Đất mẹ bao dung

117

Một số người chống đối, từng “bên kia chiến tuyến”, sau giải phóng thì ra nước ngoài, từ đó giữ cách nhìn thù hận về đất nước, quê hương. Khi được vận động trở về, họ cho rằng, không có khái niệm hòa hợp, một đi là không thể quay về. Quan niệm đó đang chứng tỏ sự bảo thủ, định kiến trước sự đổi mới, mở cửa của đất nước cũng như truyền thống bao dung, chung lòng đất mẹ, ân nghĩa một nhà…

 

Luật sư Hoàng Duy Hùng, người từng đắc cử Nghị viên Hội đồng thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử ngày 12-12-2009, người có quá khứ chống đối quyết liệt, cho rằng “không trở về” thì nay đã là con người có cách nhìn khác.

Ông nói: “Tôi chống Đảng, Nhà nước từ năm 1984 và trở thành một đảng viên trung ương của đảng Đại Việt vào năm 1986. Khi được tổ chức cử về nước, lúc đó quê hương còn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị bao vây, cấm vận từ nhiều phía”.

Sau khi bị bắt giữ, xử lý, rồi được trả tự do vào năm 1993 thì đất nước ta vẫn còn nghèo, Hoàng Duy Hùng mang tư tưởng chống đối và tiếp tục có các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dần dần nhận thức trong ông đã thay đổi.

“Tôi yêu đất nước này. Chính bởi lòng yêu nước giúp tôi hiểu rằng mình là con của mẹ Việt Nam. Mẹ tôi có thể có lúc nghèo khổ, áo rách nhưng đó là mẹ tôi. Mẹ tôi có những lúc mặc áo sang trọng cũng là mẹ tôi. Mẹ tôi càng nghèo khổ thì tôi càng thương hơn và phải có trách nhiệm là làm cho mẹ tôi được hạnh phúc, đó là bổn phận và trách nhiệm. Tôi quan niệm, nếu đất nước gặp khó khăn thì phàm là đàn ông phải “làm trai cho đáng lên trai” phải có trách nhiệm với mẹ mình” – luật sư Hoàng Duy Hùng chia sẻ.

Ông kể, rời quê hương khi còn rất nhỏ, ông luôn ao ước được ăn một cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Ngày 20/1/2022, ông đáp chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam và cảm xúc lần này khác nhiều so với những lần trước bởi đây là lần đầu tiên, ông được trở về đón một cái Tết đúng nghĩa truyền thống tại quê hương, xứ sở. Sau những ngày ở trong khu cách ly, ông Hùng tham dự chương trình Xuân Quê hương. “Giờ phút được đứng tại Nhà hát Lớn, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay, tôi có một cảm xúc đặc biệt mà chỉ những người con xa quê mới có thể hiểu được” – luật sư bày tỏ.

Kiều bào về thăm Trường Sa.

Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, thống nhất đất nước, câu hỏi về sự hòa hợp dân tộc giữa đất nước, nhân dân Việt Nam với những người Việt di cư sang Mỹ vẫn là vấn đề lớn. Suy ngẫm sâu xa truyền thống nhân văn của dân tộc “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, sự bao dung, độ lượng của đồng bào dòng máu Lạc Hồng cùng với xu thế hòa bình, hợp tác toàn cầu, việc gác lại hận thù, cùng đoàn kết hướng về nguồn cội là yêu cầu, đòi hỏi khách quan.

Hòa hợp dân tộc ở Việt Nam là một khái niệm để chỉ sự hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945 đến ngày nay, trong đó vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc được nhắc đến nhiều sau Hiệp định Paris và sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 từng kể, khi ông sang dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại Đại học Brown (Mỹ), ban tổ chức có bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng một ngàn sinh viên. Một sinh viên đã hỏi: “Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?”.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh trả lời, việc có hàng triệu người rời Việt Nam sang Mỹ sau năm 1975 là sự thật lịch sử. Điều này có nhiều nguyên do. Thứ nhất là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền “nếu Việt Cộng giải phóng sẽ có “tắm máu””. Việc tuyên truyền như vậy khiến nhiều người lo lắng nên sau 30-4-1975 họ tìm cách ra đi càng nhanh càng tốt. Những người ra đi gồm người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, những người thấy ở lại làm ăn không thuận lợi, một số người giàu có và số khác không thuộc các thành phần trên cũng đi vì sợ “tắm máu”. Một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên cũng kiếm đường ra đi… “Nhưng, dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi đều coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi” – Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh giải thích.

