Sự thất bại của chính quyền Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero ngày 21-11 đánh dấu sự ra đi của toàn bộ chính phủ của năm nền kinh tế được mô tả là ngoại vi (PIIGS bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hi Lạp, Tây Ban Nha). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn còn đó.
Người ủng hộ Đảng Nhân dân ăn mừng tại Madrid, Tây Ban Nha – Ảnh: Reuters |
Reuters đưa tin Đảng Nhân dân (PP) trung hữu của ông Mariano Rajoy đã giành chiến thắng lịch sử, trong khi Đảng Xã hội (PSOE) nếm trải thất bại chưa từng có, theo kết quả 99% phiếu bầu.
Tây Ban Nha theo bước Hi Lạp, Ý
PP chiếm 186 ghế tại hạ viện, so với 108 ghế của PSOE vốn cầm quyền từ năm 2004. Đối với cánh hữu, đây là kết quả tốt nhất kể từ những năm 1970. Còn với PSOE, đây lại là kết quả tồi tệ nhất khi trở thành một nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng đã làm sụp đổ chính phủ Hi Lạp và Ý.
Cánh hữu lên nắm quyền ở một đất nước đang lo âu trước cuộc khủng hoảng. “Thời gian khó khăn còn ở phía trước – ông Rajoy, 56 tuổi, tuyên bố – Chúng ta sẽ thôi là một phần của vấn đề mà sẽ là một phần của giải pháp”. Ông Rajoy dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 20-12.
Chiến thắng rơi vào tay của PP sau khi cử tri Tây Ban Nha quyết định trừng phạt PSOE về những bất ổn kinh tế sau bảy năm cầm quyền. Ông Rajoy kêu gọi người dân đoàn kết để “tuyên chiến với cuộc khủng hoảng”, nhưng ông cũng nhìn nhận sẽ “không có phép mầu nào” để đối phó với tình hình nghiêm trọng hiện nay.
“Tôi không có kẻ thù nào khác ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế” mà còn là “thất nghiệp, thâm thủng, nợ, kinh tế trì trệ và bao chuyện đang cầm giữ đất nước này trong tình trạng nghiêm trọng hiện nay” – ông Rajoy trấn an.
Giới phân tích dự đoán chính quyền mới sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách thắt lưng buộc bụng, gồm lĩnh vực y tế và giáo dục, với hi vọng vực dậy Tây Ban Nha khỏi bờ vực phá sản. 1/5 dân số hiện thất nghiệp, tỉ lệ này ở giới trẻ lên đến gần 50%, cao nhất Liên minh châu Âu. Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 0% vài tháng qua khiến nhiều người đặt câu hỏi làm sao nước này có thể trả được nợ, bao gồm khoản nợ xấu gần 240 tỉ USD của ngân hàng.
Thử thách đầu tiên cho PP là các buổi đấu giá trái phiếu chính phủ sẽ diễn ra ngày 22 và 24-12. Lãi suất vay của Tây Ban Nha đang ở mức cao nhất kể từ khi thành lập khối đồng euro với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần chạm mốc 7%, mức từng khiến Hi Lạp và Bồ Đào Nha phải ngửa tay xin giải cứu.
Đồng euro: động lực gây chia rẽ!
Cuộc khủng hoảng đồng euro giống như bánh xe tiếp tục quay. Với cuộc bầu cử ngày 20-11, Tây Ban Nha là nước thứ ba của Liên minh châu Âu (EU) phải thay đổi chính phủ kể từ đầu tháng này và là nước thứ sáu mà chính phủ cầm quyền bị rớt đài, bị bãi bỏ hoặc bị lôi cuốn vào cuộc khủng hoảng. Dù vậy, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu vẫn chưa tìm được lối thoát bởi thị trường vẫn không tin vào khả năng phục hồi của khu vực này. EU hồi tuần trước thừa nhận tốc độ phục hồi kinh tế đang chậm lại và có khả năng đẩy khu vực trở lại đà suy thoái.
“Đồng euro đang tiến đến chỗ tan vỡ” – báo Le Point (Pháp) tự hỏi và viết: “Giả thuyết này đang được các nhà chính trị xem xét một cách nghiêm túc khi niềm tin của thị trường đối với các món nợ công ở châu Âu đang lan rộng”.
“Đồng euro đang trở thành một động lực gây chia rẽ hơn là đoàn kết trong châu Âu – tờ Die Zeit của Đức cũng viết – Châu Âu có thể tan vỡ theo cách thức mà nó được kết hợp”. Hi Lạp đứng trước nguy cơ sụp đổ, Ý rúng động, còn Pháp bị đe dọa hạ bậc tín nhiệm và phải tăng lãi suất vay, nguy cơ tan vỡ đang đến gần hơn bao giờ hết. Công ty tài chính Nomura Securities tuần trước cũng cảnh báo giới đầu tư nên chuẩn bị cho khả năng một số nước có thể phải rời khỏi khối đồng euro sau khi Đức bỏ phiếu cho phép thành viên của khối được tách ra.
“Chúng tôi không đá ai ra – Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble giải thích trên Business Week – nhưng nếu một nước không thể gánh hoặc không muốn nhận lấy gánh nặng, chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”. Tuy nhiên, trước đó Ủy ban châu Âu đã khẳng định nếu một nước muốn rút khỏi khối đồng euro sẽ phải từ bỏ tư cách thành viên EU. Hậu quả của việc rút lui được đánh giá còn khủng khiếp hơn về mọi mặt kinh tế, tài chính và chính trị.
Trong khi đó, Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn lưỡng lự trong việc dang tay giải cứu các con nợ của châu Âu. Berlin đến nay vẫn phản đối lời kêu gọi vung tiền mua lại trái phiếu của những nước này để giúp giảm lãi suất vay. “Nếu các chính trị gia tin rằng ECB có thể giải quyết các vấn đề của đồng euro, họ đang tự huyễn hoặc mình về một chuyện sẽ không thành hiện thực” – Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.
Theo Báo Tuổi trẻ