Am Chúa – Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia

1498

Am Chúa là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng phụng thờ Thiên Y A Na của người Việt mà nguồn gốc là một vị nữ thần của người Chăm có tên gọi Pô Inư Nưgar (hay còn gọi là Pô Nagar) được thờ phụng tại ngôi đền Pô Nagar của Chămpa. Người Việt gọi Bà với nhiều danh xưng: Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Chúa Ngọc Diễn Phi, Chúa Ngọc Tiên Nương (Chúa Tiên). Thế nhưng, tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi gần gũi và được người dân dùng thông dụng hơn cả “bởi lẽ từ Thiên Y A Na vốn được phiên âm từ Pô Inư Negara”[1]

 

Am Chúa tọa lạc trên núi Đại An hay còn gọi là Qua Sơn (Qua Lãnh, núi Chúa, núi Cấm), xưa nay tên Đại An thông dụng nhất. Núi Chúa là một thổ sơn, cao 284 thước, Am Chúa nằm ở lưng chừng núi, có độ cao 80m so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Đại Điền: ở cách huyện Phước Điền 11 dặm về phía Bắc, tục gọi là núi chủ sơn, thế núi cao cả, chu vi hơn trăm dặm. Tương truyền đây là chỗ hiển linh của Thiên – Y – A – Na – Diễn – Bà, cấm người vào núi hái củi, cây cối um tùm, thường có ánh sáng thiêng chiếu xuống. Năm Tự Đức thứ 3 đổi tên như hiện nay và chép vào điển thờ”[2]. Toàn bộ cảnh sắc và địa thế Am Chúa thật hữu tình và phù hợp phong thủy, với thế đất “Tiền thủy, hậu sơn”. Đứng trên Am Chúa ta có cảm giác như thoát khỏi chốn trần tục mà thầm nghĩ, biết ơn ông cha ta đã khéo chọn nơi đây làm nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y mà cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tôn thờ trên vùng đất trù phú và có bề dày lịch sử.

Cho đến nay, chưa có tư liệu nào xác định thời gian cụ thể mà Am Chúa được xây dựng; song qua lời kể của hào lão địa phương thì khởi đầu Am Chúa là một thảo am nhỏ nằm cùng Đại An sơn tự (chùa Đại An) trên ngọn Hoa Sơn và sau nhiều lần trùng tu thảo am đã trở thành nơi thờ Thiên Y Thánh Mẫu khang trang như ngày nay. Mặc dù hiện nay ngôi chùa nhỏ mang tên Đại An không còn nữa, nhưng sự hòa quyện giữa tục thờ Mẫu và những lễ nghi mang màu sắc Phật giáo thì vẫn còn nguyên vẹn và là nét văn hóa đặc trưng ở Am Chúa.

 

Theo quan niệm của người xưa khi dựng đình, miếu, am thờ… người ta chú ý nhiều đến phong thủy. Việc lựa chọn yếu tố phong thủy để xây dựng một khu đền thờ chính là việc lựa chọn vị trí địa hình, địa vật xung quanh mang tính “đắc địa”. Về hướng xây dựng Am Chúa, người Việt đã quay hướng chính Đông cho di tích thờ Thiên Y A Na, nét tương đồng với Tháp Bà Pô Nagar và phải chăng điều này cho ta một nhận định: người Việt đã rất muốn dung hòa văn hóa với người Chăm, hay nói đúng hơn là với một vị nữ thần của người Chăm đã được người Việt tiếp nhận. Cả hai đều lấy hướng chính Đông nhằm đón ánh nắng mặt trời trực tiếp chứ không phải hướng Nam, theo quan niệm của người Việt là hướng sinh khí.

Ngôi tháp Chính thờ Thiên Y A Na tại Tháp Bà Pô Nagar ở về phía Bắc thì Am Chúa cũng chọn khu vực phía Bắc Diên Điền để xây dựng nơi thờ Thiên Y A Na. Làng Đại An xưa, có bốn thôn Đại Điền ở các hướng Đông, Tây, Nam và Trung; còn hướng Bắc là núi Đại An. Vậy thì, cùng với bốn thôn Đại Điền, núi Đại An – nơi thờ Thiên Y A Na đã tạo nên cục diện của ngũ hành cho vùng đất xã Diên Điền vậy.

