Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh “Đảng là đạo đức, là văn minh” trong xây dựng đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên

307

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Tầm vóc vĩ đại của Đảng được Người khái quát đã trở thành nét đẹp văn hóa – văn hóa Đảng. Xây dựng văn hóa Đảng nhằm giáo dục, bồi dưỡng, khích lệ tinh thần phấn đấu cao của mọi đảng viên; đồng thời, nhằm đập tan mọi âm mưu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC “ĐẢNG LÀ ĐẠO ĐỨC, LÀ VĂN MINH”

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng nguyện vọng bức thiết của lịch sử là: Cứu dân, cứu nước khỏi vòng nô lệ của thực dân và ách áp bức của phong kiến; giải phóng dân tộc, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”; đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục tiêu hiện nay của Đảng là đấu tranh thống nhất nước nhà, để thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; làm cho cả nước không còn ai bị bóc lột, xây dựng một xã hội mới, trong đó mọi người được sung sướng, ấm no”(1). Mục tiêu đó là đạo đức, là văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo nhân dân ta chống lại ách thống trị của thực dân và ách áp bức của phong kiến, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo, làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện quyền tự quyết, quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, đó là quyền bình đẳng tối thiểu của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chính vì thế, mà Người luôn quan tâm giải quyết quyền dân tộc cơ bảncủa nhân dân Việt Nam một cách khoa học. Dưới ánh sáng của học thuyết Mác – Lênin, trực tiếp là tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh hiểu rằng, quyền tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc là những quyền thiêng liêng, không ai được phép xâm phạm; trong một đất nước, quyền lợi của mỗi cá nhân bao giờ cũng gắn liền với quyền lợi của cả dân tộc, đất nước. Nước mất thì nhà tan, nước độc lập thì dân tộc mới độc lập, con người mới được giải phóng và có tự do đích thực. Đó là một trong những lý do để Người trở thành chiến sĩ cộng sản đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đó là đạo đức, là văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: là một Đảng chân chính cách mạng, Đảng trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhân dân ta giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, với mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, tại Đại hội Sản xuất tỉnh Hà Đông (cũ), ngày 7/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”(2). Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Lý do tồn tại của Đảng là ở đó, đạo đức và văn minh của Đảng cũng là ở đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Chính phủ chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân, với tinh thần nhân dân chỉ cảm nhận được quyền của mình trong một nước độc lập khi ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, mọi người được học hành. Người ước nguyện: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Với Người, giải phóng con người, trước hết là giải phóng họ khỏi cái đói, cái rét, cái dốt để giải phóng dân tộc, chỉ có thoát khỏi thân phận nô lệ, mỗi con người mới lấy lại được phẩm giá làm người; chỉ giải phóng dân tộc mới góp phần giải phóng của toàn nhân loại. Chính vì thế, Người đã thức tỉnh ý thức đạo đức dân tộc và nối liền với đạo đức thời đại mới – đưa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thành một bộ phận của tinh thần quốc tế. Giá trị văn hóa đạo đức đó đã xác lập chủ nghĩa yêu nước chân chính, tiếp biến với các giá trị đạo đức tiến bộ của loài người, gạt bỏ các mặt đạo đức lạc hậu để phát triển giá trị đạo đức mới. Giá trị đạo đức mới chi phối tư tưởng, ý thức đạo đức, các quan hệ ứng xử, các hành vi đạo đức trong nhân dân. Từ giải quyết quyền con người, quyền dân tộc cơ bản, Người đã xác lập các giá trị đạo đức một nền đạo đức mới Việt Nam. Việc kết hợp các giá trị đạo đức dân tộc với các giá trị đạo đức của thời đại đã tạo ra là nền tảng quan trọng của sự tiến bộ xã hội ở Việt Nam. Đó là đạo đức, là văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng đạo đức của đội ngũ cán bộ. Người rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ và nhất là phải có đạo đức cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư, tận tâm, tận lực, trung với nước, hiếu với dân suốt đời phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người cho rằng, đạo đức cách mạng sẽ tạo nội lực quan trọng cho quá trình cách mạng, đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Đồng thời, Người quan niệm đạo đức cách mạng của người cán bộ tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(5). Quan niệm ấy không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Người cách mạng phải cần kiệm, cẩn thận, nhẫn nại, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói phải làm. Chính vì lẽ đó, Người rất quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức người cách mạng và cảnh báo tình trạng cán bộ “dùng của công làm việc tư… Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”(6), quên cả thanh liêm đạo đức cần phải phê phán mạnh mẽ và loại bỏ – những công việc đó là đạo đức, là văn minh của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu thương con người. Đồng thời, Người luôn coi trọng tình nhân ái, khoan dung. Lòng yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người không chỉ ở phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, mà còn ở những con người nhất thời họ có lầm lạc, còn nhỏ nhen, thấp kém. Người nhắc nhở: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(7). Đối với những người lầm đường, lạc lối, người có thói hư, tật xấu…ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Người chỉ rõ: “Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(8). Chính điều đó đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hoá được nhiều nhân sĩ, trí thức, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng không quản ngại gian khổ, hy sinh. Đó là đạo đức, là văn minh của Đảng ta.

