Nữ sinh lớp 9 đạt giải toàn quốc cuộc thi giới thiệu sách về Bác Hồ

1331

Vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức cuộc thi  giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ – niềm tin yêu qua từng trang sách”. Với tác phẩm dự thi giới thiệu về cuốn sách “Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì”, em Lê Ngọc Minh Châu – học sinh lớp 9/1 trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang cùng 20 thí sinh khác đã xuất sắc vượt qua hơn 2.300 bài thi được gửi từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để giành các giải thưởng cao từ Ban Tổ chức cuộc thi.

em Lê Ngọc Minh Châu – thí sinh tỉnh Khánh Hòa đạt giải thưởng toàn quốc cuộc thi giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Trái tim của Bác, tình yêu của Bác, cuộc đời của Bác đã dành trọn cho nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tình yêu ấy chính  là nguồn cảm hứng, là đề tài bất tận cho các nhà văn, nhà thơ, người chiến sĩ  viết nên muôn  vạn câu chuyện được thể hiện trên hàng ngàn trang sách.

Mỗi câu chuyện, mỗi trang sách về Bác là những bài học đắt giá cho bao thế hệ noi theo. Và tôi đã may mắn đọc được cuốn: “ Học chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì” của tác giả Phạm Văn Đồng do nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật phát hành năm 2020 và tái bản lần thứ 9.

Thật sự để tìm một cuốn sách viết về Bác của nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ở Nha Trang rất khó. Nhân dịp bố tôi đi công tác Hà Nội đã mua và tặng cho con gái nhỏ món quà này.

Đập vào mắt người đọc đầu tiên là bìa cuốn sách trang trí màu xanh nhạt dịu nhẹ, nổi bật lên là dòng chữ đỏ “ Học chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì”

Sách được thiết kế theo khổ 10* 14,5 cm, nhỏ gọn. Đi đâu tôi cũng có thể đem theo bên mình, giá thành thì rất rẻ chỉ 38.000 đồng bạn nhỏ nào cũng có thể mua được .

Cuốn sách này tôi đọc rất nhiều lần, mỗi lần đọc là một bài học cho bản thân tôi được tích lũy.

Về nội dung thì quá tuyệt vời! Có lẽ Phạm Văn Đồng người cộng sự, người học trò gần gũi nhất với Bác nên mỗi câu chuyện, mỗi nội dung ông viết rất chân thật tưởng chừng như chúng ta đang nghe  lời dạy dỗ trực tiếp từ Bác .

Cuốn sách được chia gồm tám nội dung, giúp cho người đọc dễ hình dung ra cấu  trúc và kiến thức cần đọc.

 

Vậy học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học những gì?

1.Hồ chủ tịch, hình ảnh của dân tộc

“Bình sinh Hồ chủ tịch là người rất giản dị, lão thực” – trích Bình Sinh

Quả thật đúng như vậy, với hai từ “giản dị, lão thực”, Bác giản dị trong bữa ăn hàng ngày, bữa cơm của Bác chỉ có vài ba món giản đơn, khi ăn Bác không để rơi vãi, ăn xong cái bát bao giờ cũng sạch, thức ăn còn lại được Bác cất gọn ngăn nắp. Bình sinh –  Người thích hương vị quê hương với món dưa cà, dưa chua tương ớt. Là một vị chủ tịch của dân tộc, là người đứng đầu một nước  nhưng những món sơn hào hải vị dường như không có trong thực đơn hàng ngày của Bác, Bác biết dân ta còn nghèo, còn khổ nên Bác chịu cùng cái khổ, cái nghèo với dân. Có những lúc thiếu gạo, hay khí hậu nặng, cần ăn ít một chút, Người cũng vui vẻ chịu đựng. Đọc đến đây, tôi cảm thấy nghẹn ngào và cảm phục Bác vô cùng! Có lẽ, nghe cũng nhiều câu chuyện, nghe nhiều bài học về Bác nhưng giờ tôi được đọc từng lời từng chữ của bác Phạm Văn Đồng tôi lại càng yêu kính Bác hơn nữa.

