Di tích Quốc gia Hòn Chồng – Hòn Đỏ

1623

Danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ nằm bên bờ vịnh Nha Trang, thuộc hai phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang. Danh thắng gồm: Hòn Chồng, Hòn Đỏ và Hội quán vịnh Nha Trang. Năm 1998, danh thắng được xếp hạng Di tích Quốc gia.

 

 Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang,
Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà.
Muốn trông trời biển bao la,
Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, phần đất của tỉnh Khánh Hòa ngày nay thuộc rìa phía Đông Nam của khối nền cổ Kon Tum (còn gọi là đới Đà Lạt), nổi lên khỏi mặt biển từ đại Cổ sinh. Khối nền cổ Kon Tum nằm ở rìa Đông Nam của khối nền cổ lớn hơn, đó là khối Inđôxini, lan sang Lào và Campuchia. Vào thời tiền Cambri thuộc thời kỳ đại Cổ sinh cách đây khoảng 570 triệu năm, khối nền cổ Inđôxini đã nhô lên khỏi mặt biển. Trong nền cổ này có địa khối Kon Tum ngày nay là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chu kỳ uốn nếp Calêđôni xảy ra ở kỷ Silua, đầu Đêvôn.

Cho đến cuối đại Trung sinh, cấu trúc địa hình cơ bản trong phần đất của tỉnh Khánh Hòa ngày nay đã được hình thành. Vào cuối Đại Tân sinh có chu kỳ tạo sơn Hymalaya tuy mạnh nhưng chỉ ảnh hưởng nhẹ đến địa hình của phần đất tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Do bề mặt địa hình đã được củng cố vững chắc nhờ cấu trúc Hecxini ở đại Cổ sinh. Tuy vậy, ảnh hưởng của sóng kiến tạo đã gây ra những biến động nhất định, góp phần làm cho địa hình trẻ lại. Các pha uốn nếp Hymalaya đã làm cho toàn bộ bờ núi Trường Sơn đứt gãy ở nhiều nơi.

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở đoạn cuối của gờ núi nam Trường Sơn, nên cấu trúc địa hình của tỉnh chủ yếu là dạng địa hình miền núi, bán sơn địa. Núi bao bọc ba phía tạo thành một vòng cung lớn, lồi về phía Tây, lõm về phía Đông. Địa hình được cấu tạo chủ yếu bằng đá mắcma, axit: granit, riôlit, đaxit. Ngoài ra, còn có các loại đá biến chất, đá trầm tích, sa diệp thạch.

1.Hòn Chồng – Hòn Vợ

Danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ hình thành do sự kiến tạo của tự nhiên. Đó là những khối đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau thành nhiều tầng nhiều lớp trải dài từ chân đồi La San ra biển Đông tạo thành bố cục khá ấn tượng trong cảnh sắc thiên nhiên vịnh Nha Trang. Ở đó tạo nên những hình tượng kỳ thú và những bãi tắm tự nhiên đẹp và kín gió.

Nhóm đá phía Bắc gọi là Hòn Chồng và nhóm đá nhỏ, thấp hơn ở phía Nam gọi là Hòn Vợ. Tạo hóa khéo sắp đặt bãi đá lô nhô thành những hình tượng kỳ thú như “Cổng trời”, “Cánh tay bám đá”, “Nụ hôn của biển”, “Tiên ông” … đã hình thành nên những truyền thuyết dân gian lôi cuốn, hấp dẫn và đậm chất nhân văn.

 

 

Truyền thuyết về “Vợ chồng ngư phủ”: có một đôi vợ chồng ngư dân rất nghèo sống bằng nghề chài lưới ven biển. Hai vợ chồng thường ra khơi đánh bắt tôm cá nuôi sống gia đình. Một hôm sóng to gió lớn đánh dạt thuyền họ vào đây. Những khối đá lớn cùng sóng to nhấn chìm con thuyền nhỏ. Sóng đánh thuyền vỡ tan tành và cuốn người vợ ra xa, người chồng lao theo cứu vợ. Song mỗi lần kéo vợ gần vào đến bờ, những con sóng lớn dập vào đá lại đẩy hai vợ chồng ra xa. Người chồng cố cứu vợ, một tay bám vách đá, một tay níu giữ người vợ yêu dấu. Nhưng sóng lớn ào ạt dữ dội đã nhấn chìm đôi vợ chồng ngư dân và họ đã chết bên nhau. Ngày nay, tại danh thắng Hòn Chồng vẫn còn tảng đá lớn in hằn bàn tay năm ngón của người chồng, minh chứng cho tình nghĩa vợ chồng mặn nồng, sâu sắc và thủy chung.

