Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, quyền tự chủ trong giáo dục đại học lâu nay do Bộ GD&ĐT nắm giữ, chỉ “nhả ra từ từ”, trong khi đây là vấn đề “cốt lõi” để tổ chức lại giáo dục đại học.
Chiều 9/1, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cùng nhiều chuyên gia đã thảo luận trực tuyến với các đầu cầu khắp cả nước về dự luật Giáo dục đại học. Trong số 7 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH được nhiều đại biểu quan tâm và sôi nổi góp ý.
Theo GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được nói tới nhiều, thậm chí Chính phủ đã có văn bản và tổ chức thực hiện ở mức đô nhất định. Không chỉ tán thành việc giao quyền cho các trường, theo nữ giáo sư, cần nhìn nhận quyền này dưới góc độ cơ chế quản trị các trường học. “Nếu là cơ chế quản lý thì trường nào cũng phải có, cũng phải thực hiện. Nên đặt vấn đề như thế để xử lý rõ rệt”, giáo sư Đan nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội chăm chú lắng nghe ý kiến của giáo sư Tâm Đan. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo bà, xác định được như vậy thì đi liền đó đó là hội đồng quản trị nhà trường, trong đó có hội đồng trường và hiệu trưởng. Hiệu trưởng không được kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng và chỉ là người thực thi các giải pháp do hội đồng vạch ra.
Đánh giá cao tầm quan trọng của “dự luật quyết định tương lai đất nước”, giáo sư Đặng Hữu (nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ) cho rằng, không có quyền tự chủ, giáo dục đại học không phát triển được. “Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học”, giáo sư Hữu nói.
Trong khi đó, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, nhiều vấn liên quan tới tự chủ trong dự luật chưa được làm rõ. Dự luật có nhiều điều khoản phải do Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục quyết định và vô hình trung thành dự luật khung. “Tôi cho rằng cần nghiên cứu để có những điều khoản chuyên sâu hơn, đúng với tinh thần của một luật chuyên ngành”, bà Bé nêu ý kiến.
Từ đầu cầu TP HCM, đại biểu Trần Du Lịch cũng tán thành quan điểm của GS Tâm Đan và GS Đặng Hữu. Góp ý cụ thể cho dự luật, đại biểu Lịch cho rằng, khi đề nghị quyền, giao quyền tự chủ thì không thể cho tự chủ cá nhân mà phải là tự chủ pháp nhân – điều mà dự luật Giáo dục đại học chưa quy định.
Giáo sư Đặng Hữu (phải): “Tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học. Không tự chủ không phát triển được”. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông, lâu nay quyền tự chủ trong giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT nắm giữ, chỉ “nhả ra từ từ”, trong khi đây là vấn đề “cốt lõi” để tổ chức lại giáo dục đại học. Trong khi chưa giao quyền, nhiều việc đáng ra Bộ Giáo dục làm được mà không làm ví dụ như tuyển sinh đại học. Rồi ông ví von việc tuyển sinh như “xe đò rước khách”, xe đầu – nguyện vọng 1- rước nhiều khách không xuể, phải thêm ghế phụ nhưng đến xe thứ 3 thì không còn khách để rước.
“Vài năm nay, trường đại học, các ngành học mở ra nhiều tới mức không còn khách để rước thì làm sao có chất lượng”, ông Lịch nêu thực tế giai đoạn 2006-2009 khi mà trung bình cứ 2 tuần lại có một trường đại học thành lập mới hoặc nâng cấp từ cao đẳng.
Cũng chính sự ra đời ồ ạt như vậy dẫn đến hệ lụy thiếu giảng viên trầm trọng và thực tế là có tới một nửa số người giảng dạy đại học mới dừng ở trình độ đại học, chỉ 10% có trình độ tiến sĩ. Đại biểu Lịch cho rằng, thực tế này chỉ có thể chấp nhận được trong thời kỳ chiến tranh chứ không nên tồn tại khi đất nước hòa bình, phát triển.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu khách quan, tất yếu. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật và được quy định bằng nhiều quy phạm pháp luật cụ thể tại nhiều điều của dự thảo luật.
Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến về mức độ, đối tượng và lộ trình cụ thể của việc thực hiện; tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền tự chủ…
Cũng tại hội nghị trực tuyến, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quản lý nhà nước về bậc giáo dục này. Nhiều ý kiến nghiêng về phương án thống nhất cơ quan quản lý duy nhất là Bộ GD&ĐT, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Các ý kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng dự án luật Giáo dục đại học chưa rõ ràng trong việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng và đề nghị dừng dự án luật này bởi chưa cần thiết phải ban hành.
Nguyễn Hưng
Theo Vnexpres