Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa

147

“Chúng tôi nguyện là người kế tiếp bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi”, Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong 6 vị tăng sư vừa được chấp thuận thỉnh nguyện trụ trì một số chùa ở Trường Sa chia sẻ.

Chùa ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Mỹ Giang

Đại đức Thích Thánh Thành (34 tuổi) sẽ cùng Thượng tọa Thích Tâm Hiện (hiện tu tại chùa Tân Long, Diên Khánh, Khánh Hòa) tiếp quản chùa ở đảo Song Tử Tây. Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Vạn Đức và chùa Phước Trí (Vĩnh Phương, TP Nha Trang) cùng Đại đức Thích Ngộ Thành sẽ có mặt tại ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn.

 

Còn chùa ở đảo Sinh Tồn sẽ do Đại đức Thích Đạo Biện, trụ trì chùa Long Thọ và Đại đức Thích Đức Hỷ trụ trì chùa Hưng Long (thị xã Ninh Hòa) tiếp quản. Trước đó, thỉnh nguyện của các nhà sư cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận.

Đại đức Thành tâm sự, ông sinh ra ở Huế trong gia đình phật tử nhiều đời, năm 14 tuổi đã bước chân vào cửa Phật. Không chỉ tốt nghiệp khoa Anh ngữ của trường đại học Ngoại ngữ tin học TP HCM, ông còn sang Ấn Độ học cao học tâm lý. Trong đợt phát động phong trào tăng sĩ tự nguyện đi tu hành ở vùng sâu, vùng xa của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, đã có 12 tăng sĩ tình nguyện, và 6 người được tỉnh Khánh Hòa chấp thuận, trong đó có ông.

Thầy Thành bảo, hình ảnh quân dân đang sống, làm việc cũng như đã hy sinh cho Trường Sa luôn khiến ông xúc động. Trường Sa cũng là nơi có môi trường yên tĩnh rất thích hợp với người tu hành.

“Đó là nơi hứng chịu nhiều thiên tai gió bão, con người thiếu thốn trăm bề. Đi Trường Sa là một cơ hội để tu tập và giúp đỡ quân dân trên đảo về đời sống tinh thần”, thầy Thành tâm sự.

Đại đức Thích Thánh Thành: “Đi Trường Sa là cơ hội để tu tập và giúp đỡ quân dân trên đảo về đời sống tinh thần”.

Còn với Đại đức Thích Giác Nghĩa, ông có rất nhiều ấn tượng đẹp về vùng đất này sau 3 chuyến ra Trường Sa cầu siêu cho những chiến sỹ và người dân Việt Nam tử nạn trong quá trình khai phá và bảo vệ quần đảo. Vì thế, dù đã hơn 30 năm xuất gia và đang trụ trì 2 ngôi chùa ở Nha Trang nhưng ông vẫn nôn nóng đến Trường Sa.

Theo ông, đó là nơi ông có thể tĩnh tu tạo thêm nội lực cho mình và để được cống hiến, xây dựng, bảo vệ lãnh thổ cùng quân dân trên đảo. Chuyến đi dự kiến kéo dài 6 tháng nhưng ông và học trò của mình là Đại đức Thích Ngộ Thành mong muốn được ở lại mảnh đất này lâu hơn.

“Chúng tôi nguyện là người kế tiếp bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi. Sau này khi về thì tôi và học trò vẫn sẽ thường xuyên ra để đóng góp sức mình cho Trường Sa”, ông nói.

Tương tự những người đồng môn, đồng chí, các tăng sĩ khác đều thể hiện tâm nguyện được đi Trường Sa để: “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, thế giới bớt chiến tranh và lãnh thổ đất nước được bảo vệ vẹn toàn”.

Quần đảo Trường Sa hiện có những ngôi chùa như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn hay Song Tử Tây. Chùa được làm bằng gỗ quý, với những pho tượng nặng cả tấn. Chính điện của cả 3 ngôi chùa đều được đặt theo hướng về thủ đô Hà Nội. Với những người sống trên quần đảo, những ngôi chùa ở đây không chỉ là đơn thuần là chỗ dựa về mặt tinh thần mà còn khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc.

Mỹ Giang

Theo Vnexpress