Hệ thống kiến trúc thờ tự tại Am Chúa có nhiều nét tương đồng với kiến trúc các đình làng Khánh Hòa. Cấu trúc thờ tự có sự phối thờ, phối tế gần giống với các công trình kiến trúc tín ngưỡng trong tỉnh và đây chính là một đặc điểm tín ngưỡng của người dân Khánh Hòa. Các công trình kiến trúc ở Am Chúa gồm: Tam quan, mộ ông bà Tiều, bia ký, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành, chánh điện.

 

Ngôi chánh điện được trùng tu lần thứ 3 vào năm Mậu Tuất (1958), lần thứ 4 năm Mậu Thìn (1988), đại trùng tu năm Kỷ Sửu (2009) với dạng thức kiến trúc ba gian. Nếu chỉ nhìn phía ngoài, hẳn rằng Am Chúa không phải là di tích cổ kính, song khi vào bên trong thì khách hành hương sẽ bị chinh phục ngay bởi hệ thống bài trí thờ tự với lỗ bộ, các cặp liễn đối, hoành phi được khắc, chạm tinh tế, sắc sảo.

Án thờ đầu tiên là hương án thờ thần vị của Tiều công phu phụ. Khám thờ Thiên Y Thánh Mẫu được trang hoàng lộng lẫy, là điểm tập trung nhất của cấu trúc thờ tự trong Chánh điện; hai bên là khám thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương. Bên tả ban thờ Thánh Mẫu là ban thờ Tứ vị Thái tử và Thập nhị hành khiển, còn được gọi là ban thờ Cậu (Hoàng tử Trí – con trai Thánh Mẫu);  bên hữu là ban thờ Lục vị Tiên cô và Thập nhị Tiên Nương, còn gọi là ban thờ Cô (Công chúa Quý – con gái Thánh Mẫu). Tất cả các ban thờ trong Chánh điện đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh tế, đặc sắc. Toàn bộ chánh điện có kết cấu vì nóc kiểu vì kèo, các hàng cột cái và cột quân được làm từ gỗ quý có giá trị cao. Am Chúa còn lưu giữ được hai sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng.

Theo quan niệm dân gian, tháng Ba là tháng Vía Bà “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Lễ hội Am Chúa từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hàng năm và diễn ra theo một diễn trình truyền thống: Lễ mộc dục (tắm tượng), lễ tam hiến trơn, lễ tế chính, hát văn Mẫu, tế Nữ quan, lễ cúng Hậu thường, nghi thức dâng hương và múa bóng.

Ngày xưa, “vào các dịp cúng xuân thu nhị kỳ trong năm ở Am Chúa, quan đầu tỉnh là người có trách nhiệm tổ chức và đứng ra làm chủ lễ với các hình thức rất trang trọng theo quy định của triều đình. Điều này càng khẳng định vị trí của tín ngưỡng Thiên Y A Na đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương mang yếu tố văn hóa tộc người trong quá khứ cũng như hiện tại ở Khánh Hòa là rất sâu đậm”[3]. Điều này lại càng khẳng định vai trò to lớn của Am Chúa trong hệ thống di tích và tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na.

 

 

Đến với Am Chúa, ngoài niềm tin đối với Thánh Mẫu, khách hành hương còn được tìm hiểu về lịch sử đấu tranh bất khuất của nhân dân tứ thôn Đại Điền trong kháng chiến chống Pháp. Do ở vị trí có tính chiến lược, địa hình phía trước dễ kiểm soát, phía sau có thế núi hiểm trở; năm 1947 thực dân Pháp đã cho xây dựng ngay tại Am Chúa hệ thống phòng thủ gồm nhiều lô cốt kiên cố, dài mỗi cạnh 20m, tường cao 3m, lưng dựa vào núi. Sau tường là các hầm nổi, bên trong đặt các ổ súng, lỗ châu mai với tầm nhìn thuận tiện cho việc quan sát. Giữa công sự là một hầm ngầm cấu trúc thành vòng tròn. Chính vì vậy mà thời kỳ này Am Chúa bị chiến tranh tàn phá, duy nhất chỉ còn lại tượng Bà nguyên vẹn; khiến cho nhân dân trong vùng càng tin vào sự linh thiêng của Bà và truyền tụng lại điều đó cho đến ngày nay.

