10 sự kiện kinh tế – xã hội 2011

106

Lãnh đạo nhiệm kỳ mới ra mắt với những quyết sách quan trọng, quan điểm nhất quán về chủ quyền, chủ trương tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế là điểm nhấn trong năm 2011, đem lại hy vọng đất nước sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn những năm tới.

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế – xã hội trong năm theo đánh giá của VnExpress.

Bầu nhân sự cấp cao

Đại hội Đảng XI khai mạc đầu tháng 1 tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong nước, quốc tế. Ngoài việc hoạch định chiến lược của đất nước trong 5 năm tới, mục tiêu chính của Đại hội XI là chọn ra những nhà lãnh đạo mới đưa đất nước vượt qua những thách thức kinh tế đang gia tăng. Ông Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi, tiến sĩ chính trị học) được bầu làm Tổng bí thư. Sau nhiều năm Bộ Chính trị mới có gương mặt nữ là bà Tòng Thị Phóng.

Những vị lãnh đạo của Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: AFP.

Nửa năm sau, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, ông Trương Tấn Sang (62 tuổi) được bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Sinh Hùng (65 tuổi) đắc cử Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (62 tuổi) tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhân sự Chính phủ cũng đã được phê chuẩn với 15 trong số 22 bộ trưởng là gương mặt mới, vị trẻ nhất mới 48 tuổi.

Thời gian nhậm chức chưa dài, nhưng lãnh đạo khóa mới đã ghi dấu ấn qua các chuyến công du quan trọng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines; những quyết sách tái cơ cấu kinh tế… Đặc biệt, một số tân bộ trưởng đã có những phát ngôn, hành động gây dấu ấn, thể hiện sự cởi mở hơn của Chính phủ trong thời kỳ mới.

Căng thẳng biển Đông

Liên tiếp các vụ cắt cáp, phá hoại của tàu Trung Quốc đối với tàu thăm dò Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã gây chấn động dư luận trong nước. Ở Hà Nội, TP HCM, hơn 10 cuộc biểu tình phản đối diễn ra, trong khi Bộ Ngoại giao hai nước liên tục có những phát ngôn trái chiều.

Việt Nam và Trung Quốc đã phải cử nhiều phái viên cấp cao trao đổi trước khi đạt được bản thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào tháng 10.

binh minh
Tàu Bình Minh 02 bị một trong 3 tàu hải giám Trung Quốc (ảnh dưới) cắt cáp ngày 26/5 khi đang thăm dò địa chấn trong thềm lục địa Việt Nam.

Căng thẳng trên biển Đông đã khiến khu vực có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới trở thành một điểm nóng. Các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn Độ đều bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên tôn trọng tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Tất cả hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế đều đưa biển Đông vào chương trình nghị sự. Hàng trăm học giả khắp thế giới cũng đã tham gia một loạt các hội thảo quốc tế về biển Đông được tổ chức ở nhiều nước Đông Nam Á.

Lạm phát vượt 18%, gấp đôi mục tiêu

Mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 7% mà Quốc hội thông qua cho cả năm sớm bị phá vỡ khi 3 tháng đầu năm giá cả đã tăng gần 6,5%. Bên cạnh những yếu tố mùa vụ, tác nhân bên ngoài (lạm phát lương thực), nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là hệ quả trực tiếp của những lần tăng giá xăng và điện liên tiếp.

Diễn biến lạm phát 11 tháng đầu năm 2011. Nguồn: GSO.

Lường trước những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra, Chính phủ khẳng định quyết tâm qua Nghị quyết 11 với quan điểm chung là thắt chặt tài khóa và tiền tệ. 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết sau đó đã được gấp rút triển khai trên phạm vi cả nước. Do tác động tâm lý và điều chỉnh lương cơ bản vào giữa năm, lạm phát không giảm nhanh như dự kiến, vì thế Chính phủ phải điều chỉnh mục tiêu này 3 lần trong năm.

Những tháng cuối năm, các biện pháp kiểm soát giá bắt đầu có tác dụng, từ tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng dưới 1%. Tuy nhiên đến cuối năm CPI vẫn tăng 18,13%, gấp gần 2,6 lần mục tiêu đề ra đầu năm và bỏ xa mục tiêu đã được điều chỉnh lần cuối (17%). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm tới Chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát chỉ số giá ở 9%.

Tín dụng đen vỡ nợ dây chuyền

Hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen đã xảy ra trong những tháng cuối năm tại nhiều tỉnh, thành Hà Nội, TP HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An… Hầu hết các con nợ đều phá sản do thua lỗ đầu tư chứng khoán, vàng và nhà đất, rồi bỏ trốn với số tiền nợ hàng nghìn tỷ đồng cả gốc lẫn lãi khủng tính theo ngày. Thậm chí có người phải xin ở tù nhằm bảo toàn tính mạng, tránh bị chủ nợ thuê xã hội đen truy sát.