Không chỉ giản dị trong bữa ăn, việc di chuyển của Bác chủ yếu là đi bộ, có ngày Bác đi 50 cây số đi hết ngày này qua ngày nọ. Nơi ở của Bác cũng vậy, có lần Bác ở trong cái hang chật hẹp, ẩm thấp, ban đêm sâu bọ ở ngoài tràn vào. Sự giản dị của Bác trên mọi khía cạnh đều làm cho quần chúng , chiến sĩ nể phục.

Đặc biệt, lúc ở Biarit, kiều bào đến thăm người vì không đủ ghế Bác đã ngồi xuống sàn và mời mọi người ngồi trên ghế để nói chuyện. Đọc đến đây, tôi muốn thốt lên rằng: Đây không phải là vị chủ tịch của một nước mà là vị Cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam! Ôi! Sao trên đời này, có một con người giản dị và lão thực đến vậy nhỉ? Học Hồ Chủ tịch ta học những gì?

Học trung với nước, hiếu với dân, làm cho đất nước độc lập,phú cường để dân được tự do và hạnh phúc.Ngày nay nước là dân, dân là nước. Học cách hy sinh tận tụy với nước.

Học đoàn kết toàn dân tộc có nghĩa đánh đổ cá nhân chủ nghĩa , bản vị chủ nghĩa. Gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta, nhưng vẫn giữ gìn tất cả cái gì là đặc sắc của chúng ta, vì đó là của quý của dân tộc.

Học phấn đấu: chủ tịch dạy cho chúng ta luôn luôn có một tinh thần vững chắc , một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu. Bác nói: “ Không có cái gì dễ cũng không có cái gì khó. Nghĩa là dễ đến đâu đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi.

Học phương pháp khoa học của Bác là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế.

Học cần , kiệm, liêm, chính :chữ cần, chữ kiệm dân ta phải học vì đất nước ta còn nghèo. Chữ liêm, chữ chính là hai công đức làm nền tảng cho đời sống cộng đồng của chúng ta.Học Bác  là học trung với nước,hiếu với dân, học đoàn kết , học phấn đấu, học đi đôi với hành.

Học Bác thực ra không khó các bạn ạ! Bác dạy chúng ta những cái có sẵn trong tâm hồn, trong trí óc. Chủ yếu chúng ta biết vận dụng vốn sẵn có như thế nào trong thực tiễn của cuộc sống.

2. Học tập quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch

Quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch là gì?Đó là điều cốt yếu hơn hết của sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, thành công của Cách mạng Việt Nam là nhờ Bác đã đoàn kết nhân dân Việt Nam, đông đảo quần chúng lao khổ Việt Nam và dìu dắt họ chiến đấu anh dũng. Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là do nhân dân Việt Nam lập nên. Tóm lại, chế độ nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một chế độ dân chủ nhân dân.

 

3. Hồ Chủ tịch, lãnh tụ của chúng ta

Hồ Chủ tịch vừa là lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao độngViệt Nam, vừa là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam; Hồ chủ tịch lại là những lãnh tụ của phong trào dân chủ và hòa bình thế giới. Biết ơn Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ , đã vượt qua biết bao gian khổ  và đã thu biết bao thắng lợi . Dân tộc Việt Nam ta tin tưởng Hồ Chủ tịch , vì con đường của Người là con đường độc lập, tự do, hạnh phúc. Vậy điều chúng ta học tập Hồ Chủ tịch là đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân,lập trường chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Noi gương chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta yêu quý đất nước Việt Nam bao nhiêu thì yêu quý nhân dân các nước bấy nhiêu.Vậy chúng ta phải làm gì để xứng đáng với Hồ Chủ tịch? Trao dồi tư tưởng cách mạng của chúng ta , tẩy trừ tư tưởng tiểu tư sản. Ra sức học tập để nâng cao trình độ của chúng ta , học tập để tiến bộ, đế thắng lợi xứng đáng với danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.

