Con đường Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

617

Khá nhiều luận điệu trên mạng xã hội cố tình xuyên tạc, phủ nhận con đường xây dựng CNXH của Việt Nam. Song nếu hiểu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH ở VN thì sẽ thấy chúng ta nhất định sẽ thành công.

Thuật ngữ CNXH, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng lần đầu tiên trong bài “Chính sách thuộc địa” viết năm 1920 và lần cuối cùng trong bài “Nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng công đoàn Việt Nam” ngày 19.7.1969. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, gồm 15 tập), thuật ngữ “CNXH” xuất hiện 1.065 lần, “xây dựng CNXH” xuất hiện 573 lần.

Về mặt khái niệm, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một cách định nghĩa khác nhau về CNXH, song tựu trung, Người khẳng định, CNXH là làm cho “dân giàu, nước mạnh”. Người chỉ rõ: “CNXH là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”; “CNXH là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng; không còn người bóc lột người”. Người cũng khẳng định: “CNXH là tiền đồ chung của cả dân tộc”, “trong đó có tiền đồ riêng của mỗi cá nhân”; đồng thời CNXH là “do nhân dân tự xây dựng lấy”.

 

Về bản chất xây dựng CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “phấn đấu để cải tạo, để thực hiện CNXH là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, “xây dựng CNXH là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”. Người khẳng định, đây là “một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi”.

Theo Người, CNXH là chế độ do nhân dân là chủ và làm chủ, có nền kinh tế, văn hóa phát triển, chuẩn mực đạo đức, khoa học kỹ thuật hiện đại, con người mới. Thông qua hoạt động lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận rất sâu sắc về bản chất xây dựng CNXH với tư cách là một chế độ có khả năng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Về mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam, đây không chỉ là ước mơ, lý tưởng mà cần thực hiện từng bước ngay ở nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Theo Người, “mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Mục tiêu “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”, “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”, về lâu dài thì “tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng” .

Bởi vậy, từ năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “phải lao động thật sự, có năng suất, chất lượng và kỷ luật mới có thể xây dựng được CNXH”. Đầu năm 1960, Người chỉ rõ “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng XHCN, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài” .

 

Về động lực xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh cho rằng: Quyết định nhất là con người, vì con người, nhân dân lao động, nòng cốt là công – nông – trí thức. Trong thực hiện, phải kết hợp giữa cá nhân (sức mạnh cá thể) với xã hội (sức mạnh cộng đồng), cần kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng.

Theo Hồ Chí Minh, “muốn xây dựng CNXH trước hết cần có những con người XHCN”. Truyền thống yêu nước của dân tộc, sự cố kết cộng đồng, sức lao động sáng tạo của nhân dân là sức mạnh tổng hợp tạo nên động lực quan trọng của CNXH. Người luôn xây đắp khối đoàn kết dân tộc và nhấn mạnh: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân là nguồn sức mạnh vô địch. Cùng với động lực tinh thần, Hồ Chí Minh rất coi trọng động lực kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất vì ích nước, lợi nhà.

Với cách diễn giải của Hồ Chí Minh về CNXH như trình bày ở trên, chúng ta thấy hoàn toàn thực hiện được ở VN. Thực chất xã hội VN hiện nay đã chứa đựng những yếu tố của CNXH, do đó việc hoàn thiện nó chỉ là vấn đề thời gian. CNXH không phải là một cái gì siêu phàm, mà là từ chính hiện thực cuộc sống của chúng ta. Đó là “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH”. Điều đó thể hiện rõ trong mỗi bước đi của cách mạng VN dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc; đồng nghĩa theo thời gian ngày càng cho thấy rõ ràng hơn về mô hình CNXH mà Việt Nam đã, đang, sẽ xây dựng. Trong đó, Đại hội XIII sẽ là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam tiến thêm một bước tới gần đích CNXH hơn.

Hiểu được tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH để thấy sự lựa chọn con đường CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh – mục tiêu cao cả hướng tới của văn minh nhân loại. Từ đó, sẽ thêm tin tưởng vào con đường CNXH ở Việt Nam, biết trân trọng giá trị và bảo vệ thành quả cách mạng, không tùy tiện phát ngôn sai sự thật, không phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, sẽ phản bác được những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ Việt Nam.

 

https://thanhgiong.vn/con-duong-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-46951.html