Truyền thuyết về chàng khổng lồ ngao du sơn thủy: thuở xa xưa ở trần gian đầy hoa thơm cỏ lạ, phong cảnh kì vĩ và nên thơ, cho nên các vị tiên thường xuống trần ngao du. Các tiên ông đánh cờ, các tiên nữ vui đùa thỏa thích, các chàng khổng lồ dạo chơi ngắm cảnh… Mỗi dịp giáng trần, các tiên nữ lại tha hồ đùa vui thỏa thích, trút bỏ xiêm y ngâm mình trong những suối nước mát hay phơi mình bên bờ biển xanh sóng vỗ rì rào… Một hôm có một chàng khổng lồ đang đi tìm cảnh đẹp thú vui, điểm lạ, vô tình chàng nhìn thấy các tiên nữ đang ngâm mình bên làn nước biển trong xanh. Mải mê ngắm nhìn, chàng bước sẩy chân suýt ngã. Trong khi chới với, chàng khổng lồ bám tay vào tảng đá, làm cho đá núi lở, rơi vương vãi khắp nơi, một hòn đá có dấu tay chàng lăn ra nằm lại Hòn Chồng, còn hòn đá có dấu chân chàng nằm lại suối Tiên (Diên Khánh). Ngày nay, hòn đá in dấu tay vẫn còn và trở thành minh chứng của tự nhiên về chàng khổng lồ ngẩn ngơ si tình ngắm các tiên nữ. Còn bãi tắm nơi các tiên nữ từng tắm được dân gian gọi là bãi tắm cô Tiên cách Hòn Chồng không xa.

 

Cách Hòn Chồng khoảng 100m về phía Nam là Hòn Vợ,  nhỏ nhắn và nằm ở vị trí kín đáo hơn. Trông từ xa Hòn Vợ như hình ảnh người vợ thủy chung ôm con ngồi hóa đá mòn mỏi chờ chồng ra khơi chưa trở về. Cũng có người hình dung đó là cảnh âu yếm của người vợ thủy chung. Từ Hòn Vợ nhìn sang Hòn Chồng trông giống như chú gà con mới nở mũm mĩm đang nằm nghỉ, đầu hướng về đất liền.

2.Hòn Đỏ và cảnh quan xung quanh

Cách Hòn Chồng khoảng 300m về phía Đông Nam là Hòn Đỏ. Tên gọi Hòn Đỏ bắt nguồn từ hiện tượng có những phiến đá ánh lên sắc đỏ mỗi khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống đây. Trên Hòn đảo nhỏ vẫn còn lưu giữ những cảnh sắc thiên nhiên còn nguyên sơ, thơ mộng. Đó là những sắc đỏ của những cảnh hoa ti gôn, sắc trắng của hoa sứ bên những vách đá lớn. Trong tương lai đây sẽ là điểm đến hấp dẫn quý khách khi đến Nha Trang, được dạo chơi trên hòn đảo nhỏ chỉ cách đất liền vài trăm mét.

 

 

Đứng ở Hòn Chồng – Hòn Đỏ ngắm núi Cô Tiên nằm ở phía Bắc, bên bờ vịnh Nha Trang là một điều lí thú khi quý khách đến với Nha Tang – Khánh Hòa. Lúc hoàng hôn và khi chiều tà ánh nắng vàng rực ôm lấy ngọn núi Cô Tiên càng làm cho ngọn núi thêm phần rực rỡ, lôi cuốn. Không cần tưởng tượng nhiều quý khách cũng có thể nhìn ngắm hình ảnh cô gái trẻ tràn đầy sức sống đang nằm bên vịnh Nha Trang. Mái tóc suôn dài ra tận biển, khuôn mặt bầu bĩnh, khuôn ngực thanh xuân căng đầy và vòng eo nhỏ nghiêng mình bên bờ biển.

