Đi ngược lại với CN Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là huỷ hoại niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng

232
Một nội dung quan trọng trong phần những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII là: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
So với các kỳ đại hội trước “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận QPTD và thế trận ANND. Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn lại lịch sử dân tộc và yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới chúng ta thấy rõ sự khẳng định, phát triển của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục.
1. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử và quyết định sự phát triển của lịch sử. Vận dụng sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của nhân dân vào thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của “lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo Người, Đảng xác định chủ trương, mở ra đường lối lãnh đạo cách mạng, nhưng chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra. Sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng, nếu không có nhân dân. Theo Người, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cách mạng là sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân, là sự đoàn kết “muôn người như một” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, theo Người: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”(1). Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”
2. Thực tế lịch sử chứng minh “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng. Đối với mỗi chế độ xã hội, “lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Đây là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi triều đại, quốc gia, dân tộc. Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển.
“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. “Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. “Lòng dân” luôn tồn tại khách quan nhưng “lòng dân” có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của con người. Điều này đòi hỏi giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội, trực tiếp là lực lượng chính trị đại diện phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối. Chỉ có như vậy “lòng dân” mới hội tụ trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc. Thực chất đó chính là vai trò của lực lượng nắm quyền lãnh đạo xã hội trong việc chuyển hóa “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Khi được xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” sẽ tác động trở lại làm cho “lòng dân” phát triển hài hòa, đúng định hướng.
Bài học sâu sắc nhất mà Đảng ta rút ra từ thực tiễn cách mạng là phải huy động, tập hợp được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đại hội VI của Đảng xác định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”… Trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII, bài học “lấy dân làm gốc” tiếp tục được Đảng ta khẳng định. Văn kiện Đại hội IX, trong phần đánh giá quá trình đổi mới Đảng ta một lần nữa chỉ rõ: “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân”. Đến Đại hội lần thứ XII, một trong năm bài học được Đảng ta đúc kết, đó là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”
Tuy chưa sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân” nhưng tư tưởng, quan điểm phát huy sức mạnh “lòng dân” đã được Đảng ta nhất quán khẳng định trong đường lối quốc phòng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chính là sức mạnh tổng hợp. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định”. Đến Đại hội X, Đảng ta lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân”. Trong văn kiện Đại hội X, Đảng ta xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân làm nòng cốt”.
Phát triển quan điểm “lấy dân làm gốc”, Đảng ta chủ trương: Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tại Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Để tăng cường “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền QPTD và nền ANND” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, quan điểm của Đảng ta về xây dựng “lòng dân” và “thế trận lòng dân” được thể hiện sâu sắc hơn một bước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Đặc biệt, trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa dân, để củng cố “thế trận lòng dân”, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 08, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Cùng với khẳng định, nâng tầm “thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn kiện Đại hội XIII cũng nêu vấn đề này một cách rõ nét, toàn diện hơn, đó là: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND”. Điều này có nghĩa phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, đặt trong nền QPTD và nền ANND; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân phải gắn bó chặt chẽ với xây dựng, củng cố thế trận QPTD và thế trận ANND.
Mặt khác, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND là nòng cốt”. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Không phải đến bây giờ mà trong rất nhiều văn kiện Đảng ta đã khẳng định, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền QPTD vững mạnh là nhiệm vụ không của riêng ai mà đó là sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó QĐND là nòng cốt. Việc xây dựng QĐND-một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với vai trò nòng cốt của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD cũng chính là thể hiện tư tưởng, quan điểm “dân là gốc” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (5). Đặc biệt, trong bài: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”. Niềm tin của nhân dân chính là sức mạnh của Đảng, sức mạnh của “thế trận lòng dân”, của nền QPTD.
Một trong những chiêu trò xấu độc, đáng lên án là chống phá, hạ thấp uy tín của những người sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, hạ thấp vai trò, giá trị, ý nghĩa học thuyết và phủ nhận những cống hiến của V.I. Lênin đối với giai cấp công nhân và cách mạng thế giới, cũng như đối với cách mạng Việt Nam là một chiêu thức điển hình, vô cùng thâm độc. Những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta muốn một công hai việc: vừa làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, gây tổn thương tình cảm đối với Bác Hồ, vừa chống đối chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện mưu đồ “thay máu cho hệ tư tưởng”, đưa đường “đón rước tư tưởng tư sản vào Việt Nam”. Đây là thái độ, hành vi và những thủ đoạn vô cùng tinh quái cần vạch mặt, trừng trị đúng pháp luật Việt Nam vì nó sai cả đạo lý và pháp lý.