Hoạt động huy động, cho vay trên thị trường dân cư phát triển thành tín dụng đen, một phần thể hiện bất ổn hệ thống tài chính. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.

Trước khi rơi vào cảnh khuynh gia bại sản, các con nợ đều có vỏ bọc bên ngoài là những doanh nhân thành đạt, ở biệt thự lớn, đi ôtô đắt tiền, quan hệ rộng, huy động hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay và hứa trả lãi cao gấp hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng.

Vỡ nợ tín dụng đen diễn ra dây chuyền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước thể hiện sự bất ổn của hệ thống tài chính, khi nhiều người dân không đặt niềm tin vào việc gửi tiền hoặc không thể vay vốn từ ngân hàng mà tìm đến các kênh khác. Bên cạnh đó, đổ bể tín dụng đen liên hoàn cũng là lời cảnh báo đối với hệ thống ngân hàng – nơi có cả trăm nghìn tỷ đồng dư nợ đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và đang phải tìm mọi cách thu hồi vốn vay.

Giá vàng lập kỷ lục 49 triệu đồng mỗi lượng

Sốt giá vàng lên đến đỉnh điểm vào những ngày cuối tháng 8, giá lập kỷ lục 49 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến quốc tế là một nguyên nhân của đợt tăng giá này, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, việc Mỹ lần đầu tiên bị tụt hạng tín nhiệm.

Nhưng để thị trường nhảy giá từng giờ và biến động với biên độ lên tới hàng triệu đồng một lượng, có “công” không nhỏ của giới đầu cơ. Giá vàng SJC, thương hiệu chiếm hơn 90% thị phần, có lúc đắt hơn thế giới gần 5 triệu đồng một lượng. Diễn biến khó lường của giá thế giới và sự thao túng của giới đầu cơ có lúc đã làm giảm hiệu lực của các chính sách giải cứu thị trường, dẫn tới cảnh nhiều người hăm hở mua vàng bình ổn giá 49 triệu đồng rồi phải bán giá 45 triệu ít ngày sau đó.

Ảnh : china-mike.com
Vàng lập kỷ lục 49 triệu đồng. Ảnh: China-mike.com.

Bất chấp những biện pháp mạnh tay, thị trường vàng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp. Chênh lệch giá vàng chỉ co hẹp về 300.000 đồng trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó lại dãn rộng và lên 3 triệu đồng vào những ngày cuối tháng 12.

Bên cạnh các giải pháp mang tính ngắn hạn như cấp quota nhập khẩu, bán vàng bình ổn giá, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất hàng loạt chính sách mới nhằm sớm thiết lập lại kỷ cương trên thị trường vàng, trong đó có dự kiến chuyển SJC thành thương hiệu vàng quốc gia, tiến tới cấm các doanh nghiệp khác ngoài SJC sản xuất vàng miếng.

Giải cứu hơn 10.000 lao động Việt Nam ở Libya

Cuối tháng 2, hơn 10.000 lao động Việt Nam bất ngờ bị cuốn vào cơn lốc chính trị ở Libya. Bạo động nổ ra khắp nơi, tính mạng của hàng nghìn công nhân trong vòng nguy hiểm.

Chính phủ lập tức thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi. 5 đoàn công tác cấp tốc lên đường tới 5 quốc gia lân cận Libya. Việt Nam đã làm mọi cách, từ điều máy bay Vietnam Airlines, thuê xe, tàu, tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, công ty sử dụng lao động để đưa công dân về nước.

Niềm vui của người lao động từ Libya khi trở về quê hương. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Ngày 26/2, chuyến bay đầu tiên đưa nhóm lao động từ Libya về nước an toàn. Hai tuần sau đó, toàn bộ lao động Việt Nam đã về nước hoặc ra khỏi biên giới của đất nước đã bước vào cuộc nội chiến. Hàng nghìn gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc sau nhiều ngày thấp thỏm ngóng tin người thân đang ở vùng chiến sự.

Đây là chiến dịch giải cứu lao động quy mô lớn thứ hai từ trước đến nay, sau lần sơ tán 18.000 người làm việc tại Iraq do chiến tranh vùng Vịnh. Tổ chức di dân quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tích cực tổ chức đưa công dân về nước an toàn và hiệu quả.

Bán tháo dự án bất động sản

Bất ngờ tuyên bố đại hạ giá 85 căn hộ từ 21,36 triệu đồng mỗi m2 xuống 15,5 triệu đồng mỗi m2, công khai số lỗ dự kiến lên tới 70 tỷ đồng, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) gây xôn xao dư luận với vụ bán tháo dự án. Quyết định đại hạ giá được đăng công khai trên website của PVL với chi tiết số tiền nợ ngân hàng cùng khoản lỗ mà doanh nghiệp phải gánh chịu là hành động chưa từng xảy ra trên thị trường.

PVL tổ chức bốc thăm đấu giá căn hộ. Ảnh: Hoàng Lan.

