Bảy sự kiện thể thao năm 2011

191

Thể thao trong nước ghi nhận thành công của đoàn Việt Nam tại SEA Games 26, sự đột phá của một số VĐV trẻ và cuộc cách mạng bóng đá… Thể thao thế giới chứng kiến cuộc bầu chọn Chủ tịch FIFA nhiều sóng gió hồi tháng 6 và sức mạnh tuyệt đối của Barcelona.

SEA Games 26 là sự kiện thể thao lớn nhất trong năm mà Việt Nam tham dự.

1. SEA Games 26 – lớn nhất và nhiều tai tiếng

Tổ chức kỳ SEA Games có quy mô lớn nhất trong lịch sử, chủ nhà Indonesia quảng bá thành công hình ảnh thành phố Palembang giàu truyền thống văn hóa và hướng tới tương lai, nhưng thất bại trong việc tổ chức Đại hội chu đáo và tạo ra một sân chơi công bằng, thượng võ. Chương trình thi đấu có quá nhiều môn thể thao dàn trải cũng là một yếu tố làm giảm uy tín của đấu trường SEA Games. Nước chủ nhà trong và sau SEA Games đã nhận nhiều sự chỉ trích về việc ăn gian huy chương. Bằng chứng sống động nhất cho sự bất công ở Đại hội là diễn biến trận chung kết silat giữa võ sỹ chủ nhà và đối thủ Thái Lan bị tung lên mạng.

Đặt chỉ tiêu giành 70 HC vàng và lọt vào tốp các đoàn dẫn đầu, đoàn Việt Nam đã có một kỳ SEA Games dễ dàng hơn so với dự báo ban đầu. Đây cũng là một kỳ SEA Games có diễn biến kỳ lạ nhất khi ba đoàn Indonesia, Thái Lan và Việt Nam không gặp một trở ngại nào để nhanh chóng xác lập Top ba. Không có tính cạnh tranh cao, SEA Games 26 là màn độc diễn của chủ nhà Indonesia trên ngôi đầu bảng. Hai đoàn Việt Nam và Thái Lan có sự cạnh quyết liệt ở vị trí thứ hai.

Trên đất Indonesia, nhiều môn thể thao Olympic đã tạo dấu ấn lên thành công chung của đoàn Việt Nam. Trong đó, đội tuyển thể dục lập kỷ lục giành nhiều HC vàng nhất tại một kỳ SEA Games với 11 ngôi vô địch.

2. Những ngôi sao trẻ tỏa sáng

Lê Quang Liêm, Phan Thị Hà Thanh và Hoàng Quý Phước là những tên tuổi nổi bật của thể thao Việt Nam năm nay. Họ đều là đại diện của thế hệ 9x.

Từ trái qua: Lê Quang Liêm, Phan Thị Hà Thanh và Hoàng Quý Phước.
Từ trái qua: Lê Quang Liêm, Phan Thị Hà Thanh và Hoàng Quý Phước.

Đây là năm của Lê Quang Liêm. Tháng 2, anh trở thành kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử tồn tại giải Aeroflot (Nga) bảo vệ thành công ngôi vô địch. Từ đó, Liêm đã trở thành khách mời thường xuyên của các giải đấu quốc tế có uy tín trên thế giới. Sau đó anh giành ngôi á quân giải Dortmund, Memorial Casablanca. Tháng 8, Lê Quang Liêm lọt vào vòng ba giải vô địch thế giới. Cú vượt ngưỡng này được làng cờ Việt Nam chờ đợi đã lâu. Trước đó, các kỳ thủ Việt Nam luôn dừng chân ở vòng một. Cuối năm, Liêm vô địch giải mời Spice Cup ở Mỹ và giành cú đúp hai HC vàng tại SEA Games 26.

Phan Thị Hà Thanh cũng là VĐV thành công rực rỡ. Ở giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới hồi tháng 10, cô bất ngờ giành HC đồng và trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên chính thức giành vé dự Olympic 2012 trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ và giới chuyên môn. Thể dục là môn thể thao rất khó và Hà Thanh cần đến 12 năm tập luyện không ngừng mới đạt đến trình độ thế giới. Đến SEA Games 26, Hà Thanh giành 3 HC vàng và là VĐV giàu thành tích nhất Đại hội của đoàn Việt Nam.

Trên đường đua xanh kình ngư trẻ 18 tuổi người Đà Nẵng Hoàng Quý Phước ba lần vượt chuẩn B Olympic, trong đó lần vượt sâu nhất là tại SEA Games 26 với thành tích 53 giây 07. Phước còn lập kỷ lục mới cho bơi lội Việt Nam khi trở thành tay bơi đầu tiên lập cú đúp HC vàng tại một kỳ SEA Games.