 

4. Những đạo đức cao thượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi nhiệt tình cách mạng, ý chí cách mạng, thắng không kiêu, bại không nản, một lòng kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ lâu dài cho đến thắng lợi cuối cùng. Một phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch tuyệt đẹp của Bác. Sự giản dị, thái độ ung dung, thư thái , bình thản vào lúc nguy nan nhất là đức tính quý của Bác mà chúng ta cần học tập và noi gương .Lòng tin vào nhân dân của Bác là một trong yếu tố thành công rực rỡ cho cách mạng Việt Nam ta. Chủ tịch là vị lãnh tụ cách mạng, càng vĩ đại càng giản dị.

Tác giả tham gia hoạt động bảo vệ môi trường qua tái chế rác thải nhựa

 

5. Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại

Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông và rất coi trọng việc làm thiết thực. Học tập Bác đảng viên ra sức rèn luyện ý chí đấu tranh cách mạng, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực tổ chức và quản lí , tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể  của nhân dân, vươn lên xứng đáng là người lãnh đạo,người đầy tớ thật trung thành của dân.

 

6. Hồ Chí Minh – nhà đạo đức

Vì sao Hồ Chí Minh coi trọng đạo đức như vậy?Vì con người cần đạo đức , cách mạng cần đạo đức, rất cần đạo đức. Hồ Chí Minh là nhà triết học hành động, nói đi đôi với làm, gắn lí luận với thực tiễn, gắn đạo đức với cuộc sống. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cộng sản chủ nghĩa nhưng rất Việt Nam cả về nội dung và hình thức. Đó là sự kết hợp sáng tạo nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác- Lê nin với truyền thống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc văn hiến, coi trọng phẩm chất con người và những giá trị tinh thần  trong đời sống xã hội.

Từ xưa, đạo đức cổ truyền của dân tộc ta khuyên dạy người đời ăn ở có tình, có nghĩa, có đức, có nhân, biết trung, biết hiếu…Hồ Chủ tịch đã đưa đạo đức của ông bà ta vào đạo đức cách mạng. Cốt lõi đạo đức cách mạng là chí công, vô tư có chí công , vô tư mới làm được những việc có ích cho dân, cho nước. Chính vì vậy, Người cực kì phê phán chủ nghĩa cá nhân.

Hồ Chí Minh vừa là nhà đạo đức học vừa là một biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng.Người là hình ảnh sống của một lãnh tụ của nhân dân,được nhân dân tin yêu coi như ngọn cờ của toàn dân tộc, nhưng rất gần nhân dân, không tự cho phép mình đứng trên nhân dân và đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ nào có tính chất đặc quyền, đặclợi. Bác thật sự không có ham muốn nào khác ngoài ham muốn suốt đời hết lòng, hết sức làm người đày tớ trung thành , tận tụy của nhân dân.Hiện nay, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính thời sự của những lời dạy và tấm gương về đạo đức cách mạng của Bác.

 

7. Hồ Chí Minh con người của mọi con người

Có thể nói, Hồ Chí Minh luôn luôn ở giữa quần chúng nhân dân . Trong bất kì hoàn cảnh nào, Bác cũng tìm mọi cách tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân,tiếp xúc nhiều lần, ở nhiều nơi, với nông dân, với công nhân, với nhân sĩ, tri thức với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo , với thanh niên, thiếu niên , nhi đồng, với các chiến sĩ lực lượng vũ trang.Tiếp xúc với bất kì ai Bác luôn có cử chỉ, lời nói làm cho người đối thoại với mình hòa ngay vào không khí cởi mở, thoải mái.Với Bác đoàn kết dân tộc, không phân biệt đẳng cấp, đảng phái, đoàn kết toàn dân, toàn quốc là những chính sách hàng đầu.

Bác gần gũi, quan tâm tất thảy mọi người. Bác đi thăm từng nơi ăn chốn ở,khu vệ sinh  hỏi han về của sống của đồng bào. Đối với thiếu nhi, Bác là ông tiên với bộ râu tóc bạc phơ ngồi giữa đàn em nhỏ vỗ tay và hát theo nhịp.

Đối với đồng bào miền Nam, Bác luôn dành một tình cảm đặc biệt là nỗi thương nhớ vô hạn. Bên cạnh đó, ta có thể thấy được sự tuyệt diệu trong việc cải tạo con người của Bác, đối với những kẻ phạm tội kể cả tội với tổ quốc, với nhân dân Bác vẫn khoan dung, độ lượng.

