Sáng 23/11, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sẽ mở đầu phiên chất vấn. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Thăng sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc tại các thành phố lớn; biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và giải quyết tình trạng xuống cấp của công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn ngân sách.
Để đại biểu hiểu rõ hơn thực trạng của ngành, hai ngày trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Thăng đã gửi Quốc hội báo cáo về thực trạng tai nạn và ùn tắc giao thông cũng như đưa ra các giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm hạn chế vấn nạn này.
“Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu”, người đứng đầu ngành giao thông nhận định.
“Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chiều cùng ngày, sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ giải trình việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.
Ngày 24-25/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu.
Các phiên chất vấn sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.
30 phút trước phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và 9 Quốc hội khóa 12.
Theo Thường vụ Quốc hội, cuối tháng 9, các cơ quan hữu quan trả lời gần 1.600 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 và thứ 9. Nhiều kiến nghị đã được nghiên cứu tiếp thu và tích cực giải quyết.
Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cơ chế thu, quản lý, sử dụng quỹ.
Cũng theo cơ quan này, cử tri và dư luận đề nghị cơ quan hữu quan khẩn trương có những giải pháp hữu hiệu để thiết lập trật tự trong lĩnh vực quản lý xăng dầu nhằm bảo đảm công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; có chế tài nghiêm khắc với hành vi vi phạm, để vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiến Dũng
Theo Vnexpress