Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

80

 Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ ràng việc đổi mới từng chức năng, từng loại công việc cụ thể của Quốc hội. Đó là: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”(1).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

 

Đặc điểm tổ chức bộ máy của Quốc hội

Tổ chức bộ máy của Quốc hội có cấu trúc gọn nhẹ, dễ vận hành (vận hành linh hoạt) và có đủ sức mạnh thì mới bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quốc hội thuộc nhánh quyền lực lập pháp có tổ chức bộ máy khác xa với hai nhánh quyền lực khác là hành pháp và tư pháp. Trong khi nhánh quyền lực hành pháp có cơ cấu tổ chức mang tính chất “chuyên môn hóa cao”, ngoài Chính phủ, còn có nhiều cơ quan khác (bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ) có tính độc lập tương đối (có trụ sở riêng, nghị định hoạt động riêng…) theo từng lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực và có hệ thống theo chiều dọc từ Trung ương xuống tới địa phương; thì lập pháp chỉ có một cơ quan duy nhất, đó là Quốc hội, không có hệ thống dọc, nhưng phạm vi hoạt động là toàn bộ hoạt động của một xã hội.

Do phạm vi hoạt động của Quốc hội là toàn bộ hoạt động của một xã hội nên trong cấu trúc tổ chức bộ máy của Quốc hội được tổ chức theo dạng “cơ quan trong cơ quan”, nghĩa là có nhiều cơ quan trong một cơ quan – Quốc hội. Các cơ quan trong Quốc hội dù nhân lực ít (trên dưới 40 người) nhưng vị trí tương đương như các bộ, cơ quan ngang bộ bên hành pháp. Các cơ quan này được phân công hoạt động ở những lĩnh vực nhất định. Nhân sự (cán bộ, công chức, người lao động) thuộc các bộ, ngành bên hành pháp thường ổn định, lâu dài như một dòng chảy của thời gian, trừ người đứng đầu có thể thay đổi theo nhiệm kỳ; thì nhân sự của Quốc hội (đại biểu Quốc hội) cứ 5 năm thay đổi một lần, kể cả người đứng đầu. Trong đó có người làm việc với toàn bộ thời gian cho Quốc hội, nhưng cũng có người chỉ làm việc khoảng một phần ba thời gian (2/3 thời gian còn lại có thể làm việc ở cơ quan hành pháp, tư pháp hoặc ở các cơ quan chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, ở doanh nghiệp, hợp tác xã…).

Từ các đặc điểm trên, bộ máy làm việc của Quốc hội cũng cứ 5 năm được tổ chức lại một lần và làm việc theo cơ chế mà Luật Tổ chức Quốc hội quy định, đó là: “Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (Khoản 1, Điều 3 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020). Quốc hội khóa XV đã được tổ chức và kiện toàn, đủ khả năng, năng lực để kế thừa, phát huy và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng chất lượng hoạt động của Quốc hội lên một tầm cao mới.

Thực trạng và phương hướng đổi mới tổ chức bộ máy của Quốc hội

Có thể nói, Quốc hội là cơ quan tiên phong trong việc tổ chức bộ máy tinh gọn theo phương châm: Bộ máy giản lược, nhân lực tối thiểu, hiệu quả công việc tối đa. Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, thì Quốc hội có một số chức danh: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT); Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Trong bộ máy nhà nước, các chức danh này được khẳng định và có thang lương và mức lương khác nhau. Vị thế của Ủy viên UBTVQH cao hơn Chủ tịch HĐDT và Chủ nhiệm các Ủy ban. Tuy nhiên từ Quốc hội khóa IX đến nay, các thành viên UBTVQH kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Từ khóa XI đến nay, Ủy viên UBTVQH kiêm luôn Trưởng Ban Công tác đại biểu và Trưởng Ban Dân nguyện. Như hiện nay là đã giảm bớt được 11 nhân sự cấp cao (tương đương bộ trưởng), tính ra lương, phụ cấp và các chế độ khác hằng năm đã tiết kiệm được rất lớn.