Là người luôn bộn bề với việc nước việc dân, nhưng tình yêu thiên nhiên vẫn luôn ngự trị trong trái tim của Bác. Phong trào tết trồng cây được Bác phát động đến nay vẫn được Đảng và nhà nước ta duy trì hằng năm vào dịp tết đến, xuân về.

 

8. Bác Hồ viết di chúc

Bác đã ra đi nhưng di chúc Bác là lời căn dặn nhắc nhở con cháu muôn đời. Bác nhắc Đảng viên chú ý sự đoàn kết là điều quan trọng trong Đảng và dân ta. Mỗi Đảng viên cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đặc biệt, đoàn viên và thanh niên phải hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Điều mong muốn cuối cùng của Bác: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình , thống nhất , độc lập dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Cả cuộc đời của người, ngay cả lúc cuối đời cũng dành trọn cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam.

Tác giả tham gia hoạt động trải nghiệm khám phá khoa học và giúp đỡ các bạn học sinh nghèo

 

Yêu Bác, sự kính yêu vô hạn! Đọc từng câu từng từ về Bác là bài học cho tôi noi theo:

Tôi học cách sống giản dị, chân thực của Bác qua các bữa ăn, cách ăn mặc và cả trong học tập. Ăn uống giản dị đủ chất, không cầu kì. Trong cách mặc tôi thiết nghĩ mọi người mặc đơn giản phù hợp với lứa tuổi, phù hợp không gian và mục đích sử dụng. Không nên đua đòi a dua cùng bạn bè, chạy theo mốt thời trang.

Học Bác, tôi rèn kĩ năng nói và viết cho bản thân: nói và viết  ngắn gọn ,dễ hiểu nhưng đầy đủ, xúc tích. Nhất là trong các bài luận tiếng Anh của tôi, trước đây tôi hay lan man viết  dài dòng. Học Bác tôi tìm hiểu thêm một số từ khó,từ “đắt” để bài viết ngắn gọn và dễ hiểu hơn.Cô giáo khen tôi tiến bộ trong cách dùng từ và câu.

Học Bác tôi sống hòa đồng cùng bạn bè, với mọi người xung quanh. Học Bác về sự bao dung , độ lượng và biết yêu thương giúp đỡ mọi người. Nếu trước khi tôi hay hờn dỗi, hay giận thì giờ đây tôi biết kiềm chế bản thân mình nhiều hơn. Biết suy nghĩ thấu đáo trong cách ứng xử và giao tiếp với mọi người.

Học Bác tôi biết sống hòa mình cùng với thiên nhiên, yêu cỏ cây hoa lá. Thay vì, ở trong phòng với máy điều hòa 24 giờ thì tôi đã thay đổi mỗi buổi sáng dậy sớm tập thể dục rèn luyện sức khỏe và lên sân thượng tưới cây cùng bố.

Và đặc biệt, học Bác về cách học đi đôi với  làm. Không chỉ nói xuông mà mỗi chúng ta phải vận dụng bài học trong cuộc sống, học Bác về sự kiên trì nhẫn nại, học cách phấn đấu trong học tập. Tôi rất tâm đắc câu nói của Bác: “ Không có cái gì dễ cũng không có cái gì khó. Nghĩa là dễ đến đâu đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi”. Đúng vậy, những bài tập khó nếu nản lòng sẽ không tìm ra đáp án, sự kiên trì nhẫn nại của bạn sẽ cho ra quả ngọt.

Cuốn sách “Học chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì”  cho ta thấy được trái tim bao la của Bác, tình yêu vĩ đại mà giản dị của Bác. Bác thật lớn lao mà gần gũi đến vô cùng . Đó là nhân cách, là đạo đức Hồ Chí Minh! “Bác ơi ! Tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông mọi kiếp người!” Chúng con đời đời nhớ ơn Bác ! Nhớ lời Bác dặn trước lúc đi xa.

 

Tác giả Lê Ngọc Minh Châu