Bầu cử Việt Nam trên báo phương Tây

107

“Khi Nguyễn Quang Huân, doanh nhân Hà Nội 47 tuổi, nói với bạn bè rằng anh muốn ứng cử đại biểu quốc hội, bạn bè bảo anh hâm”, tờ Financial Times mở đầu bài viết về cuộc bầu cử lập pháp diễn ra ở Việt Nam hôm nay.

“Nhưng bất chấp, Huân quyết định tự ứng cử. Anh có quyết tâm vì đã nhận thấy mức độ độc lập chưa từng có của quốc hội trong nhiệm kỳ bốn năm vừa qua, khi các đại biểu của dân bác bỏ một số đề xuất của chính phủ, xoay các bộ trưởng trong những phiên chất vấn”, tờ báo tài chính hàng đầu thế giới tiếp tục.

Những ngày qua, báo chí nước ngoài dành nhiều tin và ảnh cho sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra ở Việt Nam – bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài việc đưa tin, nhiều tờ báo, nhất là báo của phương Tây, có những câu chuyện và bình luận thú vị.

Một ngôi chùa cổ ở Hà Nội được trang hoàng cờ và băng rôn trong ngày bầu cử. Nhân viên bầu cử đứng bên ngoài điểm bỏ phiếu tại ngôi chùa này sáng nay. Ảnh: AFP.
Một ngôi chùa cổ ở Hà Nội được trang hoàng cờ và băng rôn trong ngày bầu cử. Các nhân viên bầu cử làm việc tại điểm bỏ phiếu ở ngôi chùa này sáng nay. Ảnh: AFP.

Ông Huân trong câu chuyện trên là một trong số hàng chục doanh nhân ứng cử đại biểu quốc hội lần này. Trong số họ có cả người giàu nhất Việt Nam – ông Đặng Thành Tâm, và chị gái Đặng Thị Hoàng Yến, cũng là chủ một doanh nghiệp giàu có.

“Đang có xu hướng là giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu chú ý nhiều hơn tới cộng đồng doanh nhân, trong nỗ lực ổn định nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ cân bằng”, báo Anh nhận xét.

Tờ báo này dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây có mối quan hệ công việc gần gũi với quốc hội Việt Nam cho hay: “Cho dù ở Việt Nam không chấp nhận việc chia sẻ quyền lực, quốc hội đang trở thành một cơ quan lập pháp ngày càng hữu ích và đã đưa ra những bộ luật tốt hơn, phân bổ một cách hợp lý hơn các nguồn lực, cũng như kiểm tra giám sát tốt hơn để tạo sự cân bằng”.

Hãng tin Pháp AFP liên tục ba ngày qua đều đưa tin trước và trong cuộc bầu cử. Phóng viên hãng này cũng nhấn mạnh đến việc hệ thống chính trị ở Việt Nam khẳng định quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, nhưng từ khóa trước đã cho phép ứng viên tự ứng cử và gần 10% đại biểu quốc hội là người ngoài đảng.

Ở Việt Nam, hầu hết các ứng cử viên quốc hội là do các tổ chức xã hội giới thiệu, nhưng giờ đây ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng chú ý đến khía cạnh này. Trong bản tin hôm nay, hãng nêu thực tế trong số 827 ứng cử viên chạy đua 500 ghế quốc hội, có nhiều người ngoài đảng và người tự ứng cử. Bloomberg, rất mạnh về tin tài chính và kinh tế, cũng chú ý đến ứng viên Đặng Thành Tâm, người giàu nhất Việt Nam và là chủ tịch tập đoàn phát triển Kinh Bắc.

Việc quốc hội Việt Nam năm ngoái bác bỏ đề xuất dự án đường cao tốc trị giá 56 tỷ USD của chính phủ được nhắc đến như một biểu hiện cho tính độc lập ngày càng tăng của cơ quan lập pháp.

Một phụ nữ đi bộ qua tấm pano tuyên truyền về ngày bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp của Việt Nam. Ảnh: AFP.

“So với trước, quốc hội đang thực hiện ngày càng nhiều hơn trách nhiệm của mình, và ở một mức độ nào đó đã có sự thảo luận thẳng thắn trong đó”, Raymond Burghardt, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là giám đốc các chương trình trao đổi của Trung tâm Đông- Tây ở Hawaii, nhận xét.

Moody, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bình luận rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị, và điều đó phần nào có được nhờ kinh tế ngày càng phồn thịnh, triển vọng công ăn việc làm của người dân tốt lên và sự cởi mở ngày càng rõ về kinh tế, Bloomberg cho hay.

Ông John Hendra, trưởng phái đoàn Liên hợp quốc tại Việt Nam, được AFP trích đăng nhận xét rằng quốc hội Việt Nam đang thể hiện vai trò ngày càng tốt hơn trong việc đảm bảo trách nhiệm của chính phủ. Quốc hội cũng đã bắt đầu có những thử nghiệm “cực kỳ quan trọng” trong việc lấy ý kiến của công chúng về các dự luật.

“Tôi nghĩ rằng trong hai năm qua chúng ta đã thấy một quốc hội ngày càng khẳng định mình”, ông Hendra nói.

Theo Vnexpress