Trên thế giới có 3 mô hình tổ chức số lượng các cơ quan của Quốc hội (nghị viện). Khá nhiều nghị viện các nước có số ủy ban thường trực tương đương với số bộ của chính phủ; một số nghị viện có số ủy ban thường trực nhiều hơn số bộ; và nghị viện một số nước có số ủy ban thường trực ít hơn số bộ của chính phủ. Lẽ đương nhiên hai mô hình trên có ưu thế hơn, nhất là trong hoạt động giám sát. Ở nước ta, qua các khóa, Quốc hội được tổ chức theo mô hình thứ ba, số ủy ban thường trực của Quốc hội chỉ bằng trên dưới 30% số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ (chưa tính các cơ quan thuộc Chính phủ). Khóa XIV, trong Quốc hội có 10 cơ quan thường trực, nhiều nhất so với nhiều khóa trước đây, nhưng cũng chỉ bằng 40% số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Tuy nhiên, do chất lượng bộ máy, chất lượng nhân lực được nâng lên, do điều hành, phối hợp chặt chẽ và nhiều yếu tố đổi mới khác mà kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV đã được đánh giá là “xuất sắc”.

Có thể nói bộ máy và hoạt động của Quốc hội luôn được tổ chức hợp lý, gọn nhẹ và hiệu quả. Nhưng, tất nhiên, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phải: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập, pháp, hành pháp, tư pháp”(2) và theo yêu cầu của thực tiễn thì còn phải đổi mới hơn nữa. Do sử dụng mô hình thứ ba (nói trên) nên 10 cơ quan của Quốc hội đối ứng với 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ thì phạm vi hoạt động của mỗi cơ quan Quốc hội rất rộng, rất khó có thể bao quát hết, nhất là trong hoạt động giám sát. Mặt khác, trong 10 cơ quan của Quốc hội lại được tổ chức theo các mô hình khác nhau nên vẫn còn tình trạng chồng chéo công việc, nhưng lại có việc còn bỏ ngỏ. Và cứ 5 năm thay đổi nhân sự “toàn diện” một lần nên tổ chức công tác có khó khăn, nhất là sự kế thừa thành quả của các nhiệm kỳ trước. Từ đó rất cần thiết phải thực thi một số giải pháp sau đây.

Thứ nhấtphát huy hiệu lực của các tiểu ban.

Đối với Quốc hội, muốn thành lập tổ chức mới thì phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Trong điều kiện chưa thể thành lập thêm tổ chức (Ủy ban) thì phải phát huy cao độ nội lực của HĐDT và các Ủy ban đã có mà Luật cho phép. Đó là: “Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban, các thành viên khác có thể không phải là thành viên của Hội đồng, Ủy ban hoặc không phải là đại biểu Quốc hội” (Khoản 4, Điều 67, Luật Tổ chức Quốc hội). Như vậy, một đại biểu có thể tham gia nhiều tiểu ban, hoặc là thành viên tiểu ban của HĐDT hoặc là thành viên tiểu ban của các Ủy ban khác (vì trong Quốc hội có một số đại biểu “đa năng” giỏi cả hai, ba chuyên môn nghiệp vụ). Mặt khác, trong điều kiện không thể tăng biên chế thì Hội đồng, Ủy ban có thể sử dụng nhiều chuyên gia giỏi mà không phải là đại biểu Quốc hội. Đây cũng là xu thế mà nhiều nghị viện trên thế giới đã và đang thực hiện có hiệu quả cao. Tổ chức làm việc theo cách này được gọi là tổ chức theo “mô hình báo chí”. Mỗi tòa soạn báo, tạp chí chỉ có một số phóng viên, biên tập viên nhất định, nhưng cái tài, cái giỏi của mỗi tòa soạn là khả năng thu hút được một đội ngũ đông đảo cộng tác viên có chất lượng cao.

Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh lại nhiệm vụ giữa các cơ quan của Quốc hội.