3. VPF – cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam

VPF ra đời sau hai tháng rưỡi kể từ ngày bầu Kiên cướp diễn đàn VFF đòi thay đổi cách quản lý bóng đá Việt Nam.

Bức xúc về những tiếng “còi méo” ở V-League, ngày 28/9 ông bầu Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB cướp diễn đàn của VFF, biến Hội nghị Tổng kết mùa bóng thành cuộc vận động thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Công ty này thay VFF quản lý, điều hành V-League, hạng Nhất, Cup quốc gia với tôn chỉ: xây dựng bóng đá Việt Nam sạch, mạnh và chuyên nghiệp. Ý tưởng của ông Kiên nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của 28 CLB mạnh nhất Việt Nam. VFF, sau đó là Tổng cục TDTT và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã chuẩn y đề nghị thành lập công ty.

Ngày 14/12 tại Hà Nội, VPF chính thức ra đời, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Cổ đông VPF đã bầu ông Võ Quốc Thắng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Các Phó chủ tịch là ba ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức.

Đây là bước ngoặt về quản lý bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. VPF được xây dựng theo mô hình giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Các ông bầu khi tiếp quản VPF cam kết sẽ phát triển bóng đá chuyên nghiệp sạch, có chất lượng, có lãi và góp phần nâng cao chất lượng cầu thủ Việt Nam. Ngay khi ra đời, VPF đã đưa những quyết sách như giảm dần ngoại binh, mở rộng cửa đón các cầu thủ gốc Việt, buộc các CLB tập trung xây dựng hệ thống đào tạo trẻ và phải sử dụng nhiều hơn các cầu thủ U21 tại các giải đấu chuyên nghiệp.

4. U23 Việt Nam – nỗi thất vọng lớn nhất năm 2011

U23 Việt Nam sau trận thua Myanmar 1-4.
U23 Việt Nam sau trận thua Myanmar 1-4.

Được kỳ vọng sẽ giải cơn khát vàng môn bóng đá của người hâm mộ Việt Nam, nhưng U23 Việt Nam lại gây thất vọng lớn tại SEA Games 26.

Ở vòng bảng, rơi vào nhóm các đối thủ yếu, U23 Việt Nam lọt vào bán kết nhưng với phong độ không thuyết phục. Cả năm trận đấu vòng bảng U23 Việt Nam đều có những bất ổn, khi thì lối chơi, lúc là vấn đề con người.

Tới vòng bán kết, trước chủ nhà Indonesia với 80.000 khán giả làm hậu thuẫn, U23 Việt Nam chỉ cầm cự được 45 phút đầu tiên trước khi bị loại bởi hai bàn thua đến trong hiệp hai. Thất vọng về U23 Việt Nam lên đến đỉnh điểm ở trận tranh HCĐ với Myanmar. Từng đánh bại đối thủ này tới 5-0 ở VFF Cup nhưng khi gặp lại tại Jakarta, thầy trò Goetz thua đậm với tỷ số 1-4. Chơi không có nét, các cá nhân mất phong độ, tinh thần nhợt nhạt, U23 Việt Nam trắng tay rời SEA Games 26.

Ngoài ra, những tình huống bất thường trong trận thắng Lào 3-1 còn khiến thầy trò Falko Goetz bị nghi ngờ về tính trung thực.

VFF sau đó tiếp tục trọng dụng Falko Goetz bất chấp giới chuyên môn và dư luận đòi sa thải ông này. Goetz cho rằng từ thất bại này ông đã hiểu hơn về bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á. Cũng từ thất bại của U23 Việt Nam, giới chuyên môn đòi hỏi V-League, hạng Nhất và các CLB cần chú trọng tới công tác đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ.

5. Bê bối trong bầu cử chủ tịch FIFA

Cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA năm nay có quá nhiều bê bối.

Cuộc bầu chọn Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ 2011-2015 đã dẫn tới sự chia rẽ nội bộ sâu sắc, những cuộc thanh trừng giữa hai ứng cử viên Sepp Blatter và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohamed bin Hammam.

Gần sát ngày bầu cử, đối thủ duy nhất của Blatter là Mohamed bin Hammam bị cáo buộc hối lộ để mua phiếu bầu bằng tiền mặt, trị giá 40.000 USD cho các đại biểu dự một hội thảo của CONCACAF (Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ & Caribbe). Ủy ban Đạo đức của FIFA điều tra và ra án phạt cấm vị Hoàng thân Qatar này hoạt động suốt đời. Mức phạt nặng nhất cho một cá nhân trong lịch sử 107 năm của FIFA này đồng nghĩa với việc Bin Hammam bị đình chỉ công tác và, đương nhiên, bãi miễn tư cách ứng cử viên đua tranh ghế Chủ tịch FIFA với Blatter.

