Văn hóa trong Đảng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

243

Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Khi nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Ngay từ năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật và khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [*].

Khi nói đến công tác xây dựng Đảng, chúng ta thường nói xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức chứ ít khi quan tâm đến xây dựng Đảng về văn hóa. Thực ra, quan điểm xây dựng Đảng về văn hóa được Đảng ta đề cập từ khá sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” nghĩa là một biểu tượng cao về văn hóa của dân tộc và nhân loại, và xét cho cùng thì đạo đức, văn minh chính là văn hóa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các tổ chức Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu quan điểm cũng như nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về văn hóa” [†].

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội, cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trước tiên phải quan tâm đến xây dựng văn hóa trong Đảng và vấn đề này có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó trên hết, trước hết và cốt lõi là vai trò tiên phong của mỗi đảng viên. Bởi tính tiên phong là tính chất nhất thiết phải có ở một đảng cộng sản, nhất là khi đảng đó là đảng cầm quyền. Vai trò tiên phong của Đảng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức, giác ngộ, hiểu biết sâu sắc về lý luận, thực tiễn, tổ chức lực lượng quần chúng đông đảo, đưa họ vào con đường đấu tranh giải phóng con người, đến tiên phong trong hoạt động chính trị, lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng, bảo vệ môi trường thiên nhiên và tất nhiên không thể thiếu vai trò tiên phong trong lĩnh vực văn hóa.

Để góp phần xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh cốt lõi, trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với tư cách là lực lượng tiên phong, tổ chức lãnh đạo xã hội thì toàn Đảng, mỗi một đảng viên phải thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gây tổn hại lớn đến thanh danh và uy tín của Đảng và suy cho cùng đó chính là sự suy thoái về văn hóa trong Đảng.

Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa trong Đảng không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về phương diện văn hóa, mà còn có ý nghĩa cấp thiết về chính trị và xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.

Nhiệm vụ đó tập trung tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực của cán bộ, đảng viên. Sự giáo dục này có thể thông qua nhiều hình thức, biện pháp như thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng quan tâm hơn vào giáo dục phẩm chất đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật.

Thực hiện chủ trương của Đảng là hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây thực chất là yếu tố cơ bản nhất để Đảng cầm quyền theo hiến pháp, pháp luật, đồng thời làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo có được “văn hóa trách nhiệm” để làm tròn bổn phận của mình với tư cách là những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch, sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa. Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong; trong sạch nhân dân mới tin vào sự chân chính. Được nhân dân tin yêu mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.

Để có một Đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Điều đó phải chứng minh bằng hành động cụ thể.

Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, “lợi ích nhóm” hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to càng phản cảm.

Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa đảm bảo cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài của Đảng. Nếu Đảng bị suy đồi về văn hóa thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại. Trong công tác cán bộ phải luôn cảnh giác và luôn khắc phục khuyết điểm từ sự tác động bởi mặt trái của tư tưởng phong kiến và mặt trái của cơ chế thị trường. Đã có tình trạng chọn người là đệ tử, cùng phe cánh, trung thành, biết phục vụ, cung phụng cho cá nhân mình, mua quan bán chức. Đó chính là biểu hiện mặt trái của tư tưởng phong kiến và cơ chế thị trường. Toàn Đảng cần phải có quyết tâm chính trị để sửa chữa và ngăn ngừa để Đảng không bị suy thoái.

Đồng thời với việc xây dựng văn hóa trong Đảng cần tập trung lãnh đạo, chăm lo xây dựng đạo đức xã hội. Đảng tồn tại trong xã hội, luôn chịu sự tác động hằng ngày, hằng giờ từ xã hội và luôn tác động trở lại xã hội. Sự tác động qua lại ấy, giữa Đảng và xã hội, có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực, tùy thuộc vào Đảng tốt, môi trường xã hội tốt hoặc chưa tốt, không tốt. Trong mối quan hệ tác động qua lại ấy, Đảng phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không đổ lỗi cho xã hội, vì Đảng lãnh đạo, phải đủ dũng cảm và bản lĩnh để đối mặt với sự thật khách quan, nhằm tìm cách cải tạo nó.

