‘Không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược’

200

 

Thứ hai là bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta để giành thắng lợi quyết định. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng cùng với ý chí quyết đánh thắng quân xâm lược của quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc; trong đó, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một điểm nhấn.

Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 là cuộc đọ trí, đọ sức quyết liệt giữa quân và dân miền Bắc với lực lượng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ. Việc chúng sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược máy bay B-52 (một trong bộ ba vũ khí chiến lược của chúng) có sức tàn phá khủng khiếp, hòng hủy diệt Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại, thậm chí có nước bạn khuyên ta tìm một giải pháp “mềm hơn”, thay vì đối đầu với chúng. Song, chúng ta biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của kẻ thù và hiểu rõ sức mạnh tổng hợp của chính mình; đó là sức mạnh của chính nghĩa, của truyền thống dân tộc, của đường lối chiến tranh nhân dân, sự khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân… và trên hết là sự gắn bó của nhân dân với Đảng.

Từ đó, quân và dân ta nêu cao ý chí quyết đánh và quyết thắng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay ‘bê’ gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta bắt nguồn từ sự kiên định của quân, dân ta vào đường lối chiến tranh nhân dân, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra; từ lòng tin tuyệt đối của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng đó, các lực lượng, mà trực tiếp là quân và dân Hà Nội, bộ đội Phòng không – Không quân đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, mưu trí, sáng tạo, lựa chọn cách đánh phù hợp để hạ gục thần tượng “Pháo đài bay B-52”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của địch.

Đây là bài học có tính nguyên tắc, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, trong tình hình hiện nay hơn lúc nào hết, chúng ta phải luôn kiên định với đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bất luận trong hoàn cảnh nào cũng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, thực hiện kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh kết hợp có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; ra sức phát huy nội lực kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế. Đồng thời, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, nhằm phục vụ cho mục tiêu cao nhất là tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, để củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng, cần phải quán triệt và nắm vững quan điểm “dân là gốc”; coi trọng tuyên truyền, giáo dục tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tích cực đổi mới công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, giáo dục quốc phòng – an ninh cho phù hợp với từng tầng lớp nhân dân, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong quá trình thực hiện, cần hướng mạnh về cơ sở, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ: thanh niên, sinh viên, học sinh; chú trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào, tinh thần tự lực tự cường, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc… Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở.

Thứ ba là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp, xác định đúng đối tượng chủ yếu để tập trung tiêu diệt, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Nhờ có sự chủ động về chiến lược, nắm chắc âm mưu, hành động chiến tranh của địch, nên chúng ta rất chủ động trong chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật. Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội từ rất sớm; qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thành trước tháng 12/1972. Việc bố trí, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng thế trận phòng không “liên hoàn, vững chắc” được thực hiện tốt; nhờ đó, đã phát huy cao nhất khả năng chiến đấu của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh không quân địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, liên tục cả đêm lẫn ngày.

Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch phòng không 1972 còn được thể hiện ở việc xác định đúng cách đánh (với đối tượng tác chiến chủ yếu là B-52), đúng khu vực tác chiến chủ yếu (địa bàn Hà Nội), tiến hành các trận đánh then chốt, then chốt quyết định với lực lượng nòng cốt của chiến dịch là Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó Bộ đội Tên lửa là lực lượng chủ công diệt B-52. Đồng thời, thực hiện kết hợp chặt chẽ hai phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, đó là: đánh địch rộng khắp của lực lượng phòng không các địa phương, của dân quân tự vệ, với đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng của lực lượng Quân chủng Phòng Không – Không quân.

Để vận dụng bài học trên vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay một cách thiết thực, hiệu quả, điều quan trọng trước hết là phải tiếp tục quán triệt, thấu suốt đường lối, quan điểm Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng. Trên cơ sở đó, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện, cần nhận thức rõ: cả ba thành phần lực lượng đều quan trọng; trong đó, mỗi lực lượng có vai trò, vị trí riêng, vì thế không được xem nhẹ bất cứ lực lượng nào. Trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định. Chú trọng xây dựng cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; đảm bảo cho quân đội nhân dân xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.