Nhưng ngay cả Blatter – người chiến thắng tuyệt đối với 186 phiếu ủng hộ trong tổng số 203 phiếu ở cuộc bỏ phiếu hôm 1/6 – cũng không hoàn toàn trong sạch. Jack Warner – phó Chủ tịch FIFA, đồng thời là Chủ tịch CONCACAF và từng là chiến hữu thân cận của Blatter – tố cáo nhà quản lý người Thụy Sĩ từng tặng CONCACAF khoản tiền một triệu USD. Blatter còn bị cáo buộc là biết rõ việc Bin Hamman đưa hối lộ, nhưng khoanh tay không ngăn cản. Tuy nhiên, không có bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm vào Blatter, do Ủy ban Đạo Đức FIFA tuyên bố không có đủ bằng cớ.

Ngoài ra, FIFA còn bị phanh phui tham nhũng trong các cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup.

6. FC Barcelona thống trị bóng đá thế giới

Đoàn quân chiến thắng Barcelona.

Với lối chơi tiqui-taca đạt mức gần như hoàn hảo, đội bóng của Tây Ban Nha đã thống trị những sân chơi danh giá nhất cấp CLB trong năm.

Bất chấp sự đe dọa của Real Madrid với dàn hùng binh cộng và bộ óc siêu việt của HLV Jose Mourinho, Barca bảo vệ thành công chức vô địch La Liga lần thứ ba liên tiếp – với tổng số điểm 96 (trong 114 điểm tối đa). Sau đó, Barca để mất Cúp nhà Vua sau trận thua 0-1 trước Real, nhưng đây là trận chung kết duy nhất mà họ để thua.

Barca nhanh chóng tìm lại được niềm vui bằng chức vô địch Champions League sau khi đánh bại Man Utd 3-1 trên sân Wembley. Họ thắng lại Real trong trận tranh Siêu cúp Tây Ban Nha và vượt qua Porto để giành Siêu cúp châu Âu.

Năm nay khép lại trọn vẹn với Barca khi họ tiếp tục thắng Real Madrid trong trận El Clasico đầu tiên của mùa giải 2012 và đăng quang ngôi vô địch FIFA Club World Cup để trở thành CLB hùng mạnh nhất thế giới.

Barca nhờ đó nâng tổng số danh hiệu giành được trong suốt chiều dài lịch sử lên con số 75 – vượt kỷ lục 73 của Real Madrid. Guardiola cũng trở thành HLV giành nhiều chức vô địch nhất trong lịch sử đội bóng mà ông đã cống hiện từ khi còn là cầu thủ.

7. Mùa giải phi thường của tay vợt Djokovic

Djokovic có cách ăn mừng chiếc cúp vô địch Wimbledon đầu tiên trong sự nghiệp khá độc đáo: nếm vị cỏ trên sân đấu danh giá nhất nước Anh.

Nhiều chuyên gia quần vợt đánh giá mùa giải này của Novak Djokovic ở mức gần như hoàn hảo. Huyền thoại Pete Sampras nói rằng anh chưa bao giờ thấy mùa giải nào thành công hơn những gì Djokovic đã làm được và đánh giá đây là một trong những thành tựu lớn nhất trong làng banh nỉ. Nadal nhận xét rằng Djokovic đã chơi ở trình độ cao nhất trong lịch sử quần vợt.

Khởi đầu năm với vị trí thứ ba, Djokovic thắng liên tục 43 trận, suýt phá kỷ lục chuỗi trận thắng dài nhất thế giới. Chuỗi trận này phải dừng hồi đầu tháng 6 với trận thua Roger Federer ở bán kết giải Pháp mở rộng. Đây cũng là Grand Slam thất bại duy nhất của Djokovic trong năm.

Một trong những ấn tượng đặc biệt nhất về Djokovic là hành trình vượt qua tay vợt số một thế giới Rafael Nadal. Anh thắng trực tiếp Nadal ở chung kết Wimbledon, Mỹ mở rộng và vượt lên giành ngôi số một thế giới.

Kết thúc năm, Djokovic đã thắng 70 trận, thua 6, giành được 10 danh hiệu, trong đó có 3 chức vô địch Grand Slam và kỷ lục 5 chức vô địch ATP World Tour Masters 1000.

Thể thao

Theo Vnexpress