Chúng ta đều biết trong số các vĩ nhân có cống hiến lớn và gắn bó mật thiết đối với cách mạng Việt Nam, V.I. Lênin – người thầy của giai cấp vô sản thế giới, có vị trí đặc biệt quan trọng, ông không chỉ là người kế tục trung thành và phát triển sáng tạo cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác: Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học; làm cho chủ nghĩa Mác trở nên “hoàn bị nhất, sâu sắc nhất”, là “vũ khí lý luận sắc bén”, “công cụ nhận thức vĩ đại” để nhận thức và cải tạo thế giới mà còn là người sáng lập Đảng Cộng sản Nga và Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại, mở ta thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chống V.I. Lênin, phủ nhận học thuyết của ông, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và phản động hy vọng đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta: chủ nghĩa Mác – Lênin, hạ thấp uy tín của Bác Hồ – Người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến gặp chủ nghĩa Mác – Lênin và có công lớn trong việc truyền bá học thuyết này vào Việt Nam, gieo hạt giống cộng sản trên quê hương, đất nước mình và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam…
Không dừng lại ở đó, chúng còn xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của V.I. Lênin, hạ thấp uy tín, tầm ảnh hưởng của tấm gương mẫu mực về đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trước sự tấn công từ nhiều phía của “các loại kẻ thù” chống phá chủ nghĩa Mác. Qua đó, xóa bỏ quan niệm về chủ nghĩa Lênin và mối quan hệ giữa chủ nghĩa Lênin với chủ nghĩa Mác; phủ nhận luận thuyết: chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và cách mạng vô sản trên phạm vị toàn thế giới.
Với ý nghĩa đó, chúng muốn chia tách, làm thoát ly toàn bộ học thuyết của Lênin khỏi chủ nghĩa Mác; xóa bỏ vai trò, sự hợp thành di sản lý luận của chủ nghĩa Lênin với di sản lý luận của chủ nghĩa Mác, cắt đứt sợi chỉ đỏ xuyên suốt, sự kết nối biện chứng giữa chủ nghĩa Lênin với chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo đó, mưu đồ sâu sa, thủ đoạn độc địa của các thế lực thù địch là phủ nhận quá trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, đến gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận giá trị và ý nghĩa sự kiện Người tiếp cận và trở thành người mác xít chân chính từ khi đọc được bản Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng các các tác phẩm khác của V.I. Lênin.
Với thái độ, hành vi xuyên tạc lịch sử, một số kẻ xấu đã coi V.I. Lênin “chỉ là nhà chính trị”, “nhai lại chủ nghĩa Mác”, đối lập V.I. Lênin với C. Mác, học thuyết của V.I. Lênin với học thuyết của C. Mác và cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã cũ, lỗi thời, không còn giá trị; “Cụ Hồ không có quan hệ gì với Lênin”, “tư tưởng Hồ Chí Minh là hỗn tạp ý thức hệ phương Đông – phương Tây”. Đây là điều bịa đặt hoàn toàn vô lý, không thể chấp nhận, cần phải phê phán, kiên quyết bác bỏ.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cực lực phản đối mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin dưới mọi chiêu thức. Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị thế, giá trị và ý nghĩa của V.I. Lênin, của chủ nghĩa Lênin, coi chủ nghĩa Lênin là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong chủ nghĩa Mác – Lênin. Đảng nhất quán khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tưởng, kim chủ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Qua đó, nghiêm túc học tập tấm gương mẫu mực của V.I. Lênin về đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác cũng như phong cách vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của cách mạng.
V.I. Lênin là tấm gương mẫu mực về tinh thần kiên quyết đấu tranh phê phán, bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch và mọi tổ chức chính trị phản động để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác có sức sống mãnh liệt trên cơ sở bổ sung, phát triển những tri thức lý luận mới. Bằng thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã chứng minh chủ nghĩa Mác không phải là hệ thống lý luận khép kín, giáo điều; cũng không phải là những tín điều cứng nhắc, bất động mà là nền tảng tư tưởng, kinh chỉ nam cho hành động cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Bônsêvích (b) Nga và thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là minh chứng thuyết phục nhất đã bác bỏ mọi sự bịa đặt, giả dối của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động.
Sau 74 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành thành trì phe xã hội chủ nghĩa, là quốc gia rộng lớn chiếm 1 phần sáu diện tích thế giới, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng, do những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị của ban lãnh đạo Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô đã sụp đổ; thành quả cách mạng bằng xương máu của nhân dân và chiến sĩ đã không còn. Song, không vì thế mà một số người đã vội cho rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin đã cáo chung, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ”; cũng không nên cho rằng tiến trình lịch sử đã bị đảo lộn, lịch sử bị “ngưng đọng”, “thụt lùi”. Những tổn thất từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Đông Âu và Liên Xô chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội. Nhưng nó không thể và không bao giờ xoá bỏ được cống hiến của V.I. Lênin và lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại cũng như mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Điều đó đã cảnh tỉnh, cảnh báo một số người tin theo và a dua với các thế lực phản động về sự ca ngợi, tán dương chủ nghĩa tư bản – chế độ áp bức, bóc lột người bởi chủ nghĩa tư bản không phải là tương lại của nhân loại tiến bộ.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đã đem lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc: Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản, luôn độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đổi mới nhận thức, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho phù hợp với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là minh chứng khẳng định rằng, nếu “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, chắc chắn sẽ rơi vào sai lầm. Điều đó cho thấy rằng, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải tỉnh táo, sáng suốt, phải hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc mácxít – lêninnít. Đó là điều giải thích vì sao trước những khó khăn, thách thức của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một đều khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Những kẻ bôi nhọ V.I. Lênin, chống đối chủ nghĩa Mác – Lênin là những kẻ không có trái tim, không có danh dự và liêm xỉ, vi phạm pháp lý, đạo lý sẽ bị toà án lương tâm và pháp luật Việt Nam trừng trị đích đáng./.
Hương Sen Việt