Như vậy, đạo đức cách mạng của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát đã trở thành chuẩn mực đạo đức chung, nền tảng của Đảng và Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh.

Tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

 

 

XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Một là, nâng cao chuẩn mực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Đây là một trong những nội dung cơ bản, xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”(9). Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để mỗi tổ chức đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Bằng nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo như: Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục của tổ chức với tự giáo dục của từng cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, nghiên cứu nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, quy định của các cấp ủy đảng. Thực hiện có nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, đề cao tự phê bình và phê bình. Cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện đúng các chế độ và cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết cho cán bộ, đảng viên, nhất là về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị. Chủ động phát hiện và đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; ngăn ngừa và khắc phục kịp thời những biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phát huy trách nhiệm tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, đảng viên bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(10). Do đội ngũ cán bộ, đảng viên là người trực tiếp thực hiện nghị quyết của Đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần phải thường xuyên coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ và chính sách cán bộ. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định; tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên toàn diện, nhất là bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật và các mối quan hệ xã hội. Chú trọng rèn luyện cán bộ, đảng viên thông qua hoạt động thực tiễn. Kết hợp đánh giá, phân loại chất lượng, khen thưởng, bố trí, sử dụng và thực hiện đúng chính sách cán bộ. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ không chỉ ở nhà trường mà còn ở ngay từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

Ba là, cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phả thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệ chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(11). Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc quy định về những điều đảng viên không được làm. Động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để mỗi tổ chức đảng thực sự là đạo đức, là văn minh.

Bốn là, cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi.

Trước hết, cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động, rèn luyện về lập trường, tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”(12); “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(13). Vì vậy, muốn xây dựng chi bộ tốt nhất thiết phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên, phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Cho nên, cần phải chỉnh đốn Đảng, trong đó, coi trọng khâu kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, theo đó “những phần tử xấu phải xử trí đúng mức: Cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức”(14). Cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động, rèn luyện về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong tổ chức đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng là nội dung cơ bản trong công tác xây dựng đảng, nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, là cơ sở để xây dựng Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Trước hết, các cấp ủy đảng cần nâng cao năng lực cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Phải thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ đầu ngành, người đứng đầu các cấp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên. Đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” – Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để cán bộ, đảng viên tự đổi mới, tự chỉnh đốn làm trong sạch chính mình, là chuẩn mực đạo đạo đức của Đảng ta. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII; ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho chính bản thân mình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Cấp ủy, tổ chức đảng chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ quy định về quản lý cán bộ, đảng viên. Bằng nhiều hình thức như: Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của tổ chức đảng với tự quản lý của đảng viên, giữa quản lý đảng viên với quản lý cán bộ, giữa quản lý nội bộ đảng với tổ chức quần chúng tham gia quản lý. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của tổ chức đảng nơi đảng viên công tác với quản lý của tổ chức đảng nơi cư trú để nắm chắc về lý lịch chính trị, quan hệ gia đình, nhất là những đảng viên có hoàn cảnh cá biệt để tổ chức đảng có cơ sở đánh giá, nhận xét chính xác. Kết hợp chặt chẽ và vận dụng linh hoạt các biện pháp của công tác tư tưởng, tổ chức để giáo dục, rèn luyện đảng viên. Tổ chức tốt việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên về lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác.

Cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật của tổ chức nơi công tác. Cấp ủy, tổ chức đảng phải kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên và kiểm tra, giám sát định kỳ. Chủ động phát hiện kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Xem xét, xử lý công minh, chính xác, kịp thời và kiên quyết những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển
Học viện Chính trị

—————

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, CD-ROM, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr.604.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr.587.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.187.

(4) (5) (6) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292, 313, 295, 309.

(7) (8) (11) (12) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672, 672, 622, 278, 113.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.360.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.313.

 

https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-dang-la-dao-duc-la-van-minh-trong-xay-dung-dao-duc-cach-mang-can-bo-dang-vien-139269