Quốc hội có 10 cơ quan, nhưng được tổ chức theo 3 mô hình khác nhau; trong đó, 8 Ủy ban được tổ chức theo lĩnh vực (Pháp luật; Tư pháp; Kinh tế; Tài chính và Ngân sách; Quốc phòng và An ninh; Các vấn đề xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đối ngoại). Một Ủy ban được tổ chức theo lĩnh vực kết hợp với đối tượng, đó là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (văn hóa, giáo dục là lĩnh vực; thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là đối tượng). Riêng HĐDT được tổ chức theo mô hình vừa là lĩnh vực, vừa là đối tượng, vừa là địa bàn (dân tộc là đối tượng, cũng là lĩnh vực; các dân tộc sinh sống trên các địa bàn khác nhau). Sự kết hợp giữa lĩnh vực, đối tượng và địa bàn dẫn đến có những việc trùng lắp, ai làm cũng được, không làm cũng không sao. Ví dụ, giám sát trẻ em nghiện hút thuốc phiện ở vùng núi phía Bắc, thì HĐDT, Ủy ban về các vấn đề xã hội hay Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cả 3 cơ quan thực hiện đều đúng chức năng, nhiệm vụ. Hay các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa (mà HĐDT có trách nhiệm) thì cũng nằm trong các vấn đề kinh tế – xã hội của cả đất nước. Chính vì thế mà khi thực thi nhiệm vụ đôi khi xảy ra những vướng mắc nhất định. Việc định ra tiêu chí để quy định rạch ròi, tách bạch, “cưa đứt, đục suốt” cũng không dễ. Vì vậy, UBTVQH cần có văn bản phân công, điều chỉnh, có tính chất quy ước để mỗi cơ quan biết giới hạn, biết “đường biên” mà thực hiện. Như ở ví dụ trên (trẻ em là người các dân tộc thiểu số) thì nên quy định cho HĐDT chủ trì thực hiện, có sự tham gia của hai ủy ban liên quan. Nói một cách tổng quát là: Những loại việc hoàn toàn đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị thì các đơn vị chủ động thực hiện; những loại công việc có các “mảng giao thoa” với một số đơn vị khác thì mảng giao thoa lớn nhất nghiêng về đơn vị nào thì giao cho đơn vị đó chủ trì thực hiện; các đơn vị khác phối hợp.

Thứ ba, tối ưu hóa việc sắp xếp các đại biểu vào các cơ quan của Quốc hội.

Việc sắp xếp các đại biểu vào HĐDT và các Ủy ban trong nhiều khóa nay chủ yếu theo yêu cầu của đại biểu, trên cơ sở chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với Hội đồng hoặc Ủy ban và có xu hướng ngày càng tăng số đại biểu tham gia. Khóa XI có 295/498 tổng số đại biểu là thành viên Hội đồng và các Ủy ban, bằng 59,24%; tương tự như vậy, khóa XII có 359/493, bằng 72,81%; khóa XIII: 390/500, bằng 78,00%, khóa XIV: 433/494, bằng 87,65% và khóa XV có 450/499, bằng 90,18%. Tuy có sự điều chỉnh một số trường hợp cho cân đối về số lượng giữa các Ủy ban, nhưng về chất lượng hoạt động cũng chưa tăng được bao nhiêu (vì không ít đại biểu đăng ký tham gia Hội đồng, Ủy ban thường tính toán kỹ về lợi ích, thậm chí không đúng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng chắc chắn có lợi ích thì cũng tham gia). Từ nhiệm kỳ này, nên đặt ra một số tiêu chí có tính nguyên tắc để cơ cấu đại biểu vào Hội đồng, Ủy ban. Đại biểu tham gia Hội đồng, Ủy ban phải nhằm mục tiêu tối thượng là có đóng góp thiết thực, làm cho chất lượng hoạt động của Hội đồng, Ủy ban được nâng lên. Các tiêu chí đó gồm: Một là, ưu tiên đại biểu tái cử của Hội đồng, Ủy ban, nhất là đại biểu đã hoạt động chuyên trách. Hai là, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (tính đến cả chuyên môn hẹp, Hội đồng, Ủy ban đều cần các đại biểu có chuyên môn luật, nhưng phải là lĩnh vực luật mà Hội đồng, Ủy ban cần). Ba là, về số lượng chỉ nên vừa đủ đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, Ủy ban, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, khoảng 30 – 35 thành viên có chất lượng cao là được (tiêu chí này nhằm bảo đảm nguyên tắc phải có 2/3 số thành viên trở lên dự phiên họp thì các biểu quyết của Hội đồng, Ủy ban mới có giá trị).

