‘Không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược’

200

“Các lực lượng phải coi trọng phối hợp nắm chắc âm mưu để chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch và các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc”, Đại tướng Phùng Quan Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng chia sẻ.

Tháng 12 năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kỷ niệm trọng thể 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2012), 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 23 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Các hoạt động kỷ niệm trên diễn ra đúng vào dịp cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 theo tiến trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đồng thời, cũng đúng vào dịp Đảng vừa tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” một cách thẳng thắn, nghiêm túc; qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên, cán bộ và nhân dân đối với Đảng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thăm và dặn dò các phi công trẻ Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. (ảnh: QĐND)
Đại tướng Phùng Quang Thanh đến thăm và dặn dò các phi công trẻ Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Ảnh: QĐND

Cuối tháng 12/1972, quân và dân cả nước, mà trực tiếp là quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội Phòng không – Không quân đã làm nên điều kỳ diệu: đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. 40 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” như vừa mới xảy ra; sự khốc liệt cũng như không khí hào hùng của chiến thắng oanh liệt đó vẫn còn nguyên trong ký ức.

Với thế hệ trẻ hôm nay, chiến thắng đó là một sự kiện lịch sử, chứa chan niềm tự hào, tạo động lực và thúc giục họ lập tiếp chiến công, viết nên trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với dân tộc ta, đó là chiến thắng “có một không hai” trong lịch sử, bởi qua 12 ngày đêm rực lửa năm ấy, Hà Nội đã trở thành biểu tượng của niềm tin, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Hà Nội trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”.

Chiến thắng này còn khẳng định đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng, được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không độc đáo, sáng tạo. Chiến thắng đó là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, truyền thống nhân văn của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng vĩ đại đó có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, nhất là về quân sự và ngoại giao, góp phần quyết định vào việc thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tiến đến “đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc vào năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chính; nhưng bên cạnh đó, đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; khi có cơ hội, chúng sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược. Vì thế, quân và dân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, thống nhất và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” nói riêng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước hết, đó là bài học về nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu và hành động chiến tranh của địch, đảm bảo sự chủ động về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật để đối phó thắng lợi khi tình huống xảy ra. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” nói riêng là thực tiễn sinh động thể hiện tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Đảng; trước hết ở khả năng nhận định, đánh giá tình hình. Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và những động thái mang tính thụ động của chúng; đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược 1972, Đảng ta nhận định: với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, mà chúng sẽ sử dụng biện pháp quân sự, hòng tạo thế mạnh để buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao…

Bài học trên còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, cần phải có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là sự phối hợp giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại. Sự phối hợp này trước đây đã được thực hiện tốt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay lại càng phải được thực hiện hiệu quả hơn. Yêu cầu đặt ra là, các lực lượng phải phối hợp thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp để nắm chắc và đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, dự báo được xu hướng phát triển và sự tác động của nó đối với nước ta. Trước hết, các lực lượng phải coi trọng phối hợp nắm chắc âm mưu để chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; có đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, có hiệu quả các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ hữu nghị với các nước, nhất là các nước láng giềng, truyền thống, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển toàn diện đất nước.