Việc nhiều người Việt Nam di cư sang Mỹ sau 30-4-1975 nằm trong bối cảnh lịch sử chịu nhiều tác động chi phối lúc bấy giờ nên không thể lấy việc di cư như vậy để phán xét, quy chụp qua lăng kính màu xám. Trong lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới, việc một bộ phận người dân di tản sang nước khác sau khi kết thúc chiến tranh cũng là chuyện bình thường, bởi bối cảnh hậu chiến đặt ra những vấn đề có tính quy luật khiến sự di tản khó tránh khỏi.

Sau gần nửa thế kỷ, sự di cư của người Việt sang Mỹ đã là một vấn đề lịch sử và cũng không phải là lúc ngồi soát xét lại tại sao có chuyện như vậy để đổ lỗi nguyên nhân, trách nhiệm của bên nào. Lịch sử không xoay vòng để những người di cư tìm lại câu hỏi nên đi hay ở của bối cảnh quá khứ với hiện tại. Điều quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là làm thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện thiết thực để người Việt dù ở bất cứ đâu, bất cứ thành phần, địa vị nào cũng đều hướng về Tổ quốc, đoàn kết vì tương lai đất nước.

Điểm cốt yếu trong hòa hợp dân tộc chính là quan điểm của “người mẹ”. Con cái có thể ruồng bỏ cha mẹ mà đi nhưng trong trái tim người mẹ đọng lại là sự bao dung, độ lượng, sẵn sàng dung thứ khi người bỏ đi nhận ra lẽ phải. Tháng 6-2007, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ kiều bào tại quận Cam – một địa chỉ hội tụ đông đảo người Việt di cư sau 30-4-1975.

“Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi nhưng “Quốc văn giáo khoa thư” nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất… Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường… Nếu ai đó còn có ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ấy rằng Mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất quốc gia trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta. Tôi cũng đề nghị với những người có những cử chỉ bất đồng, chúng ta hãy cho họ hiểu rằng những thông tin đưa đến cho họ chưa đầy đủ. Họ chưa có điều kiện trực tiếp quay về quê hương đất nước, trực tiếp chứng kiến những đổi thay nhanh chóng, những tiến bộ đang diễn ra trên đất nước chúng ta” – Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước phân tích: “Trong một gia đình 5-7 người đôi khi còn có những bất hòa. Trong một đất nước rộng lớn với hơn 80 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt, tôi nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải làm sao để thông cảm lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau và từng bước đạt được tiếng nói chung, vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh”. Khi đó, khoảng một ngàn kiều bào đại diện cho cộng đồng người Việt tại quận Cam và nhiều tiểu bang khác của Mỹ đã đồng loạt đứng lên vỗ tay xúc động khi nghe những lời chia sẻ từ Chủ tịch nước Việt Nam.

Tổ quốc dang rộng vòng tay với cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới không chỉ là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mà đã trở thành hành động chính trị của đất nước. Một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài).

Dù đã có những chuyển biến trong nhận thức, hành động thì một sự thật là cho đến nay, sau gần 5 thập kỷ chấm dứt chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn còn đó những điều chưa được khỏa lấp. Trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, vẫn còn đó những người chống đối sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước Việt Nam, thậm chí chống đối quyết liệt suốt gần nửa thế kỷ qua. Không thay đổi nhận thức với chính mình, họ lại truyền bá tư tưởng này cho con cái, định hình một cách nhìn lệch lạc, thù hận về nơi vốn là gốc gác, tổ tiên của mình, dòng họ mình.

Hơn lúc nào hết, những người con ở xa đất mẹ cần nhìn nhận rõ truyền thống và xu hướng thời đại, vượt lên ranh giới để đoàn kết, hướng về nguồn cội. Tất cả cần bằng sự chân thành, hòa hợp chứ không phải là đưa ra các điều kiện để đong đếm “thương lượng”, hay sự mặc cả thương mại, hay ý đồ không trong sáng.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/dat-me-bao-dung-i651611/