Thực tế, làn sóng bán tháo dự án địa ốc đã được dự báo từ trước khi tín dụng bất động sản bị ngân hàng siết chặt. Nhiều chủ đầu tư đói vốn, không thể tiếp tục triển khai dự án đã phải giảm giá căn hộ rất mạnh từ trước đó nhưng không công khai. Sau khi PVL thu được mối quan tâm khá lớn của nhà đầu tư nhờ công khai việc bán lỗ dự án, nhiều chủ đầu tư khác cũng tuyên bố đại hạ giá. Làn sóng bán tháo địa ốc để giải quyết khó khăn về vốn đã hình thành và lan rộng.

Vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nới tín dụng với một số chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp và những dự án địa ốc có khả năng bán, thu hồi trong năm 2012. Tuy nhiên, chính sách này cũng không giúp thị trường bất động sản có tín hiệu vui, bởi cửa mở cho tín dụng địa ốc vẫn rất hẹp.

Cổ phiếu giá dưới 1.000 đồng

VKP (mã chứng khoán của Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa) là cổ phiếu đầu tiên có giá dưới 1.000 đồng trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Chốt phiên giao dịch 22/11, cổ phiếu này chỉ còn 700 đồng – rẻ hơn nửa ly trà đá vỉa hè. Một cổ phiếu khác trên thị trường là DVD (Công ty Dược Viễn Đông) đã bị hủy niêm yết khi giá còn 3.500 đồng.

Bức tranh chứng khoán ảm đạm trong năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà

Kinh tế khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, khủng hoảng nợ công châu Âu… đã giáng đòn mạnh vào các công ty niêm yết, cũng như toàn thị trường chứng khoán. Trong đó, sự kiện các cổ phiếu mất giá hàng loạt, hơn một nửa xuống dưới mệnh giá, thậm chí dưới 1.000 đồng như VKP là điểm tối nhất trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay.

Thị trường càng thêm khủng hoảng khi nhiều công ty chứng khoán rơi vào cảnh mất thanh khoản, không đủ tiền trả cho nhà đầu tư. Vụ vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng của nữ đại gia Huỳnh Thị Huyền Như (thành viên Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông) cũng là hồi chuông cảnh báo với giới đầu tư.

Những ngày cuối năm, HNX-Index vẫn tiếp tục tìm đáy mới, VN-Index cũng chỉ cách kỷ lục cũ của năm 2009 không bao xa. Bức tranh chứng khoán Việt Nam được coi là tối nhất trong lịch sử 11 năm tồn tại.

3 ngân hàng đầu tiên phải tái cơ cấu

Sáng 6/12, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bất ngờ công bố chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng, khởi nguồn cho chương trình tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng đã được khởi động từ tháng 10. Sài Gòn, Tín Nghĩa và Đệ Nhất phải tìm đến với nhau do mất thanh khoản tạm thời sau khi sử dụng quá nhiều vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Các bước xử lý 3 nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, vì vậy mà không có sự xáo trộn đáng kể nào sau khi tin hợp nhất loang đi.

Lần đầu tiên trong lịch sử, 3 ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa hợp nhất.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong ba mũi nhọn của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế – chủ trương lớn được Đảng đề ra sau đại hội vừa qua. Đây cũng là dịp để các ngân hàng rà soát lại chính mình, tự đổi mới và nâng cao tiềm lực tài chính, năng lực quản trị để thích ứng với giai đoạn phát triển mới của kinh tế đất nước – phát triển theo chiều sâu một cách bền vững, chất lượng.

Theo lộ trình được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, đến năm 2012 sẽ xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém; năm 2013, sáp nhập tự nguyện để tăng quy mô; và từ 2014 đến 2015, xây dựng được ít nhất 1-2 ngân hàng có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, có tổng tài sản mỗi tổ chức khoảng 50 tỷ đôla.

Khánh thành hầm hiện đại nhất Đông Nam Á

Sau hơn 6 năm thi công, ngày 20/11/2011 hầm Thủ Thiêm đã được khánh thành, toàn tuyến đại lộ Đông Tây nối phía Đông và Tây của TP HCM cũng được thông xe.

Là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á và là hầm dìm vượt sông đầu tiên tại Việt Nam. Hầm nằm sâu dưới đáy sông, cách mặt nước 17 m, đoạn sâu nhất là 27 m đã mở ra triển vọng xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa quận 1 và quận 2 vốn tồn tại từ bao đời.

Hầm Thủ Thiêm được thông xe ngày 20/11/2011, sẽ góp phần thúc đẩy quận 2 phát triển thành một trung tâm tài chính, thương mại của TP HCM trong tương lai. Ảnh: H.C.

Việc đưa vào sử dụng hầm Thủ Thiêm còn tạo sự kết nối thông suốt của toàn tuyến đại lộ Đông – Tây dài gần 22 km đi qua 8 quận, huyện; góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông cho thành phố 10 triệu dân này. Đây còn là con đường ngắn nhất nối kết giữa thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố thành một trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế trong tương lai.

VnExpress