Xa xa phía trước Hòn Chồng là Hòn Rùa và đảo Yến như tiền tiêu và điểm nhấn cho du khách ngắm vịnh Nha Trang. Chếch về phía Đông Nam là đảo Hòn Tre như bức tường giữ cho vịnh Nha Trang luôn lặng sóng êm đềm. Trên đảo là khu du lịch Vinpearl land – Hòn ngọc Việt

3.Hội quán vịnh Nha Trang

Năm 2005, nhân dịp Nha Trang tổ chức Hội nghị chuyên đề của CLB các vịnh biển đẹp nhất thế giới, tỉnh Khánh Hòa xây dựng Hội quán vịnh Nha Trang để chào mừng sự kiện trên. Danh thắng Hòn Chồng đã được chọn là địa điểm xây dựng hội quán. Từ tháng 12/2004 đến 3/2005 Hội quán được xây dựng, lắp ghép từ 15 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống của Huế, còn gọi là nhà Rường.

Hội quán vịnh Nha Trang được xây dựng theo hướng từ đường ra biển, tuần tự: cổng Tam quan, sân trước nối nhà chính và hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu bao quanh hòn giả sơn.

 

Cổng Tam quan: làm bằng khung gỗ, mái lợp ngói, phía trên gắn biểu tượng “Di sản văn hóa thế giới”, với hình ảnh vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho di sản văn hóa thiên nhiên, ôm lấy hình thoi bên trong tạo thành hình khép kín là biểu tưởng di sản do con người tạo nên. Biểu tượng mang ý nghĩa những gì con người tạo ra cũng nằm trong tự nhiên, được tự nhiên bao bọc và có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Nhà rường vốn là nhà gỗ, mái lợp ngói liệt, bên trong có rường gỗ phía trên xà nhà. Điểm đặc biệt của nhà rường với bộ khung gỗ chịu lực không chôn xuống nền móng mà nằm hẳn lên trên bề mặt.

Vốn các ngôi nhà cổ thấp để tránh bị gió lùa làm tốc mái về mùa mưa bão, vì miền Trung là vùng đất chịu nhiều thiên tai bão lũ hàng năm. Khi xây dựng thành Hội quán, mỗi cây cột được nối thêm khoảng 0,6m và giảm bớt một số cột để tạo cho ngôi nhà có sự cao ráo, thông thoáng, phù hợp với những cuộc hội thảo, hội nghị.

Hoa văn trang trí: nghệ thuật chạm khắc nhà rường Huế đi vào những hình nét tế nhị của cuốn thư, hoa cúc, mặt nguyệt, trái bầu… ở trên các cánh cửa, đầu dư để làm mềm những nét thô cứng, mộc mạc của những bộ khung gỗ, vì kèo.

Gian nhà chính trưng bày một số hình ảnh đẹp về vịnh Nha Trang và một số vịnh đẹp thế giới. Bên cạnh đó là những nhạc cụ dân tộc đặc sắc của các dân tộc Việt Nam như: đàn T’rưng, đàn K’lông pút, đàn đá Khánh Sơn, đàn bầu…

Hai gian nhà tả vu và hữu vu trưng bày một số tác phẩm mỹ nghệ do các nghệ nhân của Nha Trang – Khánh Hòa tạo nên, đó là những bức tranh cát làm từ cát tự nhiên, những bức tranh đá quý, trầm hương… Những tác phẩm nghệ thuật về các cảnh đẹp của Nha Trang – Khánh Hòa… Bên cạnh có trưng bày triển lãm giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật về nhiếp ảnh, hội họa.. của các tác giả giới thiệu những di tích, danh thắng tiêu biểu của Khánh Hòa. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, con người Nha Trang – Khánh Hòa và đất nước Việt Nam đến bạn bè mọi miền và khắp năm châu. Đó là những con người giàu lòng mến khách, yêu hòa bình, tài hoa và đầy lòng sáng tạo.

 

Nguồn: http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4563/HON-CHONG-%E2%80%93-HON-DO