Hòn Dữ nằm trên vùng rừng núi thuộc thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh và một phần phía Đông nằm trên địa giới xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Hòn Dữ nằm trên một quần thể núi non trùng điệp phía Tây Bắc tỉnh Khánh Hòa, có nhiều đỉnh núi cao như: Hòn Dữ, Hòn Bà (hay còn gọi là Hòn Lớn), Đá Treo… khu vực này là rừng già nguyên sinh có nhiều gộp đá rộng, lại có nguồn nước tự nhiên xung quanh các sườn núi. Dưới chân núi có nhiều khu đất rộng, bằng phẳng để lập các trại sản xuất lương thực, chăn nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm… Từ những đặc điểm địa hình nêu trên Hòn Dữ đã đáp ứng được các yếu tố cần thiết để trở thành chiến khu kháng chiến của quân và dân tỉnh Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945 – 1975), trở thành đường giao thông chiến lược quan trọng của Liên khu V và Trung ương.
Căn cứ địa Cách mạng Hòn Dữ phân bố trên một địa bàn khá rộng thuộc miền núi cao, phía Bắc căn cứ tiếp giáp với vùng đồng bằng thị xã Ninh Hòa, phía Đông Nam giáp xã Diên Lâm, Diên Xuân, huyện Diên Khánh, phía tây giáp xã Khánh Bình của huyện Khánh Vĩnh.
Cấu tạo địa chất nơi đây đã tạo ra những ngọn núi cao với nhiều hang đá rộng lớn luồn lách sâu vào lòng núi. Phía dưới những hang núi chằng chịt là những suối nước. Điều kiện tự nhiên thuận lợi đó đã đáp ứng được sự lựa chọn địa bàn lập căn cứ cách mạng của quân và dân tỉnh Khánh Hòa. Với vị trí hết sức quan trọng như vậy nên ngay từ những ngày đầu chống Pháp, các cơ quan Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng khu vực Hòn Dữ làm căn cứ cách mạng hoàn chỉnh và là cái nôi của cách mạng tỉnh Khánh Hòa.
Các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh và bộ đội quân chủ lực của ta được bố trí tại các nơi như:
– Gộp chữ U (tên gọi khác là Giếng Tiên): Đây là khu vực các cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa đóng quân.
– Gộp Ông Vũ: là nơi đóng quân của Ban Hậu cần. (Theo già làng Ama Khang – là người tham gia hoạt động Cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến, hiện sống tại thôn Diên Thủy – xã Khánh Đông cho biết sở dĩ gọi là Gộp ông Vũ là vì trong kháng chiến chống Pháp ông Vũ là người phụ trách Ban Hậu cần nên sử dụng tên của ông để đặt tên cho Gộp và từ đó có tên gọi gộp ông Vũ).
– Khu Ái Quốc: nơi đây là khoảng đất rộng lớn, dùng làm nơi sản xuất lương thực và chăn nuôi cung cấp cho căn cứ.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đảng bộ và đồng bào vùng căn cứ ra sức bảo vệ căn cứ, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được và động viên mọi lực lượng quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự hình thành, tồn tại và phát triển của Căn cứ cách mạng Hòn Dữ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến và đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc miền núi huyện Khánh Vĩnh, đồng bào đã tin tưởng và đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn.
Với ý nghĩa như vậy, năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Căn cứ cách mạng Hòn Dữ là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4780/CAN-CU-CACH-MANG-HON-DU