Do những điều kiện lịch sử, mà quá trình di dân của người Việt theo chân các chúa Nguyễn từ các tỉnh miền Trung Việt Nam mở cõi về phương Nam diễn ra trong vài ba thế kỷ để tạo thành hình đất nước Việt Nam chữ S như hiện nay. Người Việt đã có mặt ở hầu khắp và nhanh chóng bản địa hóa văn hóa của dân tộc khác, mà tại Khánh Hòa chính là các yếu tố văn hóa Chăm. Tiếp nối truyền thống văn hóa Việt với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa Chăm đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Việt xứ Trầm.

Không phải ngẫu nhiên mà hai di tích Tháp Bà và Am Chúa trở thành hai di tích thờ Mẫu quan trọng nhất trong tỉnh, bản thân mỗi di tích chứa đựng những giá trị vật thể và phi vật thể riêng biệt nhưng chúng lại có mối liên kết không thể tách rời. Biểu hiện qua các đối tượng thờ phụng, nghi thức cúng tế, truyền thuyết dân gian, lễ vật dâng cúng, phong tục tín ngưỡng của người Việt ở Khánh Hòa.

Theo truyền thuyết của người Việt, ngày Bà giáng trần (hạ giới) tại Am Chúa là ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch và ngày Bà thăng thiên (bay về trời) tại Tháp Bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch. Nơi hiển Nhân và chốn hiển Thánh của Mẫu là hai di tích đặc biệt quan trọng của người Việt và người Chăm. Tuy nhiên, để phù hợp với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình, người Việt đã Việt hóa rất nhiều yếu tố văn hóa cũng như đối tượng thờ cúng của người Chăm, chính sự tiếp biến văn hóa này tạo nên sự đa dạng trong sắc thái văn hóa tại Tháp Bà. Còn di tích Am Chúa là do người Việt xây dựng để thờ Mẫu Thiên Y, nên các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng đối tượng thờ cúng ở đây thuần Việt. Nhưng chúng gặp nhau trong tâm thức thờ Mẹ – Mẫu Thiên Y A Na, người độ trì, che chở cho muôn dân Khánh Hòa; hoạt động thờ cúng Mẫu của người Việt và người Chăm tại hai di tích  tạo nên nét văn hóa đặc sắc, sức sống mãnh liệt và bền vững.

Qua các truyền thuyết, truyện kể dân gian đến thờ phụng thể hiện sự tiếp nối liên tục về văn hóa, tín ngưỡng, Am Chúa đã mang trong mình những giá trị của hai nền văn hóa Chăm – Việt. Tuy rằng có những dấu ấn khác nhau, song phải khẳng định hình tượng Thiên Y A Na là một sáng tạo của người Việt, có cội nguồn từ hình tượng Pô Nagar của dân tộc Chăm và đều xuất phát từ hình tượng hiện thân cho người mẹ sáng tạo muôn loài.

Am Chúa là di sản văn hóa tiêu biểu, ở đó thể hiện được tâm lý, quan hệ xã hội, nhận thức thế giới tự nhiên, sự sáng tạo các giá trị về văn học, nghệ thuật dân gian. Cho đến nay,  Am Chúa vẫn còn bảo lưu được những yếu tố văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Việt – Chăm. Sự hòa hợp thần linh Việt – Chăm được thể hiện rõ nét nhất ở Lễ hội Am Chúa, đó là sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa tâm linh hầu như đã được nhất thể hóa. Điều đó nói lên khả năng tích hợp và thái độ dung hòa, rộng mở của người Việt xưa ở Khánh Hòa trong việc tiếp thu tinh hoa của nền văn hóa khác; được lưu truyền trong dân gian “Am Chúa hiển Nhân, Tháp Bà hiển Thánh”.

Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, năm 1999 Am Chúa được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

 

Nguồn: http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4545/AM-CHUA