Vinasat-2 sẵn sàng lên quỹ đạo vào sáng mai

165

Đúng 5h13 ngày 16/5 theo giờ Hà Nội, Vệ tinh Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo từ bãi phóng Kourou ở Guyana (Nam Mỹ), để có thể đi vào khai thác kinh doanh từ tháng 7.

Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị được giao làm chủ đầu tư Vinasat-2, đến chiều ngày 14/5, các công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất. Tổ hợp tên lửa Ariane-5, vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản, cùng các thiết bị giá đỡ đã qua các bước đo kiểm cần thiết.

Tổ hợp trên đã được đưa tới bãi phóng Kourou ở Guyana (Nam Mỹ), sẵn sàng cho việc được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông vào rạng sáng ngày 16/5 (theo giờ Hà Nội). Công tác đo thử, nạp nhiên liệu cho vệ tinh cũng như tích hợp vào tên lửa phóng đã được tiến hành từ ngày 8/5.

Tổ hợp tên lửa Ariane-5 với vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam đã sẵn sàng phóng lên quỹ đạo vào ngày 16/5.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc của VNPT, cho hay số vốn đầu tư cho Vinasat-2 là 260-280 triệu USD, đã được giải ngân gần hết theo tiến độ dự án. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, 80% còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại. Do vậy, VNPT sẽ phải khai thác kinh doanh hiệu quả để trả nợ, thời gian thu hồi vốn dự kiến là 10 năm.

“Theo thiết kế, Vinasat-1 và Vinasat -2 có tuổi thọ là 15 năm. Sau 10 năm thu hồi vốn, vệ tinh sẽ mang lại lợi nhuận”, ông Phan Hoàng Đức nói. Dự kiến, vệ tinh này sẽ được VNPT bắt đầu khai thác kinh doanh từ nửa đầu tháng 7 tới đây.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo lợi nhuận từ việc kinh doanh Vinasat-1, mục tiêu trên của VNPT có thể khó đạt được.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của Vinasat-1 là 200 triệu USD, sau 4 năm khai thác, 90% dung lượng của vệ tinh đã đi vào sử dụng. Tuy nhiên, ông Hồ Công Lâm, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), đơn vị đang quản lý và khai thác Vinasat-1 cho biết, ước tính tổng doanh thu năm 2012 của vệ tinh này là 300 tỷ đồng (gần 15 triệu USD, đã cao hơn những năm trước đó do dung lượng đi vào khai thác nhiều lên). VNPT đối mặt với nguy cơ không thể hoàn vốn sau 10 năm khai thác vệ tinh thứ nhất này.

Vinasat-2 tuy có số lượng bộ phát đáp khá lớn nhưng vốn ban đầu gần gấp rưỡi Vinasat-1 và phải trả lãi vay các khoản vay thương mại. Do vậy, không ít người cho rằng, 10 năm thu hồi vốn với vệ tinh thứ 2 của Việt Nam là thử thách đối với VNPT.

“VNPT sẽ cố gắng thu hồi vốn trong 10 năm. Thêm đó, Vinasat là hạ tầng thông tin của quốc gia nên không đơn thuần là mục tiêu kinh doanh”, Phó tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức lý giải.

Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam – Vinasat-1 đã được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 19/4/2008 cũng bằng tên lửa Ariane 5 và tại bãi phóng Kouru (Guyana – Nam Mỹ). Sau một năm đi vào khai thác, 70% dung lượng của Vinasat-1 được sử dụng. Đến nay, con số này là 90%, do 100% kỹ sư của VTI đảm nhiệm. Các chuyên gia của Lockheed Martin (Mỹ) hỗ trợ vận hành ban đầu, hiện đã về nước. Theo kế hoạch, sau 3-4 năm tới, Việt Nam có thể tính tới việc phóng vệ tinh Vinasat-3.

Quá trình triển khai dự án Vinasat-2

– Ngày 19/10/2009, VNPT trình Thủ tướng đề án Vinasat-2.

– Ngày 31/12/2009, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án Vinasat-2, giao cho VNPT làm chủ đầu tư.

– Ngày 24/5/2010, VNPT ký với Lockheed Martin (Mỹ) gói thầu tư vấn giám sát sản xuất, cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh.

– Ngày 16/03/2012, VNPT triển khai dịch vụ bảo hiểm cho vệ tinh với trị giá 4.700 tỷ đồng.

– Tháng 4/2012: Hoàn thành hạng mục trạm điều khiển tại Quế Dương, Bình Dương và quá trình sản xuất, đo kiểm vệ tinh tại nhà máy.

– Ngày 11/04/2012, Vinasat-2 đã được vận chuyển đến bãi phóng Kourou.

– 8/5/2012, công tác đo thử vệ tinh tại bãi phóng đã hoàn thành, tiến hành nạp nhiên liệu cho vệ tinh cũng như tích hợp vào tên lửa phóng.

– 5h13 sáng ngày 16/5/2012 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh thứ 2 của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo.

>> 10 năm mới thu hồi được vốn đầu tư cho Vinasat-2

Xuân Ngọc

Theo Vnexpress