lệ 25,97%.
Về công tác nhân sự đại biểu Hội đồng Nhân dân: tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được bầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 3.832 đại biểu, cấp huyện là 20.785 đại biểu (thống kê của 62/63 tỉnh, thành phố), cấp xã là 273.433 đại biểu (thống kê của 60/63 tỉnh, thành phố).
Tính đến 17 giờ ngày 23/3/2011, tất cả những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đã nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử. Các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã trình Chính phủ phê chuẩn 3.832 đại biểu của 1.045 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Hiện nay các địa phương đang tiến hành bước bốn của quá trình hiệp thương lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Thời gian hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo quy định của pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2011
Theo ước tính của 63 tỉnh thành phố, dự kiến thành lập khoảng 93.800 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Sắp tới là giai đoạn cực kỳ quan trọng, tính chất phức tạp hơn, do vậy, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan hữu quan, địa phương không được lơ là, chủ quan; cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để thể hiện đúng tinh thần của ngày bầu cử, bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016./.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, TP.HCM có số lượng đơn vị bầu cử nhiều nhất với 32 đơn vị; tiếp theo là Thanh Hóa với 31 đơn vị bầu cử và Hà Nội có 30 đơn vị bầu cử.
Hai địa phương có số lượng đại biểu được bầu nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đều có 95 đại biểu.
Theo Báo Mới