Những năm qua, đạo đức xã hội có nhiều mặt suy thoái lo ngại, thậm chí có mặt nghiêm trọng, đáng báo động. Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Rất đáng lưu ý là hệ giá trị bị đảo lộn về vị trí, thang bậc. Nhân cách đáng ra phải luôn ở vị trí hàng đầu, trung tâm thì trong nhiều trường hợp đã xuống hàng thứ yếu, trong khi đồng tiền lại lên ngôi, chi phối nhiều mặt, nhiều việc. Vì tiền, con người ta đã vi phạm đạo đức, kể cả làm việc ác. Nhưng vì sao mà hệ giá trị lại bị đảo lộn?

Đương nhiên có lý do từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi vì nó là vậy, có nhiều mặt tích cực, tạo động lực phát triển, sự lựa chọn cơ chế thị trường là đúng, có một số mặt tiêu cực cần phải phòng tránh. Khuyết điểm đáng lưu ý là khi bước vào kinh tế thị trường, chúng ta chưa lường hết sự phức tạp, tác hại và nhất là chưa có giải pháp hữu hiệu chủ động phòng tránh để hạn chế tác hại của nó. Nói cách khác, chưa tạo ra và thực hiện được những cơ chế quản lý hữu hiệu để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Mặt khác, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường lại trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền. Nhiều cán bộ, đảng viên có quyền lực, được giao quản lý tài nguyên, tài sản, tài chính, dự án và các mặt quan trọng của đời sống xã hội. Mặt trái quyền lực làm tha hóa con người khi không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực, để lựa chọn cán bộ có “đức trọng” mới giao “quyền cao”, để giám sát người có chức, quyền, dù lớn hay nhỏ.

Khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường cộng hưởng với mặt trái của cơ chế quyền lực như hai con ngựa bất kham, trong khi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát còn nhiều sơ hở, khiếm khuyết; việc tự rèn luyện nhân cách của từng người không thường xuyên liên tục, không gương mẫu, tức là chưa đủ độ chín về văn hóa; còn khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, liêm sỉ, trong lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ.

Để phòng tránh và khắc phục những hạn chế trên, việc trước tiên là tiếp tục nhận thức sâu hơn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị. Đại văn hào Mắc-xim Goóc-ky đã nói, đối với ông, khi văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn là Tổ quốc lâm nguy. Về sâu xa, ông nói đúng.

Nếu Tổ quốc lâm nguy mà văn hóa còn bền vững thì người ta sẽ giữ được Tổ quốc, lấy lại được Tổ quốc khi đã mất; còn nếu văn hóa lâm nguy thì chẳng những mất Tổ quốc mà còn mất cả dân tộc. Phải có quyết tâm cao và hành động thiết thực, bền bỉ. Lấy việc xây dựng con người – nhân cách làm trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng văn hóa. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, cộng đồng làng, phố đến việc xây dựng văn hóa trong chính trị, nhất là nhân cách người lãnh đạo, sử dụng nhân tài và kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa trong kinh tế, nhất là cơ chế quản lý đủ hiệu lực khống chế tác hại từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Các hoạt động văn hóa được tổ chức hiệu quả, giàu tính nhân văn nhằm gìn giữ, bồi đắp, sáng tạo và lan truyền các giá trị. Giáo dục, văn học, nghệ thuật, truyền thông là những công việc quan trọng bậc nhất trong các hoạt động văn hóa cần được tổ chức một cách rất khoa học, phù hợp quy luật văn hóa và quy luật tâm sinh lý con người, bảo đảm chất lượng và hiệu quả thiết thực, bền vững.

Văn hóa trong Đảng mang đặc thù riêng, nhưng là bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc thì mới có điều kiện xây dựng văn hóa trong Đảng một cách vững chắc và xây dựng văn hóa trong Đảng cần phải phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh” thì mới tạo được lòng tin trong nhân dân, thu hút được sức mạnh to lớn, đồng thuận của nhân dân để lãnh đạo cách mạng đạt được những thành quả trong giai đoạn hiện nay.

Thượng tá, TS TRỊNH XUÂN NGỌC,

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

(Theo QĐND.vn)

———————–
[*]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 431.

[†] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.146