Tổ chức bộ máy gọn nhẹ, các thành viên trong bộ máy làm việc tận tâm, “đều tay” cộng với việc điều hành nhạy bén, thanh thoát, nhất định sẽ góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

[02/06/2022 18:42:09] Chiều 2/6/2022, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khoá XV. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

 

Dân chủ hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp

luật bảo đảm”(3). Tại Đại hội XIII của Đảng, một trong những điểm mới được Đại hội quyết nghị về dân chủ, đó là: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị – xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”(4).

Thực thi dân chủ trong hoạt động của Quốc hội

Trong toàn xã hội nói chung, trong hoạt động của Quốc hội nói riêng, dân chủ đã được Quốc hội thể chế hóa, pháp luật hóa ngay từ khi Quốc hội mới ra đời. Một trong ba nguyên tắc của Hiến pháp năm 1946 là “đảm bảo các quyền tự do dân chủ” và ngay Điều thứ nhất của Hiến pháp năm 1946 đã quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”. Ngay trong cả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I nói chung và trong thảo luận thông qua Hiến pháp nói riêng, quyền dân chủ đã được bảo đảm và phát huy mạnh mẽ. Đến ngày nay thì quyền đó càng được bảo đảm và phát huy lên những tầm cao mới.

Ngày 2-11-1946, Quốc hội khóa I bắt đầu thảo luận để thông qua Hiến pháp. Qua nhiều phiên thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau trong cùng một vấn đề, nhưng qua tranh luận dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, rồi đi đến hoàn thiện từng điều, từng chương của dự thảo Hiến pháp, đến ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp với tỷ lệ gần như tuyệt đối là 240/242 đại biểu có mặt tán thành(5).

Ngày nay, trong hoạt động của Quốc hội, tính chất dân chủ ngày càng được phát huy mạnh mẽ, cao độ. Trong thảo luận xây dựng luật, trong hoạt động giám sát tối cao và trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, tất cả các ý kiến khác nhau (thậm chí trái chiều) đều được trình bày công khai, minh bạch trước Quốc hội. Khi thảo luận, giữa các đại biểu có sự tranh luận và tranh luận lại làm cho nghị trường sôi động, nóng lên. Từ những ý kiến với các góc nhìn khác nhau mà tiếp cận vấn đề toàn diện, sát với thực tiễn, tìm ra được phương án tối ưu cho mỗi vấn đề được thảo luận. Chính vì vậy mà dân chủ trong hoạt động của Quốc hội mang ý nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Quốc hội thảo luận tự do, dân chủ nhưng phải tuân thủ Quy chế làm việc của Quốc hội, tuân theo Nội quy kỳ họp và theo sự điều hành của chủ tọa. Bởi vậy mà dân chủ được gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, “phép nước”.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội

Chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố cơ bản: Thứ nhất, đại biểu chuyên nghiệp (hoạt động chuyên trách); thứ hai, công việc của Quốc hội phải mang đầy đủ tính chất chuyên môn, nghiệp vụ chuyên lĩnh vực; trong đó yếu tố thứ hai đã được hiến định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Hiến pháp năm 2013, Điều 69). Tuy nhiên, hiện nay chưa phải tất cả các ĐBQH đã dành toàn bộ thời gian thực hiện đầy đủ công việc của Quốc hội. Bởi vậy, mức độ chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội phần lớn phụ thuộc vào tổ chức bộ máy của Quốc hội và số lượng cùng chất lượng của đại biểu hoạt động chuyên trách. Số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm với thời gian chủ yếu (2/3) làm việc cho cơ quan, đơn vị, tổ chức của họ, hưởng lương, thành quả lao động tại đó thì lẽ thông thường phải dành công sức xứng đáng cho nơi đó.

Sở dĩ các khóa Quốc hội nước ta khi bước sang thế kỷ XXI đến nay ngày càng hoạt động có chất lượng, trong các nguyên nhân, có nguyên nhân quan trọng là số lượng và tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách (gồm cả ở Trung ương và địa phương đầu mỗi nhiệm kỳ) tăng lên liên tục: Khóa XI có 119 đại biểu chuyên trách (chiếm 23,90% so với tổng số đại biểu); tương tự như vậy, khóa XII có 144 đại biểu chuyên trách (29,21%); khóa XIII có 155 đại biểu chuyên trách (31,00%); khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (33,80%). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, phải: “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách”(6). Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu cơ cấu hoạt động chuyên trách trúng cử là 193 người (ở Trung ương là 126 người, ở địa phương là 67 người), chiếm 38,68% so với tổng số ĐBQH, xấp xỉ đạt 40% theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Các đại biểu hoạt động chuyên trách đều là những người đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết: Có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị, được rèn luyện qua thử thách, thực tiễn công tác. Đội ngũ đại biểu chuyên trách sẽ đóng vai trò làm nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH ở địa phương.

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, sáng 13/11/2021, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua: Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. Ảnh: TTXVN

 

Để thực hiện đúng đắn sự chỉ đạo đó đối với đại biểu hoạt động chuyên trách thì trong tổ chức cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tuyệt đại bộ phận số đại biểu này nên là đại biểu tái cử, nhất là những đại biểu đã từng hoạt động chuyên trách. Tiếp đó là những đại biểu đã làm việc lâu năm trong các cơ quan phục vụ Quốc hội. Bởi vì, hai loại đại biểu này đã nắm được (đã thông thạo) quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; đã “thiết kế” được mối quan hệ công tác trong và ngoài Quốc hội, có nhiều kinh nghiệm (có năng lực chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, nắm chắc nhiều vấn đề…), nên bắt tay vào việc đầu nhiệm kỳ là thao tác được ngay.

Hai là, nếu là đại biểu chuyên trách mới, thì nên chọn những đại biểu biết nhiều chuyên môn, nghiệp vụ, những người có bề dày kiến thức, đã từng kinh qua công tác quản lý, lãnh đạo; những người đã từng làm công tác phân tích, tổng hợp, xây dựng chính sách, nhất là ở tầm vĩ mô.

Ba là, đã là đại biểu hoạt động chuyên trách thì phải làm được ít nhất hai nhiệm kỳ. Do đó, phải cơ cấu độ tuổi cho tương thích. Sở dĩ phải có bước đi hợp lý vì phải tính toán cả “đầu vào” và “đầu ra”. Một trong những đặc điểm của ĐBQH thuộc biên chế Nhà nước là, tuổi “đầu ra” đúng như tuổi của cán bộ, công chức các cơ quan hành pháp và tư pháp. Kinh nghiệm các nhiệm kỳ qua vừa cho thấy, không ít ĐBQH khi kết thúc nhiệm kỳ thì rơi vào tình trạng khó bố trí công việc, hưu trí thì chưa tới, làm ĐBQH tiếp thì ngoài khung tuổi của nhiệm kỳ mới đã được quy định, việc “gá lắp” công việc tiếp theo đôi khi là tạm chấp nhận vậy. Đây cũng là một loại vấn đề (một loại chính sách) mà Quốc hội cần sớm nghiên cứu, ban hành và thực thi.

Nhân đây xin được bàn thêm:

Thứ nhất, khi đã lựa chọn kỹ càng đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó có “tiêu chí” là nguồn nhân lực chất lượng cao thì nên tận dụng tối đa “chất xám” (năng lực, trình độ, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức) của họ. Theo tuổi nghỉ hưu, nếu còn một năm trở lên thì nên để họ được ứng cử, tái cử, tương đương như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có thể được làm việc tiếp một số năm so với tuổi nghỉ hưu hiện hành.

Thứ hai, nghiên cứu để thực hiện sớm chính sách tiền lương đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là: “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn… với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả”(7).

Có thể nói, dân chủ hóa và chuyên nghiệp hóa vừa là mục tiêu, vừa là phương châm, lại vừa là động lực của đổi mới và phát triển. Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo chắc chắn sẽ phát huy cao độ hơn nữa theo tư tưởng chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng để nâng chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội lên những tầm cao mới./.

——————

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 175
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 174 – 175
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia  Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84 – 85
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 174
(5) Xem: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 – 1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 102 – 105
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 176
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 149

 

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/to-chuc